Cây xanh giúp giảm thiểu nhiệt độ, cải thiện chất lượng không khí và tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho môi trường và con người. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng nhanh, việc bảo vệ và phát triển cây xanh là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì cân bằng sinh thái..
Lợi ích từ cây xanh đô thị
Cây xanh là thành phần quan trọng của các hệ sinh thái và cảnh quan đô thị. Cây xanh đóng vai trò quan trọng quá trình thanh lọc khí quyển và điều hòa vi khí hậu, làm thay đổi chất lượng không khí bằng cách tác động đến quá trình lắng đọng và phân tán các chất ô nhiễm không khí. Trồng cây xanh giúp giảm bức xạ mặt trời chiếu vào các bề mặt như nhựa đường và bê tông, giảm nhiệt lượng lưu trữ tạm thời trong các vật liệu. Lá thoát hơi nước trong quá trình hô hấp làm tăng thông lượng nhiệt tiềm ẩn, giúp giảm nhiệt độ không khí bên trong tán cây. Cây cũng tạo ra các hàng rào chắn gió, kiểm soát nước mưa. Hệ thống rễ cây giúp giữ nước, giảm tình trạng ngập úng, chống xói mòn đất và bảo vệ môi trường đô thị,… Ngoài ra, cây xanh còn giúp duy trì đa dạng sinh học, do tạo ra môi trường sống cho nhiều loài vi sinh vật, côn trùng, chim chóc và động vật nhỏ.
Thực trạng cây xanh tại các đô thị
Với đặc điểm mật độ dân cư ngày càng cao, nhu cầu về đất đai và không gian sống tăng nhanh, khiến cho diện tích trồng cây xanh ở đô thị ngày càng bị thu hẹp để dành không gian cho xây dựng. Quá trình xây dựng công trình nhà cửa, cơ sở hạ tầng, giao thông, bê tông hóa làm giảm lượng nước ngầm và gây ra khô hạn cho hệ thống rễ cây. Việc đào bới đất gần gốc có thể phá hủy rễ cây, ảnh hưởng đến sự ổn định và sức sống của cây trồng. Cùng với sự gia tăng dân số, lượng phương tiện giao thông vận tải ngày càng nhiều, khiến lượng khí thải (CO2, NOX và các hợp chất hữu cơ bay hơi - VOC) ngày càng tăng cao, làm giảm khả năng quang hợp, khiến cây không tạo đủ năng lượng để phát triển. Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc sẽ gây tích tụ ở trong đất, cùng với các chất thải từ khu công nghiệp (chì, thủy ngân, cadmium, hợp chất hữu cơ độc hại,…) thấm vào đất và nước ngầm gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật trong đất, phá vỡ cân bằng dinh dưỡng tự nhiên, khiến suy giảm khả năng sinh trưởng của cây.
Bên cạnh đó, nhiều loại cây xanh đô thị không được trồng, chăm sóc đúng cách, ví dụ như trồng cây còn nguyên bọc bầu đất bằng vật liệu không tự phân hủy sẽ ngăn cản sự phát triển tự nhiên của cây, rễ không thể lan ra bám vào đất, hấp thụ nước và dinh dưỡng; cây sinh trưởng kém và rất dễ bị ngã đổ. Việc chăm sóc, cắt tỉa chưa đúng cách, quá mức cũng khiến cây mất khả năng quang hợp, giảm sức đề kháng trước các yếu tố môi trường, dịch bệnh hoặc cắt tỉa không đúng thời điểm gây ra stress, cũng làm cây yếu dần. Một số nơi còn chưa thực sự theo dõi, giám sát thường xuyên các dấu hiệu bệnh của cây như vàng lá, sâu bệnh, hoặc rễ bị hư hại khiến cho cây mất dần sức sống, dễ bị chết và gãy đổ.
Cây xanh bật gốc còn giữ nguyên bọc bầu (Nguồn: kinhtemoitruong.vn)
Một số nghiên cứu bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị
Tại TP.HCM, cây xanh đô thị là nội dung rất được các nhà quản lý quan tâm. Từ năm 2004, UBND Thành phố đã có Quyết định số 199/2004/QĐ-UB, quy định về quản lý công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn. Đến năm 2011, Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025 được Thành phố phê duyệt (Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND).
Các nhà khoa học tại Thành phố cũng rất nhanh chóng nhập cuộc. Năm 2015, nhóm nghiên cứu của ThS. Ngô Thùy Trâm (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM) đã tiến hành điều tra thu thập một số loại nấm lớn gây mục gỗ đối với cây xanh đường phố trên địa bàn vùng 1 của TP.HCM; tuyển chọn và thử nghiệm hiệu lực của chủng nấm Trichoderma sp. Tiềm năng có khả năng đối kháng tốt với nấm gây bệnh trên cây xanh đường phố.
Năm 2017, TS. Trần Viết Mỹ (Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp TP.HCM) đã tiến hành nghiên cứu các cơ sở khoa học về tiêu chí quy hoạch chủng loại cây xanh cho từng nhóm tuyến đường nội thành TP.HCM nhằm thích nghi với điều kiện sinh thái đô thị và biến đổi khí hậu; xác lập các tiêu chí và đề xuất danh mục các chủng loại cây xanh đường phố, chọn lựa loài cây xanh để bảo tồn, trồng mới và thay thế; đề xuất giải pháp hình thành hệ thống cây xanh ổn định trên các tuyến đường nội thành, đặc biệt đối với việc bảo tồn các cây xanh cổ thụ phù hợp với định hình theo quy hoạch. Cũng trong năm này, đề tài nghiên cứu “Xác định nguy hại, đánh giá rủi ro và quản lý an toàn cây xanh đường phố tại TP.HCM” cũng được nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Lan Thi (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM) tiến hành. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá 600 cá thể thuộc 21 loài cây xanh đường phố thuộc các nhóm cây thường xuyên gãy đổ, tét nhánh; nhóm cây gỗ lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại và nhóm cây tiềm năng; xây dựng CSDL về một số đặc điểm hình thái và sử dụng như cơ sở dữ liệu để so sánh với cây bị khiếm khuyết khi cần thiết. Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ chiều cao trên đường kính gốc của cây bị khiếm khuyết trong đa số trường hợp đề thấp hơn so với cây bình thường. Cũng có thể dùng chỉ số kích thước lá để theo dõi sự suy giảm sức khỏe của bộ rễ của cây và tình trạng sức khỏe của cả cây. Công tác vườn ươm cần phải đảm bảo hệ rễ không mọc vòng quanh trong một không gian hẹp để tránh hiện tượng “cây tự siết và thắt cổ”. Khi di dời cây, cần tôn trọng vùng bảo vệ rễ để cây có khả năng tiếp tục sống và phát triển. Khi trồng, cần chuẩn bị không gian trồng rộng (tối thiểu khoảng 1,2-1,5 đường kính tán cây). Hố trồng không bị bao quanh bởi các vật liệu cứng. Không lấp cổ rễ tránh hiện tượng hệ rễ bị ngộp và tạo rễ mới trồi, rễ vòng dẫn đến hiện tượng “cây tự siết và thắt cổ”. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình đánh giá rủi ro và quản lý an toàn cây xanh đường phố, cũng như sổ tay hướng dẫn chẩn đoán nguy hại và quản lý rủi ro cây xanh đường phố trên địa bàn Thành phố, làm căn cứ cho việc quản lý, quy hoạch cây xanh đô thị tại TP.HCM.
Quy trình đánh giá rủi ro và quản lý cây xanh đô thị tại TP.HCM (Nguồn: cesti.gov.vn)
Không chỉ dừng lại trong địa bàn Thành phố, năm 2018, PGS.TS. Chế Đình Lý cùng nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã tiến hành nghiên cứu kiểm kê, thiết lập cơ sở dữ liệu về cây xanh tại các đô thị trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tính toán chỉ tiêu diện tích xanh trên đầu người theo ảnh vệ tinh. Từ đó, xây dựng tiêu chí đánh giá lựa chọn cây trồng, đánh giá giá trị, tiềm năng của hệ thống cây xanh trên địa bàn tỉnh và đề xuất tập đoàn cây hiện hữu cùng các loài mang đặc trưng của vùng.
Có thể nói, cây xanh đô thị có vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện sức khỏe con người và thích ứng với biến đổi môi trường. Để phát triển cây xanh đô thị bền vững, bên cạnh các giải pháp quản lý hiệu quả (đào tạo nhân lực chuyên môn, quy hoạch đất dành cho cây xanh, quy định loại cây phù hợp,...), cần vận dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào các khâu ươm, trồng và chăm sóc để đảm bảo khả năng sống và sống khỏe cho cây. Ngoài ra, cũng cần nâng cao hơn nữa về nhận thức, cũng như sự chung tay, góp sức của cộng đồng trong công cuộc giám sát, bảo vệ cây xanh đô thị.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Minh Khang. Cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ hàng loạt sau bão số 3: Cơ quan chức năng lý giải gì? https://www.sggp.org.vn/cay-xanh-o-ha-noi-bi-gay-do-hang-loat-sau-bao-so-3-co-quan-chuc-nang-ly-giai-gi-post761957.html
[2] Nguyễn Thị Lan Thi và cs. Xác định nguy hại, đánh giá rủi ro và quản lý an toàn cây xanh đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Trần Viết Mỹ và cs. Nghiên cứu tiêu chí chọn loại cây xanh trên các tuyến đường nội thành của thành phố Hồ Chí Minh.
[4] Các CSDL nghiên cứu khoa học của CESTI