Không gian sáng tạo (KGST), hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các sự kiện văn hóa, giáo dục, KH&CN hay các tổ/nhóm hoạt động không gắn với địa điểm cố định,… nhằm thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ sáng tạo; tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sự sáng tạo; triển khai các dự án phát triển cộng đồng về sáng tạo; chia sẻ kiến thức và kĩ năng về sáng tạo qua giảng dạy, tọa đàm, hội thảo; gây quỹ hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo,… Mô hình này hiện rất phổ biến tại các đô thị lớn trên thế giới và thực tiễn hoạt động đã cho thấy chúng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đô thị, thể hiện ở ở các khía cạnh: tạo ra bản sắc cho đô thị; tạo ra sự hấp dẫn cho đô thị và truyền cảm hứng sáng tạo. Với các KGST làm việc chung (co-working space), các cá nhân sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được cung cấp mặt bằng để kết nối và những cơ hội trao đổi, chia sẻ về nghề nghiệp, ý tưởng sáng tạo, tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm để giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo có thể thành công. Thông thường, các KGST này luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội gặp gỡ với các nhà đầu tư, tham gia khóa học kinh doanh, kết nối với các doanh nghiệp khác để cùng đồng hành trong quá trình khởi nghiệp. Nhờ vậy, các KGST luôn có ý nghĩa tạo điều kiện và truyền cảm hứng sáng tạo cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Được biết đến ở Việt Nam lần đầu tiên tại Chương trình toàn cầu Kinh tế Sáng tạo của Hội đồng Anh triển khai vào năm 2014, đến nay, KGST đã hiện diện tại nhiều thành phố lớn ở nước ta. Đến năm 2021, cả nước đã có khoảng 200 không gian sáng tạo, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, hoạt động như các không gian làm việc chung, các cơ sở ươm tạo,… Các KGST tập trung theo lĩnh vực, ngành nghề cũng thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành. “Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh”, sản phẩm hợp tác giữa Ủy ban Nhân dân TP.HCM và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - ra mắt năm 2020, là một ví dụ. Đây là không gian dành cho việc trưng bày và trình diễn các sản phẩm công nghệ số phục vụ Chương trình chuyển đổi số của Thành phố. Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại với khách hàng tiềm năng, các doanh nghiệp công nghệ còn có cơ hội trao đổi, giao lưu, kết nối và hợp tác với nhau nhằm phát triển các sản phẩm và công nghệ số phục vụ xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh và phát triển kinh tế - xã hội,…
Cũng đã xuất hiện nhiều loại hình KGST tạo ra không gian làm việc, hợp tác bên trong trường học, thư viện hoặc cơ sở công cộng/tư nhân để hỗ trợ các yêu cầu học tập, khám phá và chia sẻ các công cụ hỗ trợ, kể cả sử dụng công nghệ cao. Gần đây, hướng đến nhóm đối tượng trẻ, nhất là ở khu vực trường học, mô hình "Không gian sáng tạo trẻ" đã được tạo dựng, với các đặc điểm: (1) Là không gian được thiết kế đặc biệt, có thể bao gồm các khu vực làm việc cá nhân, làm việc nhóm, phòng thí nghiệm, thư viện, trưng bày,.. nhằm tạo ra môi trường thân thiện và kích thích sự tò mò và sáng tạo của học sinh; (2) Có sự đầu tư các thiết bị và công cụ hỗ trợ giúp thực hiện các hoạt động sáng tạo. Đó có thể là các loại máy móc, thiết bị, tài liệu, vật liệu thí nghiệm,…; (3) Cung cấp các hoạt động và chương trình đào tạo như thảo luận, nhóm làm việc, thực hành, thí nghiệm, dự án nghiên cứu, tiếp xúc với các ngành nghề và công nghệ,… để khuyến khích học sinh tham gia và phát triển kỹ năng sáng tạo; (4) Có sự hỗ trợ từ giảng viên và chuyên gia để đưa ra các hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích học sinh thể hiện ý tưởng và giải pháp của mình; (5) Khuyến khích học sinh tự do tưởng tượng, thử nghiệm, khám phá và tạo ra những ý tưởng mới mẻ. Mô hình này cũng thúc đẩy việc tạo ra một môi trường cởi mở, nơi mà học sinh có thể trao đổi ý kiến, hợp tác và học hỏi từ nhau.
Có thể thấy, một giai đoạn mới đầy hứng khởi cho môi trường sáng tạo ở Việt Nam đang mở ra. Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình toàn cầu hóa và những lợi thế của internet, các KGST đã và đang kết nối một cộng đồng sáng tạo rộng lớn.
Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, để có nền kinh tế sáng tạo, cần phát triển 3 nền tảng: con người sáng tạo (hay lực lượng lao động sáng tạo); không gian sáng tạo (hay cơ sở hạ tầng cho sáng tạo) và các tổ chức hay doanh nghiệp sáng tạo (số lượng và quy mô). Ngoài ra, còn có một yếu tố mang tính quyết định nữa đó là “Chính quyền sáng tạo” - chính quyền với quan điểm cởi mở, tạo điều kiện, có những chính sách và hành động hỗ trợ sự phát triển vững mạnh của cả 3 nền tảng nói trên và giúp liên kết chúng với nhau. Các KGST chính là các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các cơ sở hạ tầng này, nhất là trong khu vực tư nhân, hiện vẫn còn khá nhiều hạn chế: thiếu kinh nghiệm phát triển; cần thêm nhiều hỗ trợ về vốn, đầu tư; cần những hỗ trợ về truyền thông, đào tạo kĩ năng, hợp tác, kết nối cũng như những hỗ trợ khác về cơ sở hạ tầng và thông tin,… Do vậy, cùng với tư duy “Chính phủ kiến tạo”, chính quyền ngày càng thể hiện rõ quyết tâm đồng hành cùng thị trường, doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo, sẵn sàng đánh thức các nguồn lực cho phát triển sáng tạo bằng các chủ trương, chính sách phát triển đa dạng và hợp lý, có thể chắc chắn rằng, trong thời gian tới, các KGST sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ trên cả nước, đóng góp thiết thực vào việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.
BBT