Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp cục bộ hoặc kết hợp nhiều liệu pháp… là các phương pháp điều trị ung thư chủ yếu hiện nay. Để giảm thiểu việc sử dụng các hợp chất hóa học có độc tính cao trong điều trị ung thư, nhiều sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên đã được nghiên cứu, ứng dụng trong hỗ trợ, điều trị bệnh ung thư trên thế giới.
Khả năng hỗ trợ, điều trị ung thư từ thực vật
Theo ước tính của World Cancer Research Fund International, năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 18,1 triệu ca ung thư, trong đó, nam giới chiếm 9,3 triệu ca và 8,8 triệu ca là nữ. Thông tin từ WHO cho biết, các trường hợp ung thư phổ biến nhất vào năm 2020 là ung thư vú (2,26 triệu ca), phổi (2,21 triệu ca), đại trực tràng (1,93 triệu ca), tuyến tiền liệt (1,41 triệu ca), da (1,2 triệu ca) và dạ dày (1,09 triệu ca). Các trường hợp ung thư gây tử vong phổ biến nhất là: phổi (1,8 triệu ca), đại trực tràng (0,916 triệu ca), gan (0,83 triệu ca), dạ dày (0,769 triệu ca) và vú (0,685 triệu ca).
Nghiên cứu của GS. Arnold L. Demain “Natural products for cancer chemotherapy” (Các chế phẩm tự nhiên cho hóa trị ung thư) vào năm 2011 cho thấy, trong số 140 chất chống ung thư được cấp phép sử dụng từ năm 1940, hơn 60% có nguồn gốc từ sản phẩm tự nhiên.
Một số chất chống ung thư có nguồn gốc thực vật khá thông dụng hiện nay trên thị trường có thể kể đến như: alkaloid vinca (vinblastine, vincristine và vindesine) chiết xuất từ Catharanthus roseus (cây dừa cạn) ứng dụng điều trị ung thư vú; epipodophyllotoxin (etoposide và teniposide) được sử dụng để điều trị ung thư phế quản, ung thư tinh hoàn và u lympho có nguồn gốc từ cây Podophyllum peltatum; taxan (paclitaxel và docetaxel) được dùng trong điều trị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt có chiết xuất từ cây thủy tùng châu Âu. Dẫn xuất camptothecin (camptotecin và irinotecan) được sử dụng trong điều trị u nguyên bào thần kinh và ung thư tuyến tụy di căn được chiết xuất từ vỏ và thân cây Camptotheca acuminata (cây hạnh phúc). Một số giống thực vật khác cũng được xác định có chứa các hợp chất chống ung thư như cây Tinospora cordifolia (dây thần thông), Ziziphus nummularia (cây táo tàu hoang dã), Andrographis paniculata (cây xuyên tâm liên), Centella asiatica (cây rau má), Curcuma longa (cây nghệ), Phyllanthus amarus (cây diệp hạ châu đắng), Annona atemoya Mabb./Annona muricata (na/mãng cầu xiêm),…
Một số giống thực vật có chứa hoạt chất chống ung thư được sử dụng trên thế giới có tại Việt Nam
Sử dụng các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên điều trị ung thư tại Việt Nam
Trong bối cảnh số lượng lớn ca ung thư mắc mới hàng năm và tình trạng thiếu thuốc điều trị hiện nay, việc nghiên cứu và sử dụng các hợp chất chống ung thư từ thực vật là rất cần thiết. Với khí hậu ôn hòa, thích hợp cho nhiều giống thực vật phát triển và nguồn dự trữ sinh học phong phú, đa dạng chủng thực vật và dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm để điều trị ung thư. Tính tới nay, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất được nhiều hợp chất chống ung thư từ các giống thực vật, dược liệu quen thuộc như cây dừa cạn, đậu nành, cam thảo nam, xạ đen, trà xanh, cây bìm bịp, rễ cây ngải trắng, tam thất,… Một số hợp chất chống ung thư như paclitaxel, alkaloid,… đã được nghiên cứu thành công, có khả năng ứng dụng vào thực tế và sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất.
Chiết xuất Paclitaxel có nguồn lipid đậu nành điều trị ung thư vú
Năm 2018, TS. Nguyễn Đại Hải (Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng), chủ nhiệm đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu bào chế thuốc tiêm đông khô liposome paclitaxel từ nguồn lipid đậu nành” đã bào chế thành công thuốc tiêm đông khô liposome paclitaxel từ nguồn lipid đậu nành. Nghiên cứu cũng hoàn thiện quy trình tổng hợp liposome dựa trên công nghệ nano. Sản phẩm liposome nang hóa paclitaxel ổn định lên đến 12 tháng khi bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC, và tuổi thọ của thuốc theo điều kiện lão hóa cấp tốc là 52 tháng. Sản phẩm đã được khảo sát, đánh giá độ an toàn trên động vật và đánh giá được tiềm năng trong điều trị khối u trên tế bào mang ung thư vú MCF-7 ở chuột. Với nguồn gốc từ đậu nành, sản phẩm rất phù hợp để phát triển sản xuất tại Việt Nam, góp phần giảm giá thành, chủ động được nguồn thuốc mà không phụ thuộc vào việc nhập khẩu.
Cây đậu nành được trồng rộng rãi trong nước
Chiết xuất alkaloid từ cây đu đủ điều trị ung thư da in vivo
TS. Vũ Hồng Sơn cùng các nhà khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu nhóm hoạt chất carpaine (thành phần chính của nhóm chất alkaloid trong lá đu đủ) có tác dụng diệt tế bào ung thư. Sau hai năm thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình chiết xuất alkaloid từ lá đu đủ Carica papaya L. làm nguyên liệu tạo chế phẩm hỗ trợ điều trị ung thư”, nhóm đã thành công trong việc xây dựng được quy trình chiết xuất, tinh sạch và thu nhận chế phẩm hỗn hợp alkaloid; phân lập, tinh chế và xác định cấu trúc của thành phần carpaine, pseudocarpaine và tiến hành thử nghiệm hoạt tính kháng ung thư in vivo, hoạt tính tăng cường khả năng miễn dịch, độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của hỗn hợp alkaloid. Kết quả nghiên cứu độ ổn định theo phương pháp lão hóa cấp tốc cho thấy, chế phẩm alkaloid chiết xuất từ lá đu đủ có thể ổn định chất lượng trong điều kiện bảo quản ở nhiệt độ thường trong 24 tháng. Với giá thành rẻ và có khả năng trồng trên diện rộng, lá đu đủ thích hợp sản xuất để sản xuất chất chống ung thư quy mô lớn tại trong nước.
Lá đu đủ chứa hợp chất Alkaloid
Chiết xuất một số hợp chất từ cam thảo nam điều trị ung thư cơ vân
Nhóm tác giả Trần Thị Phương Uyên (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) đã triển khai nghiên cứu chiết xuất hợp chất có khả năng kháng tế bào ung thư từ cam thảo nam được. Kết quả, đã phân lập thành công một số hợp chất như alkaloid N-methylbenzoxazolinon, hispidulin, Apigenin,… có tác dụng ức chế tăng sinh tế bào ung thư vú và tế bào cơ vân. Nghiên cứu này đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển các chế phẩm có khả năng phòng ngừa hoặc điều trị ung thư với giá thành thấp, giúp giảm gánh nặng về chi phí y tế, điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Cây cam thảo nam
Sản xuất các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư
Ngoài việc nghiên cứu chiết xuất các hợp chất dùng làm thuốc điều trị ung thư, tại Việt Nam nhiều sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư cũng được các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường từ cây chè xanh, xạ đen, tam thất, ngải trắng,…
Năm 2020, TS. Vũ Thị Nguyệt và nhóm thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm hỗ trợ phòng và điều trị ung thư từ cây Xạ đen (Ehretia asperula Zoll. & Mor)” đã xây dựng được quy trình sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe và chè hòa tan hỗ trợ phòng và điều trị ung thư từ cao định chuẩn xạ đen. Sản phẩm hỗ trợ phòng và điều trị ung từ xạ đen có tính thương mại cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng loạt. Hiện quy trình đã được chuyển giao và ứng dụng tại một số doanh nghiệp trong nước.
Cây xạ đen được trồng nhiều tại Hòa Bình
Cũng trong năm 2020, TS.BS. Huỳnh Thanh Tuấn và các cộng sự tại trường Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện “Nghiên cứu quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ thân rễ cây ngải trắng (Curcuma Aromatica)”. Nhóm đã xây dựng quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ ngải trắng dưới dạng viên nang; quy trình chiết xuất cao và tinh dầu ngải trắng,… Kết quả sau khi nghiệm thu sẽ được chuyển giao cho một số đơn vị tại tỉnh An Giang (Sở Y tế, Công ty Cổ phần Dược phẩm AGIMEXPHARM, Hội Đông y tỉnh An Giang và Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang), cũng như cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu để sử dụng và nhân rộng.
Gần đây, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ cây dược liệu tam thất dạng cao lỏng đường uống đã được TS. Lê Thị Hồng Vân và cộng sự ở Trung tâm Khoa học - Công nghệ Dược Sài Gòn nghiên cứu và chế xuất. Các đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của cao đặc tam thất, cao lỏng thành phẩm và độc tính cấp đường uống đã cho thấy cao chiết tam thất chế không thể hiện độc tính cấp đường uống khi thử nghiệm trên chuột nhắt. Chế phẩm được định hướng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư, với liều sử dụng khoảng 2-3 lần/ngày. Nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ đưa vào sản xuất thực nghiệm và thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân điều trị ung thư, tiến tới sản xuất trên quy mô lớn để sử dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư.
Sản phẩm cao lỏng Tam thất chế
Với những ưu điểm nổi bật về tính ôn hòa, ít độc hơn so với các loại thuốc có nguồn gốc từ hóa chất, các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư có nguồn gốc thực vật ngày càng được quan tâm nghiên cứu và sử dụng trong thực tiễn, theo hai nhóm chính: (1) Nhóm điều trị ung thư (chiết xuất các hợp chất chống ung thư và chế thành thuốc điều trị); (2) Nhóm hỗ trợ-thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ, ức chế sự phát triển của ung thư. Trong bối cảnh cả thế giới đang tăng cường khai thác, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để hỗ trợ, điều trị ung thư, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm điều trị ung thư có nguồn gốc thực vật. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất có triển vọng. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác và đưa vào sản xuất, phát triển ngành dược phẩm, dược liệu theo sát được trường quốc tế mang lại giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm Việt.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Cao lỏng Tam thất hỗ trợ điều trị ung thư. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/cao-long-tam-that-ho-tro-dieu-tri-ung-thu/
[2] Vũ Thị Nguyệt. Báo cáo kết quả tự đánh giá - xạ đen.pdf . https://most.gov.vn/Images/editor/files/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20k%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20t%E1%BB%B1%20%C4%91%C3%A1nh%20gi%C3%A1%20-%20x%E1%BA%A1%20%C4%91en.pdf
[3] Cancer. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cancer
[4] Avni G. Desai , Ghulam N. Qazi , Ramesh K. Ganju , Mahmoud El-Tamer , Jaswant Singh , Ajit K. Saxena , Yashbir S. Bedi , Subhash C. Taneja và Hari K. Bhat. Medicinal Plants and Cancer Chemoprevention. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4160808/
[5] CDSL của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM
[6] CDSL của Cục thông tin KH&CN Quốc gia https://sti.vista.gov.vn