Đa dạng mẫu mã, độ bền cao, an toàn với người sử dụng, thân thiện với môi trường, vật liệu xanh đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của xu hướng phát triển bền vững ngành xây dựng.
Theo Hội kiến trúc sư Việt Nam, Vật liệu xanh (VLX) là những loại vật liệu ít tác động nhất tới môi trường và không gây hại cho sức khỏe con người trong suốt quá trình thu thập nguyên liệu, sản xuất, đến ứng dụng và cả sau khi hết vòng đời sử dụng. Một VLX có tính ứng dụng và hiệu quả cao phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản như:
- Không độc hại (dựa trên mức độ ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và sau khi sử dụng);
- Có khả năng tái chế hoặc tái sử dụng cao;
- Tiết kiệm nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên;
- Vòng đời sử dụng cao, có thể sử dụng lâu dài và độ tiêu hao vật liệu thấp;
- Ảnh hưởng tốt hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường, lượng phát thải thấp (hoặc bằng “0”).
Bên cạnh đó, việc sử dụng VLX sẽ giúp công trình có thể đạt được chứng nhận Công trình xanh (CTX - là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên), gia tăng lợi thế cạnh tranh của nhà đầu tư, nhờ những lợi ích kinh tế mà CTX đem lại.
Một số chứng nhận về CTX phổ biến tại Việt Nam
Nguồn: Hội đồng CTX Việt Nam |
Các loại VLX trên thị trường hiện nay rất đa dạng, ví dụ như: gạch không nung, xốp cách nhiệt XPS, bê tông nhẹ, đá chẻ, gỗ ốp tường xanh, tôn sinh thái, sơn sinh thái, xi măng xanh, xi măng sợi, kính tiết kiệm năng lượng, kiện rơm, tre,... mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho người sử dụng: gạch không nung giúp cách nhiệt; kính tiết kiệm năng lượng (Low E, Solar Control) giúp cản nhiệt, tránh nóng, ngăn chặn tia tử ngoại vào mùa hè và giữ nhiệt vào mùa đông; bê tông nhẹ giúp đẩy nhanh quá trình thi công, tiết kiệm tối đa thời gian xây dựng.
Một số loại VLX trên thị trường (Nguồn: Tạp chí Môi trường & Cuộc sống)
Ngày nay, xu hướng thiết kế xây dựng CTX ngày càng được quan tâm, do đó, nhu cầu về VLX cũng ngày càng tăng. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ tiết kiệm năng lượng hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Sử dụng VLX tại Việt Nam
Khái niệm về CTX đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007, nhưng đến nay, chỉ mới có khoảng 300 công trình nhận được chứng nhận CTX, ví dụ như Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo ứng dụng và Chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam, tọa lạc ở Gia Lâm (TP. Hà Nội). Công trình bao gồm 5 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 3.875 m2 được thiết kế để tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên ban ngày, sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng được sử dụng cho công trình là gạch xây không nung AAC và bê tông xanh,… Công trình giảm thiểu 26,5% tổng năng lượng sử dụng, nhận được chứng nhận CTX LOTUS vàng.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo ứng dụng và Chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam (Nguồn: Báo xây dựng)
Công trình The Sentry Z ở quận 1, TP.HCM là một ví dụ khác được chứng nhận CTX LOTUS vàng. Đây là một công trình có tổng diện tích sàn 250 m2; 100% không gian sử dụng lấy ánh sáng tự nhiên, có tầm nhìn ra bên ngoài; hệ thống điều hòa không khí có thể điều chỉnh theo không gian chức năng riêng. Toàn bộ thiết bị sử dụng là thiết bị tiết kiệm năng lượng. Toàn bộ các sản phẩm sơn và lớp phủ là vật liệu ít phát thải chất gây hại.
The Sentry Z (Nguồn: Báo Chính phủ)
Một số nghiên cứu VLX ở Việt Nam
Để thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và cam kết của Việt Nam về phát thái ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 về “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, trong đó xác định một trong các mục tiêu phát triển bền vững là sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả. Để triển khai, sẽ xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng VLX trong xây dựng công trình, đồng thời, nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất VLX, xây dựng công trình, hạ tầng, đô thị xanh, phát thải carbon thấp, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu tại Việt Nam cũng đã có nhiều kết quả hứa hẹn trong nghiên cứu sản xuất VLX, ví dụ như “Nghiên cứu sử dụng phế thải bùn vôi của nhà máy giấy để sản xuất gạch không nung” năm 2020 của TS. Tống Tôn Kiên và cộng sự (Đại học Xây dựng). Nghiên cứu này tận dụng bùn vôi thải trong công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy kết hợp với các loại phế thải khác nhằm tạo ra gạch bê tông không nung. Kết quả cho thấy, loại gạch này có giá thành thấp; hai quá trình sản xuất giấy và sản xuất gạch đều giảm thiểu tác động đến môi trường. Theo các tác giả, hoàn toàn có thể sản xuất được các loại gạch bê tông đạt mác 5 đến mác 10 theo TCVN 6477:2016 ở quy mô công nghiệp, từ các loại phế thải đã nêu. Hay "Nghiên cứu chế tạo bê tông hàm lượng tro bay cao dùng cho các kết cấu công trình xây dựng" do TS. Lê Văn Quang và cộng sự (Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng) thực hiện, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng. Đến năm 2022, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc chế tạo bê tông HVFC sử dụng tới 80% tro bay thay thế xi măng, giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hạn chế ô nhiễm. Bê tông HVFC đạt các tính chất kỹ thuật cần thiết, đạt tiêu chuẩn về độ bền lâu, độ khô nhanh, co ngót, đàn hồi, cường độ uốn,… Ưu điểm là khả năng bảo vệ ăn mòn cốt thép của bê tông HVFC cho kết quả vượt trội hơn với bê tông thông thường mà giá chỉ tương đương với bê tông thông dụng trên thị trường.
Bên cạnh những nghiên cứu theo hướng sản xuất VLX, việc chế tạo thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất VLX cũng là nội dung được các nhà khoa học quan tâm. Nhiệm vụ: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy ép gạch không nung tự động hóa rung khuôn – rung bàn kết hợp năng suất 100.000 viên QTC/ca” do PGS.TS Nguyễn Quốc Hưng và cộng sự (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) thực hiện là một ví dụ theo hướng này. Với nguồn kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp, đến năm 2022, các nhà khoa học đã thiết kế chế tạo và thử nghiệm thành công máy ép tạo hình gạch không nung (loại gạch 4 lỗ, quy cách 8x8x18cm) theo nguyên lý rung khuôn - rung bàn kết hợp với độ ổn định cao, năng suất khoảng 100.000 viên/ca, hoạt động trên nền tảng tự động hóa và thân thiện với người dùng. Ưu điểm của máy là khả năng linh hoạt trong việc lắp đặt nhờ thiết kế ở dạng module, thuận tiện ghép nối với một số dây chuyền cấp liệu hiện hữu, thay vì phải triển khai mới một dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, ưu thế lớn nhất là chi phí đầu tư thấp hơn so với các loại máy ép gạch bê tông nhập ngoại; khả năng bảo trì, bảo dưỡng thuận tiện, qua đó giúp doanh nghiệp hạn chế việc gián đoạn trong quá trình sản xuất.
Ngày nay, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng ngày càng cao, người dân có xu hướng lựa chọn các địa điểm “xanh, sạch, đẹp” để sống và làm việc, thúc đẩy các doanh nghiệp, các chủ đầu tư và các kiến trúc sư xây dựng các công trình theo hướng xanh và thân thiện với môi trường hơn. Cùng với xu hướng gia tăng các CTX, nhu cầu về vật liệu xây dựng có độ bền cao, ít tác động đến môi trường và sức khỏe con người cũng ngày càng lớn. Với việc đầu tư kịp thời cho công tác nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm VLX với giá thành vừa phải và ngày càng đa dạng, phong phú hơn, VLX được kỳ vọng sẽ thay thế vật liệu xây dựng truyền thống trong tương lai. Tăng cường phát triển VLX, CTX chính là góp phần giảm thiểu tác động môi trường, phát triển bền vững.
Kim Nhung
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Trang chủ thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[2] Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12 tháng 05 năm 2022 của Bộ Xây Dựng về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)
[3] Hương Vũ. Hiểu về vật liệu xanh. Hội Kiến trúc sư Việt Nam. https://kienviet.net/2023/10/19/hieu-ve-vat-lieu-xanh
[4] Minh Trang. Vật liệu xanh (Bài 1): Xu hướng trong xây dựng bền vững. https://moitruong.net.vn/vat-lieu-xanh-bai-1-xu-huong-trong-xay-dung-ben-vung-60693.html
[5] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Chế tạo thành công máy ép gạch không nung năng suất cao. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/che-tao-thanh-cong-may-ep-gach-khong-nung-nang-suat-cao/
[6] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Chế tạo thành công "bê tông xanh" hàm lượng tro bay cao. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/che-tao-thanh-cong-be-tong-xanh-ham-luong-tro-bay-cao/
[7] Toàn Thắng. 11 công trình nhận chứng chỉ LOTUS của Hội đồng công trình Xanh Việt Nam. https://baochinhphu.vn/11-cong-trinh-nhan-chung-chi-lotus-cua-hoi-dong-cong-trinh-xanh-viet-nam-102230929103546978.htm
[8] Công trình xanh là gì? Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải pháp Công trình xanh Việt Nam. https://congtrinhxanhvn.com/cong-trinh-xanh-la-gi-hoi-dong-cong-trinh-xanh-la-gi.html
[9] Công trình xanh, LEED, LOTUS và Green Mark. Hội đồng Công trình xanh Việt Nam. https://vgbc.vn/cong-trinh-xanh-leed-lotus-va-green-mark/
[10] Chứng nhận Công trình xanh tại Việt Nam. Hội đồng Công trình xanh Việt Nam. https://vgbc.vn/chung-nhan-cong-trinh-xanh-tai-viet-nam/