Năm 2018, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý đối với các tổ chức giáo dục (ISO 21001:2018) nhằm góp phần thực hiện một trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc là đảm bảo giáo dục có chất lượng, rộng khắp và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc nhận diện và áp dụng tiêu chuẩn này tại Việt Nam đến nay vẫn còn khá ít, kể cả khi Việt Nam đã có Tiêu chuẩn TCVN 21001:2019, hoàn toàn tương đương, ngay từ năm 2019.
Các loại hình tổ chức có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 21001 (Nguồn: Tạp chí Tài chính điện tử)
Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài (Hiến pháp 2013). Một nền giáo dục phát triển bền vững trước hết phải là một nền giáo dục có chất lượng với hệ thống giáo dục quốc dân được cấu thành từ các tổ chức giáo dục có chất lượng. Trong hệ thống đó, các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) giữ vai trò đầu tàu kéo cả hệ thống giáo dục tiến lên trên con đường phát triển.
Ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”, với một trong những mục tiêu đến năm 2025 là 100% CSGDĐH hoàn thành hệ thống “bảo đảm chất lượng bên trong” với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình “bảo đảm chất lượng” và hệ thống thông tin “bảo đảm chất lượng” được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của CSGDĐH trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 183/241 CSGDĐH (không bao gồm 35 CSGDĐH khối Công an, Quân đội), chiếm 76% tổng số CSGDĐH, đã được kiểm định chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGDĐH tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ban hành Quy định về kiểm định chất lượng CSGDĐH. Điều này phản ánh sự nỗ lực của ngành giáo dục trong việc “bảo đảm chất lượng” cơ sở giáo dục nhằm “đạt được mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng giáo dục”. Tuy nhiên, theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, kết quả kiểm định chất lượng của các CSGDĐH mới chỉ phản ánh hiện tượng mà chưa cho thấy được nguyên nhân của thực trạng chất lượng CSGDĐH.
Riêng về đánh giá chất lượng CSGDĐH theo tiêu chuẩn khu vực, hiện mới có 3 trường đại học (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) được đánh giá và công nhận chất lượng theo tiêu chuẩn của Mạng lưới đảm bảo chất lượng của các trường đại học ASEAN.
Trên bình diện quốc tế, năm 2018, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố Tiêu chuẩn ISO 21001:2018 về hệ thống quản lý đối với các tổ chức giáo dục. Ngay năm sau, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 21001:2019, hoàn toàn tương đương với Tiêu chuẩn ISO 21001:2018. Như vậy, ở Việt Nam, tất cả các tổ chức giáo dục nói chung và các CSGDĐH nói riêng đều có thể áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 21001:2019 trong hoạt động quản lý chất lượng của tổ chức để tự đánh giá và được đánh giá ngoài về chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 21001:2018. Đến nay, một vài CSGDĐH ở Việt Nam (như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học FPT,…) cũng đã bước đầu áp dụng tiêu chuẩn ISO 21001:2018/TCVN 21001:2019 trong các hoạt động thực tiễn.
Khóa học "Nhận thức chung về quản lý chất lượng và các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 21001:2018” cho các cấp lãnh đạo, quản lý của Đại học Bách khoa Hà Nội (Nguồn: Đại học Bách Khoa Hà Nội)
Khi xây dựng và vận hành hệ thống quản lý theo Tiêu chuẩn ISO 21001:2018/TCVN 21001:2019, tổ chức giáo dục sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực như: các hoạt động luôn hướng theo định hướng chiến lược; trách nhiệm xã hội được nâng cao; yêu cầu của người học được đáp ứng tốt; sự tham gia của các bên liên quan được mở rộng; văn hóa cải tiến được hình thành và phát triển; uy tín của tổ chức trên trường quốc tế được tăng cường, các sản phẩm giáo dục được các tổ chức trên thế giới công nhận… Đặc biệt, tiêu chuẩn này cung cấp cho tổ chức giáo dục công cụ để xác định nguyên nhân của các vấn đề về chất lượng, làm cơ sở cho hoạt động cải tiến chất lượng của tổ chức. Mặt khác, nguyên lý tối thượng của hoạt động quản lý chất lượng là làm đúng ngay từ đầu. Vì vậy, cho dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi bỏ qua giai đoạn “làm quen” bằng cách áp dụng trước các tiêu chuẩn có tính “khu vực”, các CSGDĐH nên mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn ISO 21001:2018/TCVN 21001:2019 ngay từ đầu cho cả hệ thống quản lý của tổ chức. Đi tắt đón đầu là vậy! Đổi mới sáng tạo là vậy!
Nguyễn Ngọc
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục cần sớm hoàn thiện, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. https://vqa.moet.gov.vn/vi/news/tin-tuc-su-kien/cac-co-so-giao-duc-can-som-hoan-thien-phat-trien-he-thong-bao-dam-chat-luong-ben-trong-54.html
[2] Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT làm việc với Tổ chức mạng lưới các trường đại học ASEAN. https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khao-thi-va-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=7986
[3] Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 21001:2019 – Tổ chức giáo dục – Hệ thống quản lý đối với tổ chức giáo dục – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.