Để phổ biến những quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ, năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức nhiều Hội thảo với chủ đề "Tăng cường hiểu biết về các quy định mới trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ", tập trung vào các vấn đề về sở hữu công nghiệp. Trong đó, chú trọng các giải pháp bảo vệ và thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ có đầu tư từ ngân sách (giao quyền đăng ký tài sản trí tuệ, tăng tỉ lệ chi cho tác giả,…) góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng bằng độc quyền về sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp cho người Việt có xu hướng gia tăng trong 40 năm qua (1981-2022). Khoảng 20 năm đầu (1981-2003), sáng chế cấp cho người Việt khá ít, và nhiều biến động (trung bình dưới 10 sáng chế/năm). Trong 20 năm gần đây (2004-2022), số lượng sáng chế cấp cho người Việt có xu hướng tăng, cao nhất là năm 2018, với 205 sáng chế.
Số sáng chế độc quyền của người Việt trong giai đoạn 1981-2022
Tuy nhiên, trong số các sáng chế được cấp bằng bảo hộ này, chủ sở hữu trong các khu vực nghiên cứu chính như trường đại học, viện nghiên cứu có tỷ lệ rất thấp. Tính riêng năm 2020, khu vực viện, trường, số lượng sáng chế được cấp là 40/139 (chiếm 28,77%) tổng số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt, nếu so sánh với các kết quả nghiên cứu hàng năm của khối viện, trường thì đây là con số khá thấp.
Thực tế cho thấy, việc đăng ký bằng sáng chế mang lại rất nhiều lợi ích, giúp bảo vệ tài sản trí tuệ (TSTT), quyền khai thác, sử dụng TSTT của chủ sở hữu. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) còn giúp xây dựng thương hiệu và mang lại lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh cũng như nâng cao danh tiếng của bản thân đơn vị/cá nhân đó. Một khi TSTT được bảo hộ, việc khai thác, sử dụng hoặc chuyển nhượng sẽ mang lại nguồn lợi tài chính cho chủ sở hữu. Việc chưa thực sự quan tâm đến hoạt động đăng ký bảo vệ TSTT từ các kết quả nghiên cứu tiềm ẩn nhiều rủi ro như bị xâm phạm quyền, thất thoát tài sản, cũng như mất đi cơ hội có được những lợi ích thương mại từ các kết quả nghiên cứu đó.
Để khuyến khích việc tạo, khai thác và phổ biến TSTT từ các kết quả lao động sáng tạo, Nhà nước đã có nhiều sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả để hỗ trợ cho các yêu cầu bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT. Gần đây, đối với nhóm các TSTT được tạo ra từ kết quả của nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách (trong đó có nhóm sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí), Luật Sở hữu trí tuệ đã có nhiều điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung thiết thực, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 (Luật số 07/2022/QH15).
Theo các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được các tổ chức, cá nhân tự bỏ kinh phí để sáng tạo (hoặc thuê sáng tạo) ra thì quyền đăng ký bảo hộ thuộc về các tổ chức, cá nhân đó. Những sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra nhờ việc sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách Nhà nước thì quyền đăng ký bảo hộ căn cứ theo Nghị định số 103/2006/NĐ-CP. Mà theo đó, các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật thì quyền đăng ký thuộc về Nhà nước (tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư sẽ đại diện thực hiện quyền đăng ký). Trường hợp do Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước (tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước cũng đại diện thực hiện phần quyền đăng ký).
Một số đối tượng quyền được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ
|
Theo các quy định mới, Luật số 07/2022/QH15 trao quyền đăng ký sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Luật cũng tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục xác lập quyền SHTT: các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ đăng ký,… tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.
Quyền đăng ký sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí có nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước
Việc khai thác, sử dụng tài chính sau khi chuyển giao thành công nhiệm vụ KH&CN có nguồn đầu tư từ ngân sách, Luật điều chỉnh tăng tỉ lệ chi trả thù lao cho tác giả, từ 10% lên từ 10-15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí (hoặc từ 15% lên 15-20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng, trước khi nộp thuế). Luật cũng quy định nguyên tắc phân chia, sử dụng lợi nhuận sau khi đã chi trả thù lao tác giả, tương ứng với các mức đầu tư từ ngân sách:
- Nhiệm vụ được Nhà nước hỗ trợ đến 30% tổng số vốn: số tiền còn lại sẽ được tổ chức chủ trì sử dụng theo quy chế quản lý tài chính.
- Nhiệm vụ được Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn: lợi nhuận sau thuế được phép thanh toán không quá 10% cho người môi giới (nếu có) theo hợp đồng môi giới. Số tiền còn lại, nếu nhiệm vụ được Nhà nước đầu tư 100% vốn thì 50% dùng để đầu tư cho hoạt động KH&CN, 50% còn lại, tổ chức chủ trì sẽ được sử dụng theo quy chế quản lý tài chính; nếu nhiệm vụ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì phần lợi nhuận còn lại được chia cho các bên theo tỷ lệ vốn đã đóng góp. Phần lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước được tổ chức chủ trì phân bổ 50% đầu tư cho hoạt động KH&CN, 50% còn lại sử dụng theo quy chế quản lý tài chính.
Ngoài ra, để đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT giữa chủ sở hữu TSTT và cộng đồng, Luật cũng bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ,…
Các quy định của Luật số 07/2022/QH15 không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHTT do Nhà nước đầu tư, mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao thuận lợi và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 trước đây (vào năm 2009 và năm 2019) chủ yếu để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, thì lần sửa đổi, bổ sung này (Luật số 07/2022/QH15) được các chuyên gia đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của nhiều cơ quan nghiên cứu định hướng ứng dụng trong nước từ nhiều năm nay, từ đó góp phần thúc đẩy sự hình thành các TSTT từ nhiệm vụ KH&CN có đầu tư từ ngân sách dành cho KH&CN của quốc gia.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Cục Sở hữu trí tuệ. Báo cáo thường niên Hoạt động Sở hữu trí tuệ 2020. NXB Thanh niên. https://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/1102438/IP+Annual+Report+2020.pdf
[2] Luật Sở hữu trí tuệ số 11/VBHN-VPQH ngày 08/7/2022. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Van-ban-hop-nhat-11-VBHN-VPQH-2022-Luat-So-huu-tri-tue-556862.aspx
[3] Những điểm mới của pháp luật về tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách Nhà nước. Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ.
[4] Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
[5] Lưu Công Thành. Khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/trao-doi-kinh-nghiem.aspx?ItemID=150