Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo bệnh tim mạch đã và đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch cướp đi 18,6 triệu sinh mạng, chiếm 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) và tương ứng với 31% tổng số tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người chết do bệnh tim mạch (chiếm 33% tổng số ca tử vong), theo thống kê của Bộ Y tế.
Tác nhân gây nên 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu
Theo WHO, 7 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu năm 2019 là các bệnh NCDs (bệnh thiếu máu cơ tim; đột quỵ; bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính; ung thư phế quản, khí quản, phổi; Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ; đái tháo đường; bệnh về thận). Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, các bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính, ung thư và tiểu đường chiếm 87% số ca tử vong trong nhóm các bệnh NCDs. Hơn 3/4 số ca tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong số 17 triệu ca tử vong dưới 70 tuổi do NCDs vào năm 2019, bệnh tim mạch chiếm 38%.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, bệnh tim mạch là một thuật ngữ chung cho nhiều vấn đề, ví dụ như: bệnh tim động mạch vành (bệnh về mạch máu cung cấp cho cơ tim); bệnh mạch máu não (bệnh về mạch máu cung cấp cho não); bệnh động mạch ngoại biên (bệnh về mạch máu cung cấp cho cánh tay và chân); bệnh thấp khớp (tổn thương cơ tim và van tim do sốt thấp khớp, do vi khuẩn liên cầu gây ra); bệnh tim bẩm sinh (dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động bình thường của tim do dị tật cấu trúc tim từ khi sinh ra); huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi (cục máu đông trong tĩnh mạch chân, có thể bong ra và di chuyển đến tim và phổi). Trong đó, bệnh tim động mạch vành là phổ biến nhất.
Bệnh tim động mạch vành (Nguồn Heart Research Institute)
Theo WHO, trong số những ca tử vong do tim mạch, 85% là do đau tim và đột quỵ, vốn thường xảy ra đột ngột do sự tắc nghẽn ngăn cản máu chảy đến tim hoặc não. Nguyên nhân phổ biến là do sự tích tụ các chất béo trong các mạch máu. Đột quỵ có thể do chảy máu từ mạch máu trong não hoặc do cục máu đông.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, mỗi năm ở Mỹ có hơn 356.000 người bị ngừng tim ngoài bệnh viện và khoảng 60-80% trong số này chết trước khi đến bệnh viện. Ngừng tim khiến cho máu không chảy đến các tổ chức của cơ thể. Những người sống sót sau khi bị ngừng tim vẫn có thể phải chịu các di chứng nặng nề như: chấn thương sọ não, tổn thương các cơ quan nội tạng, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm.
Tại Việt Nam, bệnh tim mạch gia tăng rất nhanh theo thời gian. Ở những năm 1980, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân bị bệnh huyết áp; đến năm 2009 đã là 27%. Trong 10 năm trước 2016, mỗi năm Viện Tim mạch Việt Nam chỉ can thiệp khoảng 300 ca bệnh nhân bị bệnh động mạch vành, nhưng riêng năm 2016 đã can thiệp khoảng 3.500 ca/năm (tốc độ gia tăng gấp hơn 10 lần chỉ trong vòng 10 năm). Bệnh tim mạch còn đang trở nên trẻ hóa, với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30 (có trường hợp chỉ mới 28 tuổi), như GS. Nguyễn Lân Việt (Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) chia sẻ.
Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Riêng bệnh động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay, hoặc dẫn đến suy tim và tử vong sau đó.
Gánh nặng về y tế khi điều trị bệnh tim
Theo WHO, tại Tây Thái Bình Dương, các bệnh NCDs là gánh nặng về y tế cho các quốc gia. Nếu không tử vong, các bệnh này vẫn gây nên tàn tật cho người bệnh và các gánh nặng về chi phí chăm sóc sức khỏe. Ở những người nghèo mắc các bệnh NCDs, tỷ lệ mất khả năng chi trả rất cao, dẫn đến từ bỏ điều trị. PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, tuy chi phí khám chữa bệnh tại nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển (ví dụ, chi phí cho một ca phẫu thuật thay van tim hay làm cầu nối mạch vành tại Việt Nam là khoảng 5 ngàn USD, thì ở nước ngoài có thể vài chục ngàn USD), nhưng con số này so với thu nhập trung bình của người Việt Nam, thì vẫn rất cao.
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu, điều trị bệnh tim mạch trong nước có nhiều bước đột phá liên quan đến các phương pháp phẫu thuật tim, các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phục hồi cho người bệnh. Theo dữ liệu từ Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, các hướng nghiên cứu điều trị bệnh tim mạch từ việc sử dụng tế bào và nghiên cứu gen rất được các nhà khoa học trong nước quan tâm (tập trung vào việc sử dụng các tế bào tự thân trong điều trị đột quỵ não, xác định các biến thể trên gen liên quan đến bệnh cơ tim giãn nở, thử nghiệm chế tạo màng ghép mạch máu từ màng tim lợn,…).
Ở TP.HCM, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với hệ thống cơ sở y tế khá phát triển cùng đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm, ngoài đơn vị chuyên chăm sóc, điều trị bệnh tim rất nổi tiếng là Viện tim TP.HCM, một số bệnh viện khác như Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Chợ Rẫy,... cũng đã trở thành những địa chỉ uy tín về điều trị bệnh tim mạch.
Các bệnh viện tại TP.HCM đã có nhiều đột phá về các kỹ thuật y tế chuyên sâu, trong đó có các kỹ thuật cấy ghép tim mạch, phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em. Liên quan đến nội dung này, Bệnh viện Nhi đồng 1, với định hướng trở thành Trung tâm chuyên sâu về Tim mạch nhi khoa của khu vực ASEAN, cũng vừa được Tổ chức Children’s HeartLink công nhận danh hiệu “Trung tâm xuất sắc về chăm sóc tim mạch trẻ em”, cũng là Trung tâm tim mạch xuất sắc thứ 7 trên phạm vi toàn cầu của Children's HeartLink về những thành quả trong điều trị bệnh tim cho trẻ em.
Tại Hội nghị "Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM" ngày 17/6/2023, theo PGS.TS. Tăng Chí Thượng (Giám đốc Sở Y tế TP.HCM), Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định rõ yêu cầu: “Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”. Cũng theo PGS.TS. Tăng Chí Thượng, nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu đã được triển khai thành công tại các bệnh viện trên địa bàn. Thành phố sẽ xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa, từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; quan tâm và đầu tư để TP.HCM trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.
Quy mô và kỹ thuật y tế chuyên sâu tại TP.HCM (Nguồn: Sở Y tế TP.HCM)
Nhiều nghiên cứu về các phương pháp điều trị tim mạch đã được Thành phố cấp kinh phí thực hiện, như nghiên cứu về phẫu thuật tim ít xâm lấn, nghiên cứu ghép tim, nghiên cứu về các tế bào tim ứng dụng trong điều trị,… Từ năm 2019, stent mạch vành phủ thuốc Sirolimus (Vstent) của USM Healthcare (trụ sở tại Khu Công nghệ cao TP.HCM) dùng để điều trị bệnh tim mạch vành đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành. Tính an toàn và hiệu quả của Vstent đã được các nhà khoa học tại Đại học Y dược TP.HCM nghiên cứu đánh giá trên 150 bệnh nhân vào cuối năm 2021, theo nhiệm vụ "Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Vstent (sản xuất tại Việt Nam) trong can thiệp động mạch vành: nghiên cứu đa trung tâm, tiến cứu theo dõi 12 tháng". Nhiệm vụ này được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu, với kết quả đánh giá: Vstent có độ an toàn cao mà giá cả hợp lý (thấp hơn 30% so với stent nhập ngoại), giúp giảm chi phí điều trị cho người bệnh, cũng như giảm lệ thuộc vào việc nhập khẩu stent từ nước ngoài. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh trong nước, Vstent có thể hướng ra thế giới, phục vụ các thị trường lớn hơn.
Một nhiệm vụ khác, hỗ trợ hướng điều trị tổn thương tim, cũng vừa được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố thông qua năm 2023 là: “Nghiên cứu tạo và ghép tấm tế bào từ tế bào gốc trung mô cuống rốn người và giá thể LunaGel trên mô hình chuột sau nhồi máu cơ tim”, do nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (TS. Phạm Lê Bửu Trúc là chủ nhiệm) thực hiện.
Các tấm tế bào SCgel
Với đề tài này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các tấm giá thể Lunagel cùng tế bào gốc trung mô cuống rốn (hUC-MSCs) để tạo tấm tế bào SCgel (tạo hình dạng đĩa dẹt hay dạng tấm tròn). Kết quả cấy ghép trên chuột cho thấy, phần ghép tế bào SCgel có sự thay đổi tích cực trong phục hồi chức năng cơ tim trên các cá thể chuột. Sau khi hoàn thiện, nghiên cứu sẽ được ứng dụng vào thực tiễn để thực hiện vá tạm thời thành tim bị mỏng, hỗ trợ tái tạo và điều trị những tổn thương tim cho bệnh nhân. Đây là hướng nghiên cứu mới, sáng tạo và tiềm năng để triển khai điều trị cho bệnh nhân.
*****
Là nguyên nhân gây ra 1/3 số ca tử vong hàng năm ở nước ta, nhưng dấu hiệu bệnh tim mạch thường không rõ ràng và dễ dàng bị bỏ qua, khiến bệnh chuyển biến nặng, phát hiện muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Bệnh lý tim mạch không chỉ gây tử vong mà còn để lại nhiều hệ lụy có thể kéo dài đến hết đời cho người bệnh như chấn thương sọ não, tổn thương các cơ quan nội tạng,...Hơn thế, bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa và trở nên đáng sợ hơn, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, tạo nên gánh nặng cho người bệnh và cả ngành y tế; việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn ở nhóm người nghèo, do chi phí vượt quá khả năng chi trả.
Do vậy, việc ngày càng nhiều các nghiên cứu về phương pháp điều trị mới, các sản phẩm hỗ trợ điều trị tim mạch,… là tín hiệu tích cực, giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí cho bệnh nhân. Tuy TP.HCM đang có khá nhiều kỹ thuật chuyên sâu về điều trị tim mạch, nhưng, với mối quan tâm sâu sắc nhằm giảm thiểu gánh nặng về chi phí chăm sóc sức khỏe, nhất là với những người còn nhiều khó khăn, các nghiên cứu chuyên sâu về điều trị bệnh tim luôn được Thành phố sẵn sàng hỗ trợ, hướng tới mục tiêu TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN trong thời gian tới.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Hồi phục cơ tim bằng tấm tế bào tạo từ tế bào gốc trung mô mô cuống rốn và Lunagel. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/hoi-phuc-co-tim-bang-tam-te-bao-tao-tu-te-bao-goc-trung-mo-mo-cuong-ron-va-lunagel/
[2] Minh Hoàng. Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. https://nhandan.vn/benh-tim-mach-la-nguyen-nhan-gay-tu-vong-hang-dau-tren-the-gioi-post719649.html
[3] WHO. The top 10 causes of death. Cardiovascular diseases. https://www.who.int/health-topics/cardiovascular-diseases#tab=tab_1
[4] Mỗi năm, Việt Nam có 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch. https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/moi-nam-viet-nam-co-200-000-nguoi-tu-vong-do-cac-benh-tim-mach
[5] Duy Tính. TP.HCM đột phá y tế chuyên sâu. https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tphcm-dot-pha-y-te-chuyen-sau-c1780-67641.aspx
[6] P. Thương. Trung tâm Tim mạch của BV Nhi đồng 1 lọt top 7 trung tâm xuất sắc nhất thế giới. https://suckhoedoisong.vn/trung-tam-tim-mach-cua-bv-nhi-dong-1-lot-top-7-trung-tam-xuat-sac-nhat-the-gioi-16923071812122692.htm
[7] Các CSDL Khoa học và Công nghệ của CESTI.