Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Theo thông tin tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2022, Việt Nam hiện có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại. Nhờ đó, chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện; kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12-15%, gấp 1,5-2 lần so với bình quân chi hàng năm, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Dự thảo “Đồ án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến, cũng xác định, dân số đô thị năm 2020 đạt 38,4% dân số cả nước, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010-2020 là 3,98%/năm. Theo tính toán tại Dự thảo này, tốc độ tăng dân số đô thị bình quân giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,7-3,5%/năm, đưa số dân sống trong các đô thị chiếm khoảng 45-50% dân số cả nước vào năm 2030. Quá trình đô thị hóa chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu về không gian sinh hoạt, học tập và làm việc của người dân.

 

Liên quan mật thiết với quá trình đô thị hóa là ngành xây dựng. Tại Việt Nam, ngành xây dựng và các tòa nhà chiếm đến 35-40% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; thải ra khoảng 12% khí nhà kính (mức cao nhất so với các nước). Theo dự báo, nhu cầu năng lượng của ngành này còn tăng trong ít nhất một thập kỷ tới. Để có thể phát triển bền vững, các hoạt động xây dựng phải giảm thiểu tối đa hoặc không gây tác hại đến môi trường và biến đổi khí hậu. Muốn vậy, phát triển công trình xanh (kết hợp giữa kiến trúc và các quá trình thân thiện với môi trường, cũng như tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt toàn bộ vòng đời của công trình) là giải pháp cần được hướng đến, nhờ những lợi ích của công trình xanh đã được chứng minh ở các góc độ: (1) Tiếp cận thông minh về năng lượng; (2) Bảo vệ tài nguyên nước; (3) Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm; (4) Đảm bảo sức khỏe và tiện nghi cho người sử dụng công trình; (5) Giữ gìn cảnh quan xanh; và (6) Tối ưu chi phí trong toàn bộ vòng đời công trình.

 

Theo nhận định của nghiên cứu viên cao cấp của EU về lĩnh vực năng lượng, TS. Michael A. Waibel (Trường Đại học Hamburg, Đức), tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam năm 2020, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa với rất nhiều hoạt động xây dựng nên có khả năng thúc đẩy phát triển các công trình xanh, các tòa nhà bền vững để sử dụng năng lượng hiệu quả. Đánh giá của PGS.TS Lê Trung Thành (Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng) cho thấy, Việt Nam đã xây dựng và ban hành khá đầy đủ cơ chế, chính sách liên quan đến công trình xanh, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều tổ chức phát triển quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAid), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC),… cũng đã có những hỗ trợ kỹ thuật hoặc tài trợ cho các dự án thí điểm về công trình xanh tại Việt Nam. Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, qua 15 năm phát triển, Việt Nam mới có gần 300 công trình xanh được chứng nhận phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn Lotus (VGBC-Hội đồng Công trình xanh Việt Nam), EDGE (IFC), LEED (Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích gần 7 triệu m2 sàn xây dựng.

 

Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam vẫn đang liên tục phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập; các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều; chất lượng đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý,… Để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, phát triển công trình xanh là yêu cầu tất yếu, nhưng cũng còn khá nhiều cam go. Hiện nay, bên cạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và nguồn nhân lực am hiểu để phát triển và vận hành công trình xanh, công trình bền vững thì chi phí, vốn đầu tư vẫn là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản. Ngoài ra, trong thực tế, việc chuyển đổi năng lượng cho các tòa nhà còn có liên quan nhiều đến các chính sách và nhận thức của người dân.

 

Để phát triển hơn nữa các công trình xanh trong cả nước, theo các chuyên gia, bên cạnh việc Nhà nước tiếp tục phát triển các chính sách, quy chế quản lý hạ tầng và môi trường đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị; tăng cường phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu,… các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản cần hướng tới việc thực hiện công trình thân thiện môi trường từ các lợi ích cốt lõi của thiết kế (tối ưu chi phí đầu tư để giảm giá thành, tăng tối đa hiệu quả năng lượng trong điều kiện cho phép cùng với kiểm soát cẩn thận chất lượng môi trường trong tòa nhà), thay vì thiết kế theo quy trình cũ và chỉ bổ sung thêm các đầu mục xanh để lấy điểm chứng chỉ, sẽ đảm bảo không gia tăng chi phí đầu tư khi xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền và sử dụng các công cụ thị trường để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng công trình xây dựng, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam còn chưa quan tâm, chưa biết nhiều về các chi phí khai thác, sử dụng năng lượng phải trả, chất lượng môi trường trong nhà,… khi mua/sử dụng công trình. Một khi nhận thức của cộng đồng tăng lên sẽ dần tạo áp lực lên thị trường nhà ở, buộc các tòa nhà (các chủ đầu tư, các nhà phát triển bất động sản) phải chuyển đổi, mang lại thêm lựa chọn có lợi cho người tiêu dùng và cộng đồng.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập