Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Sàn giao dịch công nghệ (SGDCN) là một loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (Điều 69), Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 (Điều 43, 44) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, SGDCN là loại hình tổ chức trung gian có khả năng thực hiện tất cả các dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ từ chào mua, chào bán, giới thiệu, đại diện, đại lý, tư vấn, môi giới, hỗ trợ định giá, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đàm phán, ký kết, thực hiện giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ.

 

Đánh giá chung về các SGDCN trong thời gian qua, hầu hết được vận hành như một trong những hoạt động của một đơn vị sự nghiệp KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ địa phương (đa số là các trung tâm thông tin KH&CN có kinh nghiệm hoạt động tổ chức Techmart), được đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Nghị định 54/2016/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Một số SGDCN có tiềm năng trở thành đơn vị tự chủ, tự trang trải kinh phí hoạt động.

 

Nhiều SGCDN hiện nay đã được triển khai theo cả 2 phương thức: trực tiếp và trực tuyến. Hình thức trực tiếp thường là trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghệ của các đơn vị công nghệ trong và ngoài nước; hình thức trực tuyến tập trung giới thiệu các thiết bị, công nghệ được chào bán tại các Techmart và các nguồn cung công nghệ khác. Các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, đảm bảo thực hiện giao dịch công nghệ đã được các SGDCN triển khai, nhưng kết quả vẫn còn khá hạn chế. Các tài sản trí tuệ chào bán thông qua các SGDCN như quy trình, giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ vẫn còn khá hạn chế.

 

Số lượng và giá trị giao dịch mua bán, chuyển giao thiết bị công nghệ, quy trình công nghệ thực hiện qua các SGDCN thời gian qua có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, các thiết bị, công nghệ được giới thiệu trên các SGDCN còn hạn chế cả về số lượng và chủng loại. Các SGDCN không chỉ vẫn còn gặp khó trong việc nắm bắt, cập nhật nhu cầu đổi mới, tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp, mà còn cả ở tìm kiếm, bổ sung kịp thời công nghệ, thiết bị thích hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp.

 

Các SGDCN đã bước đầu có thể hỗ trợ, tư vấn về một số thiết bị, công nghệ đơn giản hoặc tương đối phổ biến, nhưng vẫn còn khó khăn trong tìm kiếm, kết nối chuyên gia có kinh nghiệm, khả năng đánh giá, định giá công nghệ phức tạp hoặc công nghệ mới. Các SGDCN cũng đang từng bước hình thành các nhóm tư vấn về pháp lý, soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng license và thực hiện các thủ tục đăng ký cần thiết. Tuy nhiên, việc đào tạo đội ngũ cán bộ có khả năng hỗ trợ kỹ năng đàm phán, hỗ trợ kỹ thuật, phân tích và xây dựng dự án đầu tư cho bên mua, bên bán trong xúc tiến chuyển giao công nghệ là nội dung vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh.

 

Nhìn chung, các SGDCN hiện nay đang hoạt động khá độc lập và hầu hết đều thể hiện nhu cầu liên kết để chia sẻ nguồn thông tin đầu vào (công nghệ cung cấp cho SGDCN, mạng lưới chuyên gia tư vấn) và khai thác nguồn thông tin đầu ra (doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ). Tuy nhiên, việc tìm kiếm các giải pháp, cơ chế hợp lý để đảm bảo lợi ích của các bên cũng như an ninh, an toàn cho mạng lưới là vấn đề đang rất được quan tâm; hoạt động trao đổi giữa các SGDCN với các cơ quan quản lý, các trường đại học, tổ chức KH&CN, nhà sáng chế cũng như với các chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ vẫn còn mang tính sự vụ, cá biệt, chứ chưa có sự phối hợp tổng thể, thường xuyên.

 

Có thể nói, thời gian qua các SGDCN đã bước đầu thể hiện được vai trò là một tổ chức trung gian quan trọng của thị trường KH&CN trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả bước đầu, hoạt động của các SGDCN vẫn thể hiện khá nhiều hạn chế; chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ vẫn còn khá mờ nhạt so với nhu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh đa phần các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN còn yếu về năng lực, thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín để đáp ứng nhu cầu thúc đẩy GDCN trong và ngoài nước, khiến cho các hoạt động kết nối cung - cầu về KH&CN vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg, ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030. Trong đó, xác định kế hoạch đầu tư, phát triển 3 SGDCN quốc gia tại TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng và TP.HCM, cũng như một số SGDCN cấp vùng và chuyên ngành có vai trò đầu mối mạng lưới, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức trung gian khác thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN. Tháng 10/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp, hỗ trợ các địa phương hình thành và phát triển 3 SGDCN trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong đó, TP.Hà Nội và TP.HCM khẩn trương đưa vào vận hành SGDCN trọng điểm trong Quý IV năm 2024; TP. Đà Nẵng tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị để đưa vào vận hành SGDCN trọng điểm trong Quý IV/2025. Hy vọng, với những chủ trương, chính sách thiết thực cùng sự đôn đốc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới SGDCN quốc gia và vùng, chuyên ngành sẽ sớm hình thành và đi vào hoạt động, thúc đẩy thị trường KH&CN quốc gia phát triển, qua đó, đóng góp hữu hiệu cho công cuộc phát triển bền vững kinh tế của đất nước.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập