Trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới, ngành công nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển nhanh chóng trong sự giao thoa giữa văn hóa, kinh doanh và công nghệ. Không gian sáng tạo trở thành nơi tạo động lực sáng tạo cho các nghệ sĩ, doanh nhân và nhà nghiên cứu qua việc trao đổi, hợp tác phát triển sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Thuật ngữ “Không gian sáng tạo” (KGST) xuất hiện lần đầu tiên trong Chương trình toàn cầu Kinh tế Sáng tạo của Hội đồng Anh triển khai tại Việt Nam vào năm 2014. Theo đó, KGST là địa điểm (có thể trong thế giới thực hoặc trong thế giới ảo) mà các nhà sáng tạo có thể chia sẻ, hỗ trợ, thực hiện các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa và khoa học - công nghệ (KH&CN). Các KGST rất đa dạng về hình thức, có thể là văn phòng làm việc (thực và ảo), cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), khu phức hợp, cơ sở lưu trú,… Đó có thể là một quán cà phê, phòng tranh, xưởng điêu khắc, sân khấu, studio,… cũng có thể là trường học, cơ sở nghiên cứu, thư viện hay trang web, diễn đàn, mạng xã hội,… Theo nghĩa rộng hơn, KGST bao gồm các sự kiện văn hóa, giáo dục, KH&CN hay các tổ/nhóm hoạt động không gắn với địa điểm cố định,… nhằm thực hiện các hoạt động như: sản xuất, kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ sáng tạo; tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sự sáng tạo; triển khai các dự án phát triển cộng đồng về sáng tạo; chia sẻ kiến thức và kĩ năng về sáng tạo qua giảng dạy, tọa đàm, hội thảo; gây quỹ hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo,…
Từ năm 2014 đến nay, các KGST tại Việt Nam liên tục phát triển về chất lượng nhờ sự tham gia ngày càng sâu rộng của các bên liên quan như các cơ quan nhà nước (Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025”), các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, KH&CN; ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái KNĐMST.
KGST thuộc dự án Giọt sương J’rai do Art Labor (trụ sở tại TP.HCM) triển khai ở Gia Lai (Nguồn: Art Labor)
Xét về mặt địa lý, đa số các KGST tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, với loại hình chủ đạo là các không gian làm việc chung, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KNĐMST và các cơ sở về nghệ thuật đương đại. Phần lớn những KGST này thuộc các tổ chức tư nhân, hoạt động với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp (đa số là doanh nghiệp nhỏ), tổ chức phi chính phủ, hoặc hộ kinh doanh, với định hướng phát triển cộng đồng, không vì lợi nhuận; số còn lại thuộc về khu vực công, tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hub coffee - Phòng tổ chức sự kiện sáng tạo trong không gian đổi mới sáng tạo SIHUB tại TP.HCM (Nguồn: SIHUB)
Hiện tại TP.HCM có hơn 40 cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KNĐMST thuộc quyền quản lý của Sở KH&CN, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, các trường đại học, các doanh nghiệp tư nhân,… đã và đang hoạt động mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST của TP.HCM ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt, trong số này, từ năm 2016 đến nay, Saigon Innovation Hub (SIHUB - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Sở KH&CN TP.HCM) là nơi tập hợp và kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước của hệ sinh thái KNĐMST của Thành phố, giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho cộng đồng; cung cấp các dịch vụ về KNĐMST, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Thành phố trong khu vực và trên trường quốc tế.
Từ năm 2021 đến nay, cùng với việc triển khai đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 1/3/2021 của UBND Thành phố), đã có hơn 693 dự án công nghệ được hỗ trợ ươm tạo, phát triển tại Thành phố; hơn 236 doanh nghiệp KNĐMST được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Hệ sinh thái KNĐMST của Thành phố ngày càng phát triển, giúp Thành phố ngày càng tiến gần đến mốc Top 100 thành phố có hệ sinh thái KNĐMST năng động nhất toàn cầu.
TP.HCM nằm trong nhóm 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu năm 2021 (Nguồn: VGP)
Ở khu vực công, ngày 4/8/2022, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã có Kế hoạch số 2701/KH-UBND nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Thành phố giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch này đã được triển khai rộng rãi đến các đơn vị trên địa bàn, mà trong đó, một trong những nhiệm vụ chính là thành lập tổ công tác tại từng đơn vị để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo. Các tổ công tác đổi mới sáng tạo này chính là các KGST sơ khai nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong khu vực công, từ đó tạo động lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Toàn cảnh hội nghị thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại TP.HCM (Nguồn: Đỗ Doãn)
Các KGST đã và đang trở thành các trung tâm quy tụ các nhà sáng tạo trao đổi, hợp tác phát triển sản phẩm sáng tạo nhờ tạo ra được bầu không khí tích cực, tạo động lực cho các thành phần của cộng đồng KNĐMST: các nhà nghiên cứu khoa học, nhà phát triển công nghệ, nghệ sĩ, doanh nhân,… Qua hình hài và sự phát triển của các KGST, các nhà quản lý và các bên liên quan có thể hình dung được một cách trực quan và tường minh về cơ cấu và triển vọng của ngành công nghiệp sáng tạo. Việc cần làm ngay là nghiên cứu, đề xuất và triển khai nhanh các chính sách, kế hoạch và chương trình hành động thiết thực hơn nữa để tiếp tục phát triển bền vững các KGST, qua đó, góp phần phát triển bền vững cả hệ sinh thái KNĐMST nói riêng, và nền kinh tế nói chung.
Hửu Ngọc
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] British Council (Viet Nam). Dự án Kinh tế sáng tạo. https://www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/nghe-thuat/du-an-kinh-te-sang-tao
[2] Trương Uyên Ly. Báo cáo về các KGST ở Việt Nam. https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/hoi_dong_anh_bao_cao_khong_gian_sang_tao_2018.pdf
[3] Trần Vũ Nguyên. Báo cáo về vai trò của không gian văn hóa sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo Việt Nam. https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/hoi_dong_anh_bao_cao_khong_gian_sang_tao_2018.pdf
[4] Vân Minh. Hệ sinh thái KNĐMST của TP.HCM ngày càng lớn mạnh. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tim-kiem/he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-cua-tphcm-ngay-cang-lon-manh-1491909870
[5] Đặng Đức Thành. Lợi thế giúp TP.HCM trở thành thành phố khởi nghiệp số 1 Việt Nam. https://tphcm.chinhphu.vn/loi-the-giup-tphcm-tro-thanh-thanh-pho-khoi-nghiep-so-1-viet-nam-101220814232911029.htm
[6] Phú Đức. Hiệu quả từ Chương trình đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. https://tphcm.dangcongsan.vn/tin-tuc/hieu-qua-tu-chuong-trinh-doi-moi-sang-tao-va-ho-tro-doanh-nghiep-khoi-nghiep-sang-tao-602611.html
[7] V.Lê. Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại TP Hồ Chí Minh. https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/thuc-day-hoat-dong-doi-moi-sang-tao-trong-khu-vuc-cong-tai-tp-ho-chi-minh-619032.html