Tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, hỗ trợ nhau khi khó khăn, thiên tai, dịch bệnh,... là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trước đây, khi muốn làm từ thiện, người ta thường quen với việc ủng hộ vật chất cụ thể như quyên góp tiền, tặng quà,… thì nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, việc tham gia các hoạt động thể thao, giải trí, mua sắm thường nhật,… cũng có thể trở thành việc làm thiện nguyện.
Đa dạng hình thức thiện nguyện: từ thể thao đến giải trí, mua sắm
Trong từ điển, thể thao và thiện nguyện là hai khái niệm không liên quan gì với nhau. Tuy nhiên, trong đời thực hiện nay, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình triển khai, tuyên truyền, lan tỏa các chương trình thiện nguyện đến với cộng đồng, từng bước chân, bước chạy của người dùng khi tiến hành các hoạt động rèn luyện sức khỏe hàng ngày đã được các ứng dụng trên thiết bị di động hoặc đồng hồ thông minh ghi nhận và “chuyển hóa” thành tiền góp cho các hoạt động thiện nguyện. Đây là một mô hình được khá nhiều doanh nghiệp trong nước khởi xướng hiện nay.
UpRace, do VNG [1] khởi xướng và bảo trợ kỹ thuật từ năm 2017, là giải pháp kết hợp ba yếu tố: nền tảng công nghệ, phong trào chạy bộ và hoạt động thiện nguyện. Ứng dụng UpRace tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, có thể ghi trực tiếp các hoạt động tập luyện như chạy bộ và đạp xe một cách chính xác thông qua điện thoại di động hoặc đồng hồ thông minh. Kể từ năm 2018, UpRace còn là tên của dự án chạy bộ thiện nguyện do VNG phát động, với mỗi km mà người tham gia chạy được ghi nhận trên ứng dụng UpRace, VNG và các doanh nghiệp tài trợ khác cam kết quyên góp ít nhất 1.000 đồng cho các tổ chức xã hội. Trong giai đoạn 2018-2022, UpRace đã kêu gọi được gần 351.000 người tham gia, hoàn thành 16,5 triệu km đường chạy, đóng góp gần 25 tỉ đồng cho 7 tổ chức xã hội.
UpRace 2023 có sự tham gia của hơn 620.000 người và ghi nhận gần 7 triệu km chạy, tương đương gần 7 tỷ đồng được quyên góp tặng 3 tổ chức xã hội (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)
MoMo [2] là một ví dụ khác. Tính năng “Trái tim MoMo” của ví điện tử này cho phép người dùng có thể quyên góp “heo vàng” (mỗi “heo vàng” tương ứng khoảng 140 đồng, tính từ tháng 6/2022) hoặc tiền mặt đến những trẻ em, người già có hoàn cảnh khó khăn; triển khai các hỗ trợ về y tế, giáo dục; cứu trợ động vật, bảo vệ môi trường thông qua các cơ quan, tổ chức uy tín như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Tuổi trẻ, Quỹ Học bổng thắp sáng niềm tin,… Để khuyến khích người dùng rèn luyện sức khỏe, tính năng “Đi bộ MoMo” được phát triển theo hướng, với 4.000 bước chân/ngày, người dùng sẽ nhận được thức ăn nuôi heo và “heo vàng” tương ứng. “Heo vàng” này có thể dùng để quyên góp cho các dự án thiện nguyện. Trong năm 2020, sự ủng hộ của cộng đồng sử dụng MoMo đã quyên góp được hơn 1 tỷ “heo vàng”, gây quỹ thành công cho 649 dự án thiện nguyện.
Xây dựng phòng học mới điểm trường bản Bó, tỉnh Sơn La, với số tiền quyên góp 230 triệu đồng quy đổi từ heo vàng (Nguồn: https://momo.vn/heo-dat-momo)
Thông qua tiếp thị liên kết và ứng dụng công nghệ số, những đơn hàng mua sắm online cũng có thể chuyển đổi thành các khoản tiền đóng góp cho các tổ chức xã hội mà không cần chờ các đợt vận động quyên góp. WeShare [3] là một điển hình. Đây là một ứng dụng đa nền tảng, cho phép người dùng thực hiện việc quyên góp qua các đơn mua hàng online mà không tốn thêm bất kỳ khoản phí nào, chỉ với thao tác mở các ứng dụng như Shopee, Tiki, Lazada,… từ WeShare và tiến hành mua sắm như thông thường. Bằng cách này, với mỗi đơn hàng thành công, các đối tác (Shopee, Tiki, Lazada,… ) sẽ trả hoa hồng cho WeShare. Số tiền này sẽ được WeShare gửi lại cho các tổ chức xã hội, theo lựa chọn của người dùng. Với sứ mệnh tạo ra nguồn quỹ bền vững cho các mục tiêu xã hội từ chính tiêu dùng hàng ngày, từ năm 2020, dự án WeShare đã nhận được nhiều hỗ trợ về nguồn lực, vườn ươm, chương trình tăng tốc khởi nghiệp (KOICA, Amazon Cloud Services, Sihub Expara Accelerator của SIHUB - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Expara). Tính đến tháng 5/2023, WeShare đã đạt được 20.000 người dùng, quyên góp (bao gồm thông qua các đơn hàng và CSR) được hơn 20.000 USD, qua 60.000 đơn hàng.
Quyên góp thông qua mua hàng trên Lazada (Nguồn: Trang Thông tin Đổi mới sáng tạo)
Cũng với công nghệ số, việc thực hiện thiện nguyện còn có thể thực hiện một cách gián tiếp thông qua việc người dùng xem một video nào đó trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến (Youtube, Spotify,…). Doanh thu từ lượt nghe, lượt xem và quảng cáo của video sẽ được nền tảng quy đổi thành tiền. Cá nhân sở hữu video cam kết ủng hộ doanh thu đó cho các tổ chức thiện nguyện. Hoạt động này mang tính cá nhân, vận dụng sức ảnh hưởng cộng đồng để lan tỏa các giá trị nhân văn đến xã hội. Với dự án “Đánh cắp mặt trời” - một chiến dịch thiện nguyện của tổ chức Từ thiện Thật, thông qua bài hát “Đánh cắp mặt trời” người xem đã đóng góp 70 triệu doanh thu tháng đầu tiên của dự án.
Bản Khuôn Kặt, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã có điện (Nguồn: MV Đánh cắp mặt trời)
Để việc thiện nguyện trở nên thuận tiện, dễ dàng và minh bạch một giải pháp công nghệ tích hợp bao gồm ứng dụng Thiện Nguyện và tài khoản thiện nguyện minh bạch 4 số (thuộc Đề án Hệ tri thức Việt số hoá, cấu phần Nền tảng nhân đạo số quốc gia do Ngân hàng Quân đội (MBBank) xây dựng và vận hành theo Quyết định số 3068/QĐ-BKHCN, ngày 23/10/2019, của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc giao nhiệm vụ triển khai nền tảng nhân đạo số) đã được hoàn thiện và hoạt động từ năm 2021. Nhờ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, người dùng có thể ủng hộ trực tuyến một cách thuận tiện và minh bạch; giám sát sao kê tài khoản thiện nguyện; dễ dàng tương tác, theo dõi, hỗ trợ và đồng hành cùng các chiến dịch thiện nguyện quan tâm. Được hơn 900 tổ chức và cá nhân thiện nguyện sử dụng, đến nay ứng dụng đã ghi nhận hơn 581.000 lượt ủng hộ, với tổng số tiền 564,3 tỷ đồng hỗ trợ 4.073 chiến dịch thiện nguyện.
Ứng dụng kêu gọi từ thiện do ngân hàng MB phát triển (Nguồn: https://thiennguyen.app/)
Công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã và đang xóa bỏ nhiều rào cản về không gian và thời gian, đưa các đối tượng tưởng như cực kỳ khác biệt có những gắn kết với nhau theo các phương thức hoàn toàn mới lạ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, không chỉ công tác thiện nguyện được hỗ trợ theo nhiều cách thức khác nhau, mà sẽ còn nhiều mô hình phong phú, đa dạng hướng đến cộng đồng khác sẽ nảy sinh, góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết, sẻ chia, kết nối ngày càng lan rộng và hiệu quả trong đời sống xã hội.
Kim Nhung
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
– Trang Thông tin Đổi mới sáng tạo. WeShare - Nền tảng gây quỹ bền vững từ các đơn hàng online. http://istar.doimoisangtao.vn/ma-so-n1023-weshare-nen-tang-gay-quy-ben-vung-tu-cac-don-hang-online
– Báo Quân đội Nhân dân. Sự kiện chạy bộ UpRace 2023 gây quỹ gần 7 tỷ đồng tặng 3 tổ chức xã hội. https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/su-kien-chay-bo-uprace-2023-gay-quy-gan-7-ty-dong-tang-3-to-chuc-xa-hoi-749740
– Heo đất MoMo. https://momo.vn/heo-dat-momo
– UpRace. https://uprace.org/
– Thiennguyen. https://thiennguyen.app/