Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung, khi soạn bài văn bia "Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)" vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484, cách nay 540 năm), đã khẳng định vai trò của nhân tài trong việc hưng thịnh đất nước: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Năm 1947, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Hai ví dụ vừa nêu cho thấy sự quan tâm từ xưa đến nay của cha ông ta đến đội ngũ trí thức, đề cao và coi trọng vai trò của người trí thức, do những đóng góp của giới trí thức đối với vận mệnh của nước nhà.

 

Trải qua gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức để tạo động lực thúc đẩy sự cống hiến, sáng tạo của giới trí thức trong công cuộc đổi mới, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Minh chứng rõ nét cho những chủ trương, chính sách này, trong bối cảnh đội ngũ trí thức nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế (số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước; cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính; trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống,…), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức (ban hành ngày 6/8/2008).

 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN, hội nhập quốc tế; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Nhiều công trình, sản phẩm KH&CN, văn hoá, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao của đội ngũ trí thức góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới,… Đây chính là nền tảng cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW (ngày 24/11/2023) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, khẳng định đội ngũ trí thức: “…là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm kinh tế, KH&CN và đổi mới sáng tạo lớn nhất cả nước, công tác tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ, được chú trọng từ rất sớm. Ngay từ năm 2002, Thành phố đã tổ chức chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ [1]. Kết thúc giai đoạn 2001-2006, chương trình đã tuyển chọn và đào tạo được 256 học viên. Qua giai đoạn 2006-2010, Thành ủy TP.HCM tiếp tục đề ra mục tiêu tuyển chọn, đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ bằng nguồn ngân sách của Thành phố. Đến tháng 8/2010, đã có thêm 479 học viên được xét duyệt. Từ năm 2013, việc tuyển chọn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng nguồn ngân sách của Thành phố được cụ thể hóa bằng “Quy chế chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành phố” [2].

 

Gần đây, TP.HCM cũng có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, thu hút và phát triển trí thức, tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của Thành phố, ví dụ như Quyết định số 5715/QĐ-UBND ngày 21/11/2014 của UBND TP.HCM về ban hành “Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH&CN vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học”; năm 2018, HĐND Thành phố có Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐND quy định “Về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 – 2022”, được thay thế bằng Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND ban hành cùng năm, có bổ sung nhóm đối tượng “người có tài năng đặc biệt” trong các lĩnh vực mà Thành phố có nhu cầu; năm 2021, Thành ủy TP.HCM ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 5/2/2021 nhằm “Hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của Thành phố giai đoạn 2020–2035”; đến ngày 10/7/2024, UBND Thành phố ban hành “Quy định về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP.HCM” (Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND) trên cơ sở triển khai một số nội dung của Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố “Về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu thu hút”. Bên cạnh đó, đầu năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng vừa công bố "Chương trình VNU350: Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG-HCM” nhằm thu hút, tuyển dụng được 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về công tác tại đây trong giai đoạn 2024-2030.

 

Có thể thấy các chủ trương, chính sách nhằm thu hút trí thức và trí thức trẻ của Việt Nam là khá đa dạng, được nhiều người ví như “trải thảm đỏ” đối với giới trí thức. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, xét trên bình diện chung, một số chính sách khi ban hành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, ví dụ như quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN chưa đưa ra được các hành lang pháp lý bảo vệ nhà khoa học trước đặc tính rủi ro của hoạt động nghiên cứu (PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN); cần có những cơ chế đơn giản, thông thoáng, mềm dẻo và nhất quán, tránh những quy định phức tạp chồng chéo và đặc biệt là thay đổi thường xuyên (GS.TS Võ Văn Tới - Đại học Quốc gia TP.HCM). Ngoài ra, các chính sách "đầu ra" đối với những trí thức được đào tạo theo đặt hàng sau khi tốt nghiệp cũng là vấn đề cần phải được hoàn thiện (PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM),…

 

Mặt khác, ở góc độ thụ hưởng chính sách, thực tế đâu đó “vẫn còn một bộ phận trí thức, trong đó có cả trí thức trẻ, năng lực còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội: có người không thể làm việc được theo nhóm, biệt lập hoặc kiêu ngạo, cục bộ trong khoa học; có người thiếu ý chí và niềm tin, không có đam mê, hời hợt về chuyên môn, thích làm quản lý nhưng ngại nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; có người ý‎ thức trách nhiệm vừa phải, đạo đức nghề nghiệp yếu kém, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, cơ hội chủ nghĩa, chạy theo bằng cấp để mưu cầu đỗ đạt và thăng tiến”, như ông Nguyễn Xuân Thắng (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã từng chia sẻ tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V, năm 2022. Tình trạng này làm cho xã hội đôi lúc nhận thức sai lệch và đánh giá chưa đúng về đội ngũ trí thức. Do vậy, trí thức, nhất là các bạn trí thức trẻ, “cần phát huy hơn nữa tinh thần học tập, lao động sáng tạo, ý chí dấn thân lập nghiệp và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ để thể hiện tốt nhất vai trò của mình, xứng đáng với trọng trách, sứ mệnh cao cả và niềm tin của Đảng, Nhà nước và xã hội; đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, tiến bộ xã hội và nâng tầm trí tuệ, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế”.

BBT

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Quyết định số 82/2002/QĐ-UB ngày 08/7/2002 của UBND TP.HCM “Quy định về tổ chức hoạt động chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ giai đoạn 2002-2005”.
[2] Quyết định số 2459-QĐ/TU ngày 23/10/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về ban hành“Quy chế chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành phố”.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập