Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là nơi diễn ra các giao dịch về sản phẩm và dịch vụ liên quan đến kết quả hoạt động KH&CN (bản quyền, bí quyết,…), tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển, một trong những giải pháp là phát triển các tổ chức trung gian. Trong đó, Sàn giao dịch công nghệ là mô hình có vai trò rất quan trọng.

 

Vai trò của Sàn giao dịch công nghệ trong thị trường KH&CN

Thông tư 16/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (ban hành ngày 13/6/2014) quy định về điều kiện thành lập, hoạt động tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đã xác định “Sàn giao dịch công nghệ là loại hình tổ chức trung gian có khả năng thực hiện tất cả các dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ từ chào mua, chào bán, giới thiệu, đại diện, đại lý, tư vấn, môi giới, hỗ trợ định giá, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đàm phán, ký kết, thực hiện giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ”.

Theo thông tin từ Bộ KH&CN, cả nước hiện có hơn 800 tổ chức, đầu mối trung gian thị trường KH&CN. Trong đó, hơn 20 Sàn Giao dịch công nghệ (SGDCN) đã đi vào hoạt động tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,... dưới các hình thức trực tiếp (tại địa điểm của SGDCN) và trực tuyến (trên môi trường internet) nhằm tăng cường kết nối, quảng bá thông tin KH&CN đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp ở xa.

Ở phía Bắc, tháng 11/2021, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia đã chính thức vận hành Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị, nơi thu thập và chia sẻ hơn 10.000 công nghệ, thiết bị chào bán và tìm mua đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước; cho phép truy xuất các cơ sở dữ liệu về kết nối cung cầu công nghệ - thiết bị, cơ sở dữ liệu về chuyên gia KH&CN, cũng như các bản tin thị trường KH&CN phục vụ doanh nghiệp, các chuyên đề về thị trường KH&CN. Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị cũng đang tiến hành mở rộng hệ sinh thái, khi thực hiện liên kết với các sàn giao dịch khác trong nước.

Trang thông tin của Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị (Nguồn: techmartvietnam.vn)

Tiêu biểu cho khu vực phía Nam, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (địa chỉ số: techport.vn) là một trong những SGDCN được thành lập đầu tiên trong cả nước, với những bước đi thử nghiệm từ những năm đầu thập niên 2010, trên cơ sở kế thừa và phát triển các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ (CGCN) do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM triển khai từ những năm cuối của thập kỷ 1990. Với kinh nghiệm hỗ trợ CGCN hơn 20 năm, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM đã có nhiều hoạt động xúc tiến, hỗ trợ hữu hiệu cho công tác tìm hiểu, tiếp xúc đàm phán, ký kết, thực hiện CGCN giữa các bên cung – cầu về công nghệ tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực phía Nam. Đặc biệt, vào năm 2021, khi mà hầu hết các hoạt động tiếp xúc trực tiếp trong xã hội ở Việt Nam đều phải tạm ngưng để đảm bảo yêu cầu chống dịch Covid-19, việc khai thác yếu tố “trong nguy có cơ” - đưa các hoạt động lên môi trường số - đã giúp Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM không chỉ duy trì được những hoạt động xúc tiến, kết nối thường xuyên mà còn thu hút được thêm hàng chục ngàn lượt khách tham dự các sự kiện Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) chuyên ngành, các hội thảo giới thiệu công nghệ,… trên nền tảng số.

Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ - Phương tiện hoạt động trên môi trường số của SGDCN TP.HCM (Nguồn techport.vn)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các SGDCN tại Hội nghị “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập” (tháng 9/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, việc phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN là một trong những giải pháp chủ yếu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đánh giá chung của Bộ KH&CN cho thấy, phần lớn các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN còn yếu về năng lực và còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín để đáp ứng nhu cầu thúc đẩy GDCN trong và ngoài nước, khiến cho các hoạt động kết nối cung - cầu về KH&CN vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng SGDCN trọng điểm nhằm tập trung CGCN là giải pháp thật sự cần thiết.

 

Nỗ lực kiến tạo mô hình SGDCN trọng điểm tại TP.HCM

Kế hoạch xây dựng 3 SGDCN quốc gia tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP.HCM đã được xác định chính thức kể từ ngày 13/7/2021, tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030. Tháng 10/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chính thức yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp, hỗ trợ các địa phương hình thành và phát triển 3 SGDCN trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong đó, TP.Hà Nội và TP.HCM khẩn trương đưa vào vận hành SGDCN trọng điểm trong Quý IV năm 2024; TP.Đà Nẵng tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị để đưa vào vận hành SGDCN trọng điểm trong Quý IV/2025.

Vốn có nhiều kinh nghiệm và thực tế đã đạt được nhiều thành quả tích cực trong việc vận hành SGDCN tại địa phương, cũng như những liên kết với nhiều tỉnh thành trong khu vực phía Nam, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM đã xây dựng được mạng lưới đối tác, hạ tầng thông tin, quy trình và các hệ thống tác nghiệp. Hiện Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM vẫn đang triển khai thường xuyên các chức năng như xúc tiến CGCN; tư vấn kết nối CGCN; tìm kiếm đối tác (cho các dự án khởi nghiệp, kết quả nghiên cứu,…),… Để xây dựng SGDCN trọng điểm theo yêu cầu mới, Thành phố đang tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các mô hình thích hợp để xây dựng cho phù hợp với tình hình phát triển KH&CN và thị trường KH&CN hiện nay. Trong đó, thu thập ý kiến chuyên gia từ các hội thảo chuyên ngành là một trong những kênh cung cấp thông tin quan trọng. Tại Tọa đàm “Kết nối chuyên gia tìm kiếm mô hình Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM”, theo góp ý của TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM), nên tham khảo mô hình các SGDCN và sàn gọi vốn cộng đồng thành công trên thế giới để thiết kế mô hình và xây dựng cơ chế vận hành phù hợp cho Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM. Còn với PGS.TS Trần Minh Quang (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM), SGDCN có thể triển khai các dịch vụ giới thiệu công nghệ, tạo dựng môi trường cho các bên tham gia giao dịch CGCN. Ngoài ra, cần tạo dựng thêm sự kết nối giữa 4 nhà (nhà đầu tư – nhà khoa học – nhà cung ứng – doanh nghiệp) để tăng sự gắn kết, xác định rõ nhu cầu của các bên,...

Theo ông Phan Quốc Tuấn (Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), để có mô hình SGDCN mới phù hợp với quy mô mới, 7 hạn chế của mô hình SGDCN hiện tại đã được xác định (khung pháp lý cho mô hình chưa đầy đủ; vẫn còn nhận thức khác nhau về vai trò của thị trường KH&CN; hạn chế về công nghệ thông tin khiến thị trường chưa liên thông; việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ các nghiên cứu, sáng tạo mới còn nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp lên sàn mua bán thiết bị, chưa phải công nghệ; các tổ chức trung gian còn thiếu và yếu; thị trường KH&CN trong nước chưa kết nối với thị trường quốc tế). Đây chính là cơ sở để Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Thành phố triển khai mô hình mới hoàn thiện hơn.

***

Thời gian qua, SGDCN đã minh chứng được là mô hình tổ chức trung gian KH&CN có nhiều thành quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc phát triển thị trường KH&CN. Tuy nhiên đa phần các SGDCN vẫn chỉ dừng ở mức giới thiệu sản phẩm cho các đơn vị, cá nhân sở hữu công nghệ, thiếu nhiều chức năng quan trọng để đáp ứng với những nhu cầu ngày càng cao của các bên cung - cầu, nhất là trong thời buổi Cách mạng 4.0, với những hỗ trợ marketing, cung cấp vốn, giao dịch/thanh toán trực tuyến,... Ý tưởng về một SGCN trọng điểm, ít nhiều cũng đã ẩn hiện đâu đó cùng những tư vấn, góp ý của các chuyên gia. Sắp tới, các bên cung – cầu công nghệ, và cả các tổ chức trung gian khác của thị trường KH&CN có thể được tương tác, làm việc với một SGDCN được xây dựng theo hướng hoàn thiện các chức năng: tạo lập cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung cho thị trường KH&CN, bao gồm dữ liệu, thông tin về cung - cầu công nghệ, các kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao, tài sản trí tuệ, các tổ chức trung gian, các chuyên gia tư vấn về thị trường KH&CN...; hỗ trợ các tổ chức trung gian thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN; có sự liên kết với các SGDCN vùng và địa phương,… Theo quan điểm của TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tại Hội thảo góp ý Đề án “Kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP.HCM với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ”, SGDCN không chỉ là nơi kết nối người mua và người bán, máy móc và công nghệ mà còn hỗ trợ tư vấn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cung cấp các dịch vụ về đào tạo nguồn nhân lực, về chuyên môn, tiêu chuẩn chất lượng, đo lường, sở hữu trí tuệ,...

Minh Thư

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Hoàng Giang. Sẽ vận hành Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội. https://baochinhphu.vn/se-van-hanh-san-giao-dich-cong-nghe-quoc-gia-tai-ha-noi-102230131103050749.htm
[2] Quỳnh Nga. Thị trường khoa học và công nghệ - Hiệu quả chưa như kỳ vọng. https://congthuong.vn/thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-hieu-qua-chua-nhu-ky-vong-98892.html
[3] Hoàng Giang. Tiếp thêm sức sống cho thị trường KH&CN. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20042/tiep-them-suc-song-cho-thi-truong-khcn.aspx
[4] Dữ liệu Phòng giao dịch công nghệ. Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập