Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Dược phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên đang dần trở thành những sản phẩm thiết yếu đối với con người hiện đại. Để thúc đẩy sự phát triển đa dạng của ngành sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng từ thiên nhiên, công nghệ sinh học có vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình này.

 

Tác nhân gây nên 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu

Từ đầu thế kỉ XXI đến nay, hòa cùng xu thế sống hài hòa với thiên nhiên trên khắp trên thế giới, người Việt Nam đang có khuynh hướng khơi dậy lĩnh vực y học cổ truyền, qua nguyên lý ứng dụng “đông - tây y kết hợp” trong các hoạt động phòng, chữa bệnh và ngày càng ưa chuộng việc sử dụng các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên nhằm bổ sung các vi chất, tăng cường sức khỏe hay hỗ trợ điều trị bệnh. Đáp ứng nhu cầu này, rất nhiều loại dược phẩm, thực phẩm chức năng với nguồn gốc, tác dụng phong phú đã ra đời nhờ ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học vào công nghiệp dược phẩm, hình thành ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng từ thiên nhiên.

Góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố, cũng như cả nước, trong giai đoạn 2022-2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã có nhiều tài trợ, khuyến khích các đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học, tạo ra các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng có giá trị cao, cả trên phương diện chăm sóc sức khỏe con người lẫn phương diện kinh tế.

Nấm linh chi là vị thuốc quý vốn được sử dụng trong đông y từ lâu đời. Thể quả của nấm linh chi được dùng để bồi bổ cơ thể, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ hạ đường huyết, hạ huyết áp và hỗ trợ điều trị ung thư. Trong vài năm gần đây, bào tử nấm linh chi đã trở thành đối tượng nghiên cứu đầy tiềm năng khi được phát hiện có hàm lượng hoạt chất cao hơn so với trong thể quả. Năm 2023, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Hữu Lạc Thủy (Đại học Y Dược TP. HCM - UMP) đã hoàn thành công trình “Nghiên cứu sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ bào tử linh chi đã được phá vách” với kết quả tạo ra phương pháp phá lớp vách bảo vệ khá vững chắc để chiết xuất hoạt chất từ bào tử nấm; công thức và quy trình bào chế viên nang từ bào tử đã được phá vách. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm hoạt tính sinh học, khảo sát độ ổn định và tiêu chuẩn hóa bào tử, cao chiết bào tử và viên nang. Kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng và tiềm năng kinh tế rất cao vì hiện trên thị trường Việt Nam chỉ mới manh nha sản phẩm viên nang từ bào tử nấm linh chi phá vách.

Nấm linh chi, bào tử nấm linh chi, bào tử nấm linh chi phá vách và viên nang từ bào tử nấm linh chi phá vách (Nguồn: Nhóm nghiên cứu)

Dứa dại Bắc bộ là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, mọc hoang dại khá nhiều ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là một trong số hơn 160 loài cây cỏ được xác định có tác dụng chữa các bệnh về gan ở nước ta. Tuy nhiên, trước năm 2023, chưa có công trình nào tại Việt Nam (và cả trên thế giới) nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của loài này. Do vậy, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã cấp kinh phí cho nhóm nghiên cứu của GS.TS. Phạm Hùng Việt (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất cao toàn phần có tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan từ quả dứa dại (Pandanus tonkinensis mart. ex B. Stone)”. Trong năm 2023, công trình đã đúc kết được thông tin về thành phần hóa học, xây dựng được quy trình chiết xuất cao toàn phần, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho cao toàn phần và hoạt tính kháng viêm, bảo vệ gan của cao toàn phần. Kết quả công trình nghiên cứu có tính ứng dụng và tiềm năng kinh tế cao, là tiền đề định hướng dược phẩm, thực phẩm chức năng mới có nguồn gốc từ dứa dại, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, vừa góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo thu nhập cho người dân tại những vùng nguyên liệu trong tương lai.

Cao toàn phần từ quả dứa dại Bắc bộ (Nguồn: Sở KH&CN TP.HCM)

Trước đó, trong năm 2022, nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng từ nguyên liệu tự nhiên cũng được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố nghiệm thu, các kết quả nghiên cứu đều có thể ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất. Trong đó, nổi bật là các công trình: “Nghiên cứu sự tích lũy hoạt chất saponin theo tuổi cây và ứng dụng vào một số sản phẩm chất lượng cao từ sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv. - Araliaceae) trồng tại Lâm Đồng” (SAPHARCEN, GS.TS. Nguyễn Minh Đức) nhằm xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho nguyên liệu sâm thương mại từ nguồn sâm Ngọc Linh trồng tại Lâm Đồng, từ đó thiết lập quy trình sản xuất và tiêu chuẩn cơ sở cho 3 sản phẩm: bột cao định chuẩn chứa 20% cao khô, sâm tẩm mật ong và trà sâm hòa tan để đáp ứng nhu cầu thị trường, tiến tới tạo ra những sản phẩm quốc gia từ sâm Ngọc Linh; “Nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc bạch hoa xà thiệt thảo - bán chi liên có tác dụng bảo vệ gan” (Bệnh viện Y học cổ truyền, TS. Dương Hồng Tố Quyên) nhằm khảo sát liều dùng, bào chế, đánh giá tính an toàn đối với sản phẩm dạng viên nang từ bài thuốc bạch hoa xà thiệt thảo - bán chi liên có tác dụng bảo vệ gan; “Nghiên cứu thu nhận và đánh giá khả năng hạ đường huyết của dịch chiết từ các bộ phận của cây chuối hột (Musa balbisiana)” (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, ThS. Hoàng Thị Ngọc Nhơn) nhằm khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính hạ đường huyết của các bộ phận cây chuối hột, từ đó làm làm sáng tỏ kinh nghiệm dân gian về việc sử dụng chuối hột trong điều trị tiểu đường và làm nền tảng sản xuất thử nghiệm các sản phẩm dược, thực phẩm chức năng từ cây chuối hột; “Khảo sát tác động trị nám da của cao chiết từ lá tía tô (perilla frutescens) trên mô hình thỏ gây nám da bằng tia UV và progesteron” (UMP, ThS. Nguyễn Ngọc Phúc) và “Khảo sát tác động ức chế tyrosinase của các cao chiết từ lá tía tô (perilla frutescens) trên dòng tế bào hắc tố B16F10” (UMP, PGS.TS. Huỳnh Ngọc Trinh) nhằm chiết xuất cao chiết từ lá tía tô và đánh giá tác động điều trị nám da, làm sáng da của cao chiết từ lá tía tô;…

Như vậy, trong các năm 2022 và 2023, nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học được Thành phố đầu tư đã tạo ra nhiều sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng từ thiên nhiên rất thiết thực, có tính ứng dụng và tiềm năng kinh tế cao. Để sớm biến tiềm năng kinh tế của các kết quả nghiên cứu trở thành lợi ích kinh tế thực sự và bền vững cho tất cả các bên liên quan, sự đồng hành của khu vực doanh nghiệp là rất cần thiết. Được như vậy, các sản phẩm nghiên cứu ở quy mô công nghiệp sẽ sớm ra đời, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố cũng như cả nước, đóng góp hữu hiệu vào các nỗ lực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Hửu Ngọc

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] CESTI. Chuyên mục Thư viện Khoa học và Công nghệ. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập