Dứa (hay còn gọi là thơm, khóm) là một trong những loại cây ăn quả có hương vị thơm ngon, được trồng rất phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế và có tiềm năng xuất khẩu. Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến hướng đến phát triển bền vững, các sản phẩm từ dứa ngày càng trở nên đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tại Việt Nam, cây dứa được trồng trải dài từ Bắc đến Nam, phát triển tốt ở nơi có đất nhiễm phèn, chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Tiền Giang, Hậu Giang, Long An,... Theo ThS. Nguyễn Nhật Trường (Viện Cây ăn quả miền Nam), dứa được chia thành nhiều loại, trong đó hai loại dứa được trồng thương mại phổ biến nhất ở Việt Nam là nhóm dứa Queen và nhóm dứa Cayenne. Cả hai loại này đều có năng suất cao, chất lượng thịt quả khá ngon và có khả năng kháng bệnh tốt. Dứa không chỉ được tiêu thụ tươi mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như nước ép, mứt, dứa sấy khô và nhiều sản phẩm khác. Các phụ phẩm của cây dứa như thân, lá cũng được tận dụng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phân hữu cơ,… Nhờ được thị trường đón nhận tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, nhiều giải pháp công nghệ đã được nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Nghiên cứu các biện pháp canh tác và nhân rộng
Theo ThS. Nguyễn Nhật Trường, công tác nhập nội, so sánh và tuyển giống chọn giống dứa phù hợp với đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam đã thực hiện từ rất sớm. Một số giống đã được tuyển chọn và công nhận như dứa Cayenne Chân Mộng và Cayenne Trung Quốc (1996), dứa Cayenne Long Định 2 (2006), dứa MD2 (2017), dứa Queen Mauritius (2018), dứa lai LĐ-13 (2018),… Để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về chất lượng sản phẩm tiêu thụ trong nước đạt chuẩn xuất khẩu, các nghiên cứu về tuyển chọn giống dứa mới có năng suất cao, chất lượng tốt kết hợp các mô hình sản xuất dứa đạt chuẩn vẫn liên tục được triển khai. Các nghiên cứu gần đây như nghiên cứu “Trồng dứa thương phẩm” do Hợp tác xã DVNN-XDTH Tân Thủy (tỉnh Quảng Bình) thực hiện từ năm 2018, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lệ Thủy, đã hoàn thiện quy trình trồng dứa thương phẩm cho vùng gò đồi xã Tân Thủy, tạo ra khoảng 120 tấn sản phẩm dứa với trọng lượng mỗi quả đạt từ 0,5kg, đáp ứng tiêu chuẩn thu mua của các đầu mối. Thành công của nghiên cứu không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho người trồng mà còn góp phần chuyển đổi đất trồng keo, tràm kém hiệu quả sang trồng dứa thương phẩm. Bên cạnh đó, để thích ứng với điều kiện nắng nóng và đất mặn, đồng thời tận dụng triệt để quỹ đất trống, năm 2021, tại huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) trên các vùng đất trống bờ bao vuông tôm các hộ dân triển khai mô hình trồng dứa, mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân. Từ thực tiễn trồng dứa tự phát của người dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), để có đánh giá bài bản khoa học, năm 2023, xã Hương Sơn đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất dứa trái vụ tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang”, kết quả đã thành công mô hình sản xuất dứa trái vụ tại xã Hương Sơn, diện tích 6 ha (vụ sớm 4 ha, vụ muộn 2 ha) mang hiệu quả kinh tế tăng 20% so với sản xuất dứa chính vụ, từ đây triển khai hướng dẫn tập huấn kĩ thuật cho người dân, giúp người dân có kế hoạch trồng và thu hoạch rải vụ, giảm tình trạng được mùa mất giá. Một số nghiên cứu đang được triển khai như “Nghiên cứu lựa chọn giống và biện pháp kỹ thuật sản xuất Dứa hàng hóa trên đất dốc kém hiệu quả tại tỉnh Sơn La”, triển khai từ tháng 05/2022 với mục tiêu từ 4 giống dứa Queen, Cayenne, Cayenne H180 và MD2 tuyển chọn được giống dứa phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời xây dựng được mô hình canh tác dứa bền vững cho năng suất trung bình đạt 25-30 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so với sản xuất đại trà. Một nghiên cứu khác của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai về “Nghiên cứu thử nghiệm một số giống dứa có năng suất cao chất lượng tốt và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap”, được triển khai từ tháng 11/2023 với mục tiêu trồng 2 giống dứa mới theo tiêu chuẩn VietGap đạt năng suất 160 tấn.
Nghiên cứu cơ giới hóa công tác thu hoạch
Bên cạnh việc nâng cao năng suất và chất lượng dứa thông qua nâng cao chất lượng giống và áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại, năm 2018, PGS.TS. Nguyễn Thanh Quang cùng các cộng sự tại Công ty Cổ phần Thiết bị chuyên dùng Việt Nam (Hà Nội), đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo một số thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa một số khâu trong thu hoạch một số loại cây ăn quả tại vùng Tây Nam Bộ”, trong đó có cây dứa. Kết quả, năm 2020, nhóm đã thiết kế và chế tạo thành công thiết bị tự động thu hoạch cây dứa bao gồm: liên hợp máy thu hoạch quả dứa, xuồng chuyên dùng để vận chuyển liên hợp máy thu hoạch và vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, thùng thông minh đựng sản phẩm; liên hợp máy được tích hợp công nghệ xử lý ảnh với trí tuệ nhân tạo, tự động nhận diện quả dứa và điều khiển đến vị trí cần cắt, cắt và đưa vào thùng chứa; đáp ứng yêu cầu tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm chi phí nhân công so với thu hoạch thủ công. Một nghiên cứu khác vào năm 2022 của Trường Đại học Lâm nghiệp và Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận về “Nghiên cứu động lực học chuyển động tay máy robot thu hoạch dứa tự động trên cánh đồng”, đã đề xuất thuật toán điều khiển kết hợp ước tính nhiễu môi trường (PD+PE) khi sử dụng tay máy tự động thu hoạch dứa trong môi trường thực, kết quả cho thấy tay máy đã di chuyển đến vị trí quả dứa cần cắt đạt đến 95%. Thành công trong việc tự động hóa quy trình thu hoạch dứa góp phần nâng cao năng suất và sản phẩm thu được, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Chế biến và gia tăng giá trị sản phẩm từ cây dứa
Chế biến là một trong những lĩnh vực quan trọng giúp gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm. Đối với sản phẩm dứa tươi, thông thường được thu mua và chế biến thành các loại nước ép dứa, dứa đóng lon, dứa sấy, mứt dứa,… Các phụ phẩm của cây dứa (thân, lá) thường được dùng làm chất đốt hoặc thải bỏ. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã triển khai các đề tài, dự án để tận dụng tối đa giá trị phụ phẩm này.
Năm 2018, TS. Trần Tấn Việt và cộng sự (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và khai thác phụ phẩm của cây dứa Cayenne (Ananas Comosus) tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long”, bên cạnh việc xác định dứa Cayenne lai (MD2) thích hợp thay thế giống dứa Queen đang thoái hóa, nhóm đã khảo nghiệm và trồng thành công giống dứa MD2 tại vùng đất phèn cho kết quả khả quan (năng suất 20 tấn/ha/năm). Bên cạnh đó, từ phế phẩm dứa, đề tài đã ứng dụng công nghệ hiện đại tinh sạch enzyme bromelain và công nghệ sấy tinh hoa tạo hạt bromelain, sản xuất thành công viên nang bromelain với hoạt tính sinh học cao, mở ra triển vọng sản xuất bromelain quy mô công nghiệp. Một số quy trình chế biến cũng được nhóm nghiên cứu và hoàn thiện như quy trình chế biến thịt quả dứa thành kẹo, mứt và thức uống lên men; quy trình ủ chua bã dứa làm thức ăn gia súc; quy trình đồng ủ thân lá cây dứa với rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ vi sinh.
Năm 2019, Trường Đại học Lâm nghiệp triển khai đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị tách sợi tự nhiên từ bẹ chuối, lá dứa bằng phương pháp cơ học tạo nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ”, chế tạo thành công thiết bị tách sợi từ lá dứa với năng suất 200kg/giờ, cho thấy khả năng áp dụng quy mô công nghiệp và các làng nghề, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta. Phụ phẩm thải ra sau quá trình tách sợi tiếp tục được Trường Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu tận thu giá trị. Đến năm 2022, thông qua đề tài “Nghiên cứu sử dụng phụ phẩm trong quá trình tách sợi bẹ chuối, lá dứa làm phân hữu cơ”, phụ phẩm trên đã được phối trộn với chế phẩm Trichoderma và phân chuồng để làm phân hữu cơ.
Lá dứa cũng được các nhà khoa học nghiên cứu, chế biến thành tơ sợi. Năm 2024, Bảo Lân Textile và Ecofa Việt Nam đã phát triển thành công quy trình sản xuất tơ, sợi, vải sinh thái từ xơ lá dứa với số lượng lớn, mang tên Ananas. Sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu thời trang xanh mà còn tạo sinh kế cho nông dân và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Đưa nông sản Việt tiến xa hơn
Để ngành dứa phát triển bền vững, việc gắn với thương hiệu cộng đồng là một hướng đi phù hợp, một công cụ hiệu quả trong sản xuất và thị trường, đưa nông sản Việt tiến xa hơn ra các thị trường mới. Nhiều nghiên cứu nhằm phát triển nhãn hiệu cộng đồng đã được triển khai, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, ví dụ như: nghiên cứu “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dứa Mường Khương” cho sản phẩm dứa của huyện Mường Khương” năm 2017, được cấp GCN năm 2020; “Nghiên cứu, xây dựng và phát triển thương hiệu Dứa Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc” năm 2018 (GCN cấp năm 2021); nghiên cứu “Xây dựng nhãn hiệu tập thể Dứa Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk” năm 2020 (GCN cấp năm 2023); nghiên cứu “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dứa Lạng Giang” cho sản phẩm dứa của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang” năm 2022 (được cấp GCN năm 2024),…
***
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn tạo giống, các mô hình canh tác hiện đại, chế biến sản phẩm đa dạng và bảo vệ sở hữu trí tuệ đã nâng cao uy tín sản phẩm, gia tăng niềm tin của người tiêu dùng, tạo ra những bước tiến đáng kể trong phát triển bền vững ngành dứa Việt Nam, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Kim Nhung
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia https://nsti.vista.gov.vn/
[2] Thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[3] Cục Sở hữu trí tuệ. https://ipvietnam.gov.vn/home.
[4] Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp. https://journal.vnuf.edu.vn/vi/article/view/458/383.
[5] Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. http://tapchinongnghiep.vn/tap-chi/view/3991
[6] Tạp chí Tài nguyên và Môi trường. https://tainguyenvamoitruong.vn/nghien-cuu-ung-dung-phe-pham-nong-nghiep-ba-sa-va-than-cay-dua-dai-vung-nam-bo-de-giam-thieu-tac-hai-moi-truong-cid1677.html
[7] ThS. Nguyễn Nhật Trường. Chọn tạo và nhân giống dứa cho sản xuất. http://udcncd.vnua.edu.vn/doc/2.pdf
[8] OECD. Artificial Intelligence in Science-Challenges, Opportunities and the Future of Research.
[8] Lần đầu tiên sản xuất đại trà tơ, sợi, vải sinh thái từ xơ lá dứa. https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-san-pham-dich-vu/lan-dau-tien-san-xuat-dai-tra-to-soi-vai-sinh-thai-tu-xo-la-dua-20240924093942433.htm
[9]TrúcLinh.Khómngọttrênvùngđấtmặn.https://ngochien.camau.gov.vn/wps/portal/1dmy&page=trangchitiet&urile=wcm%3Apath%3A/huyenngochienlibrary/ngochiensite/tintucsukien/kinhte/khomtrenvungdatmam