Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/4/2005 (Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg), với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong bối cảnh Việt Nam đang trong những năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hoa Kỳ, chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật SHTT (năm 2005) và gia nhập WTO (năm 2007). Sau hơn 15 năm triển khai, Chương trình đã hỗ trợ, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức/doanh nghiệp và cá nhân, góp phần quan trọng cho sự phát triển của hệ thống SHTT quốc gia; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo dựng văn hóa SHTT trong các cộng đồng. Kết quả triển khai Chương trình là một trong các cơ sở khoa học và thực tiễn để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 (Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019), mà mục tiêu đầu tiên được xác định trong Chiến lược là “Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ”. Có thể thấy, vấn đề ĐMST và TSTT rất được ưu tiên, và là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ.

 

Liên quan đến ĐMST và TSTT, theo Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), năng lực đổi mới của các tổ chức/doanh nghiệp là yếu tố then chốt cho sự tồn tại, khả năng nâng cao phúc lợi và sự phát triển bền vững của xã hội. Năng lực này bao gồm khả năng nắm bắt và ứng phó với các hoàn cảnh thay đổi, theo đuổi các cơ hội mới, tận dụng kiến thức và sự sáng tạo của nhân sự trong tổ chức/doanh nghiệp, phối hợp với các bên quan tâm ở bên ngoài. Vì tính chất quan trọng này, ISO đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 56000 cho hệ thống quản lý ĐMST, thông qua sự phối hợp, phát triển bởi các chuyên gia ĐMST từ khắp nơi trên thế giới. Bộ tiêu chuẩn cho phép cung cấp thông tin về quản lý hoạt động ĐMST trong các tổ chức/doanh nghiệp thuộc mọi loại hình một cách tổng thể, có hệ thống. Theo các chuyên gia, căn cứ tiêu chuẩn ISO/DIS 56005 Quản lý ĐMST - Quản lý TSTT (thuộc Bộ tiêu chuẩn ISO 56000), việc quản lý hiệu quả TSTT chính là “chìa khóa” để hỗ trợ quá trình ĐMST tại tổ chức/doanh nghiệp, vốn có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, đồng thời cũng là một trong những động lực cạnh tranh, thể hiện ở việc cho phép tạo ra thu nhập cho tổ chức/doanh nghiệp thông qua cấp phép (license), bán hoặc thương mại hóa các sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT, nâng cao đáng kể thị phần hoặc làm tăng lợi nhuận cho tổ chức/doanh nghiệp.

 

Trong những năm gần đây, do thành quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự tăng trưởng của nền công nghiệp dịch vụ, các tài sản vô hình (TSVH, từ nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật, các ý tưởng, thương hiệu, kiểu dáng và các kết quả vô hình khác có được từ năng lực ĐMST) của các tổ chức/doanh nghiệp trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình. Thực tế này có thể thấy rõ nhất là ở các tổ chức/doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có hàm lượng tri thức và có tính sáng tạo cao, các tổ chức/doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng. Quyền SHTT biến các TSVH “trở nên hữu hình” hơn bằng cách đưa chúng trở thành các tài sản độc quyền có giá trị, có thể trao đổi thương mại được trên thị trường, giúp các tổ chức/doanh nghiệp có quyền sở hữu và khai thác tối đa các tài sản này. Do vậy, các tổ chức/doanh nghiệp cần xây dựng phương thức quản lý, khai thác tốt nhất các TSVH, mà biện pháp quan trọng nhất chính là thúc đẩy tiến trình bảo hộ về mặt pháp lý, nếu đủ điều kiện, để đạt được và duy trì các quyền về SHTT. Bên cạnh đó, các tổ chức/doanh nghiệp cũng cần xác định, theo dõi và định giá các TSTT của tổ chức/doanh nghiệp để bảo đảm bao quát được hết giá trị của các tài sản đó.

 

Thực tiễn cho thấy, nhu cầu về bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT của các tổ chức/doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, nhiều nội dung hỗ trợ, vận dụng vẫn còn chưa được như mong muốn, ví dụ như các vấn đề về định giá TSTT, tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT,... Mong rằng tới đây, các công tác hỗ trợ bảo hộ, quản lý, phát triển TSTT, tạo dựng văn hoá SHTT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, giúp SHTT thực sự trở thành công cụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích ĐMST và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, như những kỳ vọng mà Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg, ngày 24/12/2020) đã xác lập.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập