Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Tăng trưởng xanh là việc thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

 

Tăng trưởng xanh

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh có nghĩa là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo rằng tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường cần thiết cho sự thịnh vượng của chúng ta.

Tính đến nay có 47 quốc gia trong đó có Việt Nam, tuân thủ tuyên bố của OECD về Tăng trưởng xanh năm 2009.

Khung đo lường khái niệm tăng trưởng xanh (Nguồn TheNounProject.com)

Cách tiếp cận của OECD để theo dõi tiến trình hướng tới Tăng trưởng xanh được trình bày lần đầu trong OECD, 2011, tập trung vào hoạt động sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, mô tả sự tương tác giữa nền kinh tế, cơ sở tài sản tự nhiên và các hành động chính sách. Theo OECD, Khung đo lường Tăng trưởng xanh gồm 26 chỉ số, thể hiện những đặc điểm chính của tăng trưởng xanh trong bốn lĩnh vực chính: (1) Năng suất tài nguyên và môi trường của nền kinh tế; (2) Cơ sở tài sản tự nhiên; (3) Khía cạnh môi trường của chất lượng cuộc sống; và (4) Các cơ hội kinh tế và phản ứng chính sách.

Từ các lĩnh vực này, bộ 6 chỉ báo được xác định để theo dõi các yếu tố trọng tâm của Tăng trưởng xanh, gồm: (1) Năng suất CO2, (2) Năng suất vật chất phi năng lượng, (3) Năng suất đa yếu tố được điều chỉnh theo môi trường, (4) Chỉ số tài nguyên thiên nhiên, (5) Thay đổi độ che phủ đất, (6) Dân số tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Các chỉ số đo lường tăng trưởng xanh. (Nguồn OECD)

 

Thúc đẩy Tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các nội dung thúc đẩy Tăng trưởng xanh được cụ thể hóa ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 1393/QĐ-TTg); “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” (Quyết định số 1658/QĐ-TTg);...

Quyết định số 1658/QĐ-TTg xác định mục tiêu tổng quát là “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa Carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”. Từ đây, 4 nhóm mục tiêu cụ thể đã được Chính phủ chỉ rõ: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Căn cứ các mục tiêu trên, tính đến nay, Tăng trưởng xanh ở nước ta đã có nhiều kết quả triển khai khá khả quan.

Ví dụ, năm 2022, 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37%; đã có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38%; các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới về tái chế kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh, đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%,...

Tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15-20%. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, tháng 7/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 26,2 tỷ kWh, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng điện huy động từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 22,11 tỷ kWh, chiếm 13,8% (điện mặt trời là 15,48 tỷ kWh, điện gió 6,06 tỷ kWh). Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất ngày 14/9 tại Bình Định, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), ước tính tỉ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%.

Lắp đặt điện mặt trời trên máy nhà tại TP.HCM

 

TP.HCM và Tăng trưởng xanh

Là một trong những đơn vị đi đầu trong Tăng trưởng xanh khi xem đây là lựa chọn tối ưu để phát triển kinh tế giai đoạn 2030-2050, hiện nay, TP.HCM đã đạt nhiều thành quả trong thực hiện các mục tiêu về giảm khí thải, nghiên cứu và sử dụng năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo an ninh môi trường.

Tại buổi gặp 100 CEO doanh nghiệp (ngày 14/9) để bàn phát triển kinh tế xanh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xác nhận, Thành phố đang hoàn thiện "Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn 2050". Để đạt mục tiêu giảm 30% lượng khí thải CO2 đến năm 2050, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Trần Văn Bảy, Sở đang hợp tác với TP Osaka (Nhật Bản) trong khuôn khổ Ghi nhớ về Chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các nội dung về phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ kiến thức chuyên môn về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển thành phố phát thải carbon thấp thông qua các dự án theo cơ chế tín dụng chung (JCM), các hợp tác về bảo vệ môi trường,… Ngành KH&CN Thành phố cũng góp phần cùng các nỗ lực giảm thải carbon, ví dụ như đề tài: “Nghiên cứu và đánh giá lượng phát thải CO2 ở TP.HCM, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp carbon”, do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chủ trì và TS. Nguyễn Xuân Trường làm chủ nhiệm năm 2020 đã được nghiên cứu thành công, cho phép đánh giá được lượng phát thải CO2 từ các nguồn và lượng hấp thụ CO2; ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ hiện trạng phát thải và hấp thụ khí CO2 từ các nguồn phát thải và các điểm hấp thu CO2 tại TP.HCM. Từ đó, đề xuất các giải pháp giảm phát thải CO2 để xây dựng mô hình thành phố phát thải thấp carbon.

Để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, ngành KH&CN Thành phố đã có nhiều hoạt động khá tích cực, với các kết quả có tính ứng dụng cao, ví dụ như nhiệm vụ “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu nanocomposite trên cơ sở graphene ứng dụng trong pin mặt trời chất màu nhạy quang” của nhóm chuyên gia tại Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (năm 2021). Các chuyên gia đã chế tạo thành công pin mặt trời chất màu nhạy quang có sử dụng vật liệu nanocomposite trên cơ sở graphene làm điện cực catot và anot. Pin có khả năng cải thiện hiệu suất hơn 20% so với pin dùng vật liệu Pt và TiO2 truyền thống, đồng thời giảm đáng kể lượng vật liệu Pt và TiO2 sử dụng. Việc sử dụng năng lượng mặt trời- năng lượng tái tạo giúp giải quyết phần nào vấn đề về ô nhiễm môi trường cũng như cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Mẫn (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cũng có nghiên cứu về pin sạc Li-ion sử dụng vật liệu silica/carbon có triển vọng thay thế một phần vật liệu graphite thương mại. Vật liệu được phát triển trên cơ sở vỏ trấu Việt Nam, khi ứng dụng thành công sẽ giúp "Việt hóa" các thành phần của vật liệu sản xuất pin Li-ion. Pin sạc Li-ion được kỳ vọng là nguồn điện chủ yếu cho các loại phương tiện giao thông điện cũng như giải quyết bài toán lưu trữ năng lượng tái tạo. Công nghệ từ nhóm nghiên cứu này được thông tin rộng rãi tại hội thảo “Công nghệ pin sạc Li-ion và công nghệ khí hydro xanh ứng dụng lưu trữ và chuyển hoá năng lượng”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào tháng 8/2023 vừa qua.

Nhằm góp phần giải quyết bài toán đảm bảo an ninh môi trường, nhiều nghiên cứu đã được các chuyên gia tại TP.HCM triển khai thực hiện. Ví dụ như nghiên cứu “Tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và các quốc gia châu Á” do TS. Hồ Thị Lam (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, năm 2021) làm chủ nhiệm, đã đánh giá được tác động của tăng trưởng kinh tế đến ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và các quốc gia châu Á dựa trên giả thuyết Đường cong Kuznets môi trường (EKC), từ đó đưa ra các khuyến nghị về cách có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững trong điều kiện đảm bảo chất lượng môi trường phù hợp với định hướng tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Gần đây, tháng 9/2023, Sở KH&CN TP.HCM vừa tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ "Chế tạo màng lọc đa chức năng ứng dụng làm sạch không khí chứa VOCs và vi sinh", do TS. Trần Thụy Tuyết Mai (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) là chủ nhiệm. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra màng lọc đa chức năng Mdoped cryptomelane dùng để làm sạch không khí. Sản phẩm có khả năng hấp thụ đáng kể không khí chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và vi sinh. Kết quả thử nghiệm cho thấy, màng cryptomelane là màng đa chức năng có khả năng xử lý các hợp chất hữu cơ (ethanol và formaldehyde) ở nhiệt độ thấp (dưới 100oC) và có khả năng kháng chủng loại vi sinh gram âm, gram dương điển hình như khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh. Hơn nữa màng chế tạo còn có khả năng kháng khuẩn lỵ Shigella sonnei và khuẩn gây bệnh sâu răng Streptococci mutans. Nghiên cứu này phù hợp để ứng dụng trong nha khoa, y tế, các phòng mạch, bệnh viện,...

Sản phẩm màng/tấm lọc Mdoped cryptomelane

Tăng trưởng xanh giúp đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, là một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, Tăng trưởng xanh được xem là nội dung trọng điểm trong phát triển kinh tế giai đoạn 2030-2050. Thời gian qua, các nhà khoa học tại Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng đã có nhiều đóng góp qua quá trình nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo của mình. Tuy nhiên, để đẩy mạnh tiến trình hoàn thành các mục tiêu của Thành phố, của quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vẫn cần nhiều hơn nữa các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao từ giới khoa học.

Minh Thư

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Như Bình. TP.HCM sẵn sàng cho kinh tế xanh. https://tuoitre.vn/tp-hcm-san-sang-cho-kinh-te-xanh-20230916092745131.htm
[2] Hướng phát triển mới cho pin năng lượng mặt trời. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/huong-phat-trien-moi-cho-pin-nang-luong-mat-troi/
[3] Như Bình. Nguồn phát thải khí nhà kính tại TP.HCM nhiều nhất từ đâu? https://tuoitre.vn/nguon-phat-thai-khi-nha-kinh-tai-tp-hcm-nhieu-nhat-tu-dau-20230920101252624.htm
[4] Viễn thông. 'TP HCM là nơi thử nghiệm tốt nhất chính sách thúc đẩy kinh tế xanh' https://vnexpress.net/tp-hcm-la-noi-thu-nghiem-tot-nhat-chinh-sach-thuc-day-kinh-te-xanh-4653560.html
[5] Trịnh Dũng. Hệ số che phủ rừng của Việt Nam đạt 42%, cao hơn mức bình quân của thế giới. https://nhandan.vn/he-so-che-phu-rung-cua-viet-nam-dat-42-cao-hon-muc-binh-quan-cua-the-gioi-post623083.html
[6] Đ.T.V (NASATI). Nghiên cứu và đánh giá lượng phát thải CO2 ở TP. Hồ Chí Minh, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp cacbon. https://www.vista.gov.vn/news/print/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-va-danh-gia-luong-phat-thai-co2-o-tp-ho-chi-minh-de-xuat-giai-phap-xay-dung-thanh-pho-phat-thai-thap-cacbon-3072.html
[7] Các CSDL KH&CN của CESTI.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập