Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Sử dụng chế phẩm thảo dược có nguồn gốc từ tự nhiên trong thức ăn chăn nuôi, góp phần cải thiện sức khỏe tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng sinh trưởng và phát triển của gia súc và gia cầm, nhờ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2023 cho thấy, tổng số gia cầm trong nước đạt 559,4 triệu con, tăng 2,26% so với năm trước. Số lượng gia súc đạt 34,01 triệu con, tăng 2,04%. Trong đó, lợn (heo) chiếm khoảng 75%.

Số lượng gia súc và gia cầm giai đoạn 2019-2023 (Nguồn: Tổng cục thống kê)

 Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn công nghiệp năm 2023 ước đạt 20 triệu tấn. Trong đó, thức ăn cho heo chiếm khoảng 55,7% (tương đương 11,15 triệu tấn) và thức ăn cho gia cầm chiếm khoảng 40,8% (khoảng 8,17 triệu tấn). Để đáp ứng nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN), năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu.

Nhằm giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu TACN và tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất chế biến TACN trong nước, tháng 12/2023, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030” đặt mục tiêu đạt sản lượng 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030. Một trong những mục tiêu cụ thể được đề ra là công nghiệp hóa việc sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế, trong đó có chế phẩm thảo dược.

 

Một số nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm thảo dược trong thức ăn chăn nuôi

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc bổ sung chế phẩm thảo dược vào TACN không chỉ hỗ trợ phòng ngừa một số bệnh trên vật nuôi mà còn cải thiện tốc độ tăng trưởng. Năm 2018, nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm thảo dược thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi lợn” của TS. Nguyễn Tài Năng và cộng sự (Trường đại học Hùng Vương) đã hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm từ bốn loài thảo dược: cỏ xước, riềng, cỏ sữa, rẻ quạt. Quy trình đơn giản, dễ thực hiện, không yêu cầu trang thiết bị phức tạp, sử dụng nguyên liệu có sẵn trong nước, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng tính chủ động trong sản xuất TACN. Chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn và có thể thay thế hoàn toàn kháng sinh tổng hợp trong TACN. “Nghiên cứu tạo chế phẩm thảo dược bổ sung vào thức ăn chăn nuôi giúp phòng ngừa tiêu chảy và cải thiện tăng trưởng trên heo, gà” của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã phát triển thành công chế phẩm thảo dược BIOHEVI từ các thảo dược như đinh hương, cam thảo bắc và xuyên tâm liên, với tỷ lệ phối trộn 1:1:1. Các thử nghiệm cho thấy, BIOHEVI có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng, tăng khả năng chuyển hóa thức ăn, giúp heo, gà hấp thu thức ăn tốt hơn, nhờ vậy, tăng trọng lượng của heo gà. Nghiên cứu đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu vào năm 2020.

Chế phẩm thảo dược BIOHEVI (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)

Các chuyên gia từ Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đã tiến hành một số dự án nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm Biovita (Thảo mộc Việt), thành phần chính là tỏi, nghệ, gừng, phối trộn vào TACN heo và gà, cho kết quả khá tốt. Cụ thể, tháng 1/2020, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Lâm Minh Thuận đã có báo cáo về đàn heo sau hơn một năm sử dụng chế phẩm Biovita. Nhóm heo sử dụng chế phẩm này hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, tăng trọng bình quân cao hơn 6,3 kg/con so với nhóm không sử dụng, với tỷ lệ tiêu tốn thức ăn là 2,52 (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 3,15 ở nhóm heo không sử dụng Biovita). Theo đánh giá của ông Trần Tâm (Xí nghiệp Vissan Bình Thuận), việc nuôi heo ứng dụng chế phẩm Biovita đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi công nghiệp bình thường từ 550-600 ngàn đồng một con. Cùng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã hỗ trợ kinh phí cho hai dự án chăn nuôi gà ta, mỗi dự án nuôi 1.000 con. Các dự án này sử dụng chế phẩm Biovita trong TACN. Kết quả cho thấy, gà sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, từ đó giảm đáng kể việc sử dụng thuốc thú y, tạo ra sản phẩm thịt gà sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Năm 2023, dự án “Ứng dụng chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược Biovita trong chăn nuôi gà ta lai chọi theo hướng an toàn kết hợp chăn thả tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước” do Công ty TNHH Thực hành sản xuất Nông nghiệp Vinafarm thực hiện đã triển khai 2 mô hình thí nghiệm chăn nuôi và một mô hình liên kết, quy mô 5.000 con mỗi mô hình, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Tháng 6/2024, dự án được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế và được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước nghiệm thu.

Sản phẩm Biovita Thảo mộc Việt (Nguồn: https://www.deheus.com.vn/)

Để thúc đẩy chăn nuôi an toàn, năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn sử dụng trong thức ăn chăn nuôi” với tổng kinh phí thực hiện hơn 11 tỷ đồng. Dự án do Trường đại học Hùng Vương chủ trì thực hiện và đã được nghiệm thu vào năm 2023. Dự án đã tạo ra chế phẩm thảo dược HP02 (dùng cho gia cầm) và HS02 (dùng cho gia súc) bổ sung vào TACN đã được chứng minh hiệu quả từ khâu sản xuất đến thực nghiệm, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp ở gà (từ 0,7-2,22%) và ở heo (từ 6,2-10,6%); giảm chi phí thuốc thú y; giảm tỷ lệ mất nước trong quá trình bảo quản và chế biến thịt từ 11,5-25%. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng xây dựng thành công quy trình sản xuất chế phẩm thảo dược dùng bổ sung trong TACN heo và gia cầm, sử dụng hoàn toàn nguồn dược liệu thô trong nước, không nhập khẩu hoạt chất hoặc nguyên liệu từ nước ngoài, sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thú y triển khai, ứng dụng. Kết quả của dự án giúp doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi có cơ sở khoa học và thực tiễn để chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng không sử dụng kháng sinh tổng hợp.

***

Kết quả từ các nghiên cứu và dự án thực tiễn cho thấy, việc sử dụng chế phẩm thảo dược trong chăn nuôi gia súc và gia cầm mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Các sản phẩm như HP02, HS02, BIOHEVI và Biovita đã chứng minh khả năng phòng ngừa bệnh tật, cải thiện khả năng chuyển hóa thức ăn, tăng cường sức đề kháng và cải thiện trọng lượng ở vật nuôi. Từ đó, giúp gia súc và gia cầm sinh trưởng khỏe mạnh, không có tồn dư kháng sinh; sản phẩm thịt thu được đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nguyên liệu thảo dược từ tự nhiên có sẵn trong nước còn giúp giảm chi phí chế biến và tạo sự chủ động trong sản xuất. Sử dụng chế phẩm thảo dược trong chăn nuôi còn góp phần thực hiện đề án Phát triển công nghiệp chế biến TACN của nước ta, hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 của Chính phủ.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. https://nsti.vista.gov.vn/
[2] Thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[3]Tổng cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn/
[4] Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030.
[5] Cục chăn nuôi. http://cucchannuoi.gov.vn/thi-truong-tacn/day-la-mat-hang-co-bao-nhieu-trung-quoc-thu-mua-bay-nhieu-viet-nam-thu-gan-150-trieu-usd-trong-2-288511
[6] Tạp chí kinh tế Việt Nam. https://vneconomy.vn/nganh-chan-nuoi-van-nhap-sieu-khung.htm
[7] Minh Tiến. Nuôi gà bằng thảo dược hướng đi mới cho hộ chăn nuôi. https://khuyennongbinhdinh.vn/tin-tuc/binh-dinh-nuoi-ga-bang-thao-duoc-huong-di-moi-cho-ho-chan-nuoi-24
[8] Ứng dụng thảo mộc trong chăn nuôi tạo ra thịt sạch, an toàn cho người tiêu dùng Việt. https://www.deheus.com.vn/kham-pha-va-hoc-hoi/tin-tuc/ung-dung-thao-moc-trong-chan-nuoi-tao-ra-thit-sach-an-toan-cho-nguoi-tieu-dung-viet.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập