Các hộ sản xuất nông nghiệp, nếu được chuyển giao mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, tích lũy đủ vốn và năng lực làm chủ công nghệ thì rất có triển vọng trở thành các đơn vị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, ước tính vào năm 2050, dân số toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân đang và sẽ là thách thức to lớn cho nhiều quốc gia đang phát triển. Để giải quyết nguy cơ này, cần chuyển đổi theo hướng ứng dụng các công nghệ thích hợp, không chỉ giảm sự phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, tăng sản lượng nông nghiệp mà còn tạo ra nông sản có chất lượng tốt hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, đồng thời, bảo tồn được nguồn tài nguyên đất và nước ngọt vốn có hạn.
Ở Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp còn khá hạn chế. Nông dân sản xuất nhỏ vẫn chiếm phần lớn trong các chủ thể sản xuất nông nghiệp, với các phương thức canh tác lạc hậu, thiếu bền vững và phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên như: thời tiết, thủy triều, thổ nhưỡng,… Nguyên nhân là ở nhiều nơi, người nông dân vẫn chưa được hỗ trợ đầy đủ về vốn, về cơ hội tiếp cận với công nghệ nông nghiệp (agritech), cũng như chưa được bồi dưỡng đầy đủ kiến thức, kĩ năng và thái độ để sẵn sàng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tại TP.HCM, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng tới nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững đã được Đảng bộ và chính quyền Thành phố xác định là xu hướng tất yếu, cấp thiết của ngành nông nghiệp và ưu tiên tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển. Thành phố đã hình thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học với những hoạt động bước đầu đạt hiệu quả cao. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện chiếm khoảng 48% giá trị trong sản xuất nông nghiệp của toàn Thành phố.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, bàn về ngành nông nghiệp, Đảng bộ Thành phố đã có định hướng “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”. Về phía Chính quyền, UBND Thành phố cũng đã ban hành “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, ngành nông nghiệp Thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao: ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cây/con giống có chất lượng và năng suất cao, nhất là tạo giống hoa, cây kiểng, rau ăn lá,...; trồng những loại cây và nuôi những loại thủy sản có giá trị cao phù hợp với điều kiện của Thành phố. Hiện tại, hàng năm, ngành nông nghiệp Thành phố đã có khả năng cung cấp 1-2 triệu cây giống các loại cho các địa phương từ Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ.
Tích cực hưởng ứng Chương trình phát triển nông nghiệp của Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) không ngừng đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người nông dân đổi mới sáng tạo trên chính ngành nghề truyền thống của họ. Đặc biệt, Sở KH&CN đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao triển khai chương trình chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Chỉ riêng trong giai đoạn 2022-2023, Sở KH&CN đã chuyển giao hàng loạt kết quả nghiên cứu KH&CN cho các hộ nông dân và hợp tác xã trên địa bàn để tạo ra những chuyển đổi đột phá về mô hình và quy trình sản xuất cây giống và cây thương phẩm hoa kiểng, sản xuất thủy sản trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, từ đó, giảm chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng tầm thương hiệu.
Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất hoa kiểng, tiêu biểu là việc chuyển giao mô hình nhân giống một số loài lan rừng giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật cho hộ nông dân Lê Văn Thắng (ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) ứng dụng vào hoạt động sản xuất cây giống hoa lan, góp phần tạo nên thương hiệu Vườn lan Hạnh Phúc, nơi có khả năng cung ứng cây lan giống đa dạng, chất lượng cao; và cũng là nơi hỗ trợ, tư vấn về kĩ thuật trồng và chăm sóc hoa lan cho cộng đồng nông dân trồng lan.
Vườn lan Hạnh phúc (Nguồn: Vườn lan Hạnh phúc)
Trong năm 2023, mô hình sản xuất lan kiếm và lan giả hạc (giai đoạn vườn sản xuất) đã được chuyển giao cho Cơ sở sản xuất hoa lan Nguyễn Hà Y Chiêu (ấp 5, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi). Theo mô hình, lan được trồng trong nhà lưới với hệ thống tưới phun sương, tiết kiệm được nước tưới, phân, thuốc bảo vệ thực vật đến 15-20% (giảm thiểu được chi phí sản xuất) và xử lý giúp hoa nở đồng loạt đúng dịp Tết, với chất lượng hoa cao hơn 20-30% so với cách trồng thông thường, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vườn lan trong nhà lưới ở huyện Củ Chi (Nguồn: thanhuytphcm.vn)
Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tiêu biểu trong năm 2022 là việc chuyển giao mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn, ứng dụng hệ thống giám sát môi trường tự động cho hộ nông dân Đinh Quang Soạn (ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ). Mô hình này giúp việc nuôi tôm không còn phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm của người nuôi, mà trở thành hoạt động sản xuất chính xác, dựa vào những số liệu về môi trường nuôi được thu thập, tổng hợp, phân tích thống kê. Việc vận hành, quản lý ao nuôi được thực hiện bằng hệ thống điều khiển tự động, từ đó, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng tôm và nâng cao năng suất lên đến 40-50 tấn/ha/vụ.
Tôm thẻ chân trắng (Nguồn: mard.gov.vn)
Trong năm 2023, mô hình nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) đã được chuyển giao cho hộ nông dân Nguyễn Đức Hoàng Hải (ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), giúp việc nuôi lươn thương phẩm diễn ra trong hệ thống nuôi khép kín, dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao năng suất và hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường, với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 18,8%.
Nuôi thâm canh lươn đồng không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (Nguồn: Chi cục Thủy sản TP.HCM)
Từ những thành quả đã đạt được trong mô hình phối hợp, liên kết giữa 03 nhà: Nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo) – Nhà khoa học (các tổ chức KH&CN) – Nhà doanh nghiệp (ở đây là các HTX, các nông hộ trên địa bàn), chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, trong tương lai gần, các hộ sản xuất nông nghiệp đã được chuyển giao mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến sẽ tích lũy đủ vốn và năng lực làm chủ công nghệ để có thể tiến lên một bước, hình thành các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Viễn cảnh xu thế ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp giúp gia tăng năng suất lao động, chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống của người làm nông sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nông dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung, là rất hiện thực.
Hữu Ngọc
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Mạnh Linh. TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn/-/tp-ho-chi-minh-ay-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-nong-nghiep
[2] Yến Phương. TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. https://dangcongsan.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe-voi-su-nghiep-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc/diem-nhan-khoa-hoc-va-cong-nghe/tp-ho-chi-minh-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-594316.html
[3] Hưng Sơn. Mô hình nhân giống một số loài lan rừng Giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/mo-hinh-nhan-giong-mot-so-loai-lan-rung-gia-hac-bang-phuong-phap-nuoi-cay-mo-te-bao-thuc-vat-ce4b4437-6ba8-4954-9a87-0c542360495a
[4] Hoàng Kim. TPHCM xây dựng, chuyển giao mô hình nuôi lươn và trồng lan cho người dân. https://test.cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/tphcm-xay-dung-chuyen-giao-mo-hinh-nuoi-luon-va-trong-lan-cho-nguoi-dan-8728dadb-cb31-49c9-ba64-e813a448f6b6
[5] Hưng Sơn. Chuyển giao quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei) thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường tự động (IOT). https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/chuyen-giao-quy-trinh-nuoi-tom-the-chan-trang-litopenaeus-vannamei-tham-canh-hai-giai-doan-ung-dung-he-thong-giam-sat-moi-truong-tu-dong-iot-678e00c6-881d-4e33-9580-9b82a8759c94