Việt Nam là quốc gia có tốc độ tiếp thu thành quả khoa học và công nghệ khá nhanh trên thế giới, đặc biệt là các nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đây là một lĩnh vực thu hút nhiều quan tâm của các ngành, các cấp và Thành phố đã trở thành một trong những địa phương phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong cả nước.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế toàn cầu. Nhận diện xu hướng này, từ nhiều năm trước đây, Việt Nam đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng tiếp nhận và đẩy mạnh phát triển công nghệ AI trong nước. Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ” do Oxford Insights công bố năm 2023, điểm trung bình của Việt Nam tăng, đạt 54,48 điểm (năm 2022 là 53,96 và 2021 là 51,82 điểm). Việt Nam cũng vượt qua Philippines để vươn lên vị trí thứ 5/10 khu vực ASEAN, tăng một bậc so với năm trước. Trong thứ hạng toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181). Đây là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới về sự sẵn sàng về AI của Chính phủ.
Xếp hạng Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ năm 2023 của Việt Nam (Nguồn: oxfordinsights.com)
Các hoạt động có tính kết nối cùng phát triển AI với các quốc gia khác rất được Nhà nước quan tâm, thúc đẩy. Năm 2021, “Mạng lưới trí tuệ nhân tạo Việt – Úc” ra mắt đã ghi dấu cột mốc đầu tiên nhằm hiện thực hóa “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030”, chiến lược hướng mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và thế giới. Mạng lưới tạo cơ hội cho nhân lực ngành AI kết nối cộng đồng nghiên cứu và tiếp cận với các thông tin chính sách, chương trình hỗ trợ AI của Nhà nước; các doanh nghiệp tham gia có cơ hội hỗ trợ kết nối chuyên gia tìm giải pháp ứng dụng AI, kết nối các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước học hỏi kinh nghiệm triển khai và chuyển giao công nghệ, cung-cầu giải pháp về AI,… Tháng 6/2023, Hội nghị quốc tế về “Dữ liệu mở và Trí tuệ nhân tạo - Động lực tăng trưởng kinh tế” được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Ngân hàng Thế giới tổ chức nhằm phát triển dữ liệu mở và nâng cao năng lực ứng dụng AI tại Việt Nam. Đầu tháng 12/2023, cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) được nhiều chuyên gia xem là bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành AI và bán dẫn tại nước ta,...
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM
Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” được UBND Thành phố phê duyệt từ ngày 23/2/2021 (Quyết định số 575/QĐ-UBND), với 3 mục tiêu: (1) Xây dựng và phát triển hệ sinh thái AI; (2) AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển nhanh, bền vững; (3) TP.HCM trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI.
Để đạt được các mục tiêu, Thành phố đã xác định các chỉ tiêu cụ thể như: thúc đẩy gia tăng 20%/năm số lượng các công trình khoa học, bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích hoặc quyền tác giả (đối với phần mềm) về AI hoặc ứng dụng AI tại TP.HCM; hàng năm gia tăng 10% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp số phát triển, ứng dụng AI và gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI; hàng năm tăng 10% nhân lực AI đạt chất lượng phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và ứng dụng AI phục vụ đời sống kinh tế, xã hội Thành phố. Đồng thời, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% các sở, ban ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức có ứng dụng AI phục vụ công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ xây dựng và triển khai Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI, nhằm quảng bá sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm đào tạo về AI của các trường đại học; thông tin về nhu cầu ứng dụng AI và nhu cầu đào tạo AI của các doanh nghiệp; thông tin các cuộc thi ứng dụng AI của TP.HCM; thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI; đề xuất phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; triển khai Đề án Đào tạo nguồn nhân lực AI.
Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI diễn ra rất sôi nổi Tại Thành phố, từ các cơ quan nghiên cứu đến các trường đại học. Năm 2023, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã hoàn thành chương trình KH&CN cấp thành phố: “Đề án đào tạo nhân lực quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo”, tập trung nghiên cứu và dự báo nhu cầu nhân lực ngành AI trên địa bàn TP.HCM, từ đó đề xuất các mục tiêu, giải pháp, mô hình và kế hoạch thực hiện cụ thể đến năm 2035. Nghiên cứu và ứng dụng AI vào dự báo nông sản được nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT Việt Nam quan tâm. Các nhà nghiên cứu ở đây đã ứng dụng AI để phát triển mô hình dự báo giá cà phê Robusta, qua việc sử dụng dữ liệu lịch sử về giá cà phê, giá xăng dầu, nhiệt độ và lượng mưa để xây dựng mô hình hỗ trợ người nông dân lập kế hoạch đầu tư mùa vụ phù hợp, tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu tổn thất. Các mô hình AI có thể được cập nhật liên tục dựa trên dữ liệu mới và phản hồi từ thị trường, giúp nâng cao khả năng dự đoán theo thời gian. Sự tích hợp AI vào quá trình dự báo giá cà phê không chỉ mang lại những kết quả chính xác hơn mà còn tạo ra cơ hội quản lý tốt các rủi ro và tối ưu hóa quyết định kinh doanh trong ngành nông nghiệp cà phê.
Mô hình RF cho ra kết quả tốt nhất (Nguồn Vnexpress)
Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế đã trở nên quen thuộc và ngày càng có nhiều nghiên cứu hơn trên địa bàn, tác động tích cực đến công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tại các bệnh viện. Nghiên cứu “An toàn và hiệu quả của điều trị tái thông trên bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp cửa sổ từ 6 giờ đến 24 giờ có sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID” của tác giả Nguyễn Huy Thắng (Bệnh viện Nhân dân 115) là một ví dụ. Nghiên cứu này hỗ trợ việc kiểm tra và nhận xét tính an toàn trong điều trị tái thông trên bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp cửa sổ 6-24 giờ, qua tỷ lệ xuất huyết não và tỷ lệ tử vong tại thời điểm 3 tháng sau can thiệp có sử dụng phần mềm AI. Một nội dung khác, “Nghiên cứu sử dụng tín hiệu PPG và trí tuệ nhân tạo trong tầm soát phát hiện tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim” do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lưu Thanh Tùng (Trường Đại học Bách khoa) triển khai, đã xây dựng bộ dữ liệu PPG theo nhịp tim và số huyết áp, từ đó nghiên cứu thuật toán ước tính huyết áp từ tín hiệu PPG, cho phép dự đoán được những bệnh nhân bị huyết áp cao.
Ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, AI cũng được đẩy mạnh ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, truyền thông, quản lý nhà nước,… Về giáo dục, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu ứng dụng giáo viên ảo tích hợp AI để trả lời các câu hỏi thường gặp từ học sinh về kế hoạch bài học, module khóa học, bài tập; nghiên cứu và ứng dụng AI vào phân tích thị trường lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; sử dụng AI để phân tích thông tin kết quả học tập, sức khỏe học đường, tâm sinh lý, nhu cầu giải trí,… nhằm có các đề xuất nâng cao hiệu quả học tập. Vừa qua, ngày 27/2, Sở Thông tin và Truyền thông đã ra mắt phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội” (Socialbeat), ứng dụng AI, giúp các cơ quan quản lý nhà nước của TP.HCM chủ động tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ thí điểm ứng dụng AI ở nhiều sở ngành, địa phương trên địa bàn, mà trước mắt, là việc hỗ trợ thẩm tra văn bản của Hội đồng Nhân dân Thành phố.
Các hoạt động hướng đến cộng đồng, liên quan đến AI, cũng được Thành phố đẩy mạnh thường xuyên: tháng 9/2023, ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023) được tổ chức với chủ đề “Sức mạnh cho cuộc sống” được tổ chức cùng nhiều nội dung thu hút như: xu hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính; ứng dụng AI và dữ liệu lớn vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; tương lai của AI tạo sinh trong doanh nghiệp và việc sử dụng AI có trách nhiệm,… đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng; trong các ngày 5-6/12/2023, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước đã tham dự, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về AI nhân sự kiện Ngày Trí tuệ nhân tạo 2023 (AI Day) với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo – tái thiết thực tại” diễn ra tại Thành phố. Trong khuôn khổ sự kiện này, nhiều nội dung có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực như: “Tương lai của mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs)”; “Định hình lại tầm nhìn về tương lai trí tuệ nhân tạo”; “Tác động toàn cầu của trí tuệ nhân tạo tạo sinh GenAI” và “Tiềm năng của GenAI trong nền kinh tế Đông Nam Á” đã được chia sẻ. AI Day, được tổ chức hàng năm, đã trở thành hội nghị khoa học thường niên quy mô hàng đầu trong lĩnh vực AI tại Việt Nam.
************
Những năm gần đây, nghiên cứu ứng dụng AI vào đời sống ngày càng phổ biến, đây cũng là xu hướng trong tương lai. Tại TP.HCM, AI đã và đang được đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, quản lý nhà nước,… Các nhà nghiên cứu tại TP.HCM cũng đang tích cực đào sâu nghiên cứu để ứng dụng AI vào các lĩnh vực khác như nông nghiệp, bất động sản,… Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực ngành AI ở Việt Nam nói chung, và tại TP.HCM nói riêng, vẫn còn hạn chế. Để ngành AI có thể phát triển mạnh mẽ vượt bậc trong trong thời gian tới, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành AI cần phải được đẩy mạnh. Phát triển nguồn nhân lực chính là nền tảng để đẩy mạnh phát triển, ứng dụng AI tại TP.HCM, đưa Thành phố trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Dữ liệu mở và Trí tuệ nhân tạo là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/du-lieu-mo-va-tri-tue-nhan-tao-la-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-119230608203744898.htm
[2] Huyền Trân. TPHCM muốn trở thành trung tâm hàng đầu cả nước về trí tuệ nhân tạo. https://laodong.vn/cong-nghe/tphcm-muon-tro-thanh-trung-tam-hang-dau-ca-nuoc-ve-tri-tue-nhan-tao-1285770.ldo
[3] Hồng Vinh. TP.HCM triển khai nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI giai đoạn 2020-2030. https://vneconomy.vn/tp-hcm-trien-khai-nghien-cuu-va-phat-trien-ung-dung-ai-giai-doan-2020-2030.htm
[4] Như Quỳnh. Việt Nam xếp thứ 5 Đông Nam Á về Chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu 2023. https://vnexpress.net/viet-nam-xep-thu-5-dong-nam-a-ve-chi-so-san-sang-ai-toan-cau-2023-4701324.html
[5] Tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới mong muốn lập 'cứ điểm' tại Việt Nam để phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tap-doan-san-xuat-chip-dat-gia-nhat-the-gioi-mong-muon-lap-cu-diem-tai-viet-nam-de-phat-trien-he-sinh-thai-ban-dan-va-tri-tue-nhan-tao-119231211084638807.htm
[6] Government AI Readiness Index 2023.