Là một công cụ về chính sách đô thị phổ biến ở Châu Âu nhằm nghiên cứu và phát triển các ý tưởng xây dựng đô thị thông minh và giải quyết các vấn đề của quá trình đô thị hóa, Living Labs (Phòng thí nghiệm Sống) đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai xây dựng do nó được xem là một phương pháp thực tế cải thiện tính bền vững. Tại TP.HCM, mô hình Living Lab Trường Thọ đang được Viện Đổi mới sáng tạo đề xuất nghiên cứu triển khai xây dựng để thúc đẩy phát triển khu đô thị sáng tạo - tương tác cao phía Đông Thành phố.
Khái niệm Living Labs bắt đầu xuất hiện trong các tài liệu học thuật vào đầu những năm 2000, với trọng tâm là việc thử nghiệm các công nghệ mới trong môi trường tương tự như ở nhà. Những người đề xuất ban đầu là nhóm các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Truyền thông MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts – Hoa Kỳ), do GS. William Mitchell dẫn đầu, nghiên cứu các công nghệ mới cho thành phố và nhà ở thông minh.
Đến năm 2006, Living Labs mới thực sự thành công khi Ủy ban Châu Âu triển khai các dự án điều phối và thúc đẩy hệ thống đổi mới chung của Châu Âu. Mạng lưới Living Labs Châu Âu (The European Network of Living Labs - ENoLL), được thành lập vào tháng 11/2006 dưới thời Chủ tịch Phần Lan của Hội đồng Liên minh Châu Âu, là sáng kiến có ảnh hưởng nhất, được đưa ra như một cơ chế để khắc phục “Nghịch lý châu Âu” - khả năng cạnh tranh kinh tế suy giảm, thách thức xã hội ngày càng tăng và khoảng cách giữa lãnh đạo nghiên cứu và sự đổi mới thương mại. Số lượng Living Labs được công nhận trên toàn thế giới đến năm 2023 đã đạt hơn 480, với 155 thành viên hoạt động tích cực trong EnoLL.
Hơn 480 Living Labs đã được công nhận trên thế giới, tính đến năm 2023 (Nguồn: enoll.org)
Khái niệm về Living Labs
Theo mô tả của ENoLL, Living Labs là các hệ sinh thái đổi mới mở, lấy người dùng làm trung tâm, dựa trên cách tiếp cận đồng sáng tạo một cách có hệ thống của người dùng, tích hợp các quy trình nghiên cứu và đổi mới trong môi trường và đời sống thực.
Các Living Labs đóng vai trò là trung gian điều phối và tạo môi trường hợp tác, đồng sáng tạo giữa 4P (People - Người dùng, Public - Khu vực công, Institute Partner - Các tổ chức nghiên cứu, Private - Khu vực tư nhân) nhằm giải quyết các khía cạnh về xã hội và công nghệ. Các bên liên quan này có thể hưởng lợi từ Living Labs theo nhiều cách khác nhau (Ví dụ: doanh nghiệp có thể có được những ý tưởng mới và sáng tạo, công dân có thể có được sự đổi mới mà họ mong muốn, các nhà nghiên cứu có thể nhận được các tình huống nghiên cứu và các cơ quan nhà nước có thể đạt được nhiều lợi ích từ các khoản đầu tư vào nghiên cứu đổi mới sáng tạo). Khái niệm chính cơ bản của Living Labs là biến người dùng, từ chỗ được coi là đối tượng thụ động, chỉ đứng ở vai trò sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, trở thành những người tham gia tích cực, góp phần đồng sáng tạo và thử nghiệm các ý tưởng mới, các kịch bản đột phá và các khái niệm đổi mới sáng tạo để đáp ứng chính nhu cầu của mình.
Living Labs đóng vai trò là trung gian điều phối và tạo môi trường hợp tác 4 bên
Ban đầu, khái niệm về Living Labs chủ yếu tập trung vào công nghệ thông tin, nhưng hiện nay, Living Labs đã vượt xa nguồn gốc, ngày càng phổ biến và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: thiết kế đô thị, y tế, văn hóa, du lịch, giáo dục, năng lượng, … Thời gian gần đây, Living Labs còn được xem là công cụ hữu ích để phát hiện nhu cầu của cộng đồng, tích hợp đổi mới công nghệ vào chính sách và quy trình quản lý của địa phương, cũng như giúp giải quyết các vấn đề đô thị hóa và thúc đẩy các thành phố trở nên thông minh hơn.
Living Labs trong xây dựng và phát triển đô thị
Các đô thị ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi phải đảm bảo cả về phát triển kinh tế, gắn kết xã hội và đồng thời đạt được sự bền vững về môi trường. Nhằm giải quyết vấn đề đó, các Urban Living Labs (Living Labs đô thị) xuất hiện với vai trò giải quyết các vấn đề phức tạp của đô thị bằng cách thu hút nhiều bên liên quan và tạo cơ hội thử nghiệm, phát triển ý tưởng và giải pháp trong môi trường sống hàng ngày.
Theo sổ tay về Urban Living Labs của tổ chức GUST (Governance of Urban Sustainability Transitions) “The Emerging Landscape of Urban Living Labs Characteristics, Practices and Examples”, có nhiều lý do khiến cho các thành phố cần phát triển Urban Living Labs như: (1) Giúp kết nối các đối tác từ nhiều lĩnh vực với chất lượng nhân lực, nguồn lực tài chính và ảnh hưởng chính trị khác nhau; (2) Các ý tưởng đổi mới, giải pháp công nghệ được thử nghiệm trong môi trường thực tế; (3) Giúp chuyển đổi công tác quản trị thành phố bằng cách kết hợp các bên liên quan cung cấp nền tảng tri thức và công nghệ; (4) Thu hút sự quan tâm của công chúng và đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động đổi mới sáng tạo tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông minh và bền vững; (5) Là phương tiện để cộng đồng có mục tiêu chung, cùng thiết kế và tạo nên tương lai cho đô thị.
Urban Living Labs được xây dựng nhằm nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đô thị (Nguồn: www.urbantransformations.ox.ac.uk)
Năm đặc điểm chính của Urban Living Labs:
1. Tính gắn kết về mặt địa lý: các Urban Living Labs không phải là các nền tảng ảo, nó có trụ sở và được đặt trong một khu vực địa lý cụ thể.
2. Thử nghiệm và học tập: các Urban Living Labs thử nghiệm các công nghệ, giải pháp và chính sách mới trong điều kiện thực tế và theo những cách dễ quan sát.
3. Sự tham gia của cộng đồng: các bên liên quan cùng tham gia thiết kế trong tất cả các giai đoạn.
4. Sự lãnh đạo và quyền sở hữu: các Urban Living Labs có người lãnh đạo, mặc dù vẫn tồn tại một sự cân bằng không rõ ràng giữa việc chỉ đạo và kiểm soát.
5. Đánh giá các hành động và tác động: việc đánh giá nhằm củng cố khả năng của các Urban Living Labs, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chính thức quy mô lớn.
Cũng theo GUST, có 3 nền tảng xây dựng Urban Living Labs bao gồm: Chiến lược, Dân sự và Cơ sở. Tuy chưa thể hiện đầy đủ “thực tế” nhưng nó có thể cho thấy bản chất của các phương pháp thiết kế Urban Living Labs:
– Urban Living Labs Chiến lược: được lãnh đạo bởi chính phủ hoặc các đơn vị tư nhân lớn, thường hoạt động trong toàn bộ khu vực thành phố với nhiều dự án được bảo trợ.
– Urban Living Labs Công dân: được lãnh đạo bởi các chủ thể như chính quyền thành phố, trường đại học hay các nhà phát triển đô thị, tập trung vào phát triển kinh tế đô thị bền vững. Các Living Labs thực hiện các dự án độc lập hoặc phối hợp giữa Quận/Huyện - Thành phố và thường sử dụng mô hình dự án hợp tác đồng tài trợ.
– Urban Living Labs Cơ sở: được lãnh đạo bởi cộng đồng dân cư hoặc các tổ chức phi lợi nhuận, tập trung vào các chương trình về phúc lợi và kinh tế, thường tổ chức các dự án quy mô nhỏ hoặc vấn đề đơn lẻ và có ngân sách hạn chế.
Nhờ việc quảng bá rộng rãi tính hữu dụng phục vụ quá trình đổi mới sáng tạo, Living Labs đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng trong hơn 20 năm qua không chỉ ở các nước Châu Âu mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới, giúp cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ có động lực phát triển, rút ngắn thời gian và chi phí nghiên cứu, tăng tính ứng dụng và khả thi của kết quả nghiên cứu KH&CN để giải quyết những vấn đề thực; giúp phát triển mạng lưới giao thông kết nối đô thị, liên khu vực, liên vùng, tiếp cận dịch vụ và hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng hòa nhập, đảm bảo phân phối tốt hơn các lợi ích của tăng trưởng kinh tế.
Mô hình Living Lab Trường Thọ - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM
Ngày 9/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của về việc thành lập TP. Thủ Đức trực thuộc TP.HCM, Theo đó, TP. Thủ Đức được định hướng phát triển trở thành đô thị sáng tạo, với kỳ vọng tạo ra một “cực tăng trưởng mới” trực tiếp thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để đáp ứng định hướng đó, từ giữa năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã mời gọi các đơn vị đăng ký thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình living lab cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố”. Tháng 12/2022, Viện Đổi mới sáng tạo (trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) đã được chọn làm đơn vị chủ trì thực hiện; kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu vào tháng 8/2023.
Phường Trường Thọ là khu trung tâm hành chính, tài chính - thương mại của TP. Thủ Đức. Bên cạnh những lợi thế phát triển, Trường Thọ hiện phải đối mặt với 5 hệ quả nghiêm trọng của quá trình đô thị hóa: suy thoái tài nguyên đất; áp lực “dấu chân con người” (Human Footprint); ô nhiễm môi trường; nóng lên toàn cầu; và sự bành trướng đô thị. Do đó, có thể thấy việc phát triển Living Lab Trường Thọ là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông của TP.HCM và cả TP. Thủ Đức. Do vậy, cần kêu gọi, thu hút sự hợp tác của khu vực công, khu vực tư nhân và các cơ quan nghiên cứu tại khu đô thị tương tác cao khu vực phía Đông cùng tham gia xây dựng, triển khai và duy trì hoạt động. Người dân sinh sống tại Trường Thọ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ các giải pháp mới được thử nghiệm và triển khai thông qua hoạt động của Living Lab.
Quy trình xây dựng Living Lab được đề xuất cho Khu đô thị Trường Thọ - TP. Thủ Đức (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)
Nhóm chuyên gia tại Viện Đổi mới sáng tạo đã đề xuất áp dụng mô hình Hồi sinh đô thị (OUR living lab_Urban on revitalization) cho Living Lab Trường Thọ, đây được xem là mô hình phù hợp, không chỉ cung cấp được nhiều giải pháp cho các vấn đề thực tại ở khu đô thị Trường Thọ, mà còn đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang hướng tới. Các hợp phần dự án thử nghiệm là Đo lường cảm xúc của người dân trước các thiết kế đô thị và Quản lý giao thông thông minh. Cách tiếp cận của mô hình Hồi sinh đô thị là Enabler-driven, với cơ quan chính quyền là thành phần dẫn dắt các thay đổi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hai đề xuất về cơ cấu tổ chức Living Lab Trường Thọ của Viện Đổi mới sáng tạo (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)
Về mặt nguồn lực tài chính để vận hành Living Lab Trường Thọ, nhóm nghiên cứu đề xuất xem xét mô hình tài chính nhận hỗ trợ phần lớn từ nguồn vốn đầu tư công theo Luật đầu tư công cho các dự án nhóm C (mức vốn hỗ trợ 40 tỷ đồng) và nguồn kinh phí của thành phố, theo tỷ lệ khoảng 55% vốn từ ngân sách nhà nước và thành phố và 45% là từ huy động tài trợ khu vực tư nhân (doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, người dân). Tuy nhiên, tùy từng dự án mà tỷ lệ này có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.
Living Lab Trường Thọ, về cơ bản, đóng vai trò là một trong những dự án tiên phong về Living Lab tại Việt Nam, do đó, cần thường xuyên thực hiện tổng kết kinh nghiệm nhằm đóng góp kiến thức cho các dự án Living Lab khác trong tương lai. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức phải xây dựng kết nối giữa người dân, đơn vị nghiên cứu, khu vực công, khu vực tư nhân dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) để các đơn vị cùng trao đổi, thảo luận, xác định tầm nhìn, các bên đều cùng được hưởng lợi. Ngoài ra, cần tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sự giao tiếp giữa các bên liên quan và tìm các đối tượng phù hợp để cùng tham gia dự án, cũng như đảm bảo các cam kết từ nhà tài trợ nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án. Thêm vào đó, hoạt động truyền thông cần được triển khai cùng đồng hành và xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Living Lab để nâng cao nhận thức cho tất cả các bên liên quan và để cộng đồng nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của Living Lab trong xây dựng và phát triển đô thị.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] The European Network of Living Labs: https://enoll.org/
[2] GUST. The Emerging Landscape of Urban Living Labs: Characteristics, Practices and Examples. GUST
[3] Huong Ng., Marques P., Benneworth, P. . Living labs: Challenging and changing the smart city power relations? Technological Forecasting and Social Change
[4] Sarkar, A. N. . Innovations in designing Smart Cities as Living Labs (1). Retrieved from The Smart City Journal: https://www.thesmartcityjournal.com/en/articles/innovations-designing-smart-cities-as-living-labs-1
[5] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Đề xuất mô hình xây dựng và vận hành Living Lab Trường Thọ thúc đẩy phát triển khu đô thị sáng tạo - tương tác cao phía Đông TP.HCM. Retrieved from Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: https://www.dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/de-xuat-mo-hinh-xay-dung-va-van-hanh-living-lab-truong-tho-thuc-day-phat-trien-khu-do-thi-sang-tao-tuong-tac-cao-phi-dong-tphcm/