Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cùng với cả nước, ngành khoa học và công nghệ TP.HCM đã có nhiều công trình nghiên cứu, phát triển công nghệ có tính ứng dụng cao phục vụ công tác PCCC, đóng góp thiết thực vào các nỗ lực bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.

 

Hỏa hoạn là một trong những nguy cơ thường trực đối với đời sống con người. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, miễn là có điều kiện thích hợp – chất/vật liệu cháy tiếp xúc với nguồn nhiệt trong môi trường có ôxy. Nguyên nhân gây nên hỏa hoạn có thể là thiên tai hoặc nhân tai. Hỏa hoạn xảy ra do thiên tai (các hiện tượng tự nhiên như sét đánh, núi lửa phun trào, rò rỉ khí thiên nhiên,…) thì chỉ có thể ứng phó theo hướng làm giảm thiểu tác hại do nó gây ra. Trong trường hợp có sự bất cẩn của con người trong các hoạt động sống, lao động, sản xuất, kinh doanh,…, hỏa hoạn cũng có thể xảy ra. Do vậy, cần phải chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh các nguy cơ xảy ra hỏa hoạn một cách thích hợp, mà trước hết và đơn giản nhất là tuân thủ nghiêm túc các quy định về PCCC do cơ quan quản lý nhà nước về PCCC ban hành. Đây cũng là giải pháp giúp giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

Việc hoàn toàn khống chế không để xảy ra hỏa hoạn, có thể nói, là nhiệm vụ bất khả thi. Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 1.061 vụ cháy (tăng gần 6% so với cùng kì năm trước); làm chết 57 người, bị thương 50 người; thiệt hại tài sản ước tính 108,79 tỷ đồng và 155,47 ha rừng.

Vụ cháy tại Phường 26, quận Bình Thạnh ngày 5/4/2023 (Nguồn: Báo Công an TP.HCM)

 

Các vụ cháy xảy ra ở nhà dân tuy chiếm tỷ lệ lớn nhất (375/1.061 vụ) nhưng chủ yếu là các vụ cháy nhỏ; trong khi đó, các vụ cháy tại cơ sở sản xuất, kho tàng có tỉ lệ thấp hơn nhưng phần lớn là các vụ cháy với quy mô lớn và gây thiệt hại nặng nề.

Có nhiều nguyên nhân cụ thể dẫn đến hỏa hoạn như: sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ suất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nhiệt; sự cố kỹ thuật; tai nạn giao thông; vi phạm quy định an toàn PCCC; tác động từ hiện tượng thiên nhiên; tự cháy,... Trong các vụ cháy xảy ra từ đầu năm đến nay, có 559 vụ (chiếm 53%) đã được điều tra làm rõ nguyên nhân. Trong đó, cháy do các sự cố hệ thống, thiết bị điện là nhiều nhất (358/559 vụ).

 

Do tầm quan trọng của công tác PCCC, ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Nhà nước ta không ngừng đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân PCCC, huy động tất cả các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC. Kể từ ngày 4/10/2001, Luật PCCC (được Quốc hội khóa X thông qua) có hiệu lực thi hành, quy định rõ PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam và lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy". Trong đó, toàn dân PCCC là hoạt động của toàn thể nhân dân có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, nhằm thực hiện các hoạt động PCCC; là một biện pháp thường xuyên và lâu dài, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về PCCC.

Hưởng ứng phong trào toàn dân PCCC, ngành KH&CN nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu phục vụ lĩnh vực PCCC có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Ví dụ, với công nghệ chữa cháy, đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất 5 hệ chất tạo bọt chữa cháy thế hệ mới phục vụ công tác PCCC" (TS. Đỗ Sơn Hải, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, 2020) đã hình thành quy trình công nghệ sản xuất các hệ chất tạo bọt chữa cháy chuyên biệt đối với các đám cháy nhiên liệu lỏng hòa tan và không hòa tan trong nước, có nguồn gốc từ dầu mỏ. Trên lĩnh vực chế tạo thiết bị chữa cháy, nổi bật là đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe chữa cháy cỡ nhỏ sử dụng trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ tại Việt Nam" (TS. Đoàn Việt Mạnh, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, 2020) đã làm chủ công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô chữa cháy cỡ nhỏ phù hợp với điều kiện công nghệ ở Việt Nam. Về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác chữa cháy, đề tài nghiên cứu xây dựng “Thuật toán mô phỏng hình dạng và tính diện tích của đám cháy chất rắn” (TS. Ngọ Quang Toàn và TS. Nguyễn Tài Năng Lượng, Trường Đại học PCCC, 2020) phục vụ tốt công tác lập phương án về lực lượng, phương tiện cần thiết để dập tắt đám cháy chất rắn bằng nước; hay đề tài “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm tính toán, phân loại hạng nguy hiểm cháy của các phòng và nhà xưởng sản xuất” (TS. Khúc Quang Trung, Trường Đại học PCCC, 2021) hỗ trợ công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi có mật độ dân cư, cơ sở sản xuất, kho tàng vào hàng cao nhất cả nước, nên nguy cơ hỏa hoạn với hậu quả nghiêm trọng khá lớn. Vì vậy, công tác PCCC rất được sự quan tâm của Chính quyền. Bên cạnh những đầu tư của Thành phố về nhân lực và trang thiết bị, công cụ chuyên dùng phục vụ công tác PCCC (xe chuyên dụng điều khiển tự động chữa cháy đa năng và phá dỡ công trình, xe chữa cháy đường hầm 2 đầu, xe chuyên dụng xử lý độc hại môi trường cháy, xe chữa cháy cơ động, xe thang,…), Sở KH&CN Thành phố cũng dành nguồn kinh phí thích hợp để hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực PCCC.

Bắt đầu từ đề tài “Nghiên cứu chế tạo máy gom khói sử dụng trong hệ thống báo cháy tự động” (TS. Nguyễn Đăng Hưng và Kỹ sư Đào Song Vũ, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ khoa học - kỹ thuật TP. HCM, 2000), tạo ra được máy gom khói có tính năng chủ động hút khói đưa về đầu cảm biến, không chịu tác động của gió, bụi trong môi trường nên không gây báo giả, đến nay, việc nghiên cứu phát triển công nghệ PCCC luôn được Sở KH&CN quan tâm đầu tư, từ công nghệ phòng cháy, phương tiện chữa cháy, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PCCC. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động PCCC trên địa bàn Thành phố.

Ví dụ, về chế tạo phương tiện chữa cháy, có đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống phóng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” (ThS. Đặng Hữu Phước, Viện Vũ khí, 2020). Kết quả nghiên cứu (hệ thống phóng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ) được ứng dụng trực tiếp trong công tác chữa cháy, hỗ trợ tích cực cho việc vận chuyển nhanh chóng phương tiện chữa cháy đến những nơi có địa hình phức tạp. Tiêu biểu về công nghệ phòng cháy là đề tài “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polyme/oligomer cấu trúc liên hợp phát quang hướng ứng dụng làm cảm biến trong việc phát hiện chất gây cháy nổ họ nitro-aromatic” (PGS.TS Nguyễn Trần Hà, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, 2020). Những sản phẩm từ kết quả nghiên cứu trở thành công cụ hỗ trợ lực lượng chức năng (cán bộ hải quan, bộ đội biên phòng) phát hiện nhanh các vật liệu gây cháy nổ, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc trấn áp tội phạm buôn lậu vật liệu gây cháy nổ. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chữa cháy, có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ định vị và livestream phục vụ chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP.HCM” (ThS. Nguyễn Mạnh Trưởng, Công an TP.HCM, 2018). Kết quả nghiên cứu này đã tạo ra một ứng dụng di động (app) phục vụ người dân Thành phố khi cần báo tin cháy nổ một cách nhanh chóng, chính xác đến cơ quan chức năng. Ứng dụng này có tên gọi "Help 114", có thể tải về (download) miễn phí từ kho ứng dụng của hệ điều hành di động Android (Google) và IOS (Apple) và được liên tục cập nhật (upgrade) từ năm 2018 đến nay, cho phép người dùng cài đặt trên điện thoại thông minh và sử dụng khi cần báo cháy nổ hay tai nạn, sự cố khẩn cấp cho Trung tâm thông tin chỉ huy 114 của Công an TP.HCM.

Giao diện của app Help 114 (Nguồn: UBND Quận 7)

PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi nó liên quan mật thiết đến an toàn tính mạng và tài sản của tất cả mọi người. Do đó, mỗi người dân, mỗi tổ chức cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC thông qua việc tìm hiểu và ứng dụng vào cuộc sống các thành quả công nghệ phục vụ PCCC trong phạm vi khả năng của mình. Từ thực tiễn nguyên nhân cháy thời gian vừa qua cho thấy, việc đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ cho các hệ thống, thiết bị điện là rất cần thiết, bởi sự cố ở các hệ thống, thiết bị điện chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra hỏa hoạn. Đây cũng là bài toán đặt ra đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KH&CN để đẩy mạnh các nghiên cứu, phát triển công nghệ mới nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là cho các hệ thống, thiết bị điện, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho toàn xã hội.

Hữu Ngọc

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Thông cáo báo chí. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. http://canhsatpccc.gov.vn/ArticlesDetail/tabid/193/cateid/1172/id/11878/language/vi-VN/ArticlesList/tabid/192/cateid/1172/language/vi-VN/default.aspx
[2] Các CSDL KH&CN của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI). http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[3] Các CSDL KH&CN của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. https://www.vista.gov.vn/thu-vien.html
[4] Sở Tư pháp TP. HCM. Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy. https://sotuphap.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/emZ19pfF3Yyq/content/id/1762524/nguon-goc-va-y-nghia-ngay-toan-dan-phong-chay-chua-chay?p_p_auth=zDNI9A0U&enableXemTheoNgay=false

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập