Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Theo Tổ chức Đột quỵ thế giới, cứ 4 người trưởng thành trên 25 tuổi sẽ có 1 người bị đột quỵ trong đời. Mỗi năm, trên thế giới có hơn 12 triệu người bị đột quỵ và 6 triệu người chết vì căn bệnh này. Số ca đột quỵ ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa, thúc đẩy các nhà khoa học tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng cho người đột quỵ. Trong đó, có việc sử dụng công nghệ robot vào công tác trị liệu.

 

Đột quỵ và các hệ quả

Đột quỵ là tình trạng các tế bào não chết đột ngột do thiếu oxy, do tắc nghẽn lưu lượng máu hoặc vỡ động mạch máu não. Đột quỵ có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp may mắn sống sót, cũng để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, y học chia đột quỵ thành 3 nhóm chính: đột quỵ thiếu máu não cục bộ (hay đột quỵ nhồi máu não), đột quỵ xuất huyết não và cơn thiếu máu não thoáng qua (đột quỵ nhỏ).

Một số biến chứng thường gặp sau đột quỵ:

- Bị liệt một phần hoặc cả tứ chi

- Khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân

- Mất ngôn ngữ, nói ngọng, gặp khó khăn trong giao tiếp

- Gặp các vấn đề thị giác

- Các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc,…

- Trường hợp nặng sẽ dẫn đến tử vong hoặc sống thực vật.

Khi bị đột quỵ, tùy theo thời gian bệnh nhân được phát hiện và đưa vào bệnh viện điều trị mà mức độ tổn thương hệ thần kinh sẽ khác nhau: cấp cứu càng chậm thì hệ thần kinh càng bị tổn hại nặng nề, gây hậu quả nghiêm trọng, thời gian phục hồi lâu, thậm chí không thể phục hồi. Thường phải mất ít nhất 30 ngày để người bị đột quỵ có thể phục hồi.

 

Điều trị cho người đột quỵ

Hai phương pháp điều trị đột quỵ hiện nay thường được sử dụng là dùng thuốc và phẫu thuật can thiệp.

Điều trị thiếu máu não cục bộ hoặc các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua: các trường hợp nhẹ, bác sĩ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (tPA) để phá vỡ các cục máu đông. Nếu không thể dùng tPA, sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc làm loãng máu.

Phương pháp can thiệp nội mạch được sử dụng cho những trường hợp đột quỵ thiếu máu não cấp và đáp ứng đủ yêu cầu về tính an toàn. Bác sĩ có thể tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào động mạch bị tắc hoặc can thiệp mạch lấy cục máu đông bằng dụng cụ cơ học, giúp tái thông động mạch và hạn chế tình trạng tái phát huyết khối. Các thủ thuật thường được sử dụng là: lấy huyết khối trực tiếp; tiêu sợi huyết tại chỗ; đặt stent động mạch não.

Điều trị đột quỵ xuất huyết:

Sử dụng thuốc huyết áp để giảm áp lực và sự căng thẳng lên các mạch máu trong não. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi cấp cứu cho người đột quỵ thể xuất huyết nặng. Việc can thiệp có thể làm chậm quá trình cầm máu và gây nhiều tác hại không mong muốn. Các thủ thuật điều trị được dùng: cắt chứng phình động mạch; truyền máu thay thế lượng máu bị mất; thuyên tắc cuộn dây ngăn chặn lưu lượng máu đến hoặc bịt kín chứng phình động mạch; hút chất lỏng dư thừa tích tụ trong não sau đột quỵ và đẩy não vào hộp sọ; phẫu thuật loại bỏ tạm thời một phần hộp sọ, nếu bị sưng tấy nhiều; phẫu thuật hoặc xạ trị để loại bỏ hoặc thu nhỏ dị tật động tĩnh mạch; phẫu thuật để loại bỏ tụ huyết.

 

Phục hồi chức năng cho người đột quỵ

Theo bác sĩ Bùi Thị Hồng Thúy (Khoa Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), sau đột quỵ, khoảng 40% bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ (phát âm méo tiếng, nói ngọng, âm điệu bị biến đổi, nói lắp, ú ớ,…) khiến người bệnh gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí không nói được. Hậu quả là người bệnh khó giao tiếp, dễ ức chế về tâm lý, tăng rào cản cho công tác hướng nghiệp và hội nhập xã hội. Chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất) cho thấy, suy giảm nhận thức thường gặp sau đột quỵ với tỷ lệ 20% tại thời điểm 6 tháng sau đột quỵ. Ngoài ra, di chứng sau đột quỵ liệt, vận động bị hạn chế là rất phổ biến.

Hiện nay, việc điều trị phục hồi cho người đột quỵ được chia thành các nhóm phục hồi chức năng về thể chất và phục hồi chức năng nhận thức và cảm xúc, với các giải pháp điều trị mô tả tại Bảng 1.

Bảng 1. Các giải pháp điều trị phục hồi chức năng cho người đột quỵ

Phục hồi chức năng về thể chất Phục hồi chức năng nhận thức và cảm xúc
Bài tập kỹ năng vận động: giúp cải thiện sức mạnh và sự phối hợp của cơ bắp. Liệu pháp điều trị rối loạn nhận thức: liệu pháp nghề nghiệp và liệu pháp ngôn ngữ có thể giúp phục hồi người bị mất các khả năng nhận thức, chẳng hạn như trí nhớ, xử lý, giải quyết vấn đề, kỹ năng xã hội, khả năng phán đoán và nhận thức về an toàn.
Bài tập vận động: hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ di chuyển, chẳng hạn như khung tập đi, gậy chống, xe lăn hoặc nẹp mắt cá chân. Nẹp mắt cá chân có thể giúp ổn định và tăng cường sức mạnh cho mắt cá chân nhằm nâng đỡ trọng lượng cơ thể trong khi người bệnh tập đi lại. Liệu pháp điều trị rối loạn giao tiếp: có thể giúp người bệnh lấy lại các khả năng đã mất trong việc nói, nghe, viết và hiểu.
Phương pháp điều trị vận động cưỡng bức CIMT: khi người bệnh tập cử động chi bị ảnh hưởng thì chi không bị ảnh hưởng sẽ được hạn chế để giúp cải thiện chi bị ảnh hưởng. Đánh giá và điều trị tâm lý: người bệnh cũng có thể được tư vấn hoặc tham gia vào một nhóm hỗ trợ tư vấn điều trị những rối loạn tâm lý.
Phương pháp phục hồi tầm vận động ROM: một số bài tập và phương pháp điều trị được sử dụng để làm dịu tình trạng căng cơ và giúp người bệnh lấy lại phạm vi vận động. Thuốc: có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc tác động đến sự tỉnh táo, kích động hoặc cử động cho người bệnh.
Các hoạt động thể chất được hỗ trợ bởi công nghệ: Các liệu pháp thử nghiệm bao gồm:
Kích thích điện: dùng điện kích thích các cơ bị suy yếu để phục hồi chức năng. Kích thích não bộ không xâm lấn: sử dụng các kỹ thuật như kích thích từ xuyên sọ để cải thiện các kỹ năng vận động cho người bị đột quỵ.
Công nghệ robot: sử dụng robot để hỗ trợ các chi bị suy giảm thực hiện những chuyển động lặp đi lặp lại, từ đó giúp các chi lấy lại sức mạnh và chức năng. Các liệu pháp sinh học: kích thích hồi phục thần kinh sau đột quỵ bằng các liệu pháp tế bào (hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm tại Mỹ).
Công nghệ không dây: theo dõi hoạt động để giúp người bệnh tăng cường hoạt động sau đột quỵ. Phương pháp điều trị thay thế: như xoa bóp, liệu pháp thảo dược, châm cứu và liệu pháp oxy (đang được các nhà nghiên cứu đánh giá hiệu quả).
Thực tế ảo: là phương pháp sử dụng trò chơi điện tử và các liệu pháp dựa trên máy tính khác để tạo ra tương tác với môi trường thời gian thực và mô phỏng.  

Với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN ngày nay, nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu, ứng dụng vào công tác điều trị đột quỵ, ví dụ như sử dụng máy chụp cắt lớp MRI cầm tay để chẩn đoán; việc kích thích não để khôi phục chức năng, cùng với sự phát triển của loại thuốc mới,... Công nghệ y tế số hóa cũng được triển khai để điều trị đột quỵ từ xa (telestroke); Internet of Things (IoT) và thực tế ảo tăng cường (AR) được sử dụng để hỗ trợ rèn luyện các chức năng của chi sau đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Mỹ coi việc sử dụng AI để quản lý, chăm sóc bệnh nhân là tiêu chuẩn trong chăm sóc đột quỵ hiện nay.

Tại Việt Nam, phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, giúp mở rộng cửa sổ cứu não lên đến 24 giờ, thay vì 6 giờ như phương pháp thông thường. Ứng dụng công nghệ IoT giúp cảnh báo nguy cơ đột quỵ cũng được TS. Thiều Hữu Cường và các cộng sự nghiên cứu với sản phẩm cụ thể là “Thiết bị IoT cảnh báo nguy cơ đột quỵ” đoạt giải Ba cuộc thi Tuổi trẻ Sáng tạo của Binh chủng Thông tin liên lạc. Ứng dụng này vừa có chức năng đo nhịp tim, vừa có công dụng cảnh báo nguy cơ đột quỵ đến người thân bệnh nhân, qua hệ thống tin nhắn và ứng dụng trên điện thoại.

Ứng dụng robot vào vật lý trị liệu để phục hồi chức năng cho người đột quỵ cũng được tác giả Nguyễn Hoàng Dũng (Đại học Cần Thơ) nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn năm 2021, với nhiệm vụ: “Nghiên điều khiển cánh tay robot SCARA hai bậc tự do dựa trên giải thuật PID mờ”, tạo ra robot hỗ trợ tập các động tác vật lý trị liệu ở tay người. Vừa qua, nhóm nghiên cứu ở Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP Labs) cũng đã chế tạo thành công khung xương robot hỗ trợ phục hồi chức năng cho người đột quỵ (Hình 1). Khung xương hỗ trợ các yêu cầu đứng, ngồi và giữ thăng bằng cho người bệnh trong quá trình di chuyển. Với khung xương robot, bệnh nhân đột quỵ có thể tập luyện, đi lại, thúc đẩy các khối cơ chân hoạt động, tăng nhanh khả năng hồi phục. Khung được làm từ vật liệu nhôm, dễ dàng tăng giảm độ cao cho phù hợp với chiều cao chân người ở các lứa tuổi, thể chất khác nhau. Tại các khớp của khung xương, các nhà nghiên cứu bố trí động cơ hỗ trợ tăng, giảm tốc độ phù hợp với từng cường độ tập luyện khác nhau.

Thiết kế khung xương ngoài phục hồi chức năng (Nguồn VnExpress.net)

Khung xương robot có cơ chế hoạt động gần giống chân người, đáp ứng tốt cho các yêu cầu tập vật lý trị liệu cho người bị đột quỵ, chấn thương chân. Đây là một sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bị đột quỵ, nên cần có những biện pháp đẩy nhanh đưa vào ứng dụng trong thực tế.

************

Cùng với sự tiến bộ của KH&CN, nhiều phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến đã được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn điều trị trên thế giới như công nghệ IoT để cảnh báo đột quỵ, công nghệ AI để chẩn đoán và điều trị bệnh, công nghệ AR,… Sau khi đã gặt hái thành công ở nước ngoài, một số công nghệ mới đã được đưa vào khai thác, sử dụng trong các bệnh viện Việt Nam. Các nhà khoa học trong nước cũng đã công bố nhiều nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong vật lý trị liệu để điều trị phục hồi cho người bị đột quỵ, cho kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, việc ứng dụng các thành quả này vào công tác điều trị cho bệnh nhân trong thực tiễn (khâu thương mại hóa) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân quan trọng, như PGS.TS Lê Hoài Quốc (Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM) đã từng chia sẻ, là các nghiên cứu về khung xương ngoài cho chi dưới tại Việt Nam vẫn còn dừng lại ở các đề tài khoa học, chưa có sản phẩm thương mại để ứng dụng vào thực tế. Để có thể thương mại hóa sản phẩm và sản xuất đại trà, cần phải tiến hành thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân, đánh giá trải nghiệm của họ để có những giải pháp tối ưu hóa thiết kế, giúp sản phẩm thực sự hoàn thiện cả về công nghệ cũng như có giá thành phù hợp, tạo được chỗ đứng cho sản phẩm công nghệ Việt trên thị trường.

Minh Thư

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Hà An. Nhà khoa học Việt làm khung xương robot cho người đột quỵ. https://vnexpress.net/nha-khoa-hoc-viet-lam-khung-xuong-robot-cho-nguoi-dot-quy-4725474.html
[2 Bệnh viện Tâm Anh. https://tamanhhospital.vn/dieu-tri-dot-quy/
[3] Stroke Treatment. https://www.nhlbi.nih.gov/health/stroke/treatment
[4] Bùi Thị Hồng Thúy. Bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ não. https://benhvien108.vn/bai-tap-phuc-hoi-chuc-nang-cho-benh-nhan-bi-roi-loan-ngon-ngu-sau-dot-quy-nao.htm
[5] Nguyễn Thị Phương Nga. Suy giảm nhận thức sau đột quỵ. https://hoithankinhhocvietnam.com.vn/suy-giam-nhan-thuc-sau-dot-quy/
[6] P.A.T (NASATI). Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phòng và chống đột quỵ. https://www.vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-ky-thuat-va-cong-nghe/tri-tue-nhan-tao-ho-tro-phong-va-chong-dot-quy-7929.html
[7] Các phương pháp chăm sóc phục hồi sau đột quỵ. https://tamanhhospital.vn/cham-soc-phuc-hoi-sau-dot-quy/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập