Quá trình đô thị hóa và dân số đang tăng nhanh nên việc gia tăng các công trình nhà ở tập trung quy mô lớn như chung cư, tổ hợp văn phòng, cùng việc sử dụng các nguyên, nhiên liệu, chất dễ cháy xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng đã tạo nên mối nguy thường trực đối với cư dân đô thị. Hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khi chất/vật liệu cháy tiếp xúc với nguồn nhiệt trong môi trường có ôxy.
Trong thiết kế công trình, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn là nội dung được các văn bản pháp quy đề cập. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn về PCCC đầu tiên cho nhà và công trình (TCVN 2622:1978) được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật ban hành từ năm 1978. Đến năm 1995, tiêu chuẩn này được soát xét và cập nhật thành TCVN 2622: 1995, đưa ra các yêu cầu cơ bản về phòng cháy, chống cháy khi thiết kế các công trình xây dựng. Đây chính là một tiêu chuẩn có tính cơ sở chung nhất, làm căn cứ cho việc hình thành các tiêu chuẩn như: TCVN 6160:1996 (Phòng cháy, chống cháy nhà cao tầng - Yêu cầu thiết kế) và TCVN 6161:1996 (Phòng cháy chống cháy chợ và Trung tâm thương mại - Yêu cầu thiết kế). Từ năm 2008, trong quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2008/BXD, việc quy hoạch phòng cháy, chữa cháy đô thị đã được Bộ Xây dựng dành hẳn một mục quy định. Gần đây, ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BXD về QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình), có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Quy chuẩn tập trung vào các giải pháp cơ bản nhất của an toàn cháy, đó là: thoát nạn cho người khi xảy ra cháy, chống cháy lan và chữa cháy cứu nạn. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 80 TCVN về PCCC và các nội dung liên quan đến PCCC (22 TCVN về thiết bị PCCC, 8 TCVN về chữa cháy, 7 TCVN về bảo vệ chống cháy, 7 TCVN về an toàn cháy nổ cho công trình, 19 TCVN về PCCC công trình công cộng, 12 TCVN về PCCC công trình thương mại và công nghiệp và 8 TCVN về độ bền chịu lửa của vật liệu và kết cấu xây dựng,…).
Theo các quy định của Luật PCCC và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC thì các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy là bắt buộc áp dụng. Điều này cho thấy, PCCC là một lĩnh vực đặc biệt vì nó ảnh hưởng đến an toàn sinh mạng và tài sản của người dân. Hơn thế, hậu quả của nó để lại là lâu dài, tốn kém.
Như đã biết, hỏa hoạn ngày càng rình rập cuộc sống của chúng ta. Chỉ một sơ sót, bất cẩn, hậu quả đã khôn lường! Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 1.061 vụ cháy (tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước), làm chết 57 người, bị thương 50 người; thiệt hại tài sản ước tính 108,79 tỷ đồng và 155,47 ha rừng. Mới đây, chỉ riêng vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) đêm 12/9 là điển hình của sự tàn khốc, đau thương: 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương (gần bằng tổng số nạn nhân từ đầu năm cộng lại), cùng nhiều tài sản cháy trụi,… Nguyên nhân ban đầu gây nên vụ hỏa hoạn, cùng những mất mát vô cùng lớn do nó, theo như một số cơ quan báo chí, là từ sự cố hệ thống thiết bị điện; kế tiếp nữa là việc không đảm bảo về an toàn PCCC trong công trình xây dựng, và thiếu các phương tiện cứu hộ tại chỗ.
Cho dù lý do là gì đi chăng nữa, thì hỏa hoạn luôn là một nguy cơ thường trực trong đời sống con người. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Các chuyên gia đã cảnh báo, việc khống chế hoàn toàn không để xảy ra hỏa hoạn là nhiệm vụ bất khả thi. Do vậy, ở những nơi có mật độ dân cư cao, cơ sở sản xuất, kho tàng nhiều càng cần phải chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh các nguy cơ xảy ra hỏa hoạn một cách thích hợp, mà trước hết và đơn giản nhất là tuân thủ nghiêm túc các quy định về PCCC do cơ quan quản lý nhà nước về PCCC ban hành. Đây cũng là giải pháp giúp giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư, nghiên cứu thêm nữa các giải pháp công nghệ cho phép xử lý tốt các nguyên nhân gây cháy, khống chế tốt các sự cố cháy (hiện trên cả nước mới có hơn 50 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh trở lên, liên quan đến công tác PCCC) để gia tăng khả năng bảo vệ, gìn giữ được tài sản và tính mạng của người dân. Về phía cộng đồng, bên cạnh việc chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động giúp giảm thiểu, phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy, cần tự trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng về thoát hiểm khi xảy ra các sự cố cháy, cũng như các phương tiện PCCC cho bản thân và gia đình, để có thể bình tĩnh xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa hậu quả của các sự cố cháy, nổ - nếu có.
BBT