Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Liên Hợp Quốc và các đối tác tại Việt Nam đang rất nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết những thách thức lớn về phát triển mà người dân Việt Nam, cũng như thế giới, đang phải đối mặt. Trong đó, có mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó

 

Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change – UNFCCC), biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự biến đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, thạch quyển, băng quyển và sinh quyển bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo, đặc biệt là việc phát thải khí nhà kính của con người gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ tăng dẫn đến băng ở 2 cực Trái Đất tan chảy, nước biển dâng, hạn hán, bão lũ gia tăng, các hệ sinh thái bị phá hủy, sự đa dạng sinh học bị suy giảm, dịch bệnh hoành hành,… là những biểu hiện của BĐKH. Trước đây, BĐKH diễn ra trong thời gian rất dài, dưới tác động của các điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, BĐKH diễn ra nhanh chóng do tác động từ các hoạt động của con người, mà chủ yếu là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thải ra môi trường các chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

BĐKH cũng trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, do ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người: nước biển xâm lấn, nhấn chìm các vùng đất thấp nơi, con người đang sinh sống, sản xuất; tàn phá hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây thiếu lương thực, thực phẩm; phát sinh bão lũ, hạn hán, dịch bệnh gây tổn thất cho sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người; gây thiệt hại cho nền kinh tế của các quốc gia do phải khắc phục hậu quả của các tác động nêu trên.

Các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam (Nguồn: Liên Hợp Quốc)

Tháng 9/2015, Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đến năm 2030, với 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, khí hậu Trái Đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình, thịnh vượng. Trong đó, có mục tiêu khẩn cấp về chống BĐKH và các tác động của nó.

Việt Nam (ký kết tham gia UNFCCC từ năm 1992) là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH. Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017), trong đó có mục tiêu “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai”. Ngày 4/6/2019, để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và địa phương đến năm 2030.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là từ hiện tượng nước biển dâng, tại Việt Nam, ngay từ khi Chiến lược quốc gia về BĐKH được ban hành (Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ), TP.HCM đã cấp kinh phí cho nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về BĐKH có liên quan đến địa bàn, tiêu biểu như: “Nghiên cứu đề xuất các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH tại TP.HCM” (Quỹ tái chế chất thải - Lê Văn Khoa, Trần Thị Kim Liên, 2012) nhằm phổ biến kiến thức về BĐKH và các tác động của nó cho đông đảo người dân Thành phố; “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất muối tại huyện Cần Giờ, TP.HCM” (Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM - Bùi Văn My, 2014) nhằm đưa ra các giải pháp về kinh tế - kỹ thuật - xã hội thích ứng với BĐKH trong sản xuất muối, cũng như đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững nghề muối tại huyện Cần Giờ trong điều kiện BĐKH; “Nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến khu hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ và đề xuất các giải pháp bảo vệ” (Viện Môi trường và Tài nguyên - Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Nguyễn Hoàng, 2014) nhằm đề xuất các giải pháp có tính khả thi, phù hợp để duy trì và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trong bối cảnh của BĐKH; “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định phục vụ quản lý tài nguyên nước mặt lưu vực sông Sài Gòn trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nước và BĐKH” (Viện Môi trường và Tài nguyên - Nguyễn Hồng Quân, Lê Việt Thắng, 2015) nhằm xây dựng trạm quan trắc tự động tức thời phục vụ an toàn cấp nước, xây dựng các mô hình tính toán và hệ thống hỗ trợ ra quyết định điều tiết hồ Dầu Tiếng, phục vụ an toàn cấp nước sông Sài Gòn;…

TP.HCM ngày càng ngập nặng trong bối cảnh nước biển dâng (Nguồn: Tuổi Trẻ Online)

Từ năm 2016 đến nay, hưởng ứng lời kêu gọi hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó từ Liên Hợp Quốc, thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về ứng phó BĐKH, theo sự phân công của UBND Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, đặt hàng nghiên cứu về BĐKH với nhiều công trình có tính ứng dụng cao, giúp Thành phố sẵn sàng trong việc ứng phó với BĐKH cùng các tác động của nó.

Tiêu biểu, về quản lý đô thị trong điều kiện BĐKH, là các đề tài như: “Bước đầu nghiên cứu về di dân trong bối cảnh BĐKH và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng ở TP.HCM” (Trường Đại học Văn Lang - Lê Thị Kim Oanh, Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, 2016) nhằm đánh giá thực trạng và dự báo về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng khi có sự biến động về di dân trong bối cảnh bị tác động bởi BĐKH ở TP.HCM, đồng thời đề xuất các biện pháp ứng phó và thích ứng nhằm khắc phục và hạn chế các ảnh hưởng bất lợi về cơ sở hạ tầng do hiện tượng di dân trong bối cảnh BĐKH gây ra; "Đánh giá tác động của ngập lụt do BĐKH đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM) và đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó" (Trường Đại học Tôn Đức Thắng - Ngô Lê Minh, 2021) nhằm đánh giá các tác động của ngập lụt do BĐKH đến các cụm dân cư, công trình nhà ở và hộ gia đình, từ đó đề xuất giải pháp quy hoạch - kiến trúc ứng phó với tình trạng ngập lụt, góp phần tạo ra điều kiện sống mới tốt hơn cho dân cư, cũng như duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tại địa phương; "Nghiên cứu cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm kiểm soát ngập lụt do lượng mưa và triều cường tăng trong điều kiện BĐKH trên địa bàn TP. HCM" (Viện Môi trường và Tài nguyên - Châu Nguyễn Xuân Quang, 2022) nhằm đánh giá khả năng thoát nước của hệ thống hạ tầng thoát nước hiện có và mức độ ngập lụt, từ đó đề xuất quy mô, lộ trình, giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến và khả thi để nâng cấp và cải tạo hệ thống thoát nước theo các kịch bản BĐKH, hướng đến mục tiêu đô thị có khả năng chống chịu với ngập lụt; "Đề xuất các giải pháp trữ nước mưa góp phần quản lý ngập lụt bền vững cho TP. HCM dưới tác động của đô thị hóa và BĐKH" (Viện Môi trường và Tài nguyên - Hồ Văn Hòa, 2023) nhằm đánh giá tính khả thi và hiệu quả của cách tiếp cận trữ nước mưa kiểm soát dòng chảy tràn để giảm nhẹ ngập lụt do tác động của đô thị hóa và BĐKH, ước lượng quy mô trữ nước mưa cần thiết cho từng khu vực và đề xuất các giải pháp kỹ thuật trữ nước mưa điển hình phù hợp với điều kiện thực tiễn tại TP. HCM;…

Về đảm bảo an toàn nước sạch cho Thành phố trong điều kiện BĐKH, tiêu biểu là các đề tài: “Đánh giá mức độ khan hiếm tài nguyên nước ngọt cho TP. HCM bằng chỉ số áp lực về nước WSI theo các kịch bản quy hoạch phát triển đến năm 2030 trong điều kiện BĐKH khi nước biển dâng và đề xuất các giải pháp tổng thể giảm thiểu” (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM - Vũ Văn Nghị, 2016) nhằm đánh giá động thái biến đổi theo không - thời gian nguồn tài nguyên nước ngọt của TP.HCM ở kịch bản hiện trạng và nước biển dâng, cũng như tính toán nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngọt hiện trạng và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đến năm 2030, từ đó đề xuất các giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn nước cấp cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong bối cảnh BĐKH; "Đánh giá tính bất định trong mô phỏng dòng chảy và chất lượng nước dưới ảnh hưởng của BĐKH – Trường hợp nghiên cứu cho lưu vực sông Đồng Nai" (Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán - Bùi Việt Hưng, 2018) nhằm đánh giá và dự báo sự thay đổi dòng chảy và chất lượng nước dưới ảnh hưởng của BĐKH ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH; "Nghiên cứu tác động của BĐKH tới phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và đề xuất các giải pháp thích ứng" (Viện Nhiệt đới môi trường - Nguyễn Phú Bảo, 2021) nhằm xây dựng kịch bản về phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở TP.HCM đến năm 2030 và 2050 dưới tác động của BĐKH, từ đó xây dựng giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường thích ứng với BĐKH;…

Về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân Thành phố trước tác động của BĐKH, là các đề tài: "Đánh giá sơ bộ tác động của BĐKH lên các vấn đề sức khỏe ở một số quận, huyện tại TP.HCM" (Viện Y tế công cộng TP.HCM - Lê Hoàng Ninh, 2016) nhằm đánh giá tác động của BĐKH lên một số bệnh tại TP.HCM và đề xuất giải pháp bảo vệ sức khỏe người dân Thành phố trước các tác động đó; "Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo tác động của BĐKH đối với sức khỏe cộng đồng theo các kịch bản cập nhật tại TP. HCM" (Viện Y tế công cộng TP. HCM - Đặng Văn Chính, 2020) nhằm xác định mối liên hệ giữa các yếu tố khí hậu, thời tiết với một số bệnh không lây nhiễm, bệnh lây nhiễm, từ đó xây dựng mô hình dự báo tác động của BĐKH đối với sức khỏe cộng đồng, đồng thời đánh giá tính an toàn và khả năng ứng phó của hệ thống cơ sở y tế Thành phố trước tác động của BĐKH;…

Về nâng cao nhận thức cho người dân Thành phố, có đề tài "Nghiên cứu tác động của BĐKH đến người dân vùng ven biển TP.HCM – Nhận thức của người dân và giải pháp thích ứng" (Viện Nghiên cứu và Phát triển - Trần Nhật Nguyên, 2018) đánh giá những tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp tại huyện Cần Giờ, đánh giá nhận thức của người nông dân Cần Giờ về BĐKH, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức và giúp người dân thích ứng với các tác động của BĐKH.

Tiêu biểu về hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp trước tác động của BĐKH là các đề tài: "Nghiên cứu tác động của BĐKH đến nguồn nước (số lượng, chất lượng) phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM" (Viện Khoa học và Đổi mới Công nghệ - Trần Xuân Hải, 2020) đánh giá các tác động của BĐKH đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, từ đó đề xuất giải pháp cấp nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH và phù hợp với định hướng nông nghiệp công nghệ cao; "Nghiên cứu đề xuất biện pháp công trình thủy lợi thích ứng với biến động về dòng chảy đến số lượng và chất lượng nước tại các lưu vực sông dưới tác động của BĐKH" (Viện Kỹ thuật Biển - Lương Văn Thanh, 2022) đánh giá thực trạng và tác động của BĐKH đến các công trình thủy lợi trên các lưu vực sông trên địa bàn Thành phố, từ đó đề xuất biện pháp thích ứng với những biến động về nguồn nước (số lượng và chất lượng) dưới tác động của BĐKH trên các lưu vực sông;…

Về bảo tồn thiên nhiên trước tác động của BĐKH, tiêu biểu là các đề tài: "Nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến khả năng dự trữ carbon của các hệ sinh thái tự nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ và đề xuất các giải pháp thích ứng" (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Chi nhánh phía Nam - Nguyễn Văn Thịnh, 2020) nhằm đánh giá khả năng tích lũy carbon của các quần xã, quần thể thực vật rừng tự nhiên trong rừng ngập mặn Cần Giờ và dự báo ảnh hưởng của BĐKH lên chúng, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ sự thích ứng của hệ sinh thái rừng ngập mặn với sự thay đổi của yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và nồng độ CO2 tới giai đoạn 2030 và 2050; "Đề xuất giải pháp xử lý môi trường sau bão Durian nhằm nâng cao chức năng phòng hộ và quản lý bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ trong BĐKH" (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM - Nguyễn Thị Lan Thi, 2022) nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của hệ sinh thái rừng ngập mặn sau quá trình tự phục hồi trong điều kiện có và không có tác động của con người, từ đó xây dựng giải pháp xử lý môi trường sau các xáo trộn do bão để tối ưu hóa tốc độ tự phục hồi của rừng ngập mặn, góp phần nâng cao chức năng phòng hộ của rừng và phục vụ quản lý rừng bền vững;…

Rừng ngập mặn Cần Giờ - lá phổi xanh của TP.HCM (Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)

Tuy các công trình nghiên cứu liên quan đến BĐKH tại Thành phố đã xuất hiện khá sớm và đa dạng, nhưng nhìn chung, còn khá tập trung ở góc độ ứng phó với các tác động của BĐKH. Nên chăng, các nhà khoa học tại Thành phố tăng cường mở rộng hơn nữa các nghiên cứu theo hướng giảm thiểu, hạn chế các nguyên nhân gây BĐKH, mà trước hết và quan trọng nhất là các giải pháp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội thông qua phát triển sản xuất xanh, năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn,… để vừa góp phần thực hiện mục tiêu khẩn cấp chống BĐKH vừa góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác như: đảm bảo quyền tiếp cận năng lượng sạch với giá hợp lý cho tất cả mọi người; đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường; bảo tồn và sử dụng bền vững biển và nguồn lợi biển; bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược suy thoái đất và ngăn chặn mất đa dạng sinh học?

Hữu Ngọc

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Liên Hợp Quốc. Các mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam. https://vietnam.un.org/vi/sdgs
[2] Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và những điều chỉnh tại Việt Nam. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20811/muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-lien-hiep-quoc-va-nhung-dieu-chinh-tai-viet-nam.aspx
[3] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu. https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/bien-doi-khi-hau-va-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-594203.html
[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường. Công ước UNFCCC và sự tham gia của Việt Nam. https://monre.gov.vn/Pages/cong-uoc-unfccc-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx
[5] CESTI. Chuyên mục Thư viện Khoa học và Công nghệ. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập