Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống: người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, tạo ra các mối quan hệ trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân.
Tình hình xây dựng xã hội số ở nước ta hiện nay
Các đặc trưng cơ bản của xã hội số bao gồm: Công dân số, kết nối số và văn hóa số. Công dân số được đặc trưng bởi danh tính số (định danh), phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số. Đặc trưng của Kết nối số nằm ở khả năng kết nối mạng của người dân (người dân được phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng và người sử dụng Internet). Văn hóa số được đặc trưng ở mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mức độ sử dụng dịch vụ số trên mạng, mức độ sử dụng các dịch vụ y tế số, giáo dục số của người dân.
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Về phát triển xã hội số, đến năm 2025, phấn đầu 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được cho phép khác; hơn 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; hơn 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 80% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang; hơn 70% người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản; trên 50% dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trên 30% dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 80% các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở (với các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông, tỉ lệ này là 70%).
Theo báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của Việt Nam năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, từ 45-55%. Các nền tảng công nghệ như mạng xã hội, thương mại điện tử và thanh toán số có sự tăng trưởng so với năm 2021. Tính đến tháng 6 năm 2023, mục tiêu “Tỉ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử” đã vượt tỷ lệ do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặt ra cho năm 2023 (đạt 60%/30%). Một số mục tiêu khác gần đạt được yêu cầu năm, như tỉ lệ “Dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác” đạt 74,63%/75% (số liệu đến cuối năm 2020); tỉ lệ “Thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh” đạt 79,2%/80%; tỉ lệ “Hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng” đạt 76,93%/85%.
Tình hình thực hiện một số mục tiêu xã hội số sáu tháng đầu năm 2023
So sánh với cùng kỳ năm 2022, sáu tháng đầu năm 2023, số lượng thuê bao sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam tăng 8,7%; tỉ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 77,1%, tăng 5,7%. Đến tháng 6/2023, có khoảng 60 nền tảng/ứng dụng di động phục vụ người Việt có trên 1 triệu người dùng sử dụng bình quân hàng tháng, trong đó, xu hướng tiêu dùng dịch vụ số của người dân tập trung chủ yếu ở 2 nhóm thanh toán số và giải trí số.
Chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 (18/05/2023), nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số và khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng.
Về phát triển công dân số, theo Bộ Công an, hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức ngày 18/7/2022. Đến 22/12/2022 đã có 76,5 triệu căn cước công dân gắn chip hoạt động, 17 triệu tài khoản định danh điện tử được duyệt và hơn 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt.
Đăng ký Định danh điện tử thay thế các giấy tờ truyền thống
Chuyển đổi số trong giáo dục - xây dựng trường học thông minh được xem như nền tảng số đào tạo công dân số trong tương lai, với nhiều ứng dụng học tập phù hợp, giúp công dân trẻ tiếp xúc, sử dụng các nền tảng số và đào tạo các kỹ năng số cần thiết của công dân trong xã hội số (ví dụ như phần mềm vnEdu của Công ty VNPT cho phép hỗ trợ quản lý thông tin liên quan tới trường lớp, giáo viên, học sinh, quá trình học tập, thi cử, báo cáo thống kê theo yêu cầu của Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương,...), kiến tạo môi trường giảng dạy và học tập tiên tiến, hiện đại, hướng đến một nền giáo dục thông minh.
Nhằm kiến tạo văn hóa số phù hợp với các chuẩn mực văn hóa đạo đức của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (ngày 15/4/2020) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, hay cũng là của công dân số.
Xây dựng xã hội số tại TP.HCM
Để đảm bảo mạng băng thông rộng phục vụ cho thành phố, cuối năm 2022 TP.HCM đã hoàn thiện thiết kế mạng băng thông rộng dùng riêng, thực hiện kết nối giữa UBND Thành phố đến sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Trong đó, có gần 800 điểm đã kết nối vào hệ thống mạng phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp. Bên cạnh đó, Thành phố đặt mục tiêu đến 2025, 90% hộ dân sẽ có băng thông rộng, đi kèm với đó là người dân sẽ có điện thoại thông minh để kết nối Internet. Đây là mục tiêu cũng như chiến lược quan trọng của TP.HCM để đảm bảo việc phát triển đô thị thông minh, thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển xã hội số. Thành phố sẽ cung cấp các phương tiện, công cụ kết nối để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ thông minh trên Internet như dịch vụ công, các dịch vụ tiện ích và đặc biệt là các nội dung số,... một cách dễ dàng.
Thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030”, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng, Sở Y tế đã triển khai xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân Thành phố nhằm tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử. Hiện, Sở đã tạo lập được trên 5.000 hồ sơ. Dự kiến, đến năm 2025, mỗi người dân TP.HCM đều có hồ sơ sức khỏe điện tử. Ngoài ra, có 22/28 bệnh viện hạng 1 đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023, tăng thêm nhiều tiện ích cho người bệnh như: ứng dụng tra cứu nơi khám, chữa bệnh, ứng dụng “Y tế trực tuyến”, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám trực tuyến,… Khối lượng các đơn vị ngành y tế Thành phố đang quản lý là rất lớn (129 bệnh viện, 22 trung tâm y tế, 310 trạm y tế phường xã, thị trấn, 6.967 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân,...) nên vấn đề liên thông dữ liệu giữa các đơn vị này cũng là một yêu cầu rất quan trọng.
Vấn đề an ninh mạng vốn được xem là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt trong môi trường số hiện nay. Để đảm bảo an ninh trên môi trường mạng, Thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn TP.HCM, chú trọng việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng Thành phố. Đặc biệt, TP.HCM tập trung tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh, phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc TPHCM. Để đánh giá khả năng phòng ngừa xâm nhập và khả năng phát hiện kịp thời các điểm yếu về quy trình, công nghệ, con người; nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành về an toàn thông tin mạng cho Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng và các đơn vị trên địa bàn, “Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng 2023” cũng vừa được Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức trong thời gian từ 15-19/5/2023 vừa qua.
Tính đến cuối tháng 6 năm 2023, một số mục tiêu xã hội số như tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng… của TP.HCM đã gần đạt đến mục tiêu cơ bản về xã hội số đến năm 2025. Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2021, TP.HCM có tỉ lệ người trưởng thành dùng điện thoại thông minh đạt 75,7%, xếp thứ 3 sau Hải Phòng và Đà Nẵng. Mức tỉ lệ 80% người dùng điện thoại thông minh là hoàn toàn có thể đạt được trước năm 2025.
Về tỷ lệ người dân trưởng thành có chữ ký số, phát biểu tại Hội nghị “Phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn TP.HCM” ngày 5/6/2023, theo ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông), Thành phố đã cấp chữ ký số cho hơn 1.100 cơ quan Nhà nước và hơn 11.100 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ cho việc liên thông văn bản trong hệ thống thông tin thủ tục hành chính. Từ tháng 6/2023, TP.HCM bắt đầu triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân tại UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số, tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số vẫn còn khá thấp.
Đảm bảo văn hóa số theo quy định của pháp luật Việt Nam
Có thể thấy, việc xây dựng xã hội số tại TP.HCM và cả nước bước đầu đã có nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ví dụ như các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục và học tập, chăm sóc sức khỏe chưa được thúc đẩy mạnh, chưa có nền tảng số “Make in Vietnam” thống lĩnh thị trường; tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số vẫn còn khá thấp,… Để sự “hòa nhập” của cộng đồng vào tiến trình hình thành xã hội số ngày càng đậm nét hơn, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin, tuyên truyền để người dân biết – hiểu – và cùng tham gia ngày càng nhiều hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã hội số, hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố, cũng như cả nước.
Thư Nguyễn
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Hoạt động Xã hội số. https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn/xa-hoi-so
[2] TP.HCM cấp chứng thư số miễn phí cho toàn bộ người dân. https://neac.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/detail/tp.hcm-cap-chung-thu-so-mien-phi-cho-toan-bo-nguoi-dan-363.htm
[3] Lê Mỹ. Năm 2025, 90% hộ dân tại TP.HCM sẽ có băng thông rộng để kết nối Internet. https://vietnamnet.vn/nam-2025-90-ho-dan-tai-tp-hcm-se-co-bang-thong-rong-de-ket-noi-internet-2160237.html
[4] Minh Hà. TP.HCM tổ chức diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng 2023. https://vneconomy.vn/tp-hcm-to-chuc-dien-tap-thuc-chien-dam-bao-an-toan-thong-tin-mang-2023.htm
[5] Sơ kết triển khai Chuyển đổi số quốc gia 06 tháng đầu năm 2023. https://dti.gov.vn/Uploads/TaiLieuHoiThao/HoiThao_16/TaiLieu_72/4_BC%20PHIEN%20HOP%206%20UBQGCDS-End.pdf
[6] Hoàng Phong. Quyết tâm cao xây dựng công dân số (bài cuối). https://cand.com.vn/Cong-an/quyet-tam-cao-xay-dung-cong-dan-so-bai-cuoi--i690140/
[7] Minh Hiệp. TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023 từ dữ liệu số. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-day-manh-chuyen-doi-so-va-xay-dung-do-thi-thong-minh-nam-2023-tu-du-lieu-so-1491904287