Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Cây Sacha inchi, với các ưu điểm: dễ trồng, dễ chăm sóc, thích ứng tốt với khí hậu nhiệt đới; có giá trị dinh dưỡng cao; thời gian thu hoạch nhanh; trồng một lần cho thu hoạch nhiều lần (kéo dài 15-20 năm);… là lựa chọn phù hợp cho nông dân muốn đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.

 

Đặc điểm và giá trị dinh dưỡng của sachi inchi

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm (Học viên Nông nghiệp Việt Nam), Sacha inchi (tên khoa học là Plukenetia volubilis L.) là loài cây thực phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là một loại dược liệu quý. Hạt Sacha inchi chứa 41-54% dầu, 25-27% protein và vitamin A, E, C, B1, B6, iôt, chất xơ và các chất chống ôxy hóa. Protein của hạt giàu axit amin, chứa nhiều chất dinh dưỡng và có khả năng tăng miễn dịch cho cơ thể người. Dầu của hạt có trên 90% là các axít béo không no, trong đó Omega 3 đạt 45-50%, Omega 6 đạt 35-40% và Omega 9 đạt 5-10%. Dầu Sacha inchi có giá trị dược liệu cao, có lợi cho sức khỏe do ngăn cản được bệnh viêm khớp, ung thư, động mạch vành, cao huyết áp, rối loạn thần kinh, viêm da. Lá của cây chứa nhiều polyphenol, dịch chiết từ lá có khả năng chống oxy hóa mạnh và chống tăng sinh tế bào ung thư. Lá của cây có thể sử dụng làm thực phẩm hoặc trà.

Quả, hạt và dầu cây Sacha inchi (Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

 

Một số nghiên cứu, ứng dụng Sacha inchi tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cây Sacha inchi đã được Học viện Nông nghiệp Việt Nam trồng thử nghiệm từ năm 2012, cho kết quả sinh trưởng, phát triển tốt. Nhằm đánh giá khả năng thích ứng của cây ở các vùng trồng khác nhau, một số nghiên cứu đã được triển khai thực hiện ở các địa phương: năm 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đã triển khai đề tài “Nghiên cứu khả năng thích ứng của cây dược liệu Sacha inchi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Đến năm 2019, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng Sacha inchi. Qua đó xác định, để cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định cần trồng cây trên những vùng đất có tầng canh tác dầy, độ phì khá, đảm bảo tưới tiêu đầy đủ, đặc biệt trong mùa khô. Cây dạng thân bò leo, có thể trồng thuần, trồng xen, trồng làm hàng rào nên tận dụng được quỹ đất trống, đất vườn tạp. Nghiên cứu cũng cho thấy, cây chịu hạn tốt và có thể trồng trên nhiều loại đất có thành phần cơ giới khác nhau. Năm 2020, PGS.TS. Vũ Thị Thu Hiền và cộng sự (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng đã có nghiên cứu “Đánh giá khả năng thích ứng xây dựng mô hình trình diễn cây Sacha inchi (Plukenetia Volubilis L) tại tỉnh Thái Nguyên”. Kết quả, các tác giả đã xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng cây Sacha inchi cho năng suất cao đến hơn 2 tấn quả/ha/năm tại Đại Từ (Thái Nguyên). Năm 2022, ThS. Vũ Văn Quang và cộng sự (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng thực hiện “Nghiên cứu tuyển chọn giống Sacha inchi phù hợp cho vùng sinh thái phía Bắc”. Hai dòng Sacha inchi ưu tú (SC6 và SC8) đã được các nhà khoa học đánh giá, tuyển chọn cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít nhiễm sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt thích nghi với khí hậu khu vực.

Nhằm gia tăng giá trị cho Sachi inchi, một số nghiên cứu hướng ứng dụng phát triển sản phẩm đã được triển khai gần đây: năm 2020, các nhà nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng mô hình trồng chế biến một số sản phẩm giàu omega từ cây Sacha inchi (Plukenetia Volubilis L) tại huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai”, đã xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng cây cho năng suất cao; quy trình chế biến sản phẩm từ Sacha inchi thành trà túi lọc và dầu Sacha inchi. Qua đó, đánh giá được hiệu quả kinh tế của mô hình trồng Sacha inchi.

Nhằm tìm kiếm giống cây Sacha inchi thích hợp với thổ nhưỡng khí hậu địa phương, có năng suất cao và đạt chất lượng, năm 2019, được sự hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Viện Nghiên cứu Cây có dầu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp trồng và thử nghiệm sơ chế hạt cây Sacha inchi (Plukenetia volubilis) tại các huyện thuộc TP.HCM và vùng phụ cận”. Kết quả, các nhà nghiên cứu đã trồng thử nghiệm các mẫu giống cây thu thập từ các vùng trồng, xác định được giống S18 có năng suất hạt cao, sinh trưởng phát triển tốt. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện kỹ thuật canh tác cây Sacha inchi cho năng suất hạt năm đầu tiên đến 3,86 tấn/ha. Đặc biệt, nhóm đã nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình xử lý tăng tỷ lệ hoa cái trên cây Sacha inchi thông qua việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng vào giai đoạn ra hoa, cho số quả đậu tăng 5,67 lần (đạt 2,04 quả/chùm), năng suất hạt thu lứa quả đầu đạt 2,05 tấn/ha. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện quy trình sản xuất dầu Sacha inchi và sản xuất viên nang nêm dầu Sacha inchi.

Sản phẩm viên nang mềm dầu Sacha inchi (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)

Năm 2021, Công ty cổ phần Sacha inchi Trường An phối hợp với Viện Hóa học Các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành “Nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây Sacha inchi”. Các nhà khoa học đã xây dựng được quy trình chế biến lá Sacha inchi tạo nguyên liệu sản xuất trà thảo mộc và quy trình chế biến hạt Sacha inchi bổ sung vào thức ăn chăn nuôi gà để thu được trứng gà có hàm lượng Omega cao. Năm 2023, TS. Nguyễn Minh Nam và cộng sự (Văn phòng viện Ứng dụng Công nghệ) thực hiện “Nghiên cứu công nghệ sản xuất dầu và bột giàu protein từ hạt Sachi (Sacha inchi)”, xây dựng được quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm dầu và bột giàu protein từ hạt Sachi quy mô 1.000kg nguyên liệu/ngày, đảm bảo dầu ép có chất lượng cao và khô dầu sử dụng để chế biến các sản phẩm thực phẩm; có được công nghệ sản xuất sản phẩm bột giàu protein từ khô dầu Sachi.

Trên thị trường hiện nay, sản phẩm chế biến từ Sacha inchi như dầu, trà, viên nang và hạt rang đang ngày càng phổ biến, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các vùng trồng và nông dân. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh tiềm năng của cây Sacha inchi trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng. Để phát triển bền vững, cần tiếp tục nghiên cứu và cải thiện kỹ thuật canh tác, tổ chức huấn luyện, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đảm bảo chất lượng và sản lượng cây trồng là tốt nhất. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN để đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ Sacha inchi, thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia https://nsti.vista.gov.vn/
[2] Thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[3] PGS.TS Nguyễn Thị Trâm. Đậu núi Sacha inchi - “Vua của các loại hạt”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3704/dau-nui-Sacha -inchi---vua-cua-cac-loai-hat.aspx
[4] Nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây Sacha inchi. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19516/nghien-cuu-xay-dung-quy-trinh-che-bien-cac-san-pham-gia-tri-gia-tang-tu-cay-Sacha-inchi.aspx
[5] Sàn thương mại Hòa Bình. https://hoabinhtrade.gov.vn/doanh-nghiep/cong-ty-co-phan-inca-viet-nam_413/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập