Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Tiến bộ trong công nghệ sinh học không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển thuốc, vaccine, mà còn giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Việt Nam đã thu được nhiều kết quả khả quan khi tiếp cận xu hướng này khá sớm.

 

Ngay từ tháng 3/1994, Chính phủ đã có Nghị quyết số 18/NQ-CP “về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010”. Trong đó, một trong 6 nội dung cần triển khai thực hiện được chỉ rõ là “công nghệ sinh học phục vụ bảo vệ sức khỏe con người”. Ngày 4/3/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW “về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, xác định ưu tiên phát triển công nghệ sinh học (CNSH), tập trung sản xuất vaccine, chế phẩm chẩn đoán, thuốc chữa bệnh và kháng sinh,… Cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW (Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005), “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2008, xác định rõ các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể về phát triển và ứng dụng CNSH. Trong đó, “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ CNSH trong lĩnh vực y - dược để tạo ra các sản phẩm y - dược mới, hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ y học công nghệ cao nhằm phòng, chống hữu hiệu các loại dịch bệnh nguy hiểm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng về chăm sóc sức khỏe của người dân”.

Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI và 5 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Bên cạnh việc xác lập mục tiêu đến năm 2030 CNSH đóng góp 7% vào GDP, đến năm 2045 đóng góp 10-15% GDP cả nước, về yêu cầu đối với việc ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế, Nghị quyết cũng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược".

Hưởng ứng các chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của quốc gia, các nhà khoa học trong nước đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong ngành y tế. Theo CSDL Quốc gia về nhiệm vụ KH&CN, tính đến nay đã có 328 đề tài nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế (203 đề tài cấp Quốc gia, 71 đề tài cấp Bộ và 54 đề tài cấp Tỉnh/Thành phố). Khoảng 85% số đề tài hướng đến các công tác chẩn đoán và điều trị bệnh; số còn lại theo hướng phát triển dược phẩm sinh học. Số liệu từ CSDL IPplatform của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho thấy, có 74 đơn đăng ký sáng chế/GPHI từ các Viện nghiên cứu, trường đại học; các doanh nghiệp và cá nhân ở Việt Nam đề cập đến việc ứng dụng CNSH vào hoạt động ngành y. Các nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam tập trung chủ yếu liên quan đến vaccine và chuẩn đoán điều trị bệnh.

 

Về hướng phát triển dược phẩm – phòng ngừa bệnh tật

Để phòng ngừa bệnh tật, từ năm 1988, vaccine uống phòng bệnh tả đã được cố GS.TSKH. Đặng Đức Trạch (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) nghiên cứu và thử nghiệm trên người với độ an toàn cao, ít phản ứng phụ, đáp ứng miễn dịch cao. Đến năm 1997, vaccine uống phòng bệnh tả đã được sản xuất ở quy mô công nghiệp bằng công nghệ lên men, cung cấp khoảng 1 triệu liều mỗi năm cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, vaccine tả bất hoạt dạng uống đang được sản xuất tại Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (công suất 10 triệu liều/năm), đảm bảo đủ cho nhu cầu phòng bệnh của người dân ở những vùng nguy cơ cao.

Năm 2009, Công ty Vắc-xin Pasteur Đà Lạt nghiên cứu thành công “Công nghệ sản xuất vaccine chống dị ứng từ mạt bụi nhà Acarien D. pteronyssinus (DP) và ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh dị ứng: hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc”. Trong đó, nghiên cứu tập trung thu thập, tách chiết mạt từ bụi nhà, hình thái phân loại mạt bụi và điều chế dị nguyên mạt bụi nhà, ứng dụng vào thực tế làm thay đổi cách đáp ứng miễn dịch, thay đổi cân bằng giữa các quần thể lympho bào T, dẫn tới sự giảm mẫn cảm các tế bào đích (tế bào dị ứng), làm giảm sự giải phóng các chất trung gian và từ đó hạn chế được các triệu chứng dị ứng. Đến năm 2011, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 đã thành công trong việc nghiên cứu phát triển vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào Vero. Năm 2021, Viện Kiểm định quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) đã nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn (theo tiêu chuẩn của WHO) và sản xuất 11 vaccine mẫu chuẩn quốc gia dùng để kiểm định vaccine phòng các loại bệnh như: bạch hầu, ho gà vô bào, uốn ván, viêm gan B tái tổ hợp, viêm não Nhật Bản sản xuất trên tế bào Vero, sởi, Rota sống giảm độc lực, rubella, thương hàn Vi, Hib, bại liệt bất hoạt. Đồng thời, Viện cũng sản xuất đươc 11 vaccine mẫu chuẩn quốc gia, với số lượng đủ dùng trong 5-10 năm. Cùng trong năm 2021, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 phối hợp cùng Viện Quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người (thuộc Viện Quốc gia về Sức khỏe Hoa Kỳ - NIH) sản xuất thành công vaccine Hib cộng hợp với quy mô công nghiệp tại Việt Nam. Sản phẩm đầu ra có chất lượng tương tự như bán thành phẩm vaccine Hib cộng hợp lưu hành trên thế giới, nhưng có giá thành thấp hơn.

Vaccine tả do Việt Nam sản xuất (Nguồn: khoahoc.tv)

Về lĩnh vực dược, CNSH đã được ứng dụng để phát triển nhiều sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc Việt Nam để đưa ra thị trường. Có thể kể đến như: “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất thuốc chữa bệnh viêm khớp dạng thấp và một số thực phẩm chức năng từ nguyên liệu sinh vật biển” do Viện Hóa học Các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu năm 2014; “Nghiên cứu chế tạo và đánh giá hiệu quả mỹ phẩm từ tế bào gốc dây rốn” của Công ty Cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar (Bộ Y tế) và “Nghiên cứu chiết xuất hoạt chất và bào chế thuốc điều trị viêm gan virus từ rễ cây Nhó đông (Morinda longissima Y.Z.Ruan),…” của Viện Hóa học Các hợp chất thiên nhiên,…

 

Hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh

Việc ứng dụng công nghệ gen đã hỗ trợ hiệu quả cho các công tác phòng chống dịch, cũng như hỗ trợ chẩn đoán nhanh các loại bệnh, ví dụ như “Nghiên cứu xác định độ nhạy và độ đặc hiệu của ELISA phát hiện kháng nguyên trong chẩn đoán bệnh người nhiễm ấu trùng sán lợn” của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (năm 2004); “Sử dụng kỹ thuật PCR -RFLP để phát hiện đột biến kháng Lamivudine và đột biến Basal Core Promter của virus viêm gan B” của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM, năm 2008). Đến năm 2011, Viện Pasteur TP.HCM (Bộ Y tế) đã thành công trong việc “Nghiên cứu chế tạo kit chẩn đoán virut cúm A/H1N1 bằng kỹ thuật RT-PCR”, tạo ra bộ sinh phẩm có độ nhạy, độ đặc hiệu và giới hạn phát hiện tương đương hoặc cao hơn các sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, bộ sinh phẩm này có thể sử dụng rộng rãi ở các địa phương xét nghiệm tuyến tỉnh.

Bộ Kít thành phẩm, Viện Pasteur TP.HCM (Nguồn: library.cesti.gov.vn)

Năm 2015, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã tiến hành “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng phương pháp chẩn đoán dựa trên sinh học phân tử (PCR đa mồi) 3 loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em: Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae và Legionella pneumophila và xác định đặc điểm…". Kết quả cho thấy, việc lựa chọn các cặp gen mồi đặc hiệu đáp ứng yêu cầu của PCR đa mồi kết hợp với phương pháp chẩn đoán đã được chuẩn hóa, sử dụng mẫu bệnh phẩm lâm sàng, là một phương pháp hiệu quả trong việc phát hiện Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae và Legionella pneumophila. Phương pháp này đã khẳng tính hiệu quả trong chẩn đoán khi sử dụng bệnh phẩm đường hô hấp, vốn được thu thập lấy đơn giản, ít xâm hại. Đến năm 2020, Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) đã ứng dụng thành công “Kỹ thuật Multiplex PCR phân tích các trình tự lặp ngắn trong chẩn đoán bệnh Hemophilia A trước chuyển phôi”,…

Có thể thấy, nhờ ứng dụng CNSH, các tác nhân gây bệnh đã được nghiên cứu, phát hiện sớm, giúp thuận lợi hơn trong chẩn đoán xác định, đồng thời là căn cứ khoa học cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp mỗi người dân đều có thể thực hiện tốt việc phòng bệnh cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, đối với điều trị bệnh, việc ứng dụng CNSH được thực hiện trong các hoạt động phân tích miễn dịch, phát hiện các protein có liên quan đến sự hình thành khối u, xác định sự có mặt của các loại vi khuẩn khác nhau,… còn giúp cho các bác sĩ xác định bệnh một cách nhanh chóng và chính xác. Ví dụ, Viện Năng lượng nguyên tử (năm 2009) đã thành công trong việc nghiên cứu đánh dấu kháng thể đơn dòng kháng CD20 với đồng vị phóng xạ I-131 giúp ích trong việc điều trị bệnh ung thư máu; năm 2014, Viện Công nghệ sinh học đã hoàn tất “Nghiên cứu quy trình sản xuất L-asparaginase tái tổ hợp, thử nghiệm diệt các dòng tế bào ung thư và định hướng dùng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư máu”. Trong đó, sử dụng công nghệ lên men sản xuất L-asparaginase từ chủng vi sinh vật tái tổ hợp và thử nghiệm diệt các dòng tế bào ung thư định hướng dùng làm nguyên liệu làm thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư máu.

Cũng liên quan đến bệnh ung thư, Bệnh viện Nội tiết Trung ương ứng dụng thành công kỹ thuật y học hạt nhân và sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tuyến giáp. Được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019, với các nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, mô bệnh học và hóa mô miễn dịch ở bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hoá kháng I-131, các nhà khoa học đã đánh giá được sự biến đổi gen ở bệnh nhân, phát hiện bằng kỹ thuật Real time-PCR. Năm 2021, Đại học Y Dược TP.HCM đã xây dựng thành công quy trình phát hiện ctDNA bằng công nghệ giải trình tự thế hệ mới trong ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm nhằm xác định đặc điểm di truyền của khối u, phục vụ điều trị đích, giúp đánh giá hiệu quả điều trị cũng như tiên lượng khả năng tái phát và phát hiện ung thu giai đoạn đầu. Từ đó, tạo căn cứ chẩn đoán, giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Cũng trong năm 2021, nhiều nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu, ví dụ như “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị xơ gan mất bù” của Viện nghiên cứu Khoa học y dược lâm sàng 108; “Nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào CAR-T trong điều trị bạch cầu nguyên bào lympho cấp” của Học viện Quân y,…

***

Với các chủ trương, chính sách phù hợp với xu thế phát triển của CNSH, đến nay, đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại như công nghệ gene, tế bào, vi sinh, enzyme và protein,… để tạo ra các sản phẩm y - dược mới, có hiệu quả chữa bệnh cao, cũng như các dịch vụ y học công nghệ cao, giúp phòng chống hữu hiệu các loại dịch bệnh nguy hiểm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đa dạng về chăm sóc sức khỏe của người dân, giúp Việt Nam từng bước hội nhập mạnh mẽ với ngành dược - sinh học của thế giới.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] PGS.TS. Đoàn Thị Thủy. Uống vắc-xin ngừa bệnh tả. https://khoahoc.tv/uong-vac-xin-ngua-benh-ta-18406
[2] TS Cao, Thị Bảo Vân. Nghiên cứu chế tạo kit chẩn đoán virut cúm A/H1N1 bằng kỹ thuật RT-PCR. http://library.cesti.gov.vn/ViewerV3/42416/Ket-qua-nghien-cuu-Quoc-gia/Nghien-cuu-che-tao-kit-chan-doan-virut-cum-AH1N1-bang-ky-thuat-RT-PCR
[3] Đặng Tất Thành. Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến: Nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp Việt. https://tapchicongthuong.vn/ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-trong-cong-nghiep-che-bien--nang-cao-gia-tri-gia-tang-cho-doanh-nghiep-viet-71757.htm
[5] Võ Thạnh. Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến lĩnh vực sinh học. https://vnexpress.net/viet-nam-lam-chu-nhieu-cong-nghe-tien-tien-linh-vuc-sinh-hoc-4675056.html
[6] Thái Bình. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tăng cường tiếp cận công nghệ tiên tiến, hợp tác quốc tế để thúc đẩy dược sinh học tại Việt Nam. https://suckhoedoisong.vn/thu-truong-do-xuan-tuyen-tang-cuong-tiep-can-cong-nghe-tien-tien-hop-tac-quoc-te-de-thuc-day-duoc-sinh-hoc-tai-viet-nam-169230508094543226.htm.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập