Đổi mới sáng tạo thường là khởi nguồn hình thành tài sản trí tuệ của nhân loại. Tạo ra tài sản trí tuệ là việc khó, duy trì được tài sản trí tuệ cũng là việc không kém phần nan giải. Quản lý tài sản trí tuệ, do vậy, là hoạt động có vai trò rất quan trọng, đảm bảo duy trì lợi thế cạnh tranh sống còn của doanh nghiệp.
Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các doanh nghiệp (DN). Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh, nhiều công nghệ mới, nhiều yêu cầu khắt khe hơn về pháp lý, cũng như đòi hỏi ngày càng cao hơn của người tiêu dùng, để tồn tại và phát triển, DN phải không ngừng đổi mới các quy trình, áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, lựa chọn và phát triển các ý tưởng mới để tạo ra các giá trị tối ưu. Kết quả của quá trình đổi mới sáng tạo (ĐMST) này sẽ tạo ra các tài sản trí tuệ (TSTT) làm tăng sự hài lòng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng, tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, giúp DN đạt được lợi thế cạnh tranh mới và thu hút nguồn lực tài trợ của các đối tác. TSTT là loại tài sản vô hình, đóng góp đáng kể vào giá trị của DN và ngày càng được đánh giá cao. Theo nghiên cứu của Ocean Tomo (quỹ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực TSTT) về 500 công ty tên tuổi nhất ở Mỹ, giá trị tài sản vô hình tăng từ 17% năm 1975 lên tới 90% giá trị thị trường trong năm 2020.
Nhờ cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nên TSTT có khả năng mang lại cho DN vị thế độc quyền (Hình 1). Qua đó, DN có thể thương mại hóa TSTT dưới hình thức sử dụng trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng cho các chủ thể khác để thu lại những lợi ích kinh tế nhằm bù đắp cho quá trình đầu tư sáng tạo và mở rộng vị thế trên thị trường.
Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (Nguồn: thuvienphapluat.vn)
Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhiều DN còn chưa thực sự coi quyền SHTT như một tài sản quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo ông Trần Hữu Nam (Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), số đơn đăng ký sáng chế trong vòng 10 năm qua (2013-2022) của chủ thể Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ bằng 1/8 so với đơn đăng ký sáng chế của chủ thể nước ngoài (Hình 2). Số nhãn hiệu hàng hóa của DN Việt Nam được xác lập quyền SHTT chỉ vào khoảng 80.000, trong khi cả nước có gần 350.000 DN. Cùng với đó, vấn đề tranh chấp thương mại, ăn cắp mẫu mã, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hoặc bí mật kinh doanh giữa các DN vẫn xảy ra nhiều trên thị trường.
Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã nộp từ 2013 đến 2022 của chủ thể người Việt Nam và chủ thể người nước ngoài. (Nguồn: vneconomy.vn)
Để bảo hộ quyền SHTT của chính DN, cũng như tránh để xảy ra tình trạng xâm phạm quyền SHTT, DN cần quản lý TSTT ngay từ giai đoạn tạo dựng, sáng tạo TSTT và có những kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn phát triển TSTT (Hình 3). Việc quản lý TSTT có chiến lược sẽ thúc đẩy ĐMST tại DN, góp phần tạo ra các TSTT khác trong tương lai.
Chu trình tài sản trí tuệ
Nhận thức tầm quan trọng của ĐMST đối với DN và nền kinh tế, TP.HCM đã có nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động ĐMST nhằm tạo ra TSTT. Trong đó, triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”, tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ, cũng như nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST phát triển sản phẩm và thị trường và các DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và ĐMST,…; khuyến khích đưa các kết quả, các sản phẩm nghiên cứu thành tài sản được bảo hộ quyền SHTT. Thành phố cũng khuyến khích việc thành lập các trung tâm ĐMST, trung tâm nghiên cứu - triển khai (trung tâm R&D) tại các trường đại học; tổ chức nhiều cuộc thi về khởi nghiệp và ĐMST, thu hút hàng nghìn dự án đăng ký tham gia. Theo thống kê, đến nay đã có 61 dự án khởi nghiệp ĐMST được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình SpeedUP dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp tại Thành phố.
Song song đó, để tăng cường nhận thức và năng lực quản lý TSTT cho các DN, kể từ năm 2005, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã đề xuất và triển khai Chương trình đào tạo Quản trị viên TSTT trên địa bàn. Qua đó, các lớp đào tạo cấp độ Chuyên viên TSTT, Trưởng bộ phận TSTT, Giám đốc TSTT đã được mở ra phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu, đến từ doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo – nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước,… Tính đến hết tháng 12/2019, Chương trình đã cấp 68 Giấy chứng nhận cấp độ Giám đốc TSTT, 113 Giấy chứng nhận cấp độ Trưởng bộ phận TSTT, 223 Giấy chứng nhận cấp độ Chuyên viên TSTT cho các học viên. Chỉ tính riêng gần đây, trong năm 2022, khóa huấn luyện “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo lập, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ” cũng đã được Thành phố tổ chức cho 42 học viên; việc huấn luyện cấp độ Chuyên viên TSTT được tiến hành cho cho 54 học viên, cấp độ Giám đốc TSTT cho 45 học viên. Thành phố cũng tổ chức hội thảo về sáng chế và SHTT, thu hút 266 đại biểu từ các DN và trường Đại học, viện/trung tâm nghiên cứu,...
Cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP năm 2022”. (Nguồn: ipvietnam.gov.vn)
*****
Có thể thấy, hoạt động ĐMST trong DN chính là việc tạo ra (hoặc bổ sung) các nội dung mới trên nền tảng thông tin, tri thức vốn có sẵn và phát triển thành các TSTT cho DN. Nói khác đi, một khi DN có ĐMST thì sẽ có những TSTT mới ra đời, góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động thương mại và gia tăng doanh thu. Do vậy, chiến lược quản lý TSTT tốt là yêu cầu các DN cần có để đảm bảo các ưu thế về quyền SHTT, cũng là yếu tố đảm bảo điều kiện phát triển các hoạt động ĐMST trong DN, tạo ra giá trị và động lực phát triển bền vững cho DN.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ: Góp phần tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. https://ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/chuong-trinh-phat-trien-tai-san-tri-tue-gop-phan-tao-moi-truong-khuyen-khich-oi-moi-sang-tao?inheritRedirect=false
[2] Thực trạng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/pldn/Pages/pho-bien-pl-doanh-nghiep.aspx?ItemID=48
[3] Vai trò của sở hữu trí tuệ trong thúc đẩy phát triển kinh tế. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vai-tro-cua-so-huu-tri-tue-trong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-101669.htm#:~:text=Theo%20c%C3%A1c%20nh%C3%A0%20kinh%20t%E1%BA%BF,8%20v%C3%A0%206%2C8%25
[4] Ảnh hưởng của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/345804/CTv60S3002022013.pdf
[5] Sở hữu trí tuệ, động lực của đổi mới sáng tạo. https://kinhtedothi.vn/so-huu-tri-tue-dong-luc-cua-doi-moi-sang-tao.html
[6] Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội: Dẫn đầu cả nước về bảo hộ quyền SHCN trong giai đoạn 2011-2020. https://ipvietnam.gov.vn/danh-sach-sang-che-kieu-dang-cong-nghiep-nhan-hieu-cua-63-tinh-thanh/-/asset_publisher/sT9HpA1je6J2/content/thanh-pho-ho-chi-minh-ha-noi-dan-au-ca-nuoc-ve-bao-ho-quyen-shcn-trong-giai-oan-2011-2020?inheritRedirect=false
[7] Ocean Tomo releases intangible asset market value study interim results for 2020. https://oceantomo.com/insights/ocean-tomo-releases-2015-annual-study-of-intangible-asset-market-value/