Tăng trưởng xanh giúp đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tại Việt Nam, kể từ năm 2012, Tăng trưởng xanh đã chính thức được xác định: “…là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội” (Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Trải qua hơn 10 năm triển khai, đến nay, Chiến lược Tăng trưởng xanh đã bước đầu thành công, từng bước góp phần thúc đẩy: (i) Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, (ii) Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, (iii) Mở rộng khả năng tiếp cận bình đẳng cho nhân dân về thành quả phát triển của quá trình chuyển đổi xanh, (iv) Hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, nhất là các cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Trên cơ sở này, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 1658/QĐ-TTg) và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” (Quyết định số 882/QĐ-TTg) tiếp tục được Thủ tướng phê duyệt. Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Tăng trưởng xanh cũng đã được thành lập, nhằm giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo và điều phối giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai Chiến lược.
Chứng kiến những tác động to lớn do biến đổi khí hậu cùng những bất cập cần phải giải quyết, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách. Khung chiến lược phát triển xanh của Thành phố xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột: (1) Phát triển nguồn lực xanh; (2) Xây dựng hạ tầng xanh; (3) Phát triển hành vi xanh; và (4) Xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Với việc xác định phát triển xanh là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, Chính quyền Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch về phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững; triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay, đồng hành thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”. Song song đó là huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên,… Năm 2023, kinh tế xanh là một trong những động lực mới góp phần đưa kinh tế TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%.
Tuy đã đạt được một số thành quả bước đầu, nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn thách thức quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh tại TP.HCM, đặc biệt là các hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, các chính sách và quy định cho phát triển kinh tế xanh. Thành phố còn thiếu nguồn lực tài chính đủ lớn để đầu tư vào các dự án và công nghệ xanh, cũng như nguồn nhân lực có đủ kỹ năng và kiến thức về kinh tế xanh, công nghệ xanh. Cũng theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh của TP.HCM cần dựa vào các trụ cột như phát triển năng lượng tái tạo (điện áp mái); phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện (kèm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông); đổi mới các công nghệ ít tiêu hao năng lượng; thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch; tăng cường sản xuất theo nông nghiệp xanh; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển,… Thành phố cũng cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh,...
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã mở ra cơ hội cho việc phát triển kinh tế xanh của Thành phố trong những năm tới, trong đó có các quy định về quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường. Trên cơ sở này, Thành phố đã xác định các ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý KH&CN, đổi mới sáng tạo,… Với những định hướng rõ ràng của Lãnh đạo Thành phố: “…mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, Thành phố đã chuyển hưởng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững…”; sự nỗ lực của các sở, ban, ngành trong việc tham mưu, kiến tạo các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn; sự phấn đấu của các nhà khoa học và doanh nghiệp, cộng đồng vì tăng trưởng xanh, có thể tin tưởng rằng kinh tế Thành phố sẽ nhanh chóng phát triển, bền vững.
BBT