Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, đóng vai trò quyết định về hiệu suất làm việc và ảnh hưởng lớn đến giá thành của các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa,... nên nhu cầu về chip là rất lớn. Do vậy, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn đã trở thành xương sống cho ngành công nghệ phát triển. Công nghiệp vi mạch đóng vai trò ngày càng quan trọng khi thế giới bước vào giai đoạn bùng nổ nghiên cứu và sản xuất chip nhằm đáp ứng cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tri thức, thay thế cho mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trước đây.

 

Lĩnh vực sản xuất bán dẫn tuy đã được “định hình” từ năm 1979, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nhà máy sản xuất bán dẫn đúng nghĩa. Xác định công nghệ thông tin - truyền thông là một trong những lĩnh vực phát triển chính, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, nhất là về công nghệ vi mạch: Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 phê duyệt “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020”, đã xác định Nhà nước khuyến khích phát triển “công nghệ làm nền tảng cho phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ vi mạch điện tử” và xây dựng các cơ sở hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghệ cao, hỗ trợ về giải mã, hoàn thiện công nghệ, thiết kế và chế tạo vi mạch điện tử; Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, cũng chỉ rõ “vi mạch điện tử” một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước.

 

Cụ thể hóa các định hướng của Chính phủ trên địa bàn, ngày 14/12/2012, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 6358/QĐ-UBND phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020” với các mục tiêu quan trọng như: xây dựng quy trình khép kín và đồng bộ cho ngành công nghiệp vi mạch Thành phố từ khâu đào tạo, thiết kế, đến chế tạo chip và sản xuất ứng dụng, kinh doanh và quảng bá sản phẩm; thu hút nguồn nhân lực cao cấp, làm chủ những công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch; tạo mối liên hệ giữa các công đồng phát triển vi mạch trên cả nước. Tháng 8/2018 UBND Thành phố có Quyết định số 2878/QĐ-UBND về triển khai “Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020” nhằm: xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, từng bước đưa sản phẩm vi mạch trong nước vào ứng dụng trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và nâng cao năng lực, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp lĩnh vực vi mạch của các Vườn ươm trên địa bàn.

 

Các chủ trương, chính sách thích hợp của Nhà nước về phát triển công nghệ vi mạch đã đem lại nhiều thành quả khả quan ban đầu, nhất là việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới: năm 2013, Samsung dời nhà máy lắp ráp điện thoại từ Trung Quốc đến Việt Nam (hiện khoảng 50% điện thoại của công ty được sản xuất tại Việt Nam); năm 2014, Microsoft chuyển cơ sở sản xuất điện thoại từ Trung Quốc đến Việt Nam; năm 2015, Intel quyết định đưa cơ sở sản xuất board mạch chủ và bộ vi xử lí từ Kulim (Malaysia) đến TP.HCM và LG cũng mở cửa cơ sở tại Việt Nam để sản xuất điện thoại di động, thiết bị gia dụng (TV, máy điều hòa, máy rửa chén) và các hệ thống thông tin giải trí cho xe hơi,…

 

Nỗ lực triển khai của các cấp, các ngành tại Thành phố cũng có những kết quả đáng khích lệ: 100% dự án tham gia Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020 đều được hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, 10 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; tổng doanh thu hàng năm của các dự án tham gia chương trình phát triển ngành vi mạch đạt gần 20 tỷ đồng. Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch do Ðại học Quốc gia TP.HCM thành lập đã đào tạo được đội ngũ hàng trăm kỹ sư thiết kế chip và triển khai thành công một số vi mạch mang thương hiệu Việt,...

 

Cùng với xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực, các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu; việc đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là rất cần thiết, nhưng cũng cần có những lựa chọn thích hợp.

 

Theo các chuyên gia, đầu tư của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đủ lớn để tạo ra hệ sinh thái phát triển của ngành vi mạch bán dẫn trong nước, trước hết ở các khâu thiết kế và đóng gói. Thiết kế vi mạch cần trí tuệ cùng những kiến thức ngành kỹ thuật điện tử. Thống kê gần đây cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư công nghệ vi mạch, phần lớn làm việc cho các công ty nước ngoài; tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 1.700 bài báo khoa học công bố quốc tế ở ngành công nghiệp bán dẫn và lĩnh vực vi mạch; Mỹ - một cường quốc công nghệ - đã cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao; các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của cả nước và Thành phố đã có những chuyển biến rõ rệt nhằm tăng cường đầu tư cho đào tạo nhân lực ngành công nghệ vi mạch,... Những số liệu này tuy vẫn còn khá khiêm tốn trong bối cảnh công nghệ chip đang ở giai đoạn xuất hiện những thay đổi lớn về công nghệ, nhưng cũng là những tiền đề có cơ sở để Việt Nam hướng đến phát triển lĩnh vực này.

 

Tuy đã đạt được một số thành quả bước đầu, hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận: ngành vi mạch Việt còn một khoảng cách rất xa so với các nước phát triển. Do vậy, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của chính quyền để hỗ trợ phát triển ngành này: có các chính sách hỗ trợ, ưu tiên đối với những sản phẩm ứng dụng vi mạch Việt khi tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước (như chiếu sáng công cộng, vé xe thông minh, điện lực, viễn thông, y tế,...); ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho các thiết bị và tiêu chí có ứng dụng vi mạch Việt đối với những dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến an toàn thông tin (truyền hình, viễn thông), an toàn năng lượng (dầu khí, điện lực); những thiết bị liên quan trực tiếp đến dữ liệu của công dân cần ưu tiên dùng chip Việt; có các chính sách ưu đãi đặc biệt cho đào tạo ngành vi mạch (học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng; tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm, phần mềm thực hành và mô phỏng,...); có các chính sách ưu đãi cao đối với các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực vi mạch,...

 

Bên cạnh những hỗ trợ cần thiết từ phía chính quyền, để công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam vươn xa, các nhà khoa học trong lĩnh vực này cũng rất cần quan tâm đến những nghiên cứu cơ bản, làm chủ công nghệ lõi, chứ không dừng lại ở “cầm tay, chỉ việc”. Đây cũng chính là một trong những lưu ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để phát triển ngành, nhân dịp Lễ ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn (thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM) vào chiều 6/9/2023 vừa qua.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập