Công nghệ sinh học ngày càng phát triển đã cho phép tạo ra các loại thực phẩm biến đổi gene (GMF) với năng suất cao, sản lượng lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít quan ngại về GMF trong nhận thức của nhiều người. Do vậy, việc tăng cường thông tin về các đánh giá an toàn và tuân thủ quy định ghi nhãn GMF là rất cần thiết.
Sản phẩm biến đổi gene
“Công nghệ gene” là công nghệ sinh học hiện đại (còn được gọi là “công nghệ DNA tái tổ hợp” hoặc “kỹ thuật di truyền”), cho phép chọn lọc các gene riêng lẻ và chuyển từ sinh vật này sang sinh vật khác, tạo ra sinh vật biến đổi gene (Genetically Modified Organisms - GMO).
Ở thực vật, để tạo ra cây trồng GMO, các nhà khoa học biến đổi cấu trúc ADN của nhân tế bào bằng kỹ thuật di truyền hiện đại, tạo ra các tính trạng mới không có trong tự nhiên, ví dụ như: cho sản lượng cao, hàm lượng dưỡng chất cao, kháng sâu bệnh, giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, thích nghi với các điều kiện bất lợi,… Ví dụ, gene Bt được chuyển từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis sang cây bắp giúp kháng sâu bệnh (Hình 1). Tạo giống gạo vàng có chứa hàm lượng betacarotene (vitamin A) cao; cải dầu có khả năng kháng lại nấm mốc trắng; giống đậu nành có thành phần acid béo tốt cho sức khỏe con người bằng kỹ thuật di truyền hiện đại,…
Ảnh hưởng của bắp Bt (đã chuyển gene) đến vòng đời của côn trùng gây hại. (Nguồn: ncbi.nlm.nih.gov)
Ở động vật, nhiều nghiên cứu chuyển gene cũng đã được tiến hành. Ví dụ như nghiên cứu tạo ra cá GMO để nghiên cứu về di truyền học và sự phát triển trên hai loài cá sọc và cá chọi (Gong & Korzh, 2004); nghiên cứu tạo ra bò sữa GMO để tạo ra được sữa như ở con người (Stevenson Heidi, 2011);... Từ thực vật hoặc động vật GMO, người ta sản xuất ra các loại thực phẩm biến đổi gene (Genetically Modified Food - GMF/GM).
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cho phép thương mại hóa cây thuốc lá GMO kháng virus vào năm 1992. Đến năm 1994, Mỹ chấp thuận cho người dân sử dụng GMF là cà chua FlavrSavr, có thời gian bảo quản lâu hơn. Một năm sau đó, phần lớn bắp, bông và đậu nành trồng tại Mỹ đều là dạng GMO. Cây trồng GMO đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Đến nay, khá nhiều loại GMF đã được thương mại hóa trên thị trường, như đậu nành, bắp, bông, dưa leo, đu đủ, dầu hạt cải, cỏ linh lăng, củ cải đường, khoai tây, thơm, cà chua, táo,... Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA, 2018), cây trồng GMO tập trung nhiều ở cây đậu nành (50%), bắp (30,7%), bông (13 %), cải dầu (5,3%) và một số loài cây khác.
Cây trồng GMO tại một số quốc gia năm 2018. (A) Diện tích các loại cây trồng GMO, (B) Các loại cây trồng GMO (Nguồn: ISAAA, 2018)
Những lo ngại về thực phẩm biến đổi gene
Để tạo ra sinh vật GMO, các nhà khoa học sẽ chèn gene quan tâm vào bộ gene của sinh vật bằng cách sử dụng vector có thể chứa một số yếu tố khác, như chất kích thích virus, chất kết thúc phiên mã, tính kháng kháng sinh và gene đánh dấu. Các gene mới khi được kết hợp vào, có thể cư trú ở bất cứ đâu, gây đột biến trong bộ gene của vật chủ và di chuyển hoặc sắp xếp lại sau khi được chèn, hoặc ở các thế hệ tiếp theo. DNA chuyển gene có thể bị phá vỡ và tái hợp nhất vào bộ gene một lần nữa (tái tổ hợp) dẫn đến sự sắp xếp lại nhiễm sắc thể ở các thế hệ kế tiếp và có khả năng làm thay đổi sinh vật GMO như tạo ra các protein gây dị ứng hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Mặt khác, vì không phải DNA luôn phân mảnh hoàn toàn trong hệ thống tiêu hóa, hệ vi sinh đường ruột của con người và mầm bệnh có thể bám giữ các vật liệu biến đổi gene, bao gồm các gene kháng kháng sinh, có thể làm giảm hiệu quả của kháng sinh và tăng nguy cơ mắc các bệnh kháng kháng sinh. Ngoài ra, khi được trồng rộng rãi trong thực tế, cây trồng GMO có thể phát tán những gene biến nạp sang cây trồng thông thường (thụ tinh chéo), từ đó, sâu bệnh có thể tăng cường tính kháng với các chất độc tiết ra từ cây chuyển gene. Cũng có cả nguy cơ những chất độc này tác động tới cả các sinh vật không gây hại/có ích. Hơn thế, các loại siêu cỏ dại và siêu sâu bệnh cũng có thể được sinh ra, làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên, gây nguy hiểm cho các loài côn trùng có ích.
Tuy vẫn còn băn khoăn ở một số người, ngay cả trong giới khoa học, nhưng theo WHO, các GMF đang lưu thông trên thị trường quốc tế hiện đều đạt được các tiêu chí an toàn, nên không gây rủi ro cho sức khỏe con người.
Kiểm nghiệm thực phẩm biến đổi gene
Để được phép lưu thông trên thị trường, GMF phải đáp ứng tốt trước những đánh giá về an toàn của các cơ quan chức năng, gồm rủi ro về môi trường và rủi ro cho sức khỏe con người. Do GMF không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn sự đa dạng, nên việc phát hiện sinh vật GMO trong thực phẩm ngày càng phức tạp, đòi hỏi các phương pháp phân tích, kiểm nghiệm có tính đặc hiệu, tin cậy, độ chính xác cao và an toàn.
Một số phương pháp phát hiện GMO thông dụng hiện nay gồm có: (1) Phát hiện dựa trên kiểu hình; (2) Phát hiện dựa trên DNA; (3) Phát hiện dựa trên PCR; (4) Phát hiện dựa trên protein; (5) Phát hiện nâng cao và (6) Các phương pháp phát hiện khác (phương pháp sắc ký, quang phổ cận hồng ngoại, phát hiện dựa trên cảm biến sinh học,…). Các phương pháp có thể thay đổi tùy theo mẫu sản phẩm và loại gene biến đổi cần kiểm tra.
Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều đơn vị, tổ chức kiểm nghiệm GMF. Ở Hà Nội có Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia,…; ở TP.HCM có Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3),... Đây là những đơn vị chuyên ngành, triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, giúp kiểm soát chất lượng và đánh giá sự tồn tại của GMO trong sản phẩm và quy trình sản xuất. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp độc lập, cung cấp các dịch vụ phát hiện GMF, chứng nhận kiểm soát chất lượng và đánh giá sự tồn tại GMO trong sản phẩm và quy trình sản xuất.
Ghi nhãn thực phẩm biến đổi gene
Việc ghi nhãn thực phẩm lưu thông trên thị trường nói chung là quy định bắt buộc của Nhà nước. Đối với thực phẩm biến đổi gene, yêu cầu này lại càng quan trọng hơn. Bên cạnh việc thể hiện các nội dung cơ bản, thiết yếu về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm biến đổi gene, còn giúp nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Hiện các quy định liên quan đến việc ghi nhãn GMF vẫn chưa được thống nhất trên toàn cầu. Trong khi khu vực EU thiết lập các quy định nghiêm ngặt về ghi nhãn (bất kỳ thực phẩm nào có chứa thành phần hoặc dẫn xuất GMO với hàm lượng lớn hơn 0,9% sẽ phải dán nhãn), thì tại Mỹ, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ yêu cầu ghi nhãn thực phẩm biến đổi gene nếu thực phẩm đó có đặc tính dinh dưỡng hoặc an toàn thực phẩm khác biệt đáng kể so với những gì người tiêu dùng mong đợi ở thực phẩm. Cơ quan này cũng ban hành hướng dẫn (tự nguyện) các công ty dán nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gene để đáp ứng yêu cầu thị trường. Tại Hàn Quốc, các sản phẩm như bắp, đậu nành, mầm đậu nành nhóm GMO hoặc khi ba mặt hàng này nằm trong nhóm 5 thành phần nhiều nhất của thực phẩm chế biến thì phải ghi nhãn (nếu tỉ lệ các sản phẩm này thấp hơn 3% thì không bắt buộc). Ở Nhật Bản, cần phải ghi nhãn các sản phẩm thực phẩm công nghệ sinh học, nếu DNA hoặc protein công nghệ sinh học chiếm ít nhất 5% tổng trọng lượng của sản phẩm,…
Tại Việt Nam, việc đảm bảo an toàn GMO/GMF rất được quan tâm. Từ tháng 6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với GMO, mẫu vật di truyền và sản phẩm của GMO. Gần đây, việc ghi nhãn GMF để người tiêu dùng biết về sự hiện diện của các thành phần GMO, giúp họ có sự cân nhắc trước khi sử dụng thực phẩm, đặc biệt là các thành phần có thể gây quan ngại về sức khỏe và môi trường đã được quy định rõ tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường có chứa sinh vật biến đổi gene, sản phẩm của sinh vật biến đổi gene có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gene lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gene trên nhãn hàng hóa…”.
Từ ngày 01/01/2024, trong thành phần các sản phẩm ở Mỹ có chứa sinh vật biến đổi gene (GMO) sẽ được ghi nhãn là “Sản xuất bằng công nghệ sinh học” (bioengineered, hay BE) theo các quy tắc công bố thực phẩm mới. Nguồn: www.ams.usda.gov |
Việc tạo ra các GMO/GMF đã mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến nay, dù các GMO/GMF đang lưu thông trên thị trường quốc tế đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận đạt các tiêu chí an toàn (không gây rủi ro cho sức khỏe con người) nhưng vẫn còn tồn tại không ít quan ngại trong nhận thức của nhiều người. Do vậy, để để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo nên sự tin cậy của cộng đồng trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm GMO/GMF, các đơn vị sản xuất cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm nghiệm tính an toàn và tác động lâu dài của sản phẩm GMO/GMF, tăng cường thông tin cho người tiêu dùng về kết quả các thử nghiệm trước khi đưa chúng vào chuỗi thực phẩm. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch thông qua việc tuân thủ triệt để các quy định về ghi nhãn GMO/GMF trước khi thương mại hóa sản phẩm trên thị trường. Việc thông tin đầy đủ cho phép người tiêu dùng nhận diện và chủ động lựa chọn sản phẩm GMO/GMF, sẽ tạo dựng niềm tin, thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm của người tiêu dùng, giúp các yêu cầu về an ninh lương thực được đảm bảo; giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Những điều cần biết về thực phẩm biến đổi gen GMO. https://www.aia.com.vn/vi/song-khoe/loi-khuyen/dinh-duong/gmo-la-gi.html
[2] Science and History of GMOs and Other Food Modification Processes. https://www.fda.gov/food/agricultural-biotechnology/science-and-history-gmos-and-other-food-modification-processes
[3] GMO Crops, Animal Food, and Beyond. https://www.fda.gov/food/agricultural-biotechnology/gmo-crops-animal-food-and-beyond
[4] Genetically Modified Foods and Social Concerns. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3558185/
[5] Chỉ có 3 quốc gia hoàn toàn cấm GMOs. https://tbt-mocst.vn/?p=2200
[6] Labeling GM Foods. https://www.isaaa.org/resources/publications/pocketk/7/default.asp