Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Để tạo ra được nông sản an toàn, tươi sạch, khâu tổ chức sản xuất phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nông sản vẫn ổn định từ khi thu hoạch cho đến tay người tiêu dùng, phải phối hợp nhiều giải pháp căn cơ: vừa tăng cường công tác quản lý; vận dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sơ chế, bảo quản; vừa phải tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong cộng đồng,...

Thực phẩm tươi sạch tại một siêu thị ở TP.HCM (Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài gòn online)

Các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nông, lâm, thủy sản hiện đang tập trung vào việc tạo ra được sản phẩm sạch (không chứa chất độc, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trị bệnh động vật, không nhiễm ký sinh trùng và vi sinh có hại cho sức khỏe con người), trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng vào sản xuất, để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa tiết giảm chi phí và mang lại lợi nhuận cho nhà nông (tham khảo thêm bài “Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao: Bước khởi đầu chuỗi cung ứng nông sản sạch” – Thông tin chuyên đề Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo số 11/2023). Tuy nhiên, để đảm bảo nông sản vẫn giữ được độ tươi, sạch, không biến chất khi đến tay người tiêu dùng, cần áp dụng các phương pháp bảo quản thích hợp trong suốt quá trình thu hoạch, sơ chế, vận chuyển và kinh doanh. Có nghĩa là, bên cạnh việc đảm bảo các yếu tố sản xuất để tạo ra nông sản sạch, trong quá trình lưu thông, phân phối, phải đảm bảo nông sản không bị nhiễm thêm các hóa chất hay vi sinh có hại cho sức khỏe con người.

Coi vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những yêu cầu cấp thiết trong nỗ lực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân, TP.HCM đã có nhiều sáng kiến, giải pháp để giải quyết bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong mặt trận này, từ đầu năm 2017, Thành phố đã thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm, với các chức năng, nhiệm vụ về quản lý an toàn thực phẩm vốn được giao cho các cơ quan chuyên môn khác trên địa bàn như Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân đã được Thành phố triển khai, ví dụ như: tổ chức các hội thi về an toàn thực phẩm trong khu vực trường học; tập huấn an toàn thực phẩm cho tiểu thương các chợ truyền thống; phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; phát triển “Chuỗi thực phẩm an toàn”;…

Không đứng ngoài cuộc, ngành khoa học - công nghệ, dưới sự tài trợ của ngân sách Thành phố thông qua các đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ, đã có nhiều sản phẩm hỗ trợ thiết thực cho các yêu cầu quản lý và ứng dụng nhằm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các loại nông sản thực phẩm.

Để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thông qua việc nhận diện, định lượng chính xác các chất hóa học, các vi sinh có hại trong nông sản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn; sử dụng các chất cấm để bảo quản nông sản thực phẩm,.. nổi bật có các công trình nghiên cứu như: “Chế tạo và ứng dụng KIT phân tích nhanh urea và urea-biosensor” (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM (HCMUT), Trần Bích Lam, 2009); “Xây dựng quy trình phát hiện nhanh vi khuẩn Salmonella spp. trên nền mẫu thịt và rau bằng kỹ thuật LAMP (Loop-Mediated Isothermal Amplification)” (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao-AHRD, Nguyễn Phạm Trúc Phương, 2019); “Hoàn thiện quy trình phân tích hàm lượng hàn the (Borat) bằng kỹ thuật ICP - OES và khảo sát hàm lượng hàn the trong một số loại thực phẩm trên địa bàn TP. HCM” (Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM, Nguyễn Hoàng Ngọc Hân, 2020);…

Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra hàn the trong nông sản tươi làm thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8) vào rạng sáng ngày 11/12/2022 (Nguồn: Báo Thanh niên)

Các sản phẩm, giải pháp của giới khoa học tại Thành phố đã góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho các công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn (kiểm tra, kiểm định, xử lý vấn đề mất an toàn trong bảo quản nông sản thực phẩm). Tuy nhiên, các công trình này mới chỉ đáp ứng được phần nào cho việc xử lý phần ngọn của vấn nạn mất an toàn thực phẩm: phát hiện hành vi gây mất an toàn khi nó đã diễn ra, đối với một số trường hợp cụ thể. Theo các chuyên gia, hiệu quả nhất trong công tác xử lý an toàn thực phẩm là phải can thiệp từ phần gốc của vấn đề. Đó là phải ngăn chặn được các hành vi gây mất an toàn thực phẩm ngay tại khâu sơ chế.

Để hỗ trợ cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp thực phẩm đạt được mục tiêu kép “lợi nhuận - đảm bảo an toàn thực phẩm”, nhiều công trình nghiên cứu, cải tiến trong các khâu sơ chế nông sản, tạo ra các phương pháp, quy trình, công nghệ, thiết bị, chế phẩm,… mới, với chi phí thấp, hiệu quả cao cũng đã được ngành khoa học và công nghệ Thành phố áp dụng thành công trong thực tiễn, có thể kể đến như: “Ứng dụng tinh dầu trích ly từ húng chanh (Plectranthus amboinicus) để bảo quản dưa lưới (Cucumis melo L.) sau thu hoạch” (AHRD, Nguyễn Hoàng Thảo Ly, 2015); “Khảo sát khả năng sinh tổng hợp nisin của một số chủng vi khuẩn lactic ứng dụng trong bảo quản thực phẩm” (AHRD, Phạm Thị Thì, Nguyễn Văn Lượng, 2016); “Nghiên cứu tạo chế phẩm nisin từ các chủng vi khuẩn lactic làm phụ gia bảo quản thực phẩm” (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM, Nguyễn Thị Dung, 2017); “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống sấy thăng hoa kết hợp bơm nhiệt năng suất 35kg nước ngưng/24 giờ” (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Nguyễn Tấn Dũng, 2017); “Hoàn thiện quy trình bảo quản mãng cầu (Annona squamosa L.) ở quy mô pilot bằng phương pháp xử lý chitosan kết hợp Zeolite/Cu2+ (AHRD, Phạm Quang Thắng, 2018); “Nghiên cứu ảnh hưởng của chitosan phân tử lượng thấp và nano SiO2 đến chất lượng quả ổi (Psidium guajava L.) sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian bảo quản” (AHRD, Phạm Thị Hà Vân, 2018); “Nghiên cứu ứng dụng dịch chiết trichobrachin trong bảo quản quả thanh long sau thu hoạch” (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao, Nguyễn Ngọc Duy, 2019); “Nghiên cứu chế tạo máy sấy chân không thanh long, năng suất 500kg/mẻ” (HCMUT, Trần Anh Sơn, 2022); “Nghiên cứu quy trình kéo dài thời gian bảo quản chanh dây” (Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch, Trần Thị Kim Oanh, 2023);…

Máy sấy chân không thanh long, năng suất 500kg/mẻ (HCMUT, Trần Anh Sơn, 2022)
(Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM)

Kể từ ngày 1/1/2024, cùng với việc Quốc hội trao cho Thành phố một số cơ chế đặc biệt thông qua Nghị quyết 98, Sở An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với các chức năng thống nhất, đầu tiên trong cả nước sẽ đi vào hoạt động một cách chính danh tại Thành phố. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, bước tiếp nối của mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm, nhằm phát huy các thành quả đạt được sau 6 năm thí điểm hoạt động của cơ quan này; khắc phục các khó khăn, bất cập trong hoạt động phối hợp liên ngành, tạo cơ sở vững chắc để ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng mất an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM. Có thể kỳ vọng rằng, cùng với việc đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền - giáo dục rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm trong cộng đồng; tăng cường đầu tư, nghiên cứu các giải pháp công nghệ phục vụ lĩnh vực an toàn thực phẩm, mô hình này sẽ tạo ra được những chuyển biến thật sự tích cực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, sớm được thực tiễn chứng minh và nhân rộng ra cả nước.

Nguyễn Ngọc

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Thu Trang. Năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm. https://hanoimoi.vn/nam-2022-ca-nuoc-xay-ra-54-vu-ngo-doc-thuc-pham-10393.html
[2] D.Ngân. Chưa hết lo với ngộ độc thực phẩm. https://baodautu.vn/chua-het-lo-voi-ngo-doc-thuc-pham-d195352.html
[3] Anh Thơ. TP. HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm. https://tphcm.chinhphu.vn/tphcm-thanh-lap-so-an-toan-thuc-pham-101230919111817077.htm
[4] Các CSDL Khoa học và Công nghệ tại CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập