Bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2022, khi Chat GPT ra đời, trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đời sống xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, việc kiểm soát và quản lý để công nghệ AI phát triển theo đúng định hướng “phục vụ sự phát triển của con người” là vấn đề cần được quan tâm.
Bảo vệ con người trước công nghệ trí tuệ nhân tạo
AI là lĩnh vực khoa học máy tính, dùng để phát triển các hệ thống máy tính hoặc máy móc có khả năng thực hiện các nhiệm vụ thông minh thay thế con người. Các hệ thống này có khả năng học và thích nghi với môi trường, giải quyết các vấn đề phức tạp, và thực hiện các tác vụ thông minh như nhận biết hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đánh giá tình huống, và đưa ra quyết định, do vậy, mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực và làm thay đổi thế giới.
Tuy nhiên AI cũng có nhiều tác động tiêu cực đến đời sống của con người: khi ứng dụng vào tự động hóa, đòi hỏi người lao động phải thích nghi và tái đào tạo, có thể dẫn đến khả năng mất việc làm trong một số ngành công nghiệp; AI có thể thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân, đặc biệt khi không có kiểm soát và quy định; AI cũng gây lo ngại về quyền riêng tư và tính bảo mật, có thể được dùng để lan truyền tin giả, thông tin sai lệch, hoặc thậm chí tạo ra vũ khí tự động. Sự phụ thuộc quá mức vào AI có thể tạo ra nguy cơ khi các hệ thống AI gặp sự cố hoặc bị tấn công. AI cũng đặt ra các vấn đề đạo đức và xã hội mới. Do vậy, các quyết định về việc sử dụng và phát triển AI cần được cân nhắc kỹ.
Nghiên cứu của Đại học Stanford gần đây cho thấy, AI có nguy cơ thiên vị giới tính và chủng tộc. 97% hình ảnh được tạo bằng DALL-E 2 mô tả những người ở các vị trí quyền lực (chẳng hạn như Giám đốc/Giám đốc điều hành) là đàn ông da trắng, mặc dù thực tế là những vị trí này do phụ nữ nắm lần lượt là 29,1% và 39,6%. Ngoài ra, một số tính từ như “vô lý”, “cứng đầu” và “trí tuệ” thường được gắn với nam giới, trong khi “từ bi”, “nhạy cảm” và “đa cảm” được gắn với phụ nữ nhiều hơn. Kết quả mang tính định kiến này tạo ra những lo ngại, nếu công nghệ AI được sử dụng trong những công việc như tạo hồ sơ việc làm. Quyền riêng tư, an ninh mạng, sự thiên vị cũng là những nguy cơ mà AI có thể mang lại cho doanh nghiệp.
Bảng 1. Những rủi ro hàng đầu liên quan đến việc áp dụng AI, theo nhận xét của các tổ chức, vào năm 2022
(Nguồn: Báo cáo của Stanford)
Cần có bộ luật chung cho trí tuệ nhân tạo trên thế giới
Cho đến nay, vẫn chưa có một bộ luật có tính chất thống nhất trên thế giới về AI. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang nỗ lực xây dựng các đạo luật và quy định liên quan đến AI để đảm bảo sự phát triển và sử dụng của công nghệ này là an toàn và đạo đức: ngày 8/6/2023, Mỹ giới thiệu hai dự luật AI với một số điểm nổi bật như AI không được đưa ra các quyết định khi không có con người, đảm bảo lợi thế cạnh tranh về các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn, điện toán lượng tử và AI vào tay các đối thủ như Trung Quốc,…; ngày 14/06/2023, Liên minh châu Âu thông qua bộ luật đầu tiên về AI. Theo ông Brando Benifei (Thành viên Nghị viện châu Âu), khuôn khổ pháp lý đối với AI là cần thiết để giảm thiểu rủi ro, cũng như phát huy hết tiềm năng của công nghệ này.
Các quy tắc được xây dựng theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro và thiết lập nghĩa vụ đối với các nhà cung cấp và những người triển khai hệ thống AI tùy thuộc vào mức độ rủi ro mà AI có thể tạo ra. Các ứng dụng AI xâm phạm quyền riêng tư và phân biệt đối xử sẽ bị cấm.
Bảng 2. Bốn mức độ rủi ro của AI, theo Đạo luật về trí tuệ nhân tạo của EU
(Nguồn: antoanthongtin.com)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa tổ chức cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về AI tại New York, Mỹ vào ngày 18/7/2023, đã thảo luận và đề xuất các quy tắc về việc sử dụng AI trong lĩnh vực vũ trụ, quyền của con người và an ninh toàn cầu. Phát biểu chủ trì cuộc họp với tư cách Chủ tịch luân phiên của Hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh - James Cleverly cho rằng, AI sẽ “thay đổi căn bản mọi khía cạnh trong đời sống”. Ông cũng kêu gọi cần phải khẩn trương định hình việc quản trị toàn cầu đối với AI, bởi việc ứng dụng công nghệ này gần như không có biên giới.
Sự phát triển của các quy tắc và luật về AI đang diễn ra nhanh chóng và có thể thay đổi theo thời gian. Các quy tắc này thường xoay quanh việc đảm bảo AI được sử dụng một cách đạo đức, an toàn và tuân thủ các nguyên tắc quan trọng như quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.
Liên quan đến công nghệ AI, tại Việt Nam, đến nay đã có 84 công trình nghiên cứu từ cấp tỉnh trở lên ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống, cũng như để phục vụ và bảo vệ hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Giới khoa học tại TP.HCM cũng đóng góp gần 20 nội dung vào các công trình nghiên cứu từ cấp tỉnh trở lên của cả nước. Bắt đầu với đề tài cấp Bộ của nhóm PGS.TS. Nguyễn Quốc Hưng (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, 2016) “Điều khiển dao động và giám sát trực tuyến tình trạng kỹ thuật dựa trên trí tuệ nhân tạo - Một giải pháp gia tăng tốc độ tàu lửa Việt Nam”, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng AI của các nhà khoa học tại Thành phố khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu cho nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là ngành y tế (tầm soát bệnh glaucoma, bệnh đột quỵ thiếu máu não cấp, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, gây mê); ngành xây dựng (cảnh báo cầu đường bộ, phát hiện và định vị sự thay đổi của công trình biển), ngành giao thông vận tải (quản lý vận chuyển hàng hóa, giám sát giao thông), an ninh (giám sát an ninh, phân tích dữ liệu camera), quản lý đô thị (cảnh báo sớm ngập lụt),…
Việc nghiên cứu, ứng dụng AI vào đời sống đang diễn ra khá nhanh và nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng. Tại kỳ họp thứ 5 (ngày 23/5/2023), thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đã đề nghị xem xét sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để ban hành luật (hoặc nghị quyết) quy định về AI để thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng AI nhằm tối đa hóa những lợi ích mà công nghệ này đem lại, nhưng cũng kiểm soát tốt những rủi ro trong quá trình phát triển công nghệ.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và tiềm năng phát triển lớn, AI sẽ dần thay thế các công nghệ cũ và trở thành nền tảng phát triển trong thế giới tương lai. Để công nghệ AI đi theo hướng tạo ra những lợi ích thiết thực nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của con người, cần có những quy định chung trên toàn thế giới và cho từng quốc gia. Quá trình xây dựng luật về AI ở Việt Nam, vì vậy, cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Sơn Hà. Cần khuôn khổ pháp lý giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo. https://vnexpress.net/can-khuon-kho-phap-ly-giam-thieu-rui-ro-tu-tri-tue-nhan-tao-4653667.html
[2] Văn Toàn. Cần có quy định về trí tuệ nhân tạo nhằm tối đa lợi ích và kiểm soát rủi ro. https://nhandan.vn/can-co-quy-dinh-ve-tri-tue-nhan-tao-nham-toi-da-loi-ich-va-kiem-soat-rui-ro-post754168.html
[3] Nguyễn Khang. Đạo luật AI: Quy định về trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở EU. https://m.antoanthongtin.vn/chinh-sach---chien-luoc/dao-luat-ai-quy-dinh-ve-tri-tue-nhan-tao-dau-tien-o-eu-109099
[4] Quang Anh. Châu Âu xem xét Luật kiểm soát trí tuệ nhân tạo: Bước đi kịp thời và hợp lý. https://cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/chau-au-xem-xet-luat-kiem-soat-tri-tue-nhan-tao-buoc-di-kip-thoi-va-hop-ly-i692197/
[5] Amanda Napitu. 150+ Artificial Intelligence Statistics You Need to Know in 2023 – Who is Using It & How.https://www.techopedia.com/artificial-intelligence-statistics
[6] Sinead O’Connor & Helen Liu. Gender bias perpetuation and mitigation in AI technologies: challenges and opportunities. https://link.springer.com/article/10.1007/s00146-023-01675-4
[7] Anh Vũ. Quốc hội Mỹ xem xét hai dự luật mới về trí tuệ nhân tạo. https://laodong.vn/cong-nghe/quoc-hoi-my-xem-xet-hai-du-luat-moi-ve-tri-tue-nhan-tao-1202621.ldo
[8] Measuring trends in Artificial Intelligence . https://aiindex.stanford.edu/report/