Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Là một trong hai bệnh lý rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến và phức tạp nhất ở người, bệnh Parkinson đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị triệt để, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu vẫn dựa trên các triệu chứng lâm sàng, với các đặc điểm vận động là chính. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới cho phép nhận diện sớm những người có nguy cơ cao để có kế hoạch tầm soát, phòng ngừa và làm chậm tiến triển bệnh.

 

Được bác sĩ người Anh James Parkinson mô tả lần đầu tiên vào năm 1817, đến nay, bệnh Parkinson (PD) được biết đến là một bệnh lý thần kinh, biểu hiện bởi sự rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương làm tế bào não bị thiếu hụt dopamine (do một số tế bào thần kinh tạo ra dopamine đã chết). PD gây ra các rối loạn vận động, khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ. Thậm chí, người mắc PD còn có thể mất đi một số chức năng vật lý bình thường.

Các triệu chính chứng của PD là run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm và rối loạn thăng bằng tư thế. Ở giai đoạn sớm, bệnh chỉ gây run hoặc đơ cứng nhẹ ở một bên cơ thể, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, dù được điều trị, bệnh vẫn gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày do tư thế bất thường và cử động rất chậm. Thời gian tiến triển bệnh tùy thuộc vào từng người, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ phương thức nào để chữa lành. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống, tập luyện, uống thuốc, phẫu thuật có thể cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh.

Triệu chứng chính của PD (Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây nên PD. Yếu tố gene và môi trường thường được nhắm đến, và người tuổi càng cao (trên 50 tuổi) càng dễ mắc bệnh. Các nghiên cứu trong lĩnh vực PD đã phát hiện được 27 gene liên quan tới PD có tính gia đình và di truyền theo quy luật Mendel. Tuy nhiên, bất thường gene thường chỉ gặp ở vài gia đình có bệnh PD khởi phát ở người trẻ; tỷ lệ khởi phát ở người trẻ chỉ khoảng 5% và chỉ một tỉ lệ nhỏ người mắc bệnh PD có cha mẹ, anh hoặc chị bị bệnh.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về PD chủ yếu khảo sát về các khía cạnh bệnh học lâm sàng như: tiền sử gia đình, đánh giá trí nhớ, đánh giá chức năng trí tuệ, kiểm tra tình trạng tâm thần rút gọn, chụp cắt lớp sọ não và khám thần kinh để đánh giá chi tiết các hoạt động vận động cùng với khả năng đáp ứng với tiền chất chuyển hóa của dopamin (L-DOPA). Một số nghiên cứu gần đây đã ứng dụng các tiến bộ trong công nghệ di truyền phân tử, đặc biệt là kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (Next-Generation Sequencing – NGS) để xác định các đột biến gene liên quan đến PD một cách nhanh chóng, chính xác và chi phí thấp hơn. Có thể kể đến như “Nghiên cứu xác định đột biến gen liên quan đến bệnh Parkinson ở Việt Nam” của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện (Bộ Y tế phê duyệt năm 2020), đã ghi nhận 42 dạng đột biến khác nhau trên 16 gene ở nhóm 40 bệnh nhân được chẩn đoán mắc PD. Trong đó, đột biến trên gene GBA, EIF4G1 và PARK2 chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ mắc PD giữa nam và nữ là tương đương. Một nghiên cứu khác là “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới trong sàng lọc bệnh PD có yếu tố di truyền” của TS. Nguyễn Đăng Tôn và cộng sự (Viện Nghiên cứu hệ gen) năm 2021 đã xác định được 10 biến thể trên 7 gene làm tăng nguy cơ bị bệnh trên nhóm 37 bệnh nhân khởi phát sớm và xây dựng được quy trình ứng dụng kỹ thuật NGS trong sàng lọc PD trên các đối tượng có nguy cơ, trên cơ sở kết hợp hai phương pháp giải trình tự toàn bộ hệ gene mã hóa (WES) và kỹ thuật khuếch đại đa đoạn dò dựa vào phản ứng nối (MLPA) với độ tin cậy và độ đặc hiệu lớn hơn 95%. Hay là "Nghiên cứu khả năng ứng dụng lâm sàng của xét nghiệm gen trên bệnh nhân PD" vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2023, do PGS.TS.BS Mai Phương Thảo và cộng sự (Đại học Y Dược TP.HCM) thực hiện trên mẫu 208 bệnh nhân PD. Nghiên cứu đã thiết lập được quy trình kết hợp phương pháp NGS và MLPA trong phát hiện các biến thể có liên quan PD ở 20 gene mục tiêu. Các biến thể này tập trung phần lớn ở gene LRRK2, GBA1 và PRKN, trong đó, biến thể R1628P trên gene LRRK2 chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Điểm đặc biệt là biến thể này không ghi nhận thấy ở người thân của bệnh nhân, qua đó cho thấy, đây là biến thể dòng mầm tự phát và có thể rất có ý nghĩa trong đánh giá nguy cơ cho dân số Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu, có thể sử dụng bảng 20 gene mục tiêu giải trình tự thế hệ mới và MLPA của đề tài này trong khảo sát di truyền PD, đặc biệt trên đối tượng khởi phát sớm (tuổi khởi phát từ 50 trở xuống).

Việc đầu tư vào lĩnh vực y tế, đặc biệt là công nghệ di truyền phân tử, đã góp phần hoàn thiện bản đồ gene của con người. Trong đó, việc làm chủ công nghệ giải mã trình tự gene giúp xác định vai trò của yếu tố di truyền trong việc khởi phát bệnh PD. Trong tương lai, khi công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán sẽ giúp nhân viên y tế lựa chọn chiến lược điều trị, tư vấn di truyền - xét nghiệm phù hợp cho nhóm bệnh nhân PD và thân nhân của họ, giúp người bệnh hiểu được nguy cơ truyền bệnh sang các thế hệ sau, từ đó điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, tầm soát. Tăng cường hợp tác giữa các nhà nghiên cứu di truyền học và nhân viên y tế trong công tác chẩn đoán và điều trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy các tiến bộ trong nghiên cứu y sinh học, mang lại nhiều lợi cho người bệnh.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Bệnh Parkinson: nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán. https://tamanhhospital.vn/benh-parkinson/
[2] P.T.T. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới trong sàng lọc bệnh Parkinson có yếu tố di truyền. https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-ung-dung-ky-thuat-giai-trinh-tu-gen-the-he-moi-trong-sang-loc-benh-parkinson-co-yeu-to-di-truyen-7441.html
[3] Giải trình tự gene thế hệ mới giúp phát hiện sớm bệnh lý Parkinson. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/giai-trinh-tu-gene-the-he-moi-giup-phat-hien-som-benh-ly-parkinson/
[4] Trần Tín Nghĩa và cs. Ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới trong xác định đột biến gen ở bệnh nhân Parkinson. https://tapchinghiencuuyhoc.vn/index.php/tcncyh/article/view/1477/896

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập