Theo khái niệm của Tổ chức Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union - ITU) trong ấn bản ITU Smart Sustainable Cities (tháng 3/2021): “Đô thị thông minh bền vững là thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động, dịch vụ đô thị, khả năng cạnh tranh, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của hiện tại và thế hệ tương lai về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường cũng như văn hóa”.
Đô thị thông minh (ĐTTM) là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên. Xây dựng ĐTTM bền vững đã và đang là xu hướng phổ biến trên thế giới. Việc phát triển ĐTTM bền vững cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng; các hoạt động kết nối của ĐTTM là linh hoạt, đa chiều, đa cấp, đòi hỏi cơ chế liên kết phối hợp, từ quản trị, đầu tư đến vận hành và thụ hưởng. Trong đó, vai trò của AI là rất quan trọng trong phân tích và xử lý dữ liệu, tạo ra các hệ thống quản lý ĐTTM; cung cấp dịch vụ công cộng tốt hơn cho cư dân đô thị (từ tư vấn sức khỏe, giáo dục đến cung cấp thông tin và giải pháp thông minh, cá nhân hóa,…).
Ở Việt Nam, việc xây dựng ĐTTM bền vững được xác định là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình Chuyển đổi số quốc gia. Tại TP.HCM, ngày 23/11/2017, Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được UBND Thành phố phê duyệt. Đến nay, kết quả triển khai 4 trụ cột trung tâm của Đề án đã đạt được nhiều thành quả: (1) Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở: Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố được xây dựng, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước của Thành phố. Một phần Kho dữ liệu dùng chung được chia sẻ qua Cổng dữ liệu mở của Thành phố để người dân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác sử dụng, tạo giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho Thành phố; (2) Trung tâm điều hành đô thị thông minh: Cổng 1022 tiếp nhận và phản ánh thông tin về các sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự đô thị và môi trường, đường dây nóng,… Hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115: cho phép thông tin hợp nhất, dễ tiếp cận về báo cháy, cứu hộ cứu nạn và dịch vụ y tế; (3) Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội: xây dựng và vận hành các bộ dashboard phục vụ quan sát tình hình kinh tế - xã hội, duy trì và phát triển mới các mô hình nghiên cứu, phân tích, dự báo và mô phỏng xu hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố và (4) Trung tâm an toàn thông tin: hoàn thành đề án thành lập Công ty Cổ phần An toàn thông tin TP.HCM, nơi triển khai thực hiện Trung tâm an toàn thông tin; bước đầu tăng cường các công tác giám sát an toàn thông tin cho Thành phố,…
Việc triển khai, ứng dụng AI tại Thành phố thời gian qua không theo hướng “cao siêu”, mà khá hiệu quả, “sát sườn” với các nhu cầu thực tiễn: đã có nhiều cơ quan hành chính ứng dụng AI khá tốt, điển hình như Quận 2 (nay thuộc Thành phố Thủ Đức) với dịch vụ "Định danh khách hàng điện tử" để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quận Bình Tân, Quận 12 ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng; Công an Thành phố ứng dụng AI trong hệ thống camera; Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng AI trong hệ thống Tổng đài 1022 đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19. Hiện nay, Thành phố Thủ Đức đã sử dụng Chatbot GPT trong tương tác với người dân, triển khai hệ thống camera an ninh AI (nhận dạng biển số, nhận dạng đám đông, thống kê lưu lượng giao thông, truy vết trên bản đồ số…), phát triển phần mềm dự báo ngập nước đô thị, ứng dụng một số tập dữ liệu lớn phục vụ dự báo xử lý nước thải đầu ra. Thành phố Thủ Đức cũng đang đặt hàng 4 nhóm vấn đề cần sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, như kiểm soát chất lượng nước mặt (chủ động cảnh báo những khu vực phát sinh bất thường trong các chỉ số, cảnh báo phát sinh những nguồn thải mới để có quyết định xử lý kịp thời), chất lượng không khí (đánh giá chất lượng môi trường không khí, cảnh báo khu vực phát sinh ô nhiễm), bồi thường giải tỏa và kêu gọi đầu tư (công cụ đánh giá sát thực giá trị đất đai) và nhu cầu sử dụng data center cần thiết cho quá trình phát triển.
Tuy đã có khá nhiều tín hiệu tích cực trong đóng góp của AI vào các hoạt động thực tiễn tại TP.HCM, nhưng việc ứng dụng AI trong khu vực hành chính công trên địa bàn vẫn chưa thật sự có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ và chưa nhiều. Đây cũng là những nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy Thành phố đặt hàng với các viện trường, các doanh nghiệp về những ứng dụng AI hỗ trợ công tác lập kế hoạch và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; ứng dụng AI trong sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên quan đến hoạt động thanh tra; ứng dụng AI trong xác định giá trị đất; ứng dụng AI trong quản lý chất thải rắn; ứng dụng AI trong hệ thống giám sát đường sắt đô thị; ứng dụng AI trong dự đoán nhu cầu di chuyển của hành khách đi Metro; ứng dụng AI trong điều hành giao thông; ứng dụng AI trong dự báo lan truyền dịch bệnh dựa theo dữ liệu GIS và các yếu tố dịch tễ; ứng dụng AI trong hỗ trợ lãnh đạo xử lý văn bản hành chính và ứng dụng AI cho tổng đài 1022.
Để xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM bền vững, con đường phía trước còn dài, với rất nhiều thách thức: dữ liệu, các mô hình và công nghệ AI, giám sát ứng dụng AI theo tiêu chuẩn của pháp luật,... Do vậy, rất cần sự chung tay góp sức nhiều hơn nữa từ các viện trường, các doanh nghiệp trong các hoạt động triển khai nghiên cứu, giảng dạy và đầu tư, tạo ra các mô hình mới sát với nhu cầu, cùng các công nghệ thích hợp để hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo đô thị giải quyết tốt các bài toán thực tiễn đặt ra.
BBT