Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 24/6/2023, gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại TPHCM. Trong số các cơ chế, chính sách mới có xác định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
Bản chất của TOD là việc thiết kế bố trí phát triển đô thị dựa theo định hướng giao thông công cộng của Thành phố. Mô hình này đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như một một giải pháp căn cơ, dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển hạ tầng,…
Đó có thể là định hướng phát triển đô thị theo các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm và các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt, xe điện và xe lửa một ray,… như trường hợp phát triển đô thị tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nơi có mật độ dân số cao nhất Nhật Bản, gần 6.000 người/km2 (nếu tính cả những người sống ở các tỉnh lân cận, nhưng làm việc ở Tokyo thì mật độ dân số nơi đây còn cao hơn rất nhiều); đó cũng có thể là phát triển đô thị theo các tuyến đường xe buýt chay trên làn riêng kết nối với phương tiện tàu điện ngầm, tạo ra một hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, ưu việt ở Seoul (Hàn Quốc); đó cũng có thể là việc tập trung tăng trưởng đô thị dọc theo những trục chiến lược, nơi mà chính quyền thành phố khuyến khích đầu tư vào các khu nhà ở và thương mại cao tầng được quy hoạch phát triển theo hệ thống xe buýt vốn có chi phí vừa phải, nhưng lại mang tính đột phá, thay vì xây dựng những tuyến tàu điện ngầm tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện tại Curitiba (Brasil),….
Tùy theo mục tiêu và định hướng phát triển giao thông công cộng tại Thành phố mà có các quy hoạch phát triển đô thị phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Theo bà Ayako Kubo, đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIKA), với đường sắt đô thị, TOD có thể phát triển theo các mô hình dọc tuyến và theo mô hình đô thị. Cụ thể, phát triển TOD theo mô hình dọc tuyến là phát triển dọc cùng tuyến với hệ thống đường sắt, bảo đảm khả năng di chuyển của người dân sinh sống dọc theo tuyến đường, hạn chế sự tập trung quá mức ở trung tâm thành phố. Còn với TOD theo mô hình đô thị, yêu cầu là tận dụng được tối đa đất và không gian tại các nhà ga đầu mối để phát triển đô thị, nâng cao giá trị của các khu vực quanh nhà ga. Hiệu quả của phát triển hình thức này là có thể sử dụng giao thông công cộng với giá thấp, người dân di chuyển thuận lợi, dễ dàng; các chức năng đô thị được tích hợp gọn nhẹ, nâng cao tính tiện ích cho người dân, tạo nên sự sầm uất. Bên cạnh đó, có thể tạo ra các tuyến đường thuận tiện cho đi bộ, cải thiện sức khỏe cho người dân; giảm lượng xe cơ giới, giảm tắc nghẽn giao thông, tạo ra một thành phố mà mọi người có thể chủ động đi lại, tạo nên sức sống cho thành phố..
Có thể thấy, mô hình TOD hứa hẹn sẽ góp phần tích cực, đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của Thành phố, nhất là trong bối cảnh tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) sẽ đi vào khai thác cuối năm nay; tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) đã hoàn thành 87% khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa tiến hành tổ chức khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án, làm tiền đề chuẩn bị mặt bằng sạch bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025. Hy vọng mô hình phát triển không gian đô thị, giao thông đô thị và kinh tế đô thị một cách toàn diện này sẽ sớm chứng minh được giá trị thực tiễn, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển “Giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị, taxi): Đến năm 2030, thị phần đảm nhận từ 35-45%, sau năm 2030 từ 50-60%” đã được chỉ ra tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 và đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố.
BBT