Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố tiên quyết phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, tạo nền móng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, khi xu thế hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng trên khắp các lĩnh vực, thì công tác đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế càng đóng vai trò quan trọng, trở thành định hướng chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực của TP.HCM.

 

Giai đoạn hiện nay được gọi là “thời đại số”. Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng phát triển của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Công nghệ 5G, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, IoT, chuỗi khối và các công nghệ khác đã tạo điều kiện để gia tăng năng suất trong xử lý công việc và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Kinh tế số đã nổi lên như một nền kinh tế mới, sử dụng công nghệ số và truyền thông điện tử để tiến hành các hoạt động kinh tế trên nhiều lĩnh vực: thương mại điện tử, tiếp thị số, tài chính số, phát triển phần mềm, dịch vụ điện toán đám mây,... trở thành động lực chính cho tăng trưởng và phát triển ở nhiều nước tiên tiến. Kinh tế số cũng đang tiếp cận liên tục đến các nước đang phát triển.

Dù mang lại những tiềm năng phát triển lớn, nhưng kinh tế số cũng có những tác động đến cơ cấu và thị trường lao động. Để thích nghi và phát triển kinh tế số có hiệu quả, người lao động cần phải có năng lực và được trang bị những kỹ năng phù hợp với những thay đổi của yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng cần thay đổi công tác đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực thật sự chất lượng, đáp ứng trình độ công nghệ và khoa học kỹ thuật tiên tiến trên toàn thế giới.

 

Nghiên cứu thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế

Ngày 5/7/2021, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 2426/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án tổng thể “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và Đại học chia sẻ”. Trong đó, đặt hàng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM triển khai nghiên cứu, thiết kế, xây dựng các chương trình đào tạo (CTĐT) và đề xuất tổ chức thực hiện đào tạo nhân lực trình độ quốc tế trong 8 ngành: Công nghệ thông tin - Truyền thông; Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch và Quản lý đô thị.

Tính đến tháng 9/2024, đã có 5 nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cấp Thành phố tương ứng với 5 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế thuộc Đề án trên được các cơ sở giáo dục đại học triển khai và nghiệm thu kết quả tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM:

 

Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành công nghệ thông tin - truyền thông

Nhiệm vụ KH&CN “Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành công nghệ thông tin - truyền thông” được UBND TP.HCM giao Trường đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) chủ trì, với mục tiêu đề xuất kế hoạch thực hiện cụ thể cho giai đoạn 2021-2035, đưa TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) của cả nước và khu vực.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu trên, các doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và 2026-2030, nhu cầu về nhân lực ngành CNTT-TT sẽ luôn tăng (kỳ vọng của đa số doanh nghiệp ở mức trên 10%/năm) trong khi tốc độ tăng quy mô đào tạo hiện nay chỉ ở mức 8%/năm. Hơn nữa, nhân sự được đào tạo ở TP.HCM không chỉ làm việc ở địa bàn TP.HCM, mà còn cho hầu hết ở các tỉnh phía Nam, cho thấy năng lực đào tạo còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trong thực tế.

Mô hình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành CNTT-TT (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)

Từ ý kiến của đại diện các doanh nghiệp và giảng viên từ các cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam, cùng các vấn đề còn tồn tại, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế lĩnh vực CNTT-TT cho TP.HCM với 5 trụ cột căn bản gồm: người học, cơ sở đào tạo, Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức kiểm định chất lượng. Trong đó, người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Năng lực người học là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo cuối cùng. Trong quá trình học tập, người học cần được quan tâm, hỗ trợ từ cơ sở đào tạo, Nhà nước và doanh nghiệp để phát triển năng lực. Bên cạnh đó, quá trình học tập của người học ở các cơ sở đào tạo cần được giám sát, đánh giá bởi các đơn vị kiểm định chất lượng.

Để phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành CNTT-TT ở TP.HCM giai đoạn 2021-2035, nhóm nghiên cứu đề xuất cần có chính sách phát triển đội ngũ giảng viên; chính sách về đào tạo, bảo đảm chất lượng, ngoại ngữ; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên; chính sách phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng môi trường làm việc. Ngoài ra, kế hoạch chi tiết cho việc đào tạo nhân lực trong giai đoạn 2021-2035 cần tập trung vào nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, hướng đến các chuẩn quốc tế; nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên xuất sắc theo học lĩnh vực CNTT-TT, phát triển năng lực sinh viên; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.

 

Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo

Nhiệm vụ KH&CN “Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo” được UBND TP.HCM giao Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) chủ trì thực hiện, nhằm nghiên cứu, xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2035, tập trung nghiên cứu và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành AI trên địa bàn TP.HCM, đưa TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo, phát triển, chuyển giao công nghệ ngành AI của cả nước và khu vực.

Công nghệ AI hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, với nhiều chính sách thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu các báo cáo về nhu cầu nhân lực ngành AI trên thế giới, ở Việt Nam và khảo sát nhu cầu tại các doanh nghiệp và năng lực đào tạo nhân lực AI của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM, nguồn nhân lực ngành AI trên địa bàn TP.HCM hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng. Kết quả khảo sát 84 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho thấy nhu cầu tăng nhân sự AI của các doanh nghiệp đang ở mức từ 10%-20%/năm trong khi chỉ tiêu đào tạo ngành AI của các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP.HCM chỉ tăng từ 5%-10%/năm.

Kế hoạch tăng quy mô nhân sự về AI trong của 84 doanh nghiệp được khảo sát tại TP.HCM (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu từ phân tích các số liệu, tỷ lệ tăng trưởng nhân lực ngành AI trong các giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và 2031-2035 tương ứng là 20%, 15% và 10%/năm. Với tỉ lệ tăng trưởng này, TP.HCM sẽ cần số nhân sự ngành AI cho ba giai đoạn tương ứng là 5.500, 11.000 và 18.000 người. Qua đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tái cơ cấu việc đào tạo lĩnh vực AI; xây dựng các chương trình dạy học về AI ở các bậc phổ thông, đại học, cao học, tiến sĩ cần đảm bảo các yêu cầu về kiến thức cơ bản, cốt lõi, kiến thức chuyên sâu và khả năng vận dụng vào thực tế ở từng bậc một cách tương ứng.

 

Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính - ngân hàng

Đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã kéo theo làn sóng đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế để phục vụ doanh nghiệp. Xu hướng này đã góp phần làm tăng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (TC-NH) nhằm đáp ứng các vị trí việc làm ở các doanh nghiệp FDI cũng như các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, công tác đào tạo và bổ sung nhân lực trình độ quốc tế cho ngành TC-NH là một bước đi quan trọng để chủ động nguồn nhân lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiệm vụ KH&CN “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính - ngân hàng” được UBND TP.HCM giao Đại học Kinh tế TP.HCM chủ trì thực hiện, nhằm nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế đối với ngành TC-NH giai đoạn 2021-2035.

Qua nghiên cứu báo cáo đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, sự thiết hụt lớn nhất thuộc về các kỹ năng như xử lý và phân tích dữ liệu lớn, khả năng xây dựng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy, lập trình. Nhưng bên cạnh đó, các kỹ năng truyền thống cũng cần thay đổi để đáp ứng những yêu cầu và trải nghiệm mới của người sử dụng dịch vụ tài chính trong thời đại công nghệ số. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngành TC-NH cần được thiết kế để đảm bảo sản phẩm đào tạo có thể phát triển được các kỹ năng này.

Đánh giá của 50 doanh nghiệp về các kỹ năng hiện tại của nhân lực ngành TC-NH (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu về nhu cầu nhân lực quốc tế ngành TC-NH của Thành phố trong ba giai đoạn (2021-2025, 2026-2030 và 2031-2035), trung bình mỗi năm ở mỗi gian đoạn cần tương ứng khoảng 3.100, 3.600 và 5.200 nhân lực. Đây cũng là nhu cầu nhân lực TC-NH đáp ứng trình độ ngang bằng yêu cầu nghề nghiệp tại thị trường quốc tế, không chỉ làm việc tại Việt Nam mà có thể chuyển đến các thị trường khác mà không gặp phải rào cản đáng kể.

Kết quả nhiệm vụ đã xây dựng được bộ chuẩn chương trình đào tạo trình độ quốc tế ngành TC-NH trình độ đại học và thạc sĩ, đạt mức độ đồng thuận khá cao từ các doanh nghiệp và trường đại học, bao gồm: chuẩn đầu ra kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm, thỏa mãn quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam và phù hợp với các khung tham chiếu quốc tế. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 2 mô hình đào tạo, là đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam với chất lượng quốc tế và liên kết đào tạo quốc tế với bằng cấp quốc tế.

 

Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế

Theo xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế, nhân lực ngành y tế cần phải hiện đại hóa nhanh chóng, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhằm góp phần vào việc chăm sóc, dự phòng, điều trị nâng cao sức khỏe cho nhân dân, phù hợp với tình hình bệnh tật có nhiều thay đổi. Do vậy, để đề xuất giải pháp khả thi mang tính chiến lược tổng thể nhằm đào tạo được nguồn nhân lực trình độ quốc tế khối ngành sức khỏe của TP.HCM trong giai đoạn 2022-2035, nhiệm vụ KH&CN “Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế” đã được UBND TP.HCM giao Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chủ trì thực hiện.

Theo kết quả khảo sát nhu cầu cần thiết đối với nguồn nhân lực y tế trình độ quốc tế trên 2.020 người (bao gồm lãnh đạo cơ sở y tế, nhân viên y tế và bệnh nhân), về khía cạnh ngành nghề, nhu cầu cao nhất lần lượt là bác sĩ (84,3%), điều dưỡng/hộ sinh (49,1%) và kỹ thuật viên y tế (34,3%). Về thực trạng các CTĐT thuộc ngành y tế đạt chuẩn kiểm định bởi tổ chức quốc tế hiện nay, CTĐT được phát triển dựa trên kết quả mô hình hợp tác quốc tế của các trường hoặc đề án trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng chỉ 1 trường có đơn vị hỗ trợ đào tạo. Tất cả các CTĐT đều không có học phần nào do giảng viên nước ngoài phụ trách toàn phần, chỉ có một số chương trình thực tập có giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy.

Qua các kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 8 nhóm giải pháp đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế của TP.HCM giai đoạn 2022-2035, bao gồm: (1) Truyền thông về các CTĐT nhân lực Y tế có trình độ quốc tế cho xã hội và cán bộ, giảng viên ở các trường ĐH; (2) Phát triển các CTĐT (Bác sĩ y khoa, Cử nhân điều dưỡng, Y tế công cộng và Dược sĩ đại học) quốc tế đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra; (3) Đổi mới phương pháp giảng dạy (lý thuyết, thực hành lâm sàng, mô phỏng) trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo hướng tiếp cận năng lực; (4) Đổi mới kiểm tra, đánh giá người học trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo hướng tiếp cận năng lực; (5) Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện đào tạo nhóm ngành sức khỏe đáp ứng kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo đối với nhóm ngành sức khoẻ; (7) Xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng trong các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khoẻ; (8) Đổi mới quản trị đại học định hướng quốc tế trong các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khoẻ.

Để thực hiện các giải pháp, nhóm nghiên cứu kiến nghị UBND Thành phố cần chỉ đạo, quán triệt Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe thực hiện đúng, đủ và sáng tạo các kế hoạch đã đề ra theo từng năm và theo giai đoạn 2021-2025, 2026-2030, 2031-2035; phát huy tối đa, khai thác vận dụng triệt để Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

 

Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành quản lý đô thị

Từ thực trạng ngành quản lý đô thị (QLĐT) hiện mới chỉ chủ yếu tập trung vào khía cạnh kỹ thuật, chưa chú trọng vào các khía cạnh xã hội, con người và kỹ năng quản lý, gây khó khăn trong việc tổ chức và phân bổ nguồn lực, xây dựng chính sách và chiến lược phát triển đô thị, đặc biệt là đối với một đô thị lớn như TP.HCM. UBND TP.HCM đã giao Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành quản lý đô thị”.

Bên cạnh tổng hợp các cơ sở lý luận và thực tiễn, các nghiên cứu và tham khảo các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế, nhóm nghiên cứu cũng thu thập thông tin sơ cấp thông qua bảng hỏi từ 500 người ở 3 nhóm đối tượng: (1) Sở, Ngành và phòng QLĐT quận, huyện; (2) Các trường có ngành liên quan và (3) Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến xây dựng và phát triển đô thị. Kết quả khảo sát cho thấy, cán bộ lãnh đạo Sở, Ngành là đối tượng cần được chú trọng đào tạo trình độ quốc tế về QLĐT (71%), đứng thứ hai là sinh viên hệ chính quy (68,4%).

Đối tượng cần được đào tạo trình độ quốc tế ngành QLĐT (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)

Ngoài xây dựng CTĐT, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành QLĐT tại TP.HCM:

• Nguồn nhân lực phục vụ đào tạo: đề xuất đào tạo đội ngũ kế cận bậc tiến sĩ, ưu tiên đội ngũ giảng viên giỏi đang công tác tại các cơ sở đào tạo; thu hút đội ngũ nhân lực trình độ tiến sĩ trong và ngoài nước có trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ.

• Cơ sở vật chất: đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, có tham quan các trung tâm điều hành thành phố thông minh để sinh viên thực hành, nghiên cứu.

• Chính sách hỗ trợ tăng cường hội nhập quốc tế: hỗ trợ về kinh phí, triển khai chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, các hoạt động sinh hoạt học thuật như hội thảo quốc tế về ngành QLĐT hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

• Tăng cường liên kết doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ trong việc đào tạo và tuyển dụng nhân lực sẽ giúp đảm bảo tính ứng dụng và thực tế của CTĐT.

 

Hợp tác với các tổ chức quốc tế đào tạo nhân lực chất lượng cao

Bên cạnh các đề án đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học tại TP.HCM tự thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, các tổ chức quốc tế cũng đã có hợp tác với các trường đại học và Khu Công nghệ cao TP.HCM để đào tạo nhân lực cho nhiều lĩnh vực:

• Ngày 10/12/2022, Đại học Quốc gia Seoul (SNU) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo song bằng với Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài phát triển chương trình đào tạo cho sinh viên của SNU và Đại học Quốc gia TP.HCM, SNU còn hỗ trợ Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo tiến sĩ cho các giảng viên, nhà nghiên cứu đã đạt trình độ thạc sĩ, cũng như triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật, phát triển chương trình học bổng dành cho sinh viên tài năng và hỗ trợ Đại học Quốc gia TP.HCM tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

• Ngày 27/02/2024, Công ty Siemens Electronic Design Automation (Siemens) và Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) ký kết hợp tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Theo đó, Siemens cam kết cung cấp bộ giải pháp toàn diện, bao gồm phần mềm, phần cứng và dịch vụ tự động hóa thiết kế điện tử cho SHTP. Thông qua đó, tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận công nghệ tiên tiến trong thiết kế, góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại TPHCM và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM và Công ty Siemens ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam (Nguồn: sggp.org.vn)

 

Phát triển nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ số

Theo dự báo 5 năm tới của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF), tại Báo cáo The Future of Jobs Report 2023, có khoảng 83 triệu việc làm có thể bị mất đi do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi, nhưng cũng sẽ có 69 triệu việc làm mới được tạo ra dưới tác động của công nghệ. Cũng theo báo cáo trên, 3 kỹ năng được các doanh nghiệp cho rằng là quan trọng nhất đối với người lao động trong 5 năm tới là: (1) Tư duy sáng tạo; (2) Tư duy phân tích; và (3) Kiến thức về công nghệ. Ba kỹ năng này đều liên quan đến kỹ năng nhận thức, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc giải quyết vấn đề phức tạp tại nơi làm việc. Vì vậy, người lao động cần phải cập nhật những kiến thức và kỹ năng phù hợp để không bị tụt hậu trong thời đại công nghệ số.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học và công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 26/8/2024 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 83/CĐ-TTg về tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan Trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ như: Hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đổi mới chương trình đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín trong và ngoài nước đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhân tài khoa học và công nghệ từ nước ngoài và từ khu vực công nghiệp về cộng tác, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học; Hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển những ngành công nghệ cao, công nghiệp nền tảng, nhất là các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,…

Theo Báo cáo Human Development Report 2023/2024 của UNDP, Việt Nam xếp thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index – HDI) năm 2022. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Chỉ số này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới, khi công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ liên tục được thúc đẩy qua các chính sách và định hướng của Chính phủ, các triển khai cụ thể theo các đề án đào tạo nguồn nhân lực của các địa phương nói chung và tại TP.HCM nói riêng.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Diễm Hương – Lam Vân. Nghiệm thu nhiệm vụ Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/nghiem-thu-nhiem-vu-de-an-dao-tao-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-nganh-y-te-489747fc-9080-4c39-9baa-d6e3e54d73fe
[2] Ha, H. and Chuah, C.K.P. Digital economy in Southeast Asia: challenges, opportunities and future development. Southeast Asia: A Multidisciplinary Journal, 23(1), 19-35.
[3] Lam Vân. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính - ngân hàng. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/dao-tao-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-nganh-tai-chinh---ngan-hang-334900cc-b92e-4db1-bd31-1760b9502a09
[4] Lam Vân. Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành quản lý đô thị. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/de-an-dao-tao-nguon-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-nganh-quan-ly-do-thi-c665f854-ccb8-4d03-a942-df355c20f798
[5] Lam Vân. Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành công nghệ thông tin - truyền thông. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/de-an-dao-tao-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-nganh-cong-nghe-thong-tin---truyen-thong-15dde71a-5f35-46f8-90d8-1e38378c0eb0
[6] Minh Nhã. Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành trí tuệ nhân tạo. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/de-an-dao-tao-nguon-nhan-luc-trinh-do-quoc-te-nganh-tri-tue-nhan-tao-e4fccc37-36bd-477c-a819-96846eeb0e0d
[7] Thanh Giang. Thủ tướng chỉ đạo tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. https://nhandan.vn/thu-tuong-chi-dao-tang-cuong-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-cac-linh-vuc-vi-mach-ban-dan-tri-tue-nhan-tao-va-dien-toan-dam-may-post826484.html
[8] World Economic Forum. The Future of Jobs Report 2023.
[9] UNDP. Human Development Report 2023/2024.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập