Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Tiến bộ của khoa học và công nghệ trong điều trị ung thư thanh quản những năm gần đây đã giúp nhiều người bệnh sớm hồi phục và kéo dài sự sống.

 

Ung thư thanh quản (UTTQ), một trong các bệnh lý ung thư vòm mũi họng, có nguyên nhân là do các tế bào ác tính hình thành trong mô thanh quản. Theo số liệu của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), năm 2022, trên toàn thế giới có 189.191 ca mắc UTTQ mới và 103.359 ca bệnh tử vong. Tại Việt Nam, số ca mắc UTTQ mới và số ca tử vong năm 2022 tương ứng là 2.186 và 1.233, chủ yếu thường gặp ở nam giới.

UTTQ, nếu được phát hiện sớm và điều trị triệt để, người bệnh có thể mổ cắt bỏ được triệt để và phục hồi phát âm tốt, tiên lượng sống sau 5 năm trên 70%. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường diễn ra âm thầm và khó nhận biết, do vậy thường phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Một số phương pháp điều trị UTTQ gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.

Các giai đoạn của UTTQ (Nguồn: Bệnh viện K)

Các giai đoạn ung thư thanh quản

- Giai đoạn 0: các tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện tại thanh quản và chưa lây sang các bộ phận khác, nếu phát hiện ở giai đoạn này bệnh có thể điều trị thành công.

- Giai đoạn 1: khối u đã hình thành ở vùng của thượng thanh môn, hoặc thanh môn, hạ thanh môn và dây thanh quản thường vẫn đi động bình thường.

- Giai đoạn 2: khối u vẫn chỉ ở thanh quản nhưng đã có sự thay đổi ở các vị trí của khối u, lúc này dây thanh có thể không di động được nữa.

- Giai đoạn 3: khối u lan rộng ngoài thanh quản.

- Giai đoạn 4: các khối u bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan khác, xuất hiện hạch lan rộng và với kích thước to hơn.

Các triệu chứng của UTTQ phụ thuộc chủ yếu vào kích thước của khối u và vị trí của nó ở thanh quản. Các triệu chứng bao gồm: nói khàn hoặc thay đổi giọng nói, khối u ở cổ, đau họng hoặc có cảm giác nghẹn cổ họng, ho kéo dài, khó thở, khó nuốt, sút cân. Khi bệnh tiến đến giai đoạn muộn, bệnh nhân phải cắt thanh quản bán phần hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ.

 

Một số tiến bộ trong điều trị ung thư thanh quản

Theo bác sĩ Trần Phương Nam (Bệnh viện Trung ương Huế), trước đây, các phẫu thuật kinh điển, phẫu thuật hở khi điều trị UTTQ, phẫu thuật viên có xu hướng phẫu tích rộng hơn, khối lượng mô lành bị mất đi nhiều hơn do không xác định chính xác mức độ xâm lấn của ung thư bằng mắt thường, nên ảnh hưởng lớn đến các chức năng của thanh quản sau này và tăng các nguy cơ biến chứng. Dựa vào đặc tính tán xạ và hấp thu các bước sóng ánh sáng khác nhau đối với mỗi loại mô trong cơ thể để tạo ảnh, kỹ thuật nội soi dải ánh sáng hẹp hỗ trợ phân biệt những khối u với những tổn thương không tăng sản ung thư, năm 2020, BS. Trần Phương Nam và cộng sự đã tiến hành “Nghiên cứu ứng dụng nội soi dải ánh sáng hẹp kết hợp nội soi vi phẫu bằng laser CO2 trong chẩn đoán và điều trị ung thư hạ họng, thanh quản giai đoạn sớm” nhằm đánh giá kết quả ứng dụng trên lâm sàng. Kết quả, 19 bệnh nhân UTTQ (giai đoạn 1 và 2) tham gia nghiên cứu có kết quả tốt, tỷ lệ tai biến và biến chứng sau phẫu thuật rất thấp, bảo tồn được tối đa chức năng phát âm, hô hấp và nuốt.

Một nghiên cứu khác của PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy và cộng sự (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM) là “Ứng dụng phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị UTTQ tầng thanh môn giai đoạn sớm” (thực hiện năm 2019) đã xây dựng quy trình phẫu thuật u dây thanh bằng laser CO2 và quy trình chăm sóc hậu phẫu, theo dõi bệnh nhân sau cắt u dây thanh. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, ít biến chứng, hạn chế tối đa sự di căn tế bào ung thư, hỗ trợ bảo tồn tối đa chức năng phát âm, nuốt cũng như khả năng kiểm soát chính xác diện cắt.

Trong một số trường hợp, khi UTTQ phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể phải cắt một phần hoặc toàn bộ thanh quản, ảnh hưởng đến giọng nói. Nhằm phục hồi phát âm cho bệnh nhân, năm 2017, PGS.TS. Trần Minh Trường và cộng sự (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã tiến hành “Nghiên cứu ống giúp phát âm giúp phục hồi chức năng nói cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần”. Kết quả đã tạo ra ống giúp phát âm gắn vào thông nối giữa khí quản - thực quản, hỗ trợ phục hồi chức năng nói cho bệnh nhân. Khi tiến hành phẫu thuật lâm sàng 40 người bệnh đã cắt thanh quản toàn phần, kết quả cho thấy, người bệnh có thể giao tiếp trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.

Năm 2020, ca phẫu thuật hy hữu ghép nối ruột tái tạo đường ăn cho người bệnh UTTQ hạ họng đã được các bác sỹ Bệnh viện K thực hiện. Đây là kỹ thuật tái tạo cao cấp, chuyên sâu về ung thư và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Phẫu thuật đã giải quyết triệt để các tổn thương vùng hạ họng, thực quản, cổ, nạo vét hạch rộng rãi và lấy cơ quan thay thế từ ruột non lên để ghép tự thân, phục hồi tính liên tục của đường tiêu hóa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công là bước ngoặt lớn trong chuyên ngành ngoại khoa của bệnh viện K, cũng là tư liệu tham khảo cho các trường hợp bệnh tương tự.

Các tiến bộ trong điều trị UTTQ không chỉ ở giai đoạn trước và sau phẫu thuật, mà còn ở nỗ lực nghiên cứu thuốc điều trị ung thư trúng đích. Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) tiến hành nghiên cứu công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ kháng thể đơn dòng điều trị ung thư đầu cổ, đến năm 2021, thuốc phóng xạ kháng thể đơn dòng nimotuzumab (hR3) gắn đồng vị phóng xạ 131I/90Y đã được nghiên cứu và điều chế thành công, thuốc giúp ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách khóa các tín hiệu đến tế bào và cơ chế bức xạ ion hóa. Đây là liệu pháp điều trị hiện đại, hiệu quả đối với tế bào ung thư và ít gây tổn hại tới các tế bào lành.

Các tiến bộ trong việc chuẩn đoán và điều trị UTTQ đang hỗ trợ hữu hiệu cho bệnh nhân có thể sớm phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, người dân nên đi tầm soát ung thư (tối thiểu mỗi năm một lần), để giúp sớm phát hiện được bệnh và có các can thiệp điều trị hợp lý, tránh các biến chứng nghiêm trọng về sau.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Bệnh viện K. Các giai đoạn của ung thư thanh quản. https://benhvienk.vn/cac-giai-doan-cua-ung-thu-thanh-quan-nd59058.html
[2] Gobocan 2022. https://gco.iarc.who.int/media/globocan/factsheets/cancers/14-larynx-fact-sheet.pdf
[3] Tạp chí Tai mũi họng Việt Nam. Nghiên cứu ứng dụng nội soi dải ánh sáng hẹp kết hợp nội soi vi phẫu bằng laser CO2 trong chẩn đoán và điều trị ung thư hạ họng, thanh quản giai đoạn sớm . https://tapchitaimuihong.vn/index.php/tmh/article/view/11/9
[4] Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Triển vọng mới trong điều trị đích ung thư đầu cổ. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/5391/trien-vong-moi-trong-dieu-tri-dich-ung-thu-dau-co.aspx
[5] Kỹ thuật tái tạo cao cấp, ghép nối ruột tái tạo đường ăn cho người bệnh ung thư thanh quản hạ họng. https://benhvienk.vn/ky-thuat-tai-tao-cao-cap-ghep-noi-ruot-tai-tao-duong-an-cho-nguoi-benh-ung-thu-thanh-quan-ha-hong-nd91295.html
[6] Thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập