Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Chất thải nhựa rất khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Với một số loại, có thể mất đến hàng trăm năm. Khi không được xử lý đúng cách, chất thải nhựa sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải nhựa đã được triển khai. Trong đó, việc nghiên cứu chế tạo và sử dụng các sản phẩm thay thế như nhựa phân hủy sinh học cùng các công nghệ mới giúp giảm giá thành nhựa phân hủy sinh học đang rất được quan tâm.

 

Theo “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022” của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh trên toàn quốc có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 2,93 triệu tấn, khối lượng nhựa tiêu thụ nhựa bình quân đầu người là 29,7 kg/người, cao gấp hơn 7 lần so với lượng tiêu thụ năm 1990 (3,8 kg/người). Trong đó, túi nylon chiếm tỷ trọng từ 45-63%, các loại nhựa dùng một lần từ 12-26% trong các loại chất thải nhựa.

Tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh trên toàn quốc (Nguồn: WWF Việt Nam)

Nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, nhiều chính sách đã được Nhà nước ban hành, gần đây, Nghị định 08/2022/NĐ-CP về “Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa” cũng đã xác định việc dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam) kể từ ngày 1/1/2031. Cho đến nay, người dân Việt Nam đa phần đã nhận thức được các tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Kết quả nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại” do ThS. Nguyễn Hoàng Kiêm và cộng sự (Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) thực hiện trong giai đoạn 2020-2022 cho thấy, 67% người tiêu dùng được khảo sát sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thân thiện môi trường thay thế cho túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Theo TS. Đường Khánh Linh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), nhựa phân hủy sinh học (NPHSH) là loại nhựa có thể được các vi sinh vật phân hủy (thường là vi khuẩn tạo thành nước, carbon dioxide và sinh khối) trong một khoảng thời gian xác định. Các sản phẩm sau phân hủy có thể tiếp tục tham gia vào chu trình carbon và không để lại bất kỳ hợp chất nào có thể gây hại cho môi trường.

Đồng hành cùng các chủ trương chính sách của Nhà nước, sự hưởng ứng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường đầu tư sản xuất, sử dụng các sản phẩm NPHSH để thay thế cho các sản phẩm nhựa một lần. Có thể kể đến mô hình triển khai sử dụng túi nylon tự hủy thay thế túi nylon thông thường tại các hệ thống siêu thị (Coop Mart từ năm 2011, BigC từ năm 2013,…), hay quá trình tổ chức sản xuất túi vi sinh có nguồn gốc từ tinh bột bắp, có thể phân hủy 100% thành nước, CO2 và mùn nuôi cây, hoàn toàn không tồn tại hạt vi nhựa, từ năm 2015, của Công ty An Phát Bioplastics. Hiện nay, các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, bao gồm các loại túi sinh học, dao nĩa thìa ống hút, cốc giấy, ly giấy, găng tay đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung ứng ra thị trường.

Một số sản phẩm NPHSH AnEco trên thị trường (Nguồn: AnEco)

Để phát triển các dòng sản phẩm NPHSH có giá thành thấp, chất lượng tốt, năm 2019 đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp Bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản” đã được Viện Công nghệ Sinh học thực hiện. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã tạo được 3 chủng vi sinh vật tái tổ hợp từ chủng gốc B. megaterium DV01 có khả năng sản xuất nhựa PHA (Polyhydroxyalkanoates) cao từ phụ phẩm cá. Nghiên cứu này tận dụng được nguồn nitơ, carbon giá rẻ từ các loại nguyên liệu phế thải từ công nghiệp chế biến thủy sản nên có thể giảm được giá thành của PHA tạo ra. Cùng năm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã cấp 1,245 tỷ cho TS. Hồ Kỳ Quang Minh và cộng sự (Viện Công nghệ Môi trường – Năng lượng, Trường Đại học Sài Gòn) để thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu khả năng tổng hợp nhựa PHB của vi khuẩn từ nguồn nước thải giàu carbon”. Kết quả, các nhà nghiên cứu thu được 2 chủng vi khuẩn có khả năng tổng hợp nhựa PHB (polyhydroxybutyrate) tại thời điểm 48 giờ nuôi cấy, gồm: bacillus pumilus NMG5 đạt 42,28% trọng lượng khô và bacillus megaterium BP5 đạt 41,19% trọng lượng khô. Hai chủng này được tổng hợp thành các tấm phim PHB, trong môi trường đất ẩm có dịch nuôi cấy vi sinh vật, các mẫu này phân hủy hoàn toàn trong 30-50 ngày. Để giảm chi phí đầu tư sản xuất, nhóm nghiên cứu kết hợp quá trình tổng hợp nhựa PHB vào thẳng hệ thống xử lý nước thải nhà máy giấy. Việc giá thành của NPHSH giảm sẽ khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm, góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm chất thải nhựa.

Thử nghiệm khả năng phân hủy của các tấm phim PHB (Nguồn: Kết quả đề tài)

Năm 2022, Công ty Buyo Bioplastics đã sử dụng rác thải hữu cơ làm nguyên liệu đầu vào, tạo ra nhựa NPHSH có thể phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên (sau khoảng một năm chôn trong đất). Loại NPHSH này sử dụng nguyên liệu đầu vào là rác thải hữu cơ, không cần phân loại và không lẫn tạp chất. Phương pháp sản xuất màng vật liệu phân hủy sinh học này đã được cấp bằng sáng chế (số VN 97070, ngày 25/8/2023). Khi sản xuất với quy mô công nghiệp, sẽ giảm thiểu được chi phí vận hành sản xuất NPHSH. Buyo Bioplastics cũng là doanh nghiệp đã giành được giải quán quân Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest Việt Nam) vào tháng 11/2023 vừa qua, với dòng sản phẩm NPHSH.

Một số sản phẩm NPHSH của công ty Buyo Bioplastics (Nguồn: Techport.vn)

************

Khai thác, sử dụng NPHSH là giải pháp hiệu quả để giảm ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường sống cho con người. Để thúc đẩy quá trình này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào các nghiên cứu, sản xuất sản phẩm NPHSH có hiệu suất cao, chất lượng tốt và chi phí hợp lý. Đồng thời, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng NPHSH đối với môi trường trong cộng đồng, cũng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, các đơn vị bán lẻ, hạn chế và tiến tới bỏ việc cho/tặng miễn phí các túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần để tiếp tục thay đổi thói quen của người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả và bền vững.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Luật số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 Luật Bảo vệ Môi trường
[2] Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường
[3] TS Đường Khánh Linh. Nhựa phân hủy sinh học và tiềm năng phát triển ở Việt Nam. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3679/nhua-phan-huy-sinh-hoc-va-tiem-nang-phat-trien-o-viet-nam.aspx
[4] WWF Việt Nam. Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022. https://wwfasia.awsassets.panda.org/downloads/wwf_a4_bao-cao-chat-thai-nhua_file-xem.pdf
[5] Nguyễn Hoàng Khiêm. Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp giảm thiểu, loại bỏ việc sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. https://vjol.info.vn/index.php/vea/article/download/81556/69459/
[6] AnEco. https://aneco.com.vn/vi/
[7] Techport. https://techport.vn/startup-products/ChiTiet.aspx?Id=53
[8] Trang chủ thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập