AI (Artifical Intelligence - trí tuệ nhân tạo) là công nghệ giúp mô phỏng những suy nghĩ và quá trình tiếp thu kiến thức, khả năng học tập, cư xử,… của con người áp dụng cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Nhờ những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như máy học (machine learning), học sâu (deep learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP - natural language processing) mà AI đang phát triển rất mạnh mẽ. AI đã và đang trở thành công cụ quy mô lớn, cho phép tính toán cách thức tích hợp thông tin, phân tích dữ liệu và sử dụng kết quả để cải thiện việc ra quyết định. AI cũng thúc đẩy, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, những cơ hội mới cho doanh nghiệp mà trước đây không thể có được. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vào thực tiễn, ngày 26/1/2021, Thủ tướng đã ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030” (Quyết định số 127/QĐ-TTg) nhằm tạo ra cú huých, biến AI thành lĩnh vực công nghệ quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ, trong đó có tập trung nguồn lực cho phát triển AI; đồng thời, tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ AI, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI.
Với những nỗ lực thúc đẩy từ chính quyền, những năm gần đây, công nghệ AI tại Việt Nam đã hình thành và ngày càng phát triển, đi sâu vào một số lĩnh vực kinh tế, xã hội như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại điện tử, giao thông vận tải,... Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo của chính phủ” do Tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62/160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới (tăng 14 bậc so với năm 2020). Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực AI tại Việt Nam vẫn còn đối diện với khá nhiều khó khăn: đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, thiếu tập trung, hiệu quả chưa cao; chưa có chiến lược phát triển dữ liệu quốc gia, chưa có chính sách quốc gia và lộ trình phát triển AI, chưa có khung pháp lý riêng cho AI,...
Dù mới được quan tâm tại Việt Nam, nhưng với những tiềm năng sẵn có, AI sẽ phát triển rất nhanh trong tương lai, mang lại những tác động to lớn về công nghệ, kinh tế và xã hội. Đồng thời, nó cũng làm nảy sinh những vấn đề mới, những thách thức pháp lý, đòi hỏi hệ thống luật pháp phải tương thích. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực nghiên cứu, trao đổi các vấn đề pháp lý liên quan đến việc sử dụng AI, để có thể tận dụng được những lợi thế mà AI mang lại, nhưng cũng kiểm soát tốt những rủi ro đối với con người trong quá trình phát triển công nghệ này. Ngày 14/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua quan điểm đàm phán về Luật Trí tuệ nhân tạo với những quy định nhằm khuyến khích việc áp dụng AI đáng tin cậy và lấy con người làm trung tâm, đồng thời bảo vệ “sức khỏe, sự an toàn, các quyền cơ bản và nền dân chủ khỏi những tác động có hại của AI”.
Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này. Việc dự báo những thách thức về pháp lý cũng như đề ra những giải pháp giải quyết là tất yếu khách quan. Đây cũng là một trong những định hướng chiến lược, được xác định rõ tại Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030: “Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI”. Do đó, các nhà lập pháp cần sớm nghiên cứu, xác định rõ tư cách pháp lý, bản chất pháp lý của AI để có thể xây dựng khung pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến AI, ví dụ như quan hệ về tài sản, quyền sở hữu, bảo vệ dữ liệu riêng tư và dữ liệu cá nhân, quyền sở hữu trí tuệ, quan hệ lao động, bồi thường thiệt hại,… Với tốc độ phát triển như vũ bão của cách mạng 4.0, xã hội mà con người và những thực thể AI “cùng chung sống” sẽ không chỉ còn là viễn tưởng. Do vậy, sự chuẩn bị kịp thời cho những đòi hỏi thực tiễn của xã hội, cho phép vừa khai thác tối đa hiệu quả, vừa kiểm soát tốt AI, bằng pháp luật, là rất cần thiết.
BBT