Sử dụng thực phẩm an toàn, tươi sạch là nhu cầu thiết yếu của con người. Đảm bảo an toàn thực phẩm là câu chuyện dài của cả một hệ thống phức tạp, liên ngành: từ trồng trọt, chăn nuôi, khai thác đến bảo quản, chế biến và lưu thông đến tay người tiêu dùng. Tham gia ngay từ những công đoạn ban đầu, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ mở ra triển vọng cung ứng nguồn nông sản sạch với hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc và học tập, tiêu thụ lượng thực phẩm vô cùng lớn từ nông sản tươi. Do đó, việc đảm bảo nguồn nông sản tươi làm thực phẩm an toàn là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh này, dưới sự hỗ trợ và khuyến khích của Thành phố, các nhà khoa học tại Thành phố đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, mà đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp cho nhà nông nhiều loại giống cây trồng, các mô hình, quy trình, giải pháp, phương pháp, công nghệ, thiết bị sản xuất, chế phẩm sinh học,… hỗ trợ hiệu quả cho quá trình sản xuất các loại nông sản sạch, có giá trị kinh tế cao với chi phí thấp, không chỉ góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố, mà còn cả các tỉnh khu vực vùng Đông Nam Bộ. Trong hai năm nay, số đề tài nghiên cứu hướng đến việc tạo ra nguồn nông sản sạch, hiệu quả kinh tế cao được nghiệm thu tại Thành phó rất đa dạng và phong phú:
Về mô hình, quy trình, giải pháp, phương pháp trồng nông sản sạch với hiệu quả kinh tế cao, điển hình là các công trình: “Khảo sát sự ảnh hưởng của các yếu tố dinh dưỡng và chất phủ đến sự phát triển nấm mối đen (Xerula radicata) trên cơ chất mùn cưa cao su” (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI), Dương Phú Tiến, 2022), “Khảo sát sự ảnh hưởng của cơ chất nuôi trồng và phương pháp trồng đến sự phát triển của nấm thái dương’’ (AHBI, Ngô Thị Sinh, 2022), “Xây dựng quy trình nuôi trồng trong lọ quy mô sản xuất thử nghiệm các giống nấm bào ngư (Pleurotus spp.) ở Thành phố Hồ Chí Minh” (AHRD, Vũ Thùy Dương, 2022), “Sản xuất thử nghiệm nấm chân dài Pleurotus giganteus Berk. ở quy mô trang trại” (AHBI, Nguyễn Tiến Duy, 2022) để xác định mô hình, quy trình, phương pháp, công thức dinh dưỡng nuôi trồng phù hợp, đạt năng suất cao đối với các loại nấm có giá trị kinh tế cao; “Nghiên cứu một số biện pháp trồng và thử nghiệm sơ chế hạt cây sacha inchi (Plukenetia volubilis) tại các huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận” (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Quang Thạch, 2022) nhằm xây dựng mô hình, quy trình trồng cây sacha inchi thay thế cho những loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp và quy trình sơ chế hạt sacha inchi thành thực phẩm; “Thử nghiệm mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến trong sản xuất rau xà lách (Lactuca sativa L.) thủy canh hoàn lưu” (AHBI, Nguyễn Thị Sáu, 2022) nhằm xây dựng mô hình sản xuất rau xà lách thủy canh có năng suất, chất lượng cao;…
Về tạo giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, có năng suất cao, kháng sâu bệnh, giảm thiểu yêu cầu can thiệp bên ngoài bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại trong quá trình canh tác, tiêu biểu có các công trình nghiên cứu: “Chọn lọc, khảo nghiệm và trình diễn một số dòng khổ qua lai F1 phù hợp với điều kiện Đông Nam Bộ” (Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Phan Đặng Thái Phương, 2022) với sản phẩm là giống khổ qua lai F1 có năng suất cao hơn 10% so với các giống khổ qua F1 đang được trồng phổ biến ở vùng Đông Nam Bộ; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 trên cây dưa leo (Cucumis sativus L.) hướng đến tạo giống dưa leo có khả năng kháng virus” (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM (HCMBiotech), Nguyễn Xuân Dũng, 2022), “Nghiên cứu chọn tạo giống dưa leo F1 (Cucumis sativus L.) phù hợp với khu vực Đông Nam Bộ” (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (AHRD), Tô Thị Thùy Trinh, 2022) với sản phẩm là một số giống dưa leo có năng suất cao, chất lượng quả vượt trội và kháng bệnh;…
Về chế phẩm sinh học cải tạo đất, thay thế phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nổi bật là các công trình nghiên cứu: “Nghiên cứu tạo chế phẩm Rhizobium sp. và Bradyrhizobium sp. trên nền chất mang bán rắn phục vụ cải tạo đất nông nghiệp” (HCMBiotech, Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, 2022) với sản phẩm là chế phẩm vi sinh cố định đạm; “Nghiên cứu cơ chế và tiềm năng cải tạo mặn của đất nông nghiệp bằng than sinh học sản xuất từ các phụ phẩm nông nghiệp” (Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM, Nguyễn Thanh Bình, 2023) nhằm xác định các loại than sinh học và tỷ lệ than tối ưu cải thiện tính chất đất mặn, làm tăng năng suất cây trồng trên đó; “AGRIBIS - Giải pháp công nghệ sinh học chuyển đổi canh tác nông nghiệp sang hướng hữu cơ bền vững” (AHBI, Dương Nhật Linh, 2022) với sản phẩm là các chế phẩm vi sinh có tác dụng phòng chống bệnh do vi sinh gây ra ở cây trồng;…
Nấm mối đen trên cơ chất mùn cưa cao su (Nguồn: CESTI)
Trong lĩnh vực chăn nuôi, một trong những sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhất hiện nay là tổ yến. Công trình “Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở Thành phố Hồ Chí Minh” (Viện Sinh học Nhiệt đới, Lương Đức Thiện, 2022) đã đánh giá các công nghệ nuôi yến hiện có ở TP.HCM, tác động môi trường, kinh tế - xã hội của việc nuôi chim yến và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi yến, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu,...
Nhà nuôi yến trong khu dân cư (trái) và trong khu vực nuôi tôm tại huyện Cần Giờ (Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố)
Có thể thấy, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2022-2023, ngành khoa học và công nghệ Thành phố đã có khá nhiều thành quả hữu ích để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Các giống mới được phát triển; các mô hình, quy trình, phương pháp canh tác tiên tiến được xây dựng; các chế phẩm sinh học thay thế phân - thuốc hóa học độc hại được tạo ra,…, vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nông sản thực phẩm cho người dân Thành phố, vừa góp phần hữu hiệu trong các công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo định hướng phát triển nông nghiệp của Thành phố, vẫn còn nhiều lĩnh vực có thể tiếp tục khai phá để tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm có tính ứng dụng cao, cần các tổ chức khoa học - công nghệ trên địa bàn Thành phố quan tâm hơn nữa, ví dụ như sản xuất con giống chất lượng cao, nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao,...
Nguyễn Ngọc
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] CESTI. Chuyên mục Thư viện Khoa học và Công nghệ. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/