Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nghị quyết này đã nêu ra các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 được xác định cần phải đạt như: “Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm; phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe;…”. Đến năm 2020, tuổi thọ trung bình cả nước ước đạt khoảng 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi); việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến, từ xa đã được thực hiện; nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Kế thừa và phát triển tinh thần này, trong công tác xây dựng chiến lược 10 năm 2021-2030, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định, lĩnh vực y tế phải hoàn thành các yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh, liên thông công nhận kết quả khám, xét nghiệm, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân,… Có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là yếu tố hàng đầu của công tác an sinh xã hội, bảo vệ giống nòi và bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên toàn thế giới đang có nhiều tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường của các nước. Đây cũng là yếu tố có tác động mạnh mẽ, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới các mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo các chuyên gia y tế và nhiều nhà quản lý, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân cũng cần phải có những thay đổi phù hợp, ví dụ như: áp dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là phát triển các hình thức khám chữa bệnh trực tuyến; kết nối số giữa các bệnh viện trong khám, chữa bệnh; phát triển nguồn nhân lực và năng lực KH&CN y tế (nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN y tế, dược và y sinh học; có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đối với các bệnh viện, viện nghiên cứu, bác sĩ, nhà khoa học tham gia đào tạo nhân lực y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới); đẩy mạnh phát triển, quản lý ngành dược và thiết bị y tế,…
Ngày 23/1/2024 vừa qua, “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 89/QĐ-TTg) nhằm mục tiêu đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được xác định tại Chiến lược, có thể thấy rõ quyết tâm hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế; chú trọng đầu tư thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh cũng như các ưu tiên phát triển, quản lý công nghiệp dược phẩm, dược liệu và thiết bị y tế trong nước,...
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Tin rằng, những chủ trương, chính sách kịp thời, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước sẽ được các ngành, các cấp nhanh chóng triển khai vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện để đến năm 2045: “Hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, như định hướng của Chiến lược đã đề cập.
BBT