Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Với áp lực gia tăng ngày càng nhiều từ cuộc sống hiện đại, mất ngủ - một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến, đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giấc ngủ chất lượng, các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này đang được thúc đẩy mạnh mẽ, với nhiều tiến bộ đáng ghi nhận.

 

Theo BSCKII. Đoàn Thị Huệ (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn giấc ngủ là tình trạng mà chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng. Có nhiều loại rối loạn giấc ngủ, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất. Nguyên nhân gây mất ngủ có thể xuất phát từ bệnh mạn tính, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn nhịp thức ngủ, và nhiều yếu tố khác. Mất ngủ kéo dài, nếu không được điều trị, sẽ dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống, giảm khả năng tập trung và trí nhớ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và đời sống hàng ngày. Cũng theo bác sĩ Đoàn Thị Huệ, 35% bệnh nhân mắc rối loạn mất ngủ có một loại rối loạn tâm thần, trong đó, một nửa là rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, khoảng 5-6,7% bệnh nhân mắc mất ngủ nặng có triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc để điều trị mất ngủ đã trở nên phổ biến hơn, nhất là các sản phẩm có nguồn gốc hóa dược (chủ yếu là nhóm benzodiazepin và nhóm an thần kinh mới). Mặc dù những loại thuốc này có thể mang lại hiệu quả tốt, nhưng cũng đi kèm với những tác dụng không mong muốn, như nguy cơ phụ thuộc vào thuốc, tăng dung nạp và các tác dụng phụ khác. Do đó, các liệu pháp tự nhiên và dược liệu trong điều trị mất ngủ ngày càng được quan tâm, nhằm tìm ra các giải pháp an toàn và hiệu quả hơn cho bệnh nhân.

Năm 2020, một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã giới thiệu loại dịch chiết cao tổng bằng cồn 90o từ hạt cây lục lạc lá ổi dài (Crotalaria Assamica Benth.), có hoạt tính kháng oxy hóa và kháng vi khuẩn tích cực, có thể dùng để tạo ra các loại dược thảo có lợi cho sức khỏe. Sau hai năm, nhóm đã tối ưu hóa thành công quy trình chiết xuất loại dược liệu này, thử nghiệm độc tính cấp (độ an toàn), độc tính bán trường diễn (tác dụng phụ) và hoạt tính an thần trên mô hình in vitro (dòng tế bào) và in vivo (chuột), phát triển thành dòng sản phẩm Trà định tâm Assamica. Sản phẩm này đã đạt huy chương vàng tại cuộc thi Thiết kế - chế tạo - ứng dụng lần thứ 10 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ tổ chức và giải khuyến khích tại cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 do VnExpress tổ chức.

Trà định tâm Assamica (Nguồn: Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh)

Với đề tài “Nghiên cứu bào chế viên nang và đánh giá tác dụng an thần từ thang thuốc điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam”, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí 2,6 tỷ đồng, TS. Hứa Hoàng Oanh và cộng sự (Đại học Y Dược TP.HCM) đã tiến hành nghiên cứu, bào chế viên nang an thần từ nguồn dược liệu trong nước có nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã kế thừa và hiện đại hóa thang thuốc điều trị mất ngủ truyền thống, áp dụng phương pháp phối ngẫu dược liệu theo kinh nghiệm y học cổ truyền và lý luận y học hiện đại để xây dựng và hoàn thiện quy trình chiết xuất dược liệu và bào chế viên nang an thần; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho cao chiết từ bài thuốc và chế phẩm viên nang cứng, đảm bảo đạt yêu cầu Dược điển Việt Nam 5. Nghiên cứu này vừa được nghiệm thu vào tháng 3/2024, cho sản phẩm viên nang an thần không chỉ đạt hiệu quả trong điều trị mất ngủ, mà còn góp phần định hướng phát triển vùng trồng dược liệu, tạo thêm việc làm, cải thiện kinh tế cho người trồng dược liệu.

Viên nang an thần (Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM)

Việc sử dụng dược liệu để điều trị mất ngủ đã được chứng minh về tính hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình điều trị có kết hợp với phương pháp Đông y như “cấy chỉ” sẽ mang lại kết quả tích cực hơn. Điều này được minh chứng qua nghiên cứu "Đánh giá tác dụng của cấy chỉ kết hợp viên dưỡng tâm an thần trong điều trị mất ngủ không thực tổn" do các tác giả Lê Thị Thu Hằng (Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh) và Bùi Tiến Hưng (Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) thực hiện năm 2023. Nghiên cứu can thiệp lâm sàng được tiến hành trong 30 ngày trên 69 bệnh nhân được chẩn đoán mất ngủ không thực tổn tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh, chia thành 2 nhóm: nhóm đối chứng chỉ sử dụng viên dưỡng tâm an thần và nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp cấy chỉ kết hợp viên dưỡng tâm an thần. Viên dưỡng tâm an thần là loại thuốc có chứa các thành phần như toan táo nhân, bá tử nhân, liên tâm, liên nhục, long nhãn, lá vông nem,… cũng là thuốc được duyệt cấp bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh nhân mất ngủ không thực tổn. Kết quả cho thấy, việc áp dụng phương pháp “cấy chỉ” kết hợp viên dưỡng tâm an thần trong vòng 30 ngày đã đem lại hiệu quả tích cực, tỷ lệ bệnh nhân không mất ngủ đã cải thiện đáng kể đạt 77,1%, so với 64,7% ở nhóm chỉ sử dụng viên dưỡng tâm an thần, phương pháp này cũng cải thiện thời gian đi vào giấc ngủ và thời lượng ngủ so với nhóm đối chứng.

Viên dưỡng tâm an thần (Nguồn: Công ty Cổ phần Dược Danapha)

Những cải tiến trong công tác điều trị mất ngủ bằng dược liệu đang mở ra triển vọng phát triển các loại dược phẩm từ thiên nhiên trong nước. Những nghiên cứu gần đây không chỉ tập trung vào việc tìm hiểu rõ các cơ chế tác động của dược liệu, mà còn tối ưu hóa các phương pháp chiết xuất và bào chế, đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, việc kết hợp đa dạng, sáng tạo các phương pháp y học cổ truyền cũng mang lại hiệu quả tích cực trong các nỗ lực điều trị chứng mất ngủ, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Việc áp dụng những thành tựu mới trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm từ các nguồn dược liệu tự nhiên không chỉ hỗ trợ công tác điều trị hiệu quả hơn, mà còn góp phần bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Trang chủ thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[2] Bệnh viện Bạch Mai. Nguy cơ trầm cảm ở người mất ngủ cao gấp 4 lần so với người không mất ngủ. https://portal.bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/nguy-co-tram-cam-o-nguoi-mat-ngu-cao-gap-4-lan-so-voi-nguoi-khong-mat-ngu-8517-145.html
[3] Tạp chí Y học Việt Nam. Đánh giá tác dụng của cấy chỉ kết hợp viên dưỡng tâm an thần trong điều trị mất ngủ không thực tổn. https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/view/7589
[4] Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc 2020. Nghiên cứu dịch chiết cao tổng hạt cây lục lạc lá ổi dài (Crotalaria Assamica Benth.) bằng trích ly với cồn, phân tích sơ bộ thành phần và khảo sát hoạt tính cơ bản. https://huib.hueuni.edu.vn/wp-content/uploads/2020/12/212-217.pdf
[5] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Tác dụng an thần từ thang thuốc điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, Vông nem, Hậu phác nam và Cam thảo nam. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/tac-dung-than-tu-thang-thuoc-dieu-tri-mat-ngu-co-thanh-phan-tu-duoc-lieu-xau-ho-vong-nem-hau-phac-nam-va-cam-thao-nam/
[6] Công ty Cổ phần Dược Danapha. https://danapha.com/vi/san-pham-chi-tiet/duong-tam-an-than-vien-bao-duong-1.html
[7] Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP.HCM. https://www.facebook.com/photo/?fbid=605171465079257&set=a.431753915754347

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập