Trong ấn bản phẩm “WIPO Technology Trends 2019: Artificial Intelligence”, ông Francis Gurry (Tổng Giám đốc WIPO) đã chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo là một mặt trận kỹ thuật số mới, tác động sâu sắc đến toàn thế giới, thay đổi cách chúng ta sống và làm việc”.
Với câu hỏi “Trí tuệ nhân tạo là gì?”, có rất nhiều định nghĩa được đưa ra: tác giả Văn Toản, dẫn nguồn JavaTpoint, trong bài viết “Một số câu hỏi thường gặp về trí tuệ nhân tạo” đăng trên Báo Nhân dân điện tử (ngày 3/3/2023), cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ khoa học máy tính nhấn mạnh việc tạo ra máy móc thông minh có thể bắt chước hành vi của con người. Ở đây, máy móc thông minh có thể được định nghĩa là những cỗ máy có thể hành xử như con người, suy nghĩ như con người và cũng có khả năng ra quyết định”. Một bài viết khác, “What is AI?” của tác giả Will Douglas Heaven đăng trên Tạp chí MIT Technology Reviews (10/7/2024), thì AI là thuật ngữ chung cho tập hợp các công nghệ giúp máy tính thực hiện những công việc mà con người cho là cần phải có trí thông minh. Cũng với tựa đề “What is AI?”, theo các tác giả Cole Stryker và Eda Kavlakoglu chia sẻ trên website của Công ty IBM (16/8/2024), AI là công nghệ cho phép máy móc tính toán, mô phỏng khả năng của con người trong học tập, hiểu biết, ra quyết định, giải quyết vấn đề, sáng tạo và tự chủ.
Cho dù các tác giả khác nhau, sử dụng những thuật ngữ khác nhau, nhưng tựu trung lại, các quan điểm này đều hướng đến việc khẳng định “trí tuệ nhân tạo” bao gồm các thành tố: có sự tham dự của “máy móc”, có sự vận dụng “trí thông minh con người” để “tạo ra sản phẩm một cách chủ động, sáng tạo”. Khả năng sáng tạo ra sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi thế giới và cuộc sống của nhân loại. Do vậy, AI đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và được thúc đẩy phát triển mạnh tại nhiều quốc gia, với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Rất quan tâm và nhận thức rõ tầm quan trọng của AI, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI.
Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”, với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Kỳ vọng của hoạt động này, đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN; cũng như xác định rõ định hướng phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thực hiện Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 11/6/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm (phiên bản 1.0). Đây là văn bản đầu tiên ở nước ta nêu ra một số nguyên tắc chung cần chú ý trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI một cách có trách nhiệm. Trong Quyết định này, AI được xác định là “công nghệ hướng đến việc mô phỏng trí thông minh của con người bằng cách sử dụng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính”.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Báo VnExpress đã phối hợp Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo - AI4VN 2024 với chủ đề “Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” vào ngày 23/8/2024. Chia sẻ tại sự kiện này, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nước ta đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ sau hơn 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Công nghệ AI đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Thực vậy, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI: với lĩnh vực Tài chính, AI phân tích văn bản và giọng nói, hỗ trợ giao dịch tần suất cao và dự đoán xu hướng thị trường; với ngành Y tế, AI giúp xử lý nhanh và chính xác hình ảnh y tế, cho phép dự đoán bệnh và cải thiện kết quả chẩn đoán; với ngành Bán lẻ, AI dự báo nhu cầu, tối ưu hóa giá cả, và quản lý sản phẩm theo các sự kiện thời tiết; phục vụ cho các ngành Sản xuất, AI cho phép dự đoán và ngăn ngừa sự cố máy móc, tối ưu hóa quy trình sản xuất với chi phí thấp hơn,...
Theo các chủ trương, chiến lược của quốc gia, cũng như quyết tâm chính trị của lãnh đạo Thành phố, đến năm 2030, TP.HCM, sẽ trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tầm khu vực ở châu Á. Do vậy, các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ AI được Thành phố rất quan tâm từ rất sớm. Ngay từ năm 2017, TP.HCM đã xem AI là thành tố quan trọng không thể thiếu trong Đề án xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh. Lãnh đạo Thành phố đã chủ trương đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống. UBND Thành phố đã thành lập Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM trong giai đoạn 2020-2030” (ngày 7/11/2020); Thành phố cũng chỉ đạo đưa nội dung về AI vào giảng dạy thí điểm và ứng dụng trong lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế để tăng chất lượng phục vụ. Ngày 23/2/2021, Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” đã được UBND Thành phố ban hành (Quyết định số 575/QĐ-UBND).
Gần đây, Kế hoạch số 6497/KH-UBND về việc “Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” cũng đã được UBND Thành phố ban hành vào ngày 27/12/2023. Với các chỉ tiêu: hình thành được hệ sinh thái AI tại Thành phố; thúc đẩy gia tăng 20%/năm số lượng các công trình khoa học, bằng độc quyền sáng chế/GPHI hoặc quyền tác giả (đối với phần mềm) về AI hoặc ứng dụng AI tại Thành phố; hàng năm gia tăng 10% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp số phát triển, ứng dụng AI và gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI; hàng năm tăng 10% nhân lực AI đạt chất lượng phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và ứng dụng AI phục vụ đời sống kinh tế, xã hội Thành phố; phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức có ứng dụng AI phục vụ công tác quản lý nhà nước , kế hoạch thể hiện nỗ lực rất lớn của Thành phố nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” và phấn đấu đưa TP.HCM trở thành trung tâm hàng đầu cả nước về nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng và phát triển nền tảng công nghệ AI.
Có thể thấy, cùng với xu thế phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như công tác quản lý hành chính nhà nước là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển Thành phố nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, đồng thời là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, cùng với những bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, cơ hội phát triển cho ngành AI là rất lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay Chính phủ vừa điều chỉnh Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” (Quyết định số 1017/QĐ-TTg, ngày 21/9/2024), trong đó thống nhất bổ sung phạm vi phát triển nguồn nhân lực về AI. Gần hơn nữa, một dự án luật mới (Luật Công nghiệp công nghệ số) nhằm phát triển ngành công nghiệp công nghệ số cũng đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (ngày 8/10/2024). Trong đó, các nhà soạn thảo đã dành riêng một chương quy định về AI, với định hướng là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Một khi đã được luật hóa, hành lang pháp lý chặt chẽ sẽ giúp AI có điều kiện phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho các nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.
BBT