Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Phần 1: Tiến bộ trong công nghệ sản xuất và chế biến hạt điều

 

Việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến hạt điều đã nâng cao năng suất và chất lượng, từ đó gia tăng giá trị của sản phẩm điều, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Cây điều (Anacardium occidentale L.) là cây công nghiệp lâu năm, được trồng nhiều ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt hơn 88 ngàn tỷ, tăng 18% so với năm 2022.

Sản lượng điều giai đoạn 2019-2023 (Nguồn: Tổng cục thống kê)

Theo PGS.TS. Kha Chấn Tuyền và cộng sự (Đại học Nông Lâm TP.HCM), thành phần của trái điều bao gồm quả điều (còn gọi là quả giả) và hạt điều (còn gọi là quả thật). Quả điều chiếm khoảng 90% trọng lượng cả trái, hạt điều chiếm khoảng 10% còn lại. Nhân điều chiếm 20% hạt điều, chứa nhiều loại khoáng chất có lợi cho sức khỏe, thường được chế biến thành các loại thực phẩm khác nhau. Quả điều và vỏ lụa hạt điều là phụ phẩm phát sinh trong quá trình sản xuất nhân hạt điều. Vỏ hạt điều với thành phần chủ yếu là cardol và anacardic, có thể chế biến làm chất đốt, thức ăn gia súc,… Quả điều với ưu điểm là chứa rất nhiều vitamin nên có thể tận dụng làm nước ép, mứt quả,…

Cấu tạo quả và hạt điều (Nguồn: PGS.TS. Kha Chấn Tuyền và cộng sự)

 

Các giải pháp tăng năng suất cây điều

Để gia tăng giá trị sản phẩm điều và đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, công tác chọn giống cây điều đã được chú trọng từ những năm 2007. Việc ứng dụng KH&CN trong nghiên cứu, chọn, tạo giống điều; tăng cường đầu tư thâm canh để nâng nhanh năng suất, chất lượng hạt điều là một trong các giải pháp được đề ra trong Quy hoạch phát triển ngành điều (Quyết định 39/2007/QĐ-BNN ngày 02/05/2007). Theo TS. Trần Công Khanh (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều), từ năm 2000, nhiều giống điều nổi bật như PN1, AB29, AB05-08, ĐDH 67-15, ĐDH 102-293 đã được nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất. Giống điều PN1, AB29 và AB05-08 có khả năng sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều đợt, tán cao trung bình đến thấp, ít bị ảnh hưởng khi có mưa trái vụ, có tiềm năng năng suất chất lượng tốt phù hợp với các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Giống điều ĐDH 67-15 và ĐDH 102-293 có tiềm năng năng suất cao, phát chồi mạnh, có khả năng chống chịu được bệnh khô bông và tránh bị bọ xít muỗi chích, phù hợp với các tỉnh vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ.

Bên cạnh việc chọn tạo giống, các giải pháp thâm canh nhằm tăng năng suất cũng rất quan trọng. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác có thể mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã công nhận các quy trình kỹ thuật “Cải tạo và thâm canh điều cao sản cho các vùng trồng chính”, “Trồng thay thế và thâm canh cây điều”, “Tạm ghép cải tạo vườn điều” và sách chuyên khảo “Kỹ thuật thâm canh cây điều” do TS. Trần Công Khanh chủ trì có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc (Quyết định số 2087 ngày 5/6/2019), qua đó giúp nông dân cải tiến kỹ thuật trồng điều, phòng trừ sâu bệnh hại điều. Dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất thâm canh điều bền vững” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây Điều chủ trì thực hiện từ năm 2021-2023 tại 4 tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng mang lại kết quả tích cực, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng từ 21-45% so với điều trồng ngoài mô hình.

Các giải pháp về tưới tiêu và bón phân cho cây điều cũng rất được chú trọng. Kết quả đề tài “Nghiên cứu giải pháp tạo nguồn và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước nhằm phát triển bền vững cây điều vùng Đông Nam Bộ" năm 2017, do PGS.TS. Lê Trung Thành và cộng sự thực hiện, cho thấy, khi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước, năng suất điều có thể tăng đến 36% so với phương pháp tưới thông thường. Năm 2019, ThS. Đào Trọng Hiền và cộng sự (Viện Công nghệ Môi trường) đã nghiên cứu "Ứng dụng bộ phân bón lá nano làm tăng năng suất điều" tại tỉnh Bình Phước, đạt kết quả khả quan với năng suất vườn điều thí nghiệm tăng 12%, đạt hơn 2,1 tấn/ha so với vườn không sử dụng phân bón lá nano.

Ngày 26/1/2024, Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt “Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”, theo đó, đến năm 2030 khoảng 80-90% diện tích điều trồng mới sẽ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn. Đối với diện tích điều đã già cỗi trên 30 năm tuổi, cần thực hiện tái canh hoặc ghép cải tạo bằng các giống có năng suất cao hơn và phù hợp với chế biến như PN1, AB29, AB05-08, LBC5. Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh như sử dụng giống, bón phân, đốn tỉa cành, tạo tán, dọn thực bì cũng sẽ góp phần nâng cao năng suất, sức chống chịu và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như mưa trái vụ.

 

Ứng dụng máy móc thiết bị phục vụ chế biến

Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển ngành điều Việt Nam, các công ty, các nhà nghiên cứu đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng thiết bị máy móc chế biến điều như máy phân cỡ hạt, máy tách hạt điều, máy bóc vỏ lụa, máy sấy,... Năm 2018, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM chế tạo thành công máy phân loại nhân hạt điều, đây là kết quả của dự án “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy phân loại nhân hạt điều ứng dụng công nghệ xử lý ảnh”, ứng dụng công nghệ xử lý ảnh cho phép phân loại hạt theo kích thước và màu sắc, đạt năng suất 2-3 tấn/giờ với độ chính xác trên 98%. Máy đạt chất lượng tương đương với máy cùng loại nhập khẩu của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, giúp các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm được chi phí đầu tư công nghệ. Năm 2019, Hệ thống thiết bị tách vỏ cứng hạt điều do Công ty Cổ phần Đại Hoàng Kim Bình Phước (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) nghiên cứu chế tạo, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng giải pháp hữu ích số VN2-0002166-000. Hệ thống cho phép tăng tỷ lệ thu hồi hạt điều, giảm hạt vỡ, nhờ đó, tăng năng suất tách hạt và giảm chi phí sản xuất. Năm 2023, Công ty tiếp tục đăng ký bảo hộ cho Máy hấp hạt điều thô (số đơn VN 2-2023-00733) với năng suất cao hơn và dễ tự động hóa.

Hệ thống thiết bị tách vỏ cứng hạt điều (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

Năm 2023, Máy tách vỏ hạt điều do ông Nguyễn Văn Liền (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) chế tạo đã được cấp bằng sáng chế số VN1-0035539-000. Máy tách vỏ hạt điều này có thiết kế cải tiến, cho phép tạo ra đường cắt bám sát biên dạng hạt, đảm bảo độ sâu cắt chính xác và giảm tỷ lệ vỡ. Máy có kết cấu nhỏ gọn, phù hợp cho nhiều quy mô sản xuất.

Máy tách vỏ hạt điều (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

Bên cạnh việc không ngừng cải tiến, nâng cấp thiết bị cơ khí nội địa, để giúp các cơ sở sản xuất sớm tiếp cận các dây chuyền máy móc tiên tiến hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, “Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới” đã được triển khai tại Bình Phước giai đoạn 2021-2023. Mô hình sử dụng công nghệ khử trùng bằng phương pháp kiểm soát không khí EcO2 trong chế biến hạt điều xuất khẩu với công nghệ Hà Lan, lắp ráp tại Việt Nam, công suất đạt 33 tấn/phòng, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Mô hình này thuộc Đề án khuyến công quốc gia về Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tại Bình Phước giai đoạn 2021-2023.

Việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất và chế biến hạt điều đã mang lại những bước tiến quan trọng, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Công tác chọn tạo và sử dụng các giống điều tiên tiến và các kỹ thuật thâm canh hiện đại đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng hạt điều. Các giải pháp tưới tiết kiệm nước và sử dụng phân bón công nghệ nano cũng góp phần cải thiện sản lượng điều. Trong lĩnh vực chế biến, sự phát triển và ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến như máy phân loại hạt, máy tách vỏ và máy hấp không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu chi phí sản xuất và tiết kiệm nguyên liệu. Những cải tiến này giúp các doanh nghiệp trong nước giảm sự phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu, tiết kiệm chi phí, và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, việc cải tiến công nghệ cũng góp phần làm cho ngành chế biến điều trở nên bền vững hơn về cả mặt sản xuất, môi trường và kinh tế.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Mời xem tiếp nội dung Tận dụng phụ phẩm trong sản xuất điều (Thông tin chuyên đề Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, số 09/2024)

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê 2023. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/06/nien-giam-thong-ke-2023/
[2] Quyết định 2087/QĐ-BNN-TCCB ngày 05/06/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc, cấp Bộ của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học https://luatvietnam.vn/khoa-hoc/quyet-dinh-2087-qd-bnn-tccb-2019-hieu-qua-ap-dung-cua-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-173469-d1.html
[3] Kỷ yếu hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều tỉnh Bình Phước”. https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/chuong-trinh-de-tai-khoa-hoc/chuong-trinh-hoi-thao-giai-phap-khoa-hoc-va-cong-nghe-nang-cao-gia-tri-nganh-dieu-tinh-binh-phuoc-32616.html
[4] Hệ thống thông tin khoa học và công nghệ. https://nsti.vista.gov.vn/
[5] Cục Sở hữu trí tuệ. http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/
[6] TS. Trần Danh Sửu, TS. Trần Công Khanh, ThS. Phạm Thị Xuân. Kỹ thuật thâm canh cây điều. https://vaas.vn/sites/default/files/library/attachments/K%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20th%C3%A2m%20canh%20c%C3%A2y%20%C4%91i%E1%BB%81u.pdf
[7] Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước. Nghiệm thu đề tài nghiên cứu và ứng dụng bộ phân bón lá nano làm tăng năng suất điều. https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-tuc-su-kien-421/nghiem-thu-de-tai-nghien-cuu-va-ung-dung-bo-phan-bon-la-nano-lam-tang-nang-suat-dieu-28920.html
[8] Báo điện tử Đại biểu Nhân dân. Mô hình sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới tại Bình Phước. https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/Mo-hinh-san-xuat-san-pham-hat-dieu-theo-cong-nghe-moi-tai-Binh-Phuoc-i278608/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập