Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đã 20 năm, kể từ ngày Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW (ngày 4/3/2005) “về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Chỉ thị 50), Chính phủ đã có nhiều chính sách thiết thực để sớm đưa Chỉ thị 50 đi vào thực tiễn, mà đặc biệt là “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng CNSH ở Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2008 (Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg), với mục tiêu phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNSH vào sản xuất và đời sống; xây dựng ngành công nghiệp sinh học (CNgSH) - một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm chủ lực, thiết yếu, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế; tập trung nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư đối với CNSH, hình thành và phát triển thị trường CNSH để CNSH của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực thiết yếu đạt trình độ, tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2020.

 

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 50, nhiều kết quả quan trọng bước đầu đã đạt được: hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển CNSH được hoàn thiện hơn; cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn lực về CNSH được quan tâm đầu tư; nhiều giống cây năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, chống chịu với các điều kiện sinh thái bất lợi đã chọn tạo được; công nghệ gen đã có những hỗ trợ hữu hiệu cho việc chẩn đoán và theo dõi các bệnh không truyền nhiễm,… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế đã được chỉ ra, ví dụ như: “trình độ CNSH trong nước vẫn chưa đạt như kỳ vọng; CNgSH chưa trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật công nghiệp cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực và chưa có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Các phòng thí nghiệm CNSH được đầu tư với kinh phí lớn, nhưng hiệu quả thấp, chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhân lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, quản lý và sản xuất kinh doanh CNSH còn nhiều hạn chế, bất cập, còn ít các doanh nghiệp, khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Thiếu sự liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp và thị trường. Nhiều mô hình ứng dụng mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, chậm nhân ra diện rộng trong sản xuất và đời sống” [1].

 

Để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 50, ngày 21/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 553/2017/QĐ-TTg, phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển CNSH đến năm 2030”, với mục tiêu: “tập trung nguồn lực đầu tư phát triển CNgSH, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ CNSH trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng”.

 

Theo thời gian, CNSH nước ta đã có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. CNgSH từng bước được hình thành; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm CNSH trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đội ngũ cán bộ nghiên cứu về CNSH tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên: “CNSH vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh KH&CN phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới; CNgSH chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNSH còn nhiều hạn chế, bất cập” [2].

 

Từ những các hạn chế, yếu kém về CNSH của Việt Nam, tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, ban hành ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển CNSH trong thời gian tới là: “Tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành CNgSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước”.

 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: xác định phát triển và ứng dụng CNSH là nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương,…; xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội và các mô hình thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách mới/vượt trội để tạo đột phá phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng Đề án phát triển CNgSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực công thương; xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, Đề án hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi và Đề án ươm tạo doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNSH quy mô công nghiệp; xây dựng Đề án hợp tác quốc tế về phát triển và ứng dụng CNSH,… Ngày 28/12/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 của Chính phủ, với nhiều giải pháp cụ thể như: tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 189/NQ-CP và các quy định pháp luật liên quan đến phát triển và ứng dụng CNSH, tạo sự thống nhất trong nhận thức; rà soát hệ thống hóa các quy định pháp luật về phát triển và ứng dụng CNSH; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm CNSH; xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội và các mô hình thí điểm tạo đột phá phát triển và ứng dụng CNSH trong một số lĩnh vực có lợi thế; xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Đề án sở hữu trí tuệ về sản phẩm CNSH, Đề án thống kê, đánh giá tỷ trọng đóng góp của CNSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội,…

 

Tại TP.HCM, một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, KH&CN hàng đầu của cả nước, việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của người dân rất được quan tâm. Với sự ra đời của Nghị quyết 36 NQ/TW, vai trò của CNSH đối với ngành y lại càng được Lãnh đạo Thành phố quan tâm hơn nữa. Ngày 21/6/2023, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 42-CTrHĐ/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Cụ thể hóa các chủ trương này, ngày 12/1/2024, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 42-CTrHĐ/TU, xác định định hướng phát triển, ứng dụng CNSH trong y, dược tại Thành phố tập trung theo 2 nội dung: (1) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Trong đó, tập trung nghiên cứu và ứng dụng vào các kỹ thuật, công nghệ gen, công nghệ tế bào gốc, công nghệ vi sinh vật, công nghệ enzyme và protein, công nghệ di truyền,… để tạo ra các sản phẩm y - dược thế hệ mới, các loại thuốc sinh học, vaccine, các quy trình chẩn đoán đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh và thử nghiệm dược phẩm; nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc; nghiên cứu phát triển các thuốc công nghệ cao, thuốc có nguồn gốc sinh học; ứng dụng công nghệ giải mã gen hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu về bộ gen người tại Việt Nam; (2) Xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án “Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu tại TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.

 

Có thể nói, tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cả Trung ương và tại địa phương, đã và đang tạo ra “bệ phóng” vững chắc cho CNSH và CNgSH, một trong những lĩnh vực đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kỳ vọng đặt ra cho CNSH và CNgSH Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam trở thành “một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh CNSH”; tầm nhìn đến năm 2045 “là quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. CNgSH đóng góp 10-15% vào GDP”, là rất lớn, nên cũng sẽ nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay góp sức hơn nữa của các ngành, các cấp, tạo ra được những đột phá về cơ chế chính sách, đồng hành tốt cùng các nhà khoa học và doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

BBT

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư TW Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phụ vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[2] Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập