Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để phát triển ngành văn hóa - du lịch thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội là một trong những xu hướng được chú trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như ở nước ta.

 

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Một trong những quan điểm xuyên suốt của Chiến lược là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngày 12/11/2021, “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1909/QĐ-TTg) đã xác định, một trong những mục tiêu chung là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm sau, ngày 11/5/2022, “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 569/QĐ-TTg.

Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu chung của quốc gia về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” và các chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3819/QĐ-BVHTTDL, ngày 30/12/2022, ban hành “Kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”, trong đó khẳng định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch là góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng toàn diện, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, cũng như tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/3/2021, Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035” đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt theo Quyết định số 982/QĐ-UBND. Kế tiếp, ngày 25/10/2023, Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030”. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới.

Đồng hành cùng các ngành văn hóa và du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã định hướng và tài trợ các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trên lĩnh vực văn hóa - du lịch để góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa - du lịch của Thành phố.

Để phân tích, đánh giá thực trạng và chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Thành phố, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân Thành phố, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hương (Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM) đã triển khai đề tài nghiên cứu “Hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn TP.HCM – Thực trạng và giải pháp”. Trong năm 2022, công trình này đã được nghiệm thu, trong đó, đã chỉ ra những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống và đề xuất bộ giải pháp toàn diện về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nội dung chương trình hoạt động, cơ chế vận hành,… để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, xứng tầm đô thị thông minh đầu tàu cả nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Lễ hội Tết Việt Quý Mão năm 2023 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (Nguồn: TTXVN)

Các vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến văn hóa cộng đồng cư dân đô thị trên địa bàn TP.HCM hiện nay là những nội dung cần làm rõ để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho cư dân đô thị. Thực trạng các hoạt động văn hóa cộng đồng trên địa bàn Thành phố với những ưu điểm và nhược điểm đã được nhóm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) chỉ rõ tại công trình nghiên cứu “Xây dựng văn hóa cộng đồng cư dân đô thị trên địa bàn TP.HCM” vào năm 2022. Từ đó, các tác giả đã xây dựng hệ thống tiêu chí làm cơ sở định hướng các hoạt động văn hóa cộng đồng của người dân và đề xuất các nhóm giải pháp hoàn thiện hoạt động văn hóa cộng đồng của Thành phố.

Hoạt động văn hóa cộng đồng ở TP. HCM qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương (Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM)

Lĩnh vực bảo tàng cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, với các công trình nghiên cứu đặc sắc, góp phần phát triển văn hóa - du lịch Thành phố. Công trình “Số hóa hiện vật, di tích thông qua mã QR GUIDING nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử” (Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, Nguyễn Văn Thắng, 2022) là một ví dụ. Các nhà khoa học đã xây dựng giải pháp quản lý thông tin hiện vật trưng bày tại các di tích, bảo tàng và giải pháp truy xuất thông tin đa ngôn ngữ của hiện vật qua mã QR bằng đa phương tiện, đồng thời xây dựng quy trình triển khai ứng dụng giải pháp tại các điểm tham quan trên địa bàn TP.HCM, từ đó, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong ngành văn hóa - du lịch Thành phố. Đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, phục chế các hiện vật vũ khí, bom mìn, vũ khí tự tạo điển hình trong chiến tranh chống Pháp, Mỹ phục vụ trưng bày trong hệ thống bảo tàng và các di tích” (Trường Sĩ Quan Kỹ Thuật Quân Sự, TS. Phạm Quốc Hòa, 2023) là một ví dụ khác, khi nghiên cứu chuyên sâu về vũ khí tự tạo của ngành quân giới Nam Bộ, đúc kết, làm nổi bật trình độ sáng tạo của ông cha ta trong điều kiện chiến tranh đầy gian khổ, phục vụ tốt cho các hoạt động trưng bày vũ khí tại hệ thống bảo tàng, di tích có liên quan,…

Các em học sinh tham quan Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)

Trong xu hướng chuyển đổi số ngành du lịch, du lịch thực tế ảo ra đời và dần trở nên phổ biến, có tiềm năng trở thành sản phẩm quan trọng đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, khi Thành phố định hướng phát triển du lịch thông minh trong mối tương quan xây dựng đô thị thông minh, đây chính là mảnh đất màu mỡ để phát triển du lịch thực tế ảo. Công trình nghiên cứu “Đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM về tiềm năng phát triển du lịch thực tế ảo” do nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Tuyên (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) hoàn thành trong năm 2022 là một lát cắt nhằm đánh giá tiềm năng phát triển du lịch thực tế ảo từ phía các doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố. Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra được các giải pháp, khuyến nghị định hướng cho hoạt động khai thác du lịch thực tế ảo tại TP.HCM trong bối cảnh công nghệ tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành văn hóa và du lịch đã cho thấy những thành quả đáng khích lệ ban đầu, giúp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ văn hóa - du lịch. Để đẩy mạnh sự phát triển văn hóa - du lịch trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo định hướng của Nhà nước, các ngành khoa học và công nghệ, văn hóa - du lịch của Thành phố cần sát cánh hơn nữa trong việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược và phát triển, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ ngành. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để có thể tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực của Thành phố; khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của văn hóa; thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và gia tăng sức cạnh tranh, hỗ trợ phát triển ngành văn hóa, thể thao, du lịch tại Thành phố, cũng như cả nước, trong hội nhập tế quốc tế.

Nguyễn Ngọc

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] PV. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch. https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-643363.html
[2] Hồng Dương. Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM: Vươn tầm bản sắc, nâng tầm giá trị. https://www.sggp.org.vn/de-an-phat-trien-nganh-cong-nghiep-van-hoa-tphcm-vuon-tam-ban-sac-nang-tam-gia-tri-post711950.html
[3] CESTI. Chuyên mục Thư viện Khoa học và Công nghệ. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập