Công nghệ tế bào gốc mang lại những phương pháp điều trị mới, giúp khôi phục, tái tạo hoặc thay thế các mô bị tổn thương, cũng như giúp khám phá ra các loại thuốc thích hợp để điều trị các loại bệnh di truyền. Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, công nghệ tế bào gốc tiếp tục là chủ đề thu hút các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng mới, đặc biệt là xác định các bằng chứng khoa học khi điều trị bệnh ung thư.
Theo các tài liệu nghiên cứu trong y học, tế bào gốc là tế bào nguyên thủy nhất của một cơ quan hoặc mô nhất định, chưa được chuyển hóa về chức năng, có khả năng tự làm mới để giữ lại đặc tính gốc, đồng thời có thể tự nhân lên để tạo thành một lượng lớn tế bào; và cũng có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào chức năng khác nhau trong cơ thể (như thế bào cơ, tế bào máu, tế bào thần kinh,…) nhằm thay thế các tế bào già, sửa chữa tế bào lỗi và thay thế các tế bào bị tổn thương. Do đó, nó có tiềm năng lớn trong ứng dụng tái tạo và sửa chữa mô và mở ra tương lai mới cho y học hiện đại. Liệu pháp tế bào gốc là một phương pháp trị liệu sử dụng các đặc tính độc đáo của tế bào gốc, có thể là Liệu pháp tế bào gốc tự thân – sử dụng tế bào của chính bệnh nhân, hoặc Liệu pháp tế bào gốc dị thân – sử dụng tế bào từ một cơ thể khỏe mạnh khác để điều trị.
Tế bào gốc có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào chức năng khác nhau trong cơ thể
Phân loại tế bào gốc
Tế bào gốc có thể được phân loại dựa trên đặc điểm biệt hóa, bao gồm năm loại:
- Tế bào gốc toàn năng (Totipotent stem cells): có khả năng phân chia và biệt hóa thành các tế bào của toàn bộ cơ thể, hiện diện trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển phôi. Tế bào trứng được thụ tinh và phôi bào đầu tiên là các tế bào gốc toàn năng có khả năng hình thành tất cả các mô của phôi, cũng như các mô ngoài phôi, màng bào thai và nhau thai.
- Tế bào gốc vạn năng (Pluripotent stem cells - PSCs): cũng có khả năng biệt hóa thành thành bất cứ loại tế bào nào của cơ thể. Tuy nhiên, khác với tế bào gốc toàn năng, PSC không có khả năng tạo ra tế bào từ các cấu trúc ngoài phôi và không thể hình thành cơ thể sống hoàn chỉnh. Hiện tại, PSC của con người (hPSC) là một trong những mô hình tế bào được sử dụng rộng rãi nhất trong nghiên cứu y sinh vì chúng là nền tảng thử nghiệm để nghiên cứu sự phát triển của con người, mô hình bệnh tật, sàng lọc thuốc và liệu pháp tế bào.
- Tế bào gốc đa năng (Multipotent stem cells - MSCs): chỉ có khả năng biệt hóa với tất cả các tế bào thuộc cùng một dòng mô cụ thể. Chẳng hạn như tế bào gốc tạo máu (có thể phát triển thành nhiều loại tế bào máu hay tế bào miễn dịch), tế bào gốc trung mô (biệt hóa thành tế bào xương, tế bào sụn hay tế bào mỡ) và tế bào gốc thần kinh của con người. Các nhà khoa học tin rằng, MSC tồn tại trong hầu hết các mô cơ thể và chức năng của chúng là làm mới, thay thế các tế bào cũ hoặc rối loạn chức năng trong suốt cuộc đời của một người.
- Tế bào gốc đa năng giới hạn (Oligopotent stem cells): tương tự MSC, nhưng bị hạn chế hơn nữa về khả năng biệt hóa, chỉ có thể tự làm mới và biệt hóa ở những loại tế bào có quan hệ gần gũi.
- Tế bào gốc đơn năng (Unipotent stem cells): là loại tế bào gốc có khả năng biệt hóa hẹp nhất, chỉ có thể biệt hóa được thành một loại tế bào duy nhất. Chẳng hạn như tế bào gốc cơ, tạo ra tế bào cơ trưởng thành chứ không phải bất kỳ tế bào nào khác.
Ngoài ra, tế bào gốc còn có thể được phân loại dựa trên vị trí chúng cư trú:
- Tế bào gốc trưởng thành (Adult stem cells): được tìm thấy trong các mô và cơ quan như: tủy xương, máu ngoại vi, mạch máu, mô mỡ,… Tế bào gốc trưởng thành được nghiên cứu và ứng dụng nhiều nhất hiện nay là tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô.
- Tế bào gốc phôi (Embryonic stem cells - ESCs): được tìm thấy trong khối tế bào bên trong phôi nang của con người, giai đoạn đầu phôi đang phát triển kéo dài từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau thụ tinh. Tế bào gốc phôi có thể được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, trong điều kiện thích hợp sẽ sinh sôi nảy nở vô thời hạn và có thể biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể (tế bào gốc toàn năng). Nghiên cứu liên quan đến ESC tuy có nhiều tiềm năng trong y học tái tạo, nhưng đặt ra nhiều tranh luận về mặt đạo đức do việc phá hỏng phôi để lấy tế bào gốc sẽ giết chết phôi, vốn có thể phát triển thành cơ thể hoàn chỉnh.
- Tế bào gốc máu cuống rốn (Cord blood stem cells): được thu thập từ dây rốn và nhau thai sau khi em bé chào đời. Tế bào gốc máu cuống rốn có nhiều tiềm năng và được cho là có khả năng hình thành các loại tế bào gốc khác nhau hơn so với tế bào gốc tạo máu trưởng thành được tìm thấy trong tủy xương. Ngoài ra, tế bào gốc máu cuống rốn mang lại một số ưu điểm của ESC mà không có bất kỳ hạn chế nào về mặt đạo đức.
- Tế bào gốc vạn năng cảm ứng (induced Pluripotent Stem cells – iPSs): được tạo ra một cách nhân tạo từ các tế bào sinh dưỡng (tế bào soma) và hoạt động tương tự như PSC. Công nghệ iPSC được tiên phong bởi hai nhà khoa học Nhật Bản (Shinya Yamanaka và Kazutoshi Takahashi) qua nghiên cứu vào năm 2006, chứng minh rằng sự ra đời của bốn gen cụ thể (Oct-3/4, Sox2, Klf4, và c-Myc) có thể chuyển đổi tế bào soma thành tế bào gốc vạn năng. Năm 2012, Shinya Yamanaka và John Gurdon đã được trao Giải Nobel Sinh lý học và Y học cho việc “khám phá ra các tế bào trưởng thành có thể được lập trình lại để trở thành tế bào vạn năng”. iPSC có thể được lấy trực tiếp từ các mô trưởng thành nên chúng không chỉ không cần đến phôi mà còn có thể được tạo ra theo cách phù hợp với bệnh nhân, có nghĩa là mỗi người có thể có dòng tế bào gốc vạn năng của riêng mình.
Các giai đoạn phát triển và ứng dụng điều trị bệnh của tế bào gốc
Thuật ngữ “tế bào gốc” (stem cell) được sử dụng lần đầu vào năm 1868 bởi nhà sinh vật học nổi tiếng người Đức Ernst Haeckel, mô tả các đặc tính của trứng được thụ tinh nhằm tạo ra tất cả các tế bào của cơ thể. Vào năm 1888, định nghĩa đầu tiên về tế bào gốc được đưa ra bởi hai nhà động vật học người Đức, Theodor Heinrich Boveri và Valentin Haecker, qua nghiên cứu xác định quần thể tế bào riêng biệt trong phôi có khả năng biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt hơn, đánh dấu cột mốc quan trọng đầu tiên của y học tái tạo. Năm 1902, các nghiên cứu của nhà mô học Franz Ernst Christian Neumann và Alexander A. Maximov đã chứng minh sự hiện diện của các tế bào tiền thân thông thường giúp phát triển các tế bào máu trưởng thành, còn được gọi là quá trình tạo máu. Năm 1958, ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện bởi bác sĩ ung thư người Pháp George Mathe để điều trị cho 6 nhà nghiên cứu hạt nhân vô tình tiếp xúc với chất phóng xạ. Trong khoảng thời gian tiếp theo sau đó, sự phát triển của liệu pháp dựa trên tế bào gốc đã được thúc đẩy và khám phá qua nhiều cột mốc quan trọng, từ các nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng. Việc phân lập “tế bào gốc trung mô” vào năm 1991, kết hợp với việc James Thomson phân lập được các tế bào gốc từ phôi người (hESCs) năm 1998 và khám phá của hai nhà khoa học Nhật Bản (Yamanaka và Takahashi) về “tế bào gốc vạn năng cảm ứng” vào năm 2007 đã góp phần rất lớn vào sự tiến bộ của liệu pháp dựa trên tế bào gốc trong điều trị bệnh ở người.
Hành trình trị liệu bằng tế bào gốc đã phát triển trong suốt nhiều năm để trở thành một tác nhân trị liệu mới của y học tái tạo nhằm điều trị nhiều căn bệnh nan y: các bệnh về thoái hóa thần kinh (Parkinson, Alzheimer, chấn thương tủy sống, đột quỵ), các bệnh di truyền của hệ máu, bệnh mạn tính (tiểu đường), bệnh tim mạch, bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, viêm khớp,…
Đối với bệnh ung thư, việc cấy ghép tế bào gốc là thủ thuật phục hồi các tế bào gốc tạo máu ở những người đã bị phá hủy bởi hóa trị hoặc xạ trị liều cao trong quá trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng tế bào gốc nhằm mục đích điều trị ung thư, mặc dù được xem là một phương pháp trị liệu mới và hấp dẫn, nhưng theo các nhà khoa học, đây là một thuật ngữ nhạy cảm do hiệu quả điều trị còn hạn chế, cũng như kết quả điều trị chưa rõ ràng bởi sự trái ngược nhau trong các nghiên cứu tiền lâm sàng. Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy tính “hai mặt” của việc tiêm tế bào gốc trung mô trong thời gian điều trị ung thư, một mặt có thể sử dụng tế bào gốc trung mô như một chất mang để đưa thuốc đến tế bào ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư nhanh và chính xác hơn, nhưng mặt khác tế bào gốc trung mô có thể gây bất lợi lớn cho bệnh nhân bởi nó tham gia vào quá trình khởi đầu, phát triển, tiến triển và di căn của bệnh ung thư; hơn nữa, sự có mặt của tế bào gốc trung mô cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trốn tránh sự giám sát miễn dịch của tế bào ung thư khiến ung thư bùng phát dữ dội hơn. Mặc dù chức năng chính xác của tế bào gốc trung mô trong việc chống lại ung thư vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng nó cũng đang mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư, khi các nhà khoa học đang tìm cách biến đổi gene cho tế bào gốc trung mô, nhằm giúp chúng có thể thể hiện chức năng chống ung thư khi đưa vào cơ thể người bệnh.
Những mốc thời gian quan trọng trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lâm sàng của liệu pháp dựa trên tế bào gốc, từ năm 1888 đến năm 2022 (Nguồn: Biên dịch từ nghiên cứu “Stem cell-based therapy for human diseases” (Hoang, D.M., Pham, P.T., Bach, T.Q. et al., 2022))
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh được thực hiện từ năm 1995, sớm nhất trong lĩnh vực huyết học-truyền máu, với sự kiện PGS.TS. Trần Văn Bé và cộng sự tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ tủy xương đầu tiên tại Việt Nam cho một bệnh nhân nam 26 tuổi bị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính. Năm 1998, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Văn Bé, PGS.BS. Trần Văn Bình và các cộng sự đã thực hiện thành công phương pháp tự ghép tế bào gốc máu ngoại vi không giữ đông lạnh đầu tiên ở Việt Nam trên 27 người bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Những nghiên cứu này đã tạo tiền đề cho việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư máu, suy tủy tại các cơ sở mạnh về huyết học trên cả nước.
Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam ngày càng được chú trọng khi Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành, tạo nền tảng cho sự phát triển của công nghệ sinh học, trong đó có phát triển ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh ở người. Hàng loạt đề xuất nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc cũng như các chính sách định hướng đã được đưa ra. Trong giai đoạn 2008-2015, các nhiệm vụ KH&CN về tế bào gốc được phê duyệt và triển khai bám sát mục tiêu, nội dung và sản phẩm theo Quyết định số 53/QĐ-BKHCN ngày 14/01/2008 của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ về “Xây dựng hệ thống ngân hàng tế bào gốc và ứng dụng trong Y sinh học” nhằm tăng cường đầu tư nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh trên người. Đến nay, có 7 ngân hàng tế bào gốc đã được xây dựng tại các cơ sở công lập và tư nhân (Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar, Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Ngân hàng Mô Cryoviva Việt Nam). Trong đó, ngân hàng tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM (thành lập năm 2001) là ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của cả nước. Trong giai đoạn 2016-2020, nhiều nhiệm vụ KH&CN liên quan đến tế bào gốc đã được phê duyệt trong Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Có 5 đề tài đã được phê duyệt ứng dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh hiểm nghèo, thường gặp như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư máu, chấn thương sọ não, đột quỵ não.
Ngân hàng tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM (Nguồn: Tuổi trẻ Online)
Cùng với các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trên cả nước, TP.HCM cũng đóng góp nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến liệu pháp tế bào gốc, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu qua thời gian qua, như: “Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật chiết tách tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn để điều trị bệnh lý về máu” (năm 2004) của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM; “Nghiên cứu ứng dụng tế bào vùng rìa giác mạc và bước đầu biệt hoá tế bào gốc máu cuống rốn người” (năm 2009) và “Nghiên cứu quy trình phân lập, nuôi cấy, biệt hóa tế bào gốc tủy xương, hướng đến ghép điều trị bệnh lý tổn thương xương” (năm 2019) của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; “Nghiên cứu chế tạo và đánh giá hiệu quả mỹ phẩm từ tế bào gốc dây rốn” (năm 2016) của Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar; “Nghiên cứu hiệu quả điều trị bệnh xơ gan trên chuột của tế bào gốc trung mô từ mô mỡ (hAD-MSC) được nuôi trong môi trường có huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) và yếu tố tăng trưởng tế bào gan (HGF)” (năm 2018) của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ; “Nghiên cứu tạo dòng tế bào gốc trung mô bệnh lí để thử nghiệm thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2”, “Nghiên cứu tạo tấm tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người hướng đến ứng dụng điều trị bệnh tim” (năm 2020), “Nghiên cứu tạo và đánh giá hiệu quả chống lão hoá da của chế phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc nhung hươu” (năm 2021) và “Nghiên cứu tạo và ghép tấm tế bào từ tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người và giá thể Lunagel trên mô hình chuột sau nhồi máu cơ tim” (năm 2023) của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM; “Xây dựng quy trình phân lập, nuôi cấy tế bào gốc nang tóc người và đánh giá khả năng tăng sinh của chúng dưới tác động của Phycocyanin” (nghiệm thu năm 2023) của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Ngày 8/12/2023 vừa qua, Hội Tế bào gốc TP.HCM đã tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ XII với chủ đề "Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc" tại TP.HCM. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã giới thiệu những kiến thức, tiến bộ, đột phá mới trong lĩnh vực gene và tế bào gốc, tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc trên thế giới và tại Việt Nam. Qua đó, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với nhiều loại bệnh trên mô hình động vật, cũng như nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên và phân tích tổng hợp ở người cũng đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào đối với các bệnh nan y như bệnh về gan mật, hệ thần kinh, bệnh hô hấp và tự miễn.
Hội nghị khoa học "Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc" do Hội Tế bào gốc TP.HCM tổ chức ngày 8/12/2023 tại TP.HCM (Nguồn: CESTI)
Theo các chuyên gia tại Hội nghị, đối với bệnh xơ gan, hiện chưa có thuốc đặc hiệu, nhưng nhiều nghiên cứu đã cung cấp đủ bằng chứng về hiệu quả của liệu pháp ghép tế bào gốc giúp giảm mức độ nặng của bệnh, duy trì chức năng gan và giảm tỷ lệ tử vong so với nhóm đối chứng. Đối với bệnh tiểu đường, thế giới cũng có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của liệu pháp ghép tế bào gốc, chẳng hạn như một nghiên cứu tiến bộ dùng tế bào gốc trung mô dây rốn vào năm 2020 trên 172 bệnh nhân và 71 nhóm chứng, 5 nghiên cứu dùng tế bào đơn nhân từ máu cuống rốn, kết quả cho thấy liệu pháp ghép tế bào gốc trung mô dây rốn giúp cải thiện chỉ số HbA1c, giảm liều insulin ở bệnh nhân tiểu đường. Với lĩnh vực chống lão hóa, một số nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào gốc bước đầu cho thấy cải thiện hoạt động thể lực cũng như các chỉ số sinh học về miễn dịch. Bên cạnh đó, liệu pháp tế bào gốc gần đây cũng được ứng dụng nhiều đối với bệnh đột quỵ, chấn thương sọ não, chỉ định điều trị hồi phục các di chứng thần kinh. Một số nghiên cứu cho thấy, khả năng hồi phục các di chứng thần kinh sau đột quỵ và sau chấn thương sọ não ở nhóm được truyền tế bào gốc được cải thiện rõ rệt hơn so với nhóm đối chứng.
***
Có thể thấy, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam đang dần được hoàn thiện theo ba lĩnh vực chính: (1) Phân lập và lưu giữ các loại tế bào gốc; (2) Biệt hóa tế bào gốc thành các tế bào mang tính chuyên biệt hơn và (3) Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh cho người. Nhiều cơ sở của Nhà nước và tư nhân đã tham gia nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng to lớn và những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong việc phát triển công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam như: tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm sử dụng trong quy trình công nghệ tế bào gốc là rất thấp; khả năng làm chủ công nghệ quan trọng chưa cao và khả năng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tế bào gốc ra nước ngoài là không đáng kể. Do đó, để đưa lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hòa nhập và dần bắt nhịp với trình độ của khu vực và thế giới, cần có một chiến lược tổng thể dài hạn và tiếp tục xây dựng các chính sách, chương trình thúc đẩy nghiên cứu nhằm tạo thêm động lực cho các nhà khoa học. Ngoài ra, công nghệ tế bào gốc vẫn trong giai đoạn phát triển, vẫn cần nhiều hơn nữa các nghiên cứu để đảm bảo các yếu tố về xã hội, pháp luật, đạo đức, tính hiệu quả và an toàn. Vì vậy, việc sử dụng các sản phẩm từ tế bào gốc hoặc ứng dụng trong điều trị bệnh cần phải thận trọng và theo chỉ định từ người có chuyên môn, đặc biệt là đối với việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh ung thư.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Hoàng Đức. Ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam. https://nhandan.vn/ung-dung-te-bao-goc-tai-viet-nam-post743506.html
[2] Hoang, D.M., Pham, P.T., Bach, T.Q. et al. Stem cell-based therapy for human diseases. Signal Transduction and Targeted Therapy.
[3] Lam Vân. Nhiều thành quả nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ ứng dụng tế bào gốc. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/nhieu-thanh-qua-nghien-cuu-phat-trien-san-pham-cong-nghe-ung-dung-te-bao-goc-7ae7de5b-b6d7-494f-baef-c808aecc1eec
[4] PGS. TS Vũ Bích Ngọc. Liệu pháp tế bào gốc có thực sự chữa được ung thư? https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/lieu-phap-te-bao-goc-co-thuc-su-chua-duoc-ung-thu/2024022909074328p1c160.htm
[5] PGS.TS. Vũ Bích Ngọc. Tế bào gốc sẽ “thay đổi cuộc chơi” trong chữa trị bệnh tật. https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/te-bao-goc-se-thay-doi-cuoc-choi-trong-chua-tri-benh-tat/20190704022928716p1c160.htm
[6] Rosca, A., Coronel, R. et al. Chapter Seven - Human neural stem cells in developmental neurotoxicology: Current scenario and future prospects. In J. B. Rocha, M. Aschner, & L. G. Costa, Advances in Neurotoxicology (pp. 197-237). Academic Press.
[7] Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM. Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ - Chuyên đề Tế bào gốc và tiềm năng ứng dụng.
[8] Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM. CSDL thư viện KH&CN: http://www.cesti.gov.vn/thu-vien