Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, năm 2021, các quá trình chuyển đổi và sử dụng năng lượng trong ngành xây dựng đã phát thải khoảng 37% lượng khí CO2 trên toàn cầu. Ngành này cũng chiếm hơn 34% nhu cầu khai thác và sử dụng năng lượng trên thế giới. Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng là một trong những mối quan tâm hàng đầu toàn cầu. Trong đó, phát triển công trình xanh là giải pháp khả thi. Tại Việt Nam, phong trào này đã bắt đầu từ năm 2007.

 

Công trình xanh

Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), các công trình được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên; đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường được gọi là công trình xanh (CTX).

Tùy theo tình trạng đặc thù về kinh tế, xã hội, khí hậu, môi trường, vật liệu, điều kiện xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của mỗi nước mà có những “Hệ thống tiêu chí đánh giá CTX” khác nhau. Tùy theo mức độ tuân thủ (hay đáp ứng) các tiêu chí này, công trình sẽ được cấp “Chứng nhận CTX” theo nhiều cấp độ. Nhìn chung, các hệ thống tiêu chí khi được sử dụng để đánh giá và cấp chứng nhận CTX, cần đáp ứng 4 yêu cầu sau:

  • Tính khoa học: một dự án, dù được đánh giá lại nhưng vẫn theo quy trình, tiêu chí đó thì vẫn cho ra cùng một kết quả.
  • Tính minh bạch: các tiêu chí và quá trình đánh giá có thể được kiểm tra khi cần thiết.
  • Tính khách quan: đơn vị đánh giá không có lợi ích hay ràng buộc với kết quả cuối cùng của quá trình đánh giá (đạt hay không đạt).
  • Tính tiến bộ: các tiêu chí cần cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc.

Hiện nay, rất nhiều hệ thống tiêu chí đánh giá, chứng nhận CTX đã được các nước trên thế giới phát triển và ban hành. Có thể kể đến như: BREEAM được ban hành năm 1990 tại Anh; LEED do Hội đồng CTX Hoa Kỳ (USGBC) ban hành năm 2000; Green Mark do chính phủ Singapore ban hành năm 2005; Lotus do VGBC ban hành năm 2010; hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE do Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới ban hành năm 2013,...

Những lợi ích của CTX có thể kể đến như: tiết kiệm 30% tổng năng lượng tiêu thụ, giảm 35-50% lượng phát thải CO2, tiết kiệm 35-50% nước sử dụng, tiết kiệm được 50-90% chi phí lãng phí.

Một số lợi ích của CTX theo USGBC (Nguồn: VGBC)

Từ những năm 1990, việc xây dựng công trình theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống của cộng đồng đã xuất hiện ở một số quốc gia khu vực Châu Âu. Đến nay, làn sóng này đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, lan rộng đến nhiều khu vực trên thế giới.

Theo Báo cáo thường niên năm 2022 của Hội đồng Công trình xanh Thế giới (WorldGBC), hơn 77 Hội đồng CTX trên toàn thế giới (với quy mô khoảng 46.000 hội viên), đã đánh giá và cấp chứng nhận cho khoảng 4,3 tỉ m2 diện tích sàn công trình. Với sự hỗ trợ của các Hội đồng, 26 quốc gia đã ban hành hoặc điều chỉnh các chính sách liên quan đến CTX, tác động đến hoạt động của 238 triệu người.

 

Phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm CTX xuất hiện vào năm 2007 cùng sự ra đời của VGBC, với mục tiêu nâng cao nhận thức và chuẩn bị cho sự phát triển các CTX tại Việt Nam. Năm 2010, VGBC đưa ra hệ thống đánh giá CTX đầu tiên của Việt Nam (gọi là Lotus), được WorldGBC công nhận. Ngoài ra, cũng còn có một số bộ tiêu chí đánh giá CTX do các đơn vị phát triển, ví dụ như tiêu chí đánh giá CTX theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (kết quả của đề tài khoa học cấp Bộ "Nghiên cứu mô hình kiến trúc xanh tại Việt Nam nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và nông thôn thực hiện giai đoạn 2008-2009; “Tiêu chí Kiến trúc xanh” của Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố năm 2014 và “Hệ thống tiêu chí CTX Việt Nam” của Hội môi trường xây dựng Việt Nam công bố năm 2014.

Cho đến nay, sau hơn 15 năm phát triển, thị trường CTX tại Việt Nam đang dần định hình, với lượng CTX gia tăng theo thời gian. Trong đó, các CTX đạt tiêu chuẩn LEED chiếm số lượng áp đảo.

Tốc độ phát triển CTX Việt Nam theo các hệ thống tiêu chí đánh giá khác nhau trong hơn 10 năm qua (Nguồn: CLB Kiến trúc xanh TP.HCM)

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển CTX, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm hiệu quả và bảo vệ môi trường, trong đó có phát triển CTX. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định một số nội dung chi tiết về quản lý dự án đầu tư xây dựng, khuyến khích phát triển CTX. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW cũng đã xác định thúc đẩy phát triển CTX. Ngày 21/9/2022, CTX cũng đã trở thành một chỉ tiêu để đánh giá, phân loại đô thị, theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tháng 5/2022, Bộ Xây dựng ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận CTX; đến năm 2030 ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh; đến năm 2050 số lượng công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí CTX lớn hơn 50%; đồng thời, giao Viện Kinh tế Xây dựng chủ trì nhiệm vụ “Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng CTX, công trình phát thải các-bon thấp” trong giai đoạn 2022-2025.

Theo thống kê của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023, đến hết quý I/2023, Việt Nam có 276 công trình đạt chứng nhận CTX, tương đương với tổng diện tích sàn được chứng nhận là 6,763 triệu m2. Trong số đó có 37 công trình đạt chứng nhận LOTUS, 91 công trình đạt chứng nhận EDGE và 148 công trình đạt chứng nhận LEED. Việt Nam đứng thứ 28 trong số các nước có CTX đạt chứng nhận LEED. Cũng tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, TP.HCM đang là địa phương đứng đầu cả nước về số CTX, với 67 công trình, và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận CTX với tổng diện tích sàn được chứng nhận là 1,264 triệu m2.

Số lượng CTX và tổng diện tích sàn được chứng nhận (Nguồn: Báo Đầu tư và Kinh doanh)

Mặc dù được sự quan tâm và phát triển từ sớm nhưng số lượng CTX ở Việt Nam đến hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn so với số công trình đã được triển khai xây dựng. Trong tương lai, cùng với những chủ trương, chính sách thích hợp của Chính phủ trong nỗ lực hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; sự gia tăng mức độ quan tâm của người dân về các vấn đề môi trường sống, đặc biệt là không gian sống, đang mở ra cơ hội lớn cho các chủ đầu tư tiếp cận các tiêu chí xanh trong thiết kế, xây dựng và cải tạo công trình theo hướng xanh hơn, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe người dùng.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] World Green Building Council. Annual Report 2022. https://worldgbc.org/wp-content/uploads/2023/08/WorldGBC-Annual-Report-2022_FINAL.pdf
[2] Hội đồng Công trình xanh Việt Nam. Công trình xanh, LEED, LOTUS và Green Mark. https://vgbc.vn/cong-trinh-xanh-leed-lotus-va-green-mark/
[3] Phạm Huyền. Việt Nam với hành trình "xanh hóa" các dự án, công trình (Bài 1). https://dautuvakinhdoanh.vn/viet-nam-voi-hanh-trinh-xanh-hoa-cac-du-an-cong-trinh-bai-1-a16842.html
[4] Nhĩ Anh. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số công trình xanh. https://vneconomy.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-dan-dau-ca-nuoc-ve-so-cong-trinh-xanh.htm
[5] PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên. Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển. https://vienkientrucquocgia.gov.vn/cong-trinh-xanh-viet-nam-nhung-chang-duong-phat-trien/
[6] UNEP, GlobalABC. 2022 Global Status Report for Buildings and Construction. https://globalabc.org/our-work/tracking-progress-global-status-report

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập